(CMO) App Phản ánh hiện trường (PAHT) trên ứng dụng CaMau-G sẽ ghi nhận các ý kiến đóng góp từ cá nhân, tổ chức cho chính quyền địa phương. Đây được xem là công cụ giúp người dân, doanh nghiệp tương tác với cơ quan Nhà nước nhanh chóng, thuận tiện thông qua thiết bị di động, điện thoại thông minh.
Chính thức vận hành từ đầu tháng 7/2022, được xây dựng theo Quyết định số 17/2022/QĐ-UBND, ngày 7/6/2022, của UBND tỉnh về Ban hành Quy định tiếp nhận, xử lý phản ánh hiện trường trên địa bàn tỉnh Cà Mau, app PAHT đã mang lại những kết quả bước đầu tích cực.
Ghi nhận nhiều phản ánh thực tế
“Với ứng dụng này, các cơ quan Nhà nước có thể tiếp nhận nhanh chóng thông tin phản ánh của người dân, doanh nghiệp để kịp thời đưa ra phương án xử lý. Từ đó, phát huy hiệu quả công tác quản lý Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách. Ngoài ra, ứng dụng PAHT cung cấp số liệu phản ánh, xử lý phản ánh theo thời gian thực tế phục vụ cho công tác giám sát, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp trên địa bàn tỉnh”, ông Trần Quốc Chính, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Cà Mau, đánh giá.
Sau 1 tháng triển khai, app PAHT đã tiếp nhận 115 phản ánh của tổ chức, cá nhân. Trong đó, 75 phản ánh đã được xử lý, 4 phản ánh đang xử lý và 36 phản ánh trả lại cho tổ chức, cá nhân do không thuộc phạm vi giải quyết của PAHT. Hầu hết các ý kiến ghi nhận trên hệ thống PAHT là các phản ánh về các lĩnh vực như: vệ sinh môi trường, hạ tầng đô thị, an ninh trật tự, y tế - sức khoẻ, giáo dục - đào tạo, điện chiếu sáng, cấp thoát nước, vi phạm pháp luật; các hành vi chậm trễ, gây phiền hà hoặc thực hiện không đúng quy định của cán bộ, công chức trong giải quyết thủ tục hành chính và các vấn đề khác thuộc đời sống xã hội.
Hình ảnh người dân phản ánh trên app PAHT về tuyến lộ Đầm Dơi - Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi xuống cấp, nhiều ổ gà, ổ voi, tiềm ẩn gây tai nạn vào ngày 17/7/2022. |
Ông Lê Văn Ngời, Chánh Văn phòng UBND tỉnh, cho biết: "Được sự quan tâm chỉ đạo sát sao từ phía lãnh đạo UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành địa phương và người dân, bước đầu PAHT đã mang lại hiệu quả tích cực trong việc nâng cao trách nhiệm, ý thức xã hội và huy động tính cộng đồng của mỗi người dân đối với công tác giám sát, quản lý hoạt động của chính quyền, xã hội; kéo gần hơn nữa khoảng cách giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp”.
Người dân phản ánh trên app về tình trạng sụp lún bờ kè hai bên ngã tư kênh xáng Lương Thế Trân và kênh Rạch Rập, đoạn xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau (vào ngày 11/7/2022). |
Từng bước đưa công nghệ số đến với người dân
Được biết, quy trình tiếp nhận, xử lý các phản ánh như sau: Cổng Thông tin điện tử tiếp nhận nội dung trực tiếp từ tổ chức, cá nhân thông qua ứng dụng di động trên app CaMau-G và phân ra theo lĩnh vực, sau đó chuyển cho cơ quan chuyên môn. Cơ quan chuyên môn tiếp nhận, cử cán bộ phụ trách liên hệ với tổ chức, cá nhân gửi phản ánh và xuống địa bàn khảo sát, ghi nhận những khó khăn, vướng mắc để có hướng xử lý. Khi có hướng xử lý thì cơ quan chuyên môn chuyển nội dung xử lý cho Cổng Thông tin điện tử phản hồi cho tổ chức, cá nhân.
Ông Trần Quốc Chính cho biết thêm, việc vận hành app PAHT sẽ từng bước đưa công nghệ số đến với người dân, cộng đồng dân cư để giao tiếp, tương tác với các cấp chính quyền, phát huy sự tiện lợi cũng như lợi ích của chuyển đổi số ở mọi lúc, mọi nơi, tiết kiệm thời gian. Đồng thời, tăng tính công khai, minh bạch trong giải quyết công việc, phản ánh của người dân. Người dân và cấp quản lý có thể giám sát, tương tác, đánh giá mức độ hài lòng đối với kết quả xử lý phản ánh của từng cơ quan. Qua đó, hỗ trợ tốt trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành của lãnh đạo tỉnh; tạo ra mối liên kết chặt chẽ, sự tin tưởng của người dân vào chính quyền.
App PAHT ghi nhận nhiều ý kiến từ phía người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. |
Khắc phục khó khăn
Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Ngời, quy định về tiếp nhận, xử lý PAHT trên địa bàn tỉnh có nêu rõ: Phản ánh hiện trường là việc tổ chức, cá nhân gửi thông tin phản ánh tình hình thực tế tại hiện trường cần giải quyết đến các cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh thông qua ứng dụng PAHT trên app CaMau-G (Chính quyền điện tử Cà Mau), không bao gồm phản ánh việc giải quyết thủ tục hành chính, giải quyết khiếu nại tố cáo. Song, qua ghi nhận thực tế, số lượng phản ánh liên quan đến khiếu nại tố cáo và giải quyết thủ tục hành chính còn khá nhiều. Đa phần người dân chưa nắm rõ phản ánh hiện trường là gì, gây khó khăn cho cơ quan điều phối, xử lý công việc.
Mặt khác, do công tác tiếp nhận, xử lý PAHT là lĩnh vực khá mới mẻ, nên thời gian đầu khi đưa vào vận hành, cán bộ trực tiếp xử lý còn khá lúng túng. Công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành trong xử lý phản ánh hiện trường từng lúc, từng nơi chưa được đồng bộ, hiệu quả. Vẫn còn gặp một số lỗi kỹ thuật phần mềm, hiện bộ phận kỹ thuật đang khắc phục, xử lý.
“Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo, đài để người dân hiểu và nắm rõ như thế nào là PAHT theo quy định. Qua đó, giúp người dân, doanh nghiệp chủ động, tin tưởng và tham gia PAHT; xây dựng được kênh tương tác đa chiều, đánh giá kết quả xử lý cũng như công khai minh bạch, tạo lòng tin trong Nhân dân. Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp giữa các đơn vị để xử lý nội dung phản ánh đảm bảo kịp thời, hiệu quả. Thường xuyên cập nhật, bổ sung các tính năng mới để PAHT mang tính thuận lợi cho người dân", ông Ngời thông tin.
Để thực hiện PAHT, người dân (tổ chức, cá nhân) có điện thoại di động thông minh chỉ cần tải ứng dụng CaMau-G về máy. Sau đó, vào mục phản ánh trên giao diện, điền đầy đủ thông tin về tên, số điện thoại và nội dung (hình ảnh, video…) cần phản ánh về các lĩnh vực, như: an ninh trật tự, hạ tầng đô thị, vệ sinh môi trường, góp ý - hiến kế, y tế, giáo dục, điện, cấp thoát nước, vi phạm pháp luật và một số lĩnh vực khác (trừ việc giải quyết thủ tục hành chính, khiếu nại tố cáo). |
Hồng Nhung