Năm 2023, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh Cà Mau cơ bản hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế tập thể (KTTT), HTX năm 2023, theo kế hoạch đã được Chủ tịch UBND tỉnh giao. Ðồng thời, thực hiện vượt chỉ tiêu kế hoạch phục hồi và phát triển, số lượng HTX theo nghị quyết của Ban Chấp hành Liên minh HTX tỉnh.
Theo ông Nguyễn Chí Thuần, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Cà Mau, năm qua, đơn vị đã có bước đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, bám sát chức năng, nhiệm vụ, bố trí cán bộ sâu sát địa bàn dân cư, trực tiếp tư vấn, hỗ trợ thành viên và phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp. Theo đó, toàn tỉnh đã thành lập mới 29 tổ hợp tác (nâng tổng số hiện có 990 tổ hợp tác) và 35 HTX (nâng tổng số lên 288 HTX). Doanh thu bình quân mỗi HTX ước đạt 1 tỷ đồng/năm, trong đó lãi bình quân ước đạt 300 triệu đồng. Từ hoạt động của các HTX đã giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 4.760 lao động. Bên cạnh đó đã thành lập 2 liên hiệp HTX và 13 mô hình hội quán...
Sơ chế ba khía ở HTX Ba khía (xã Quách Phẩm Bắc, huyện Ðầm Dơi). Ảnh: H.NHUNG
- Xin ông cho biết cụ thể hoạt động của Liên minh HTX tỉnh trong năm 2023?
Ông Nguyễn Chí Thuần: Năm qua, Liên minh HTX đã triển khai thực hiện đồng bộ các quyết định, chương trình, kế hoạch liên quan đến lĩnh vực phát triển KTTT, HTX của Trung ương và địa phương. Ðồng thời, tổ chức tập huấn nhiều lớp tuyên truyền, truyền nghề, cũng như đào tạo cán bộ và bồi dưỡng kiến thức KTTT, HTX cho cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã.
Mặt khác, đơn vị chủ động phối hợp với các sở, ngành và địa phương thực hiện tốt công tác tư vấn, hỗ trợ giải quyết ngay từ cơ sở các kiến nghị, thắc mắc, khiếu nại liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp thành viên HTX, liên hiệp HTX; xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh năm 2023, với nhiệm vụ chủ trì hỗ trợ xây dựng và duy trì chợ trực tuyến vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thuộc Tiểu dự án 2 (Dự án 10), kinh phí hơn 390 triệu đồng.
Ngoài ra, Liên minh HTX tỉnh phối hợp với địa phương hỗ trợ giới thiệu và bán sản phẩm của HTX Tôm rừng Rạch Gốc (thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển); HTX Dịch vụ nông nghiệp Phúc Thịnh Phát (xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình); Liên hiệp HTX Dịch vụ nông nghiệp Cà Mau (xã Phú Hưng, huyện Cái Nước). Ðồng thời, giới thiệu 10 HTX có sản phẩm tiêu biểu, có thương hiệu, sản phẩm đạt OCOP của tỉnh tham gia chương trình xúc tiến thương mại thường niên do Liên minh HTX Việt Nam tổ chức. Qua đó, giúp các HTX chia sẻ những cơ hội hợp tác kinh doanh, xúc tiến thương mại phát triển sản phẩm hàng hoá, tiếp cận và tạo ra mạng lưới kết nối với các đối tác trong và ngoài nước. Không chỉ thu hút được nhiều nguồn lực hỗ trợ sự phát triển HTX mà còn quảng bá hình ảnh, mẫu mã, phát triển thương hiệu sản phẩm OCOP Cà Mau trong khu vực, toàn quốc và quốc tế.
Giới thiệu sản phẩm đạt OCOP của tỉnh trong chương trình xúc tiến thương mại năm 2023. Ảnh: MỸ PHA
- Công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các HTX ra sao, xin ông thông tin thêm?
Ông Nguyễn Chí Thuần: Uỷ ban Kiểm tra Liên minh HTX tỉnh trực tiếp phối hợp kiểm tra, giám sát toàn diện hoạt động ở 19 HTX. Qua kiểm tra cho thấy, các HTX chủ động việc xây dựng phương án, kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện thực tế và nhu cầu thị trường, thực hiện đúng Luật HTX năm 2012 nên đã phát huy được hiệu quả nhất định trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm... giúp lao động nông thôn tăng thêm thu nhập hộ gia đình.
Nhìn chung, các HTX có nhiều cố gắng trong hoạt động mang lại hiệu quả cho KTTT, làm cầu nối tuyên truyền nghị quyết, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần giải quyết nhiều vấn đề xã hội, như giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, tham gia đề án xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm mang lại hiệu quả kinh tế, phát huy thế mạnh của kinh tế địa phương...
- Ðịnh hướng phát triển KTTT, HTX trong năm 2024 thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Chí Thuần: Tổng quan là phát triển với nhiều hình thức đa dạng về quy mô, lĩnh vực hoạt động. Trong đó, ưu tiên xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, sản xuất kinh doanh gắn với chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị; đồng thời, tăng cường liên kết hợp tác với các thành phần kinh tế khác, nhằm nâng cao năng lực sản xuất, sức cạnh tranh và khả năng thích nghi trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Cụ thể, phát triển mới 100 tổ hợp tác, 20 HTX trên các lĩnh vực nông nghiệp, thuỷ sản địa bàn các xã điểm xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao. Từ đó, nâng thu nhập bình quân của người lao động và thành viên trong các HTX là trên 50 triệu đồng và doanh thu bình quân của HTX đạt 1 tỷ đồng trở lên.
Ðể thực hiện đạt mục tiêu đề ra, Liên minh HTX phải phát huy vai trò tổ chức, hỗ trợ kinh phí, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ quản lý Nhà nước về KTTT, HTX. Thường xuyên tuyên truyền các nghị quyết của Trung ương, chương trình hành động của Tỉnh uỷ, kế hoạch UBND tỉnh về phát triển KTTT, HTX, liên hiệp HTX và tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới.
- Xin cảm ơn ông!
Mỹ Pha thực hiện