Ðẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, xây dựng vùng nguyên liệu nông, thuỷ sản tập trung; đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, là mục tiêu quan trọng huyện Thới Bình đặt ra trong năm 2024 đối với kinh tế nông nghiệp.
Ngoài ra, địa phương sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng sức cạnh tranh thông qua tổ chức lại sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ để giảm chi phí, giá thành sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, gắn sản xuất với bảo quản, chế biến, xây dựng nhãn hiệu. Phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng NTM và Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), qua đó nâng cao giá trị sản phẩm, thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thới Bình, cho biết: "Huyện phấn đấu trong năm 2024 ổn định diện tích nuôi thuỷ sản đạt 50.577 ha, trong đó diện tích nuôi tôm 50.247 ha; duy trì và phát triển diện tích nuôi tôm càng xanh 17.000 ha; tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi cua biển xen canh và bán thâm canh đạt trên 30.000 ha; phát triển vùng nuôi tôm chứng nhận quốc tế đạt trên 1.000 ha. Ngoài ra, sẽ tiếp tục duy trì và mở rộng vùng nguyên liệu lúa tôm hữu cơ/hướng hữu cơ đạt trên 250 ha".
Huyện Thới Bình phấn đấu trong năm 2024 ổn định diện tích nuôi thuỷ sản hơn 50.500 ha.
Ðịa phương sẽ tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết tập trung, quy mô lớn, có tổ chức, theo quy trình, tiêu chuẩn, nhằm tạo ra sản lượng lớn hàng hoá chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường. Xây dựng ít nhất 2 mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái, hữu cơ gắn với du lịch sinh thái cộng đồng. Ðẩy mạnh liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị; củng cố, hình thành các hợp tác xã (HTX) tại vùng nguyên liệu để kết nối với doanh nghiệp, sản xuất theo đơn đặt hàng; khuyến khích, hỗ trợ các HTX làm dịch vụ nông nghiệp.
Một trong những giải pháp quan trọng được triển khai là bố trí sản xuất cây trồng, vật nuôi phù hợp từng vùng, tiểu vùng linh hoạt theo lịch thời vụ; xây dựng các vùng nguyên liệu nông sản cung cấp cho các doanh nghiệp và HTX để phát triển các sản phẩm OCOP đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Tới đây, huyện Thới Bình sẽ đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, giống cây trồng mới, kỹ thuật canh tác mới, an toàn theo các tiêu chuẩn, bảo quản chế biến nông sản an toàn thực phẩm. Phát động nông dân ứng dụng chương trình 3 giảm 3 tăng, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả; quy trình sản xuất lúa an toàn, VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ... Áp dụng kỹ thuật canh tác rau an toàn, rau VietGAP, IPM, nhà lưới, màng phủ nông nghiệp, chế phẩm sinh học, sử dụng an toàn, hiệu quả thuốc bảo vệ thực vật trên rau. Nghiên cứu, ứng dụng các quy trình công nghệ mới, tiên tiến trong nuôi tôm; triển khai các mô hình canh tác theo tiêu chuẩn thực hành nuôi thuỷ sản tốt như: VietGAP, GlobalGAP, BAP, trong đó ưu tiên nguồn lực các bên xây dựng vùng nuôi đạt chứng nhận ASC...
"Trong năm nay sẽ có nhiều ứng ứng dụng mới được nghiên cứu thí điểm triển khai vào canh tác sản xuất ở địa phương. Ðơn cử như ứng dụng công nghệ thông tin định vị vùng nguyên liệu, mã QR truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Lắp đặt thiết bị cảnh báo môi trường phục vụ sản xuất; ứng dụng cơ giới hoá vào sản xuất. Ứng dụng thiết bị bay điều khiển từ xa để gieo sạ, bón phân, phun thuốc; máy làm đất, cấy lúa, gặt đập liên hợp cho vùng sản xuất lúa - tôm; ứng dụng các loại máy làm đất, gieo hạt, tưới nước tự động, bán tự động, sơ chế rau quả", ông Nguyễn Văn Phúc thông tin./.
Lê Kim