(CMO) Thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời có đến 2/3 dân cư cất nhà sinh sống ven sông. Vấn đề rác sinh hoạt và những hệ luỵ đi kèm là bài toán khó chưa có lời giải. Ðây cũng là thực trạng chung của nhiều địa phương trong tỉnh.
Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau hoạt động với công suất 200 tấn/ngày nhưng tính hiệu quả hơn 10 năm qua chưa như kỳ vọng. |
Rác vẫn chưa thu gom hết
Theo ghi nhận của phóng viên, rác ứ đọng tại khu dân cư, dọc theo sông Ông Ðốc ngày càng nhiều. Mặc dù chính quyền sở tại thường xuyên ra quân xử lý, thu gom. Những bãi rác ứ đọng, trôi nổi trên sông tạo nên hình ảnh không đẹp mắt tại một trong những đô thị động lực của tỉnh.
Phó chủ tịch UBND thị trấn Sông Ðốc Trần Quốc Lâm cho biết: “Thị trấn có hơn 40% hộ dân sống khu vực ven sông. Mặc dù nhiều khóm đã có phương tiện và nhân công thu gom rác, song, do thói quen nên người dân vẫn còn xả rác sinh hoạt ra sông. Chính điều này làm cho công tác bảo vệ môi trường tại địa phương gặp không ít khó khăn".
Phó trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Tân Nguyễn Văn Non cho biết: “Thực hiện Chỉ thị 09 của UBND tỉnh về đảm bảo môi trường và các văn bản chỉ đạo của UBND huyện, địa phương chú trọng bảo vệ môi trường, trong đó có việc thu gom và xử lý rác thải ở địa phương nhưng chưa bao phủ được hết toàn huyện”.
Cụ thể, huyện phối hợp với công ty tư nhân thu gom rác tại một số địa phương trên địa bàn, như xã Việt Thắng, Phú Thuận, Rạch Chèo, Phú Tân và thị trấn Cái Ðôi Vàm vận chuyển về Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau, với khối lượng thu gom và vận chuyển khoảng 6,5 tấn rác thải/ngày. Riêng xã Nguyễn Việt Khái, Tân Hưng Tây do lượng rác thải không nhiều nên xã tự thu gom về bãi rác tạm của xã để chôn lấp. Ðối với 2 xã Phú Mỹ và Tân Hải, do không có chợ nên vận động mỗi hộ gia đình tự phân loại, thu gom chôn lấp hoặc đốt rác tại phần đất trống của gia đình.
Phó chủ tịch UBND thị trấn Cái Ðôi Vàm, huyện Phú Tân Nguyễn Văn Kha cho biết: “Ðịa phương đã triển khai thu gom rác sinh hoạt nhưng tỷ lệ chưa cao. Còn một phần khu vực thị trấn chưa triển khai được do cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ. Nhiều công trình cầu, đường ảnh hưởng đến phương tiện vận chuyển. Từ đó, gây khó khăn cho công tác thu gom rác thải tại địa phương”. Theo ước tính, còn khoảng 30-40% lượng rác sinh hoạt ở Cái Ðôi Vàm chưa được thu gom, xử lý.
Lò đốt rác xã Trí Lực phần nào giải quyết vấn đề bức bách trong xử lý rác sinh hoạt tại địa phương. |
Mong chờ các giải pháp thực thi
Qua tìm hiểu tại các địa phương, trong công tác đảm bảo môi trường, ngành chức năng đã tổ chức tuyên truyền, vận động. Tuy nhiên, hoạt động này không được thường xuyên, liên tục, từ đó chất lượng tuyên truyền không đạt như kỳ vọng. Thêm vào đó, dù đã có ký cam kết bảo vệ môi trường trong dân, nhưng việc kiểm tra ý thức chấp hành theo cam kết lại không được quan tâm đúng mức nên chưa thể đánh giá khách quan và toàn diện.
Cùng với đó, rất nhiều địa phương chủ động lắp đặt camera giám sát tại các khu vực có nguy cơ cao ô nhiễm môi trường, nhưng việc xử lý thiếu tính răn đe.
Ông Trần Quốc Lâm cho biết: “Ðể phục vụ công tác đảm bảo môi trường, địa phương đã lắp đặt 8 camera giám sát tại một số điểm khu vực dân cư. Theo đó, phát hiện nhiều trường hợp vi phạm xả rác bừa bãi ra công cộng. Tuy nhiên, việc xử lý cũng chỉ dừng lại ở mức độ tuyên truyền, nhắc nhở”.
Liên quan đến vấn đề này, có nhiều ý kiến cho rằng, để giải quyết vấn đề môi trường phải xác định đây là trách nhiệm của các cơ quan trong hệ thống chính trị, từng cấp, từng ngành, của cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể Nhân dân. Việc giao trách nhiệm cho cơ quan Nhà nước là điều không ổn. Một cán bộ không thể kiểm soát hết một địa bàn rộng, vài công nhân lao động đi vớt rác mà hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người vứt rác xuống sông thì không thể nào vớt sạch. Chính vì thế, mỗi người phải có ý thức bảo vệ môi trường và khắc phục ô nhiễm khi xảy ra.
Khi vận động không kham, giải pháp khoa học không thông thì xử lý rác ở tỉnh vẫn cứ đưa cơ giới, sức người thu gom rồi chôn, lấp, đốt... Việc làm này đi ngược lại với việc nâng cao ứng dụng khoa học - công nghệ trong xử lý rác thải. Nghĩa là, trong khi các quốc gia đang hiện thực hoá biến rác thành điện, thành phân bón, bán rác thu tiền thì Cà Mau vẫn loay hoay với cách làm lạc hậu.
Giải pháp mềm vận động nâng cao ý thức hầu như chưa phát huy tác dụng, trong khi giải pháp kỹ thuật công trình trong xử lý rác thải lâu nay cũng giẫm chân tại chỗ khi cả 10 năm toàn tỉnh với hơn 1 triệu 200 ngàn dân chỉ độc quyền một nhà máy xử lý rác.
Việc bức bách hiện nay trong vấn đề thu gom, xử lý rác thải ở Cà Mau giờ không thể cứ hàng ngày gom mấy trăm tấn rác từ khắp nơi về thành phố, quy trình xử lý hoàn toàn ngược đối với các đô thị xanh, thông minh, mà đặt ra nhiệm vụ của các cấp quản lý về ứng phó, ứng dụng công nghệ biến rác thải thành vật liệu tái chế, thành điện năng, hoặc phân bón để sinh lợi.
Tháng 10/2020, UBND tỉnh Cà Mau tiếp tục ban hành kế hoạch quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch cũng chỉ dừng lại ở công tác vận động, tuyên truyền, khuyến khích, hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa, túi ni-lông.
Trước đó, năm 2018, trong báo cáo sơ kết thực hiện kế hoạch khắc phục ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ dừng lại ở các đề xuất khắc phục, xử lý chuyện đã rồi, như khắc phục ô nhiễm tại các khu công nghiệp, ô nhiễm tại các dòng sông trong lòng thành phố, khắc phục ô nhiễm tại các ao, hồ tù đọng ở thành phố...
Giờ thì phương án tìm đối tác, nghiên cứu vốn để xây dựng nhà máy xử lý nước thải khu vực TP Cà Mau; di dời, giải toả nhà ở ven sông rạch ở TP Cà Mau đang trở nên cấp bách nhất, nhưng đã 3 năm nay tình hình vẫn thế.
Năm 2020, tỉnh đã thông qua quy hoạch giai đoạn 2020-2030 về xử lý chất thải rắn. Theo đó, sẽ có thêm 3 khu xử lý chất thải rắn tập trung liên huyện: khu liên hợp xử lý tại xã Khánh An, huyện U Minh để xử lý rác thải ở TP Cà Mau, huyện U Minh, Thới Bình và một phần huyện Trần Văn Thời, với công suất 800-1.000 tấn/ngày. Khu xử lý rác thải huyện Cái Nước, thuộc thị trấn Cái Nước, xử lý chất thải rắn sinh hoạt của huyện Cái Nước, Năm Căn, Ngọc Hiển, Phú Tân và phần còn lại của huyện Trần Văn Thời, công suất 600 tấn/ngày. Và khu xử lý rác thải rắn huyện Ðầm Dơi, tại xã Tân Duyệt để xử lý chất thải rắn sinh hoạt cho riêng huyện này, công suất 200 tấn/ngày.
Ðồng thời, tỉnh thống nhất lập 23 trạm trung chuyển chất thải rắn ở các địa phương với tổng diện tích 24.000 m2; 17 trạm trung chuyển chất thải của các khu, cụm công nghiệp tổng diện tích 19.000 m2.
Riêng với kế hoạch của 3 khu xử lý rác ở các huyện, tỉnh cần 1.500 tỷ đồng để xây dựng và trang bị trong khoảng 2020-2021 và kinh phí này đội lên thêm 1.200 tỷ đồng vào năm 2030. Giờ, tất cả chỉ trông chờ vào tính khả thi của các kế hoạch, giải pháp khoa học để giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường hiện nay./.
Phong Phú - Văn Ðum