(CMO) Những năm qua, sạt lở đất ven sông, ven biển trên địa bàn huyện Ngọc Hiển diễn ra hết sức phức tạp, mỗi năm trên địa bàn huyện có khoảng 7-8 vụ sạt lở đất, ước thiệt hại hàng tỷ đồng.
Theo đó, hàng trăm mét rừng phòng hộ, rừng ven biển đối mặt với tình trạng sạt lở đất mỗi năm, hệ luỵ về sạt lở đối với địa phương ven biển vẫn chưa có hồi kết.
Huyện Ngọc Hiển có 5 xã và 1 thị trấn tiếp giáp biển, chiều dài bờ biển 98 km. Toàn huyện hiện có 1.000 hộ dân sinh sống ở các cửa biển, ven biển có nguy cơ sạt lở cao. Địa phương hiện còn có 10 điểm sạt lở đất tạo thành điểm nóng ở các xã, thị trấn. Sạt lở không những ảnh hưởng về kinh tế, tài sản, tính mạng của hộ dân mà nhiều công trình Nhà nước vẫn bị ảnh hưởng, dẫn đến suy yếu tiềm lực kinh tế và quá trình thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp.
Mỗi năm, do tác động của sóng biển, dòng chảy, tại huyện Ngọc Hiển, hàng trăm mét đất, rừng phòng hộ, lộ bị sạt lở nghiêm trọng. (Ảnh chụp ở ấp Dinh Hạn, xã Tân Ân). |
Phó chủ tịch UBND xã Tân Ân Trần Thanh Đồng cho biết: “Xã Tân Ân có bờ biển dài trên 17 km, trên địa bàn xã hầu hết diện tích ven biển đang đối mặt tình trạng sạt lở đất. Cây rừng phòng hộ ven biển hằng năm bị ảnh hưởng, nhiều diện tích rừng ven biển bị sóng đánh bật gốc, thiệt hại hàng chục héc-ta. Bắt đầu vào mùa mưa, địa phương phải gồng mình trước tình trạng sạt lở đất ven sông, còn mùa gió chướng, sóng biển ăn sâu vào đất liền. Có những nơi đất sạt lở từ 20-30 m. Nhiều diện tích cây rừng thiệt hại đáng kể”.
Cũng theo ông Đồng, để ngăn chặn đất bị xói mòn ở tuyến ven biển, cần phải có những tuyến bê-tông chắn sóng. Nhưng vốn đầu tư rất lớn, ngoài khả năng của địa phương quá giới hạn, vì thế rất cần tỉnh, Trung ương đầu tư để xây dựng kè chắn sóng. Đây là giải pháp hữu hiệu giúp giảm thiểu sạt lở đất ven biển, ven sông về lâu dài.
Ông Ngô Văn Lợi, ấp Dinh Hạn, xã Tân Ân, là người sinh sống gần khu vực sạt lở nên nhiều năm nay gia đình ông phải di dời nhà vào sâu bên trong. Trước đây, con lộ bê-tông cách nhà ông khoảng 10 m nhưng qua thời gian, sóng đánh lở, kèm xói mòn giờ đã chìm trong nước.
“Gia đình tôi rất lo sợ vì sạt lở đất ven sông ngày càng nghiêm trọng. Đất ngày một mất dần nhưng chẳng thể di dời nơi ở mới vì sợ làm ăn không được”, ông Ngô Văn Lợi chia sẻ.
Tại cửa Vàm Xoáy, xã Đất Mũi, dọc 2 bên cửa có khoảng 100 hộ dân sinh sống, mỗi ngày đối mặt với tình trạng sạt lở đất. Theo ông Võ Công Trường, Chủ tịch UBND xã Đất Mũi, mỗi năm gần cửa biển khu này có ít nhất 2 m đất bị sóng biển ăn sâu dẫn đến sạt lở. Địa phương vẫn chưa có những giải pháp hữu hiệu, do không đủ nguồn lực để chống sạt lở đất.
Ngoài điểm sạt lở này, ở khu vực rẫy Trương Phi (Đất Mũi), tình trạng sạt lở nghiêm trọng hơn. Trước đây, khu vực này trồng hoa màu, cây ăn trái, nhưng tuyến đê ven biển bảo vệ khu rẫy bị phá vỡ, đất bị xâm mặn, đời sống nhân dân gặp khó khăn.
Ông Lê Văn Chào, sinh sống ở khu rẫy Trương Phi, cho biết, sạt lở đất những năm gần đây hết sức nghiêm trọng. Những hộ dân trồng rẫy bị ảnh hưởng, đời sống bà con ngày càng cơ cực hơn.
Riêng ở xã Tam Giang Tây, trước đây biển cách UBND xã trên 4 cây số, nhưng giờ biển ăn sâu vào đất liền, chỉ còn cách UBND xã khoảng 2 cây số. Sạt lở mỗi năm tăng dần, nhiều diện tích đất, cây rừng ven biển thiệt hại nghiêm trọng.
Phó chủ tịch UBND xã Tam Giang Tây Lâm Trường Hải thông tin: “Xã luôn vận động những hộ dân sống vùng sạt lở vào những nơi sinh sống an toàn, nhưng do xã thiếu quỹ đất nên việc bố trí, di dời những hộ dân này hết sức khó khăn. Về lâu dài, địa phương vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu".
Từ đó, địa phương chủ yếu vận động, tuyên truyền nhân dân nâng cao ý thức phòng tránh; thường xuyên gia cố những nơi sạt lở; trồng cây xanh; kêu gọi nhân dân không nên xây cất nhà hoặc để đồ đạc, vật dụng có giá trị ở những vùng có nguy cơ sạt lở cao./.
Chí Hiểu - Hồng My