Theo đánh giá của ngành chức năng, nghề nuôi cua và sò huyết trên địa bàn tỉnh Cà Mau còn gặp một số khó khăn, hạn chế như: việc cung ứng con giống chưa đáp ứng về số lượng và chất lượng; chủ yếu nuôi theo hình thức quảng canh; sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa xây dựng vùng nuôi quy mô lớn, tập trung; giá sản phẩm đầu ra chưa ổn định đôi khi giảm thấp; sản phẩm chủ yếu là tươi sống chưa qua chế biến; thị trường đầu ra sản phẩm còn nhỏ hẹp, chủ yếu là xuất khẩu theo đường tiểu ngạch...
“Thời gian qua, 2 đối tượng nuôi: cua biển và sò huyết chưa được phát huy xứng tầm với tiềm năng, lợi thế vốn có. Dù ngoài con tôm đóng vai trò ngành hàng chủ lực, đây là 2 đối tượng này có tiềm năng lớn, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và tiêu thụ nội địa ngày càng tăng, góp phần nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Cà Mau. Vì thế, tỉnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp tập trung các giải pháp phát huy tốt tiềm năng này trong thời gian tới”, ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở NN& PTNT nhấn mạnh tại Hội nghị triển khai 2 đề án: Phát triển sản phẩm sò huyết và Phát triển bền vững nghề cua trên địa bàn tỉnh Cà Mau đến năm 2030, diễn ra sáng nay, ngày 29/9.
Hội nghị đã lắng nghe nhiều ý kiến phát biểu, thảo luận trực tiếp của lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh, các doanh nghiệp, HTX THT sản xuất cua và sò huyết. Trong đó, cũng đã phân tích rõ các yếu tố liên quan đến sản xuất ngành hàng cua và sò huyết; đánh giá và dự báo thuận lợi khó khăn, vướng mắc của 2 mặt hàng nêu trên. Đồng thời cũng chia sẻ, đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp để thúc đẩy phát triển sản xuất ngành hàng cua và sò huyết trong thời gian tới.
Bà Võ Bích Xoàn, Phó phân viện trưởng Phân viện Nghiên cứu Thuỷ sản Nam Sông Hậu, mong muốn có giải pháp cụ thể để kiểm soát môi trường và dịch bệnh để duy trì hiệu quả lâu dài 2 đề án.
Ông Châu Công Bằng thông tin: “2 đề án đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2023 ổn định diện tích nuôi cua khoảng 265.000 ha, năng suất bình quân đạt 0,11 tấn/ha/năm, sản lượng đạt khoảng 29.150 tấn; và tổng diện tích nuôi sò đạt 18.400 ha, năng suất 1.2 tấn/ha sản lượng đạt 22.080 tấn/năm. Để thực hiện 2 đề án đạt hiệu quả, đề nghị các sở, ban, ngành có liên quan, UBND các huyện, TP Cà Mau triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới: Rà soát, đánh giá tất cả các yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất, hiệu quả của các quy trình sản xuất cua và sò huyết. Rà soát các vùng có điều kiện phù hợp để quy hoạch phát triển sản xuất. Phối hợp với Viện, Trường đề xuất nghiên cứu hoàn thiện quy trình nuôi; cải thiện, nâng cao chất lượng giống, đồng thời chuyển giao kỹ thuật đến các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân. Đa dạng hóa sản phẩm chế biến; tích cực quảng bá, phát triển thị trường, tiêu thụ sản phẩm; tạo điều kiện để hộ nuôi, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn phát triển sản xuất, phối hợp cùng thực hiện có hiệu quả 2 đề án...”.
Ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc HTX Dịch vụ Nam Bộ, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Liên hiệp HTX tỉnh Cà Mau, đề xuất thành lập trung tâm khu nuôi, ươm cua thương phẩm theo quy trình nâng chất lượng, giá trị con cua, từ cua ốp lên cua chắc thịt, cua yếu gạch lên cua gạch nhằm nâng cao gia trị cua thương phẩm.
Cà Mau là một trong những tỉnh có diện tích nuôi thuỷ sản lớn nhất cả nước với khoảng 303 ngàn ha, chiếm gần 30% diện tích cả nước và chiếm khoảng 40% vùng ĐBSCL. Đối với sò huyết, đến cuối năm 2022, tỉnh có khoảng 7.500 ha diện tích nuôi, sản lượng hàng năm trên 6.500 tấn. Sản phẩm sò huyết từ lâu rất được thị trường trong nước và một số nước nhập khẩu ưa chuộng; giá sò huyết thương phẩm luôn duy trì ở mức cao và mang lại tỷ suất lợi nhuận cho người nuôi luôn đạt trên 50% tổng vốn đầu tư.
Mô hình nuôi sò huyết thương phẩm Tổ hợp tác Nuôi sò Tiến Phát, ấp Mỹ Điền, xã Đông Hưng, huyện Cái Nước duy trì hoạt động hiệu quả từ năm 2018 đến nay, bình quân lợi nhuận 50-70 triệu/ha.
Đối với cua biển, đến nay, diện tích toàn tỉnh đạt 252 ngàn ha (tăng trưởng bình quân đạt 2,29%), sản lượng đạt trên 24 ngàn tấn (tăng trưởng bình quân đạt 5,85%), giá trị mang lại khoảng 5 ngàn tỷ đồng/năm. /.
Loan Phương