ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 25-4-25 10:34:31
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Ơn Đảng - bài vọng cổ đi cùng năm tháng

Báo Cà Mau (CMO) Nhắc đến Soạn giả Trọng Nguyễn, bao thế hệ khán giả yêu thích vọng cổ, cải lương sẽ nghĩ ngay đến một "cây bút cách mạng", bởi hầu hết những tác phẩm của ông đều mang nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ và tình yêu đôi lứa, quê hương đất nước thời chiến. Mặc dù phục vụ chính trị nhưng ngòi bút của ông không hề khô cứng mà ca từ nhẹ nhàng, dễ đi sâu vào lòng người.

Bài vọng cổ "Ơn Đảng" được xem là một trong số rất nhiều tác phẩm không những ghi đậm thành công trong sự nghiệp sáng tác của ông, mà còn để lại dấu ấn đẹp trong lòng khán giả cho đến hôm nay bởi nội dung vừa man mác, vừa tươi sáng, phù hợp với giai đoạn chuyển mình của đất nước lúc bấy giờ.

Soạn giả Trọng Nguyễn (thứ 3 từ phải qua) tặng hoa cho các nghệ sĩ trong ngày họp mặt.

Bắt đầu con đường sáng tác từ năm 1971, với tác phẩm đầu tay là bài vọng cổ Tây Nguyên. Bốn năm sau đó, tác phẩm thứ hai - Ơn Đảng, như chìa khoá mở ra nguồn cảm hứng bất tận cho rất nhiều tác phẩm tạo tiếng vang sau này như Bạc Liêu ngày ấy, Giọt sữa cuối cùng, Bên sông Vàm Cỏ, Chợ Mới, Đôi mắt, Quê anh quê em, Giọt máu oan cừu, Bóng biển...

Nhắc nhớ về hoàn cảnh ra đời của tác phẩm này, ông tâm sự: "Sau năm 1975, lĩnh vực sáng tác văn nghệ ít có tác giả viết về nội dung ca ngợi Đảng. Nếu bên tân nhạc có ca khúc Đảng đã cho ta một mùa xuân của Nhạc sĩ Phạm Tuyên, thì lĩnh vực cổ nhạc tôi sáng tác Ơn Đảng...".

Có thể nói, Ơn Đảng là "đứa con tinh thần" được "hoài thai" lâu nhất của Soạn giả Trọng Nguyễn. Bởi cảm hứng để sáng tác nên bài vọng cổ này được ông ấp ủ từ năm 1963, khi chàng trai trẻ được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, niềm vui sướng vừa được giác ngộ lý tưởng cách mạng khiến người nghệ sĩ luôn trăn trở mình phải viết một cái gì đó thật hay, thật đẹp. Tuy nhiên, cảm xúc cứ như mạch sóng tuôn trào, nhưng khi đặt bút sáng tác năm lần bảy lượt viết mãi vẫn cứ vướng víu, không thành. "Nghệ thuật đặc biệt lắm, không phải lúc nào muốn ra đời một tác phẩm cũng được mà phải có cơ hội nào đó, một điều kiện nào đó thôi thúc đủ lớn", ông bộc bạch.

Soạn giả Trọng Nguyễn.  Ảnh internet

Mãi đến sau ngày giải phóng năm 1975, lúc này ông giữ chức vụ Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu. Qua bao năm dài mới có dịp về thăm lại quê hương, ấp Bà Hính, xã Quách Phẩm. Đứng trên mảnh đất "chôn nhau cắt rốn" với những vết thương chưa kịp liền bởi một thời chiến tranh đi qua..., cộng hưởng nhiều mạch cảm xúc, tác phẩm Ơn Đảng ra đời như một dòng tâm sự thay lời chào đầy xúc động cho ngày về của đứa con nhiều năm xa xứ...

"Ngày toàn thắng tôi có dịp về thăm quê cũ
Viếng mộ mẹ hiền tôi đứng lặng giây lâu
Chuyện ngày xưa còn oằn nặng cơn sầu
Dòng quay ngược nợ hiếu lòng con thành nước mắt..
."

Soạn giả Trọng Nguyễn mồ côi mẹ từ nhỏ và được sự nâng niu dạy dỗ của người cô ruột. Hình ảnh người mẹ trong bài vọng cổ là hình ảnh của những người phụ nữ tảo tần trong ký ức thời thơ ấu cơ hàn của ông. Ở đó có sự hoài niệm về những "chuyện ngày xưa", ngày mà Soạn giả Trọng Nguyễn còn là cậu bé Nguyễn Phú Xuân hồn nhiên. Đó là những chuỗi ngày tảo tần cơ cực không chỉ riêng cha mẹ ông mà rộng hơn là của đại đa số người dân quê cùng sống chung kiếp tá điền với cuộc sống lầm than không tìm thấy ngày mai... Cũng chính sự đói nghèo đã sớm cướp đi của ông người mẹ. Niềm xúc động của "đứa trẻ mồ côi" và những kỷ niệm ngày ấu thơ cứ theo ông suốt chặng đường dài tham gia cách mạng.

Nếu ở hai câu đầu, soạn giả hoài niệm về một khung trời đầy ký ức tuổi thơ với bao mất mát lầm than, thì sang hai câu sau mạch cảm xúc đã có sự chuyển biến tươi sáng hẳn lên, đầy niềm tin và hy vọng khi có Đảng soi đường. Từ suy nghĩ "Nhờ ơn Đảng cứu sống đời con trong đêm tối kinh hoàng", nên như một sự hiển nhiên "nối gót cha anh con lại lên đường". Đó là sự tiếp bước một dòng sông cách mạng chảy dài qua bao thế hệ của gia đình.

Từ vũng bùn đau thương, những con người kiên trung đã đứng lên và giành lấy độc lập cho quê hương, đất nước. "Mẹ" và "con" trong hai câu vọng cổ sau đã trở nên điển hình hơn, khái quát hơn, đó là hình ảnh đất mẹ Việt nam với những đứa con anh hùng, những đứa con bao năm sống kiếp "những người cơm vãi cơm rơi" nay đã hoàn toàn đứng vững trên đôi chân chính mình để làm chủ đất nước. Ngẩng cao đầu nhìn gấm vóc non sông trong sinh khí vinh quang, độc lập được đổi bằng lớp lớp xương máu của cha ông, bằng dòng máu quật cường qua bốn nghìn năm văn hiến.

Ngày đất nước giải phóng, đất nước mở ra trang sử mới. Soạn giả Trọng Nguyễn đã rất khéo léo khi sử dụng hình ảnh "chân trời rộng" để diễn tả một tương lai đầy hứa hẹn, một niềm tin vững chãi ngày mai chính Đảng sẽ mở ra những con đường tươi sáng cho những bước chân đi lên. Và rồi, để làm chủ ở thời đại mới buộc mỗi cá nhân phải tự ý thức việc "nâng bước con đi, nâng dòng suy nghĩ" để chung tay góp sức cho một sự hồi sinh đầy tươi đẹp.

Câu kết thúc bài vọng cổ "Mỗi việc con làm là vì Đảng vì dân" nhẹ nhàng như một lời tự tình, nhưng qua đó âm vang lời khẳng định ý thức trách nhiệm đối với quê hương đất nước của các thế hệ đi sau.

Ơn Đảng được thể hiện lần đầu qua giọng ca cao vút đặc biệt của nghệ sĩ tài danh Hoài Thanh càng làm cho bài vọng cổ thêm lắng sâu và nhanh chóng nhận được nhiều sự yêu mến của khán giả. Bài vọng cổ Ơn Đảng đã tạo nên dấu ấn hết sức đặc biệt, bởi nó không chỉ gửi trọn những tâm tư tình cảm của soạn giả đối với một lý tưởng cao đẹp cả cuộc đời ông dốc lòng phụng sự, mà còn mang tính tuyên truyền mạnh mẽ trong quần chúng Nhân dân. Để đến hiện tại, mỗi khi kể những tác phẩm đặc sắc của Trọng Nguyễn, người ta không bao giờ quên bài vọng cổ đã đi cùng năm tháng ấy./.

Phúc Phúc

Phim lịch sử trỗi dậy

Từ năm 2023 đến nay, các bộ phim về đề tài lịch sử nhận được sự quan tâm của công chúng. Các nhà làm phim cũng chỉn chu, đầu tư hơn hẳn cho thể loại phim đặc biệt này.

Người giữ hồn văn hoá dân tộc

Bằng niềm đam mê, tâm huyết của mình, nhiều nghệ nhân trên địa bàn tỉnh Cà Mau nói chung, nghệ nhân người Khmer nói riêng đã và đang miệt mài tham gia gìn giữ, truyền dạy, phát huy các giá trị văn hoá của dân tộc mình từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trong đó phải kể đến Nghệ nhân Hữu Văn Kel, ở ấp Cây Khô, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình.

Ðồng bào Khmer đón Tết no ấm

Những ngày qua, đồng bào dân tộc tại xóm Khmer Lớn, Ấp 6, xã Khánh Hoà tất bật trang hoàng nhà cửa, làm cỏ hai bên đường, tập trung tại salatel dọn dẹp vệ sinh, tạo không gian xanh - sạch - đẹp để đón Tết cổ truyền của dân tộc.

Phim trường phục dựng bối cảnh xưa cũ: Nỗ lực lớn của nhà làm phim Việt

Cùng với nội dung và dàn diễn viên chuyên nghiệp, việc tìm đúng bối cảnh để phục dựng tạo nên phim trường chân thực, sát với thời gian, không gian mà phim miêu tả, là nỗ lực lớn của các nhà làm phim, góp phần tạo nên thành công cho tác phẩm.

Tâm huyết bảo tồn chữ viết dân tộc

Với tâm niệm không để ngôn ngữ và chữ viết dân tộc mình bị mai một, nhiều thầy giáo, các vị sư dân tộc Khmer đã âm thầm cống hiến công sức, trí tuệ, truyền dạy ngôn ngữ, chữ viết Khmer cho lớp trẻ. Qua đây, ngày càng có nhiều con em đồng bào Khmer thông thạo ngôn ngữ, chữ viết, cùng nhau giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc.

Tài sản vô giá cho hậu thế

Trở lại năm 2012, khi UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại, niềm vui ấy, sự tự hào lớn lao ấy lan toả khắp cả đất nước Việt Nam. Bởi một lẽ đơn giản, đâu đâu trên mảnh đất hình chữ S này, Vua Hùng cũng được Nhân dân thành kính khói hương.

Thăng hoa cùng nhiếp ảnh

Chàng trai trẻ Cà Mau toả sáng trong giới thời trang

Sinh ra và lớn lên ở huyện U Minh, trong một gia đình khá khó khăn, Huỳnh Ngọc Huấn từ nhỏ đã quyết tâm học tập để mang đến cuộc sống tốt hơn cho cha mẹ. Ðam mê ngành học thời trang, nhưng hiểu điều kiện gia đình không đủ lực để hỗ trợ mình, bởi quá trình học ngành này rất tốn kém, Huấn chuyển sang thi ngành thiết kế nội thất của Ðại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh (Cơ sở Cần Thơ). Huấn kể: “Tôi thi đậu vào trường. Cha mẹ nghe tin con trai đậu đại học thì mừng hơn bắt được vàng, khoe khắp nơi. Nhưng niềm đam mê lại thúc giục tôi rẽ sang lối đi khác”.

Văn hoá truyền thống - Hành trang trưởng thành của giới trẻ

Văn hoá tín ngưỡng từ lâu đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân Cà Mau. Tỉnh có nhiều lễ hội mang đậm bản sắc văn hoá tín ngưỡng địa phương được tổ chức hằng năm như: Lễ hội Nghinh Ông Sông Ðốc, Lễ tế Thần Nông, Lễ vía Bà Thiên Hậu... Không chỉ là nơi gửi gắm tâm linh của người lớn tuổi, các lễ hội này còn thu hút đông đảo các bạn trẻ tham dự.

“Con Rồng cháu Tiên” tri ân Quốc Tổ

“Con Rồng cháu Tiên” là chủ đề hoạt cảnh sân khấu được Đoàn cải lương Hương Tràm biểu diễn tại Lễ tri ân Quốc Tổ Lạc Long Quân, sẽ diễn ra lúc 8 giờ, ngày 3/4 (6/3 âm lịch), tại Đền thờ Lạc Long Quân, Khu Du lịch Mũi Cà Mau.