Thời gian qua, các cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và Nhân dân ngày càng nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của việc phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nghị quyết số 43-NQ/TW (Nghị quyết số 43), ngày 24/11/2023, của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khoá XIII về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc, đã tiếp tục kế thừa, khẳng định đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, mở rộng đối ngoại.
- Nâng cao chất lượng học tập lý luận chính trị trong học đường
- Đổi mới, nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí về xây dựng Đảng
- “Bố Phượng” - Người truyền lửa cho thế hệ trẻ
Tranh: Minh Tấn
Bản chất sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc
Bản chất của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khẳng định quyền làm chủ của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Dân chủ ngày càng được coi trọng, ngày càng đi vào thực chất, nhất là dân chủ trực tiếp, dân chủ ở cơ sở, tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình. Vai trò của Nhân dân trong tham gia, quyết định chính sách liên quan đến cuộc sống, những vấn đề lớn của tỉnh được phát huy; quyền con người, quyền công dân được đề cao.
Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền gần gũi với dân hơn, thường xuyên tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe, giải quyết kiến nghị, bức xúc của Nhân dân. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tăng cường tuyên truyền, vận động, tập hợp, tạo sự đồng thuận, khơi dậy tinh thần yêu nước, tiềm năng, sức sáng tạo của Nhân dân trong các phong trào thi đua yêu nước; phát huy tích cực vai trò đại diện quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và Nhân dân; tăng cường hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Ðảng, xây dựng chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; làm tốt vai trò cầu nối giữa Ðảng, Nhà nước với Nhân dân. Niềm tin của Nhân dân đối với Ðảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ngày càng được củng cố. Truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được vun đắp, tăng cường, phát huy, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên, việc cụ thể hoá và tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở một số lĩnh vực, địa bàn hiệu quả chưa cao, chưa khơi dậy, phát huy được tiềm năng to lớn trong Nhân dân. Một số chính sách còn chồng chéo, chưa sát với thực tiễn, còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực hiện. Ðời sống của một bộ phận Nhân dân, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa còn khó khăn. Việc bảo đảm cơ chế “Ðảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” có mặt còn hạn chế; quyền làm chủ của Nhân dân có lúc, có nơi chưa phát huy tốt. Việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động của các hội quần chúng, nhất là ở cơ sở có mặt chưa đáp ứng yêu cầu.
Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế nêu trên là do nhận thức của một số cấp uỷ, tổ chức đảng chưa đầy đủ việc phát huy truyền thống và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thiếu gương mẫu, chưa sâu sát cơ sở, chưa thực sự gần dân, tôn trọng dân, lắng nghe, kịp thời giải quyết những kiến nghị liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Chưa thường xuyên sơ kết, tổng kết thực hiện chủ trương của Ðảng, pháp luật của Nhà nước về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc ở địa phương. Sự chống phá ngày càng tinh vi, phức tạp của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ Nhân dân với Ðảng, Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Sức mạnh thời đại
Ðại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu, đường lối chiến lược quan trọng, xuyên suốt của Ðảng; nguồn sức mạnh to lớn, nhân tố quyết định thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nền tảng vững chắc của đại đoàn kết toàn dân tộc là liên minh giữa giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Ðảng lãnh đạo; là mối quan hệ bền chặt giữa Ðảng và Nhân dân, là niềm tin của Nhân dân đối với Ðảng, Nhà nước và chế độ; là đoàn kết trong Ðảng, đoàn kết giữa các giai tầng xã hội, giữa cộng đồng các dân tộc Việt Nam, giữa đồng bào theo tôn giáo và không theo tôn giáo, giữa những người theo các tôn giáo khác nhau, giữa người Việt Nam ở trong và ngoài nước; là đoàn kết giữa Nhân dân Việt Nam và Nhân dân yêu chuộng hoà bình, tiến bộ trên thế giới.
Ðại đoàn kết toàn dân tộc phải gắn với phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền làm chủ của Nhân dân trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Giải quyết tốt quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, nâng cao cuộc sống của Nhân dân; bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa các dân tộc, các giai tầng xã hội và của mỗi người dân trong tiếp cận cơ hội, đóng góp cho đất nước và thụ hưởng thành quả phát triển.
Ðại đoàn kết là sự nghiệp của toàn dân, là trách nhiệm của Ðảng và cả hệ thống chính trị. Ðoàn kết trong Ðảng là hạt nhân, là cơ sở vững chắc để xây dựng đoàn kết trong hệ thống chính trị, đại đoàn kết toàn dân tộc và đoàn kết quốc tế. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội giữ vai trò nòng cốt chính trị trong tập hợp, đoàn kết, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, tiềm năng, sức sáng tạo của Nhân dân cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thực hiện nghiêm túc quan điểm của Ðảng về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường đồng thuận xã hội, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, niềm tin, khát vọng cống hiến và xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Ðể gìn giữ, xây dựng, vun đắp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết, cần nhận thức thông suốt, nhất quán; giải pháp và hành động phù hợp, hiệu quả. Trong đó, cần tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng, hệ thống chính trị và Nhân dân về vị trí, tầm quan trọng của việc phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Kế thừa và tiếp tục thực hiện chủ trương, chính sách về đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển đất nước, trong đó chú ý đến bối cảnh; phát huy vai trò của các giai tầng xã hội; khơi dậy mọi tiềm năng, sức sáng tạo của mỗi người Việt Nam góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc; đẩy mạnh nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn.
Xây dựng, chỉnh đốn Ðảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tăng cường đoàn kết trong Ðảng, giữ vững vai trò hạt nhân lãnh đạo của Ðảng trong xây dựng và phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Nâng cao vai trò, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước trong phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tiềm năng và sức sáng tạo của Nhân dân. Ðổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; đẩy mạnh công tác vận động quần chúng, huy động mọi nguồn lực cho phát triển. Tổ chức các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước thiết thực, hiệu quả.
Ðại đoàn kết là sức mạnh, là tài sản vô giá của dân tộc, nhất là trong bối cảnh hội nhập, đổi mới, phát triển của đất nước. Việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng, hệ thống chính trị và Nhân dân về vị trí, tầm quan trọng của việc phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc chính là nguồn lực, xung lực để đất nước ta hiện thực hoá mục tiêu phát triển hùng cường, thịnh vượng, văn minh, hạnh phúc./.
Phạm Quốc Rin