Chuyển từ phát triển chiều rộng sang chiều sâu là hướng đi mà tỉnh đang xác định cho nghề nuôi thuỷ sản nói riêng và cả lĩnh vực nông nghiệp nói chung. Tuy nhiên, để chuyển sang hướng đi này, những tồn tại yếu kém hiện nay cần nhanh chóng có giải pháp tháo gỡ.
Chuyển từ phát triển chiều rộng sang chiều sâu là hướng đi mà tỉnh đang xác định cho nghề nuôi thuỷ sản nói riêng và cả lĩnh vực nông nghiệp nói chung. Tuy nhiên, để chuyển sang hướng đi này, những tồn tại yếu kém hiện nay cần nhanh chóng có giải pháp tháo gỡ.
Theo định hướng đến năm 2020, diện tích nuôi tôm công nghiệp tỉnh đạt khoảng 15.000 ha, trung bình mỗi năm tăng thêm khoảng 1.000 ha (giảm 3.530 ha so với 18.530 ha vào năm 2020 theo kế hoạch đã đề ra ban đầu), do những khó khăn, thách thức. Ðồng thời, tập trung phát triển loại hình nuôi ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học, thân thiện môi trường để phát triển sản xuất bền vững. Năng suất bình quân đạt 9-10 tấn/ha/năm. Sản lượng đạt từ 140.000-150.000 tấn/năm.
Phát triển theo chiều sâu
Có thể thấy, mục tiêu đã có phần điều chỉnh theo hướng giảm do được dự báo là tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn, thách thức từ thời tiết, thị trường trong, ngoài nước, môi trường và dịch bênh… Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hiện nay không phải là diện tích tăng hay giảm bao nhiêu mà cái chính là sản lượng, hiệu quả như thế nào.
Ðối với con tôm, 2 loại hình tôm công nghiệp công nghệ cao và tôm sinh thái đang được tỉnh tập trung chỉ đạo. Quan điểm này đã được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử một lần nữa nhấn mạnh tại hội nghị trực tuyến chuyên đề về nuôi thuỷ sản vừa qua. Theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử nhấn mạnh, ưu tiên phát triển nuôi tôm công nghiệp tập trung quy mô lớn áp dụng quy trình công nghệ cao.
Ðể thu hút doanh nghiệp đầu tư, tỉnh sẽ tạo điều kiện bằng việc tạo quỹ đất sạch hoặc hợp tác với dân. Ðồng thời, khuyến cáo nhiều hộ nuôi quy mô nhỏ liên kết lại để trở thành vùng nuôi lớn. Ðặc biệt, đối với những hộ nuôi tôm công nghiệp mới phát sinh phải đảm bảo đủ điều kiện mới cho nuôi, nếu chưa đảm bảo phải chuyển sang nuôi loại khác.
Sản xuất giống tập trung là một trong những giải pháp tháo gỡ khó khăn mà tỉnh Cà Mau đang ưu tiên kêu gọi đầu tư. (Trong ảnh: Cơ sở sản xuất giống tập trung của Công ty TNHH MTV Việt - Úc Cà Mau). |
Một tín hiệu đáng mừng, thời gian qua mô hình nuôi tôm công nghiệp theo hình thức công nghệ cao đã phát triển được hơn 143 ha. Ðồng thời, vừa qua đã có 4 nhà đầu tư lập thủ tục đầu tư mô hình tôm công nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh, mỗi đơn vị dự kiến từ 200-300 ha. Nếu được tạo điều kiện triển khai toàn bộ, đây sẽ là bước đột phá trong năng suất tôm của tỉnh.
Tuy nhiên, việc tạo ra quỹ đất hiện nay là bài toán khó nếu công tác quy hoạch không được triển khai kịp thời và bài bản hơn. Ðối với vấn đề quy hoạch, ông Trần Văn Của, Chủ tịch Hội Nuôi trồng thuỷ sản tỉnh, cho rằng, khi triển khai cần lấy ý kiến góp ý của người dân đối với quy hoạch, từ phát triển loại hình nào cho đến vị trí, còn như đã qua thì khó có thể triển khai thực hiện được quy hoạch.
Tuy nhiên, để chuyển hướng từ hình thức đã có truyền thống gần 20 năm, cùng với chồng chất khó khăn, nhất là về vốn, là vấn đề không hề đơn giản hiện nay. Tuy nhiên, với cái nhìn lạc quan, ông Của nhận định không phải là không làm được, quan trọng là làm sao cho người dân nhận thấy được hiệu quả thật sự của một số mô hình theo công nghệ tăng năng suất thời gian qua. Nếu thật sự hiệu quả, người dân sẽ có cách khắc phục được khó khăn về vốn để thực hiện. Trước kia người nuôi cũng đâu đủ vốn, cũng chẳng biết gì về kỹ thuật, thậm chí còn có khả năng đi tù, nhưng họ vẫn có cách làm được.
Ông Lý Hoàng Tiến, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển, cho rằng, phải tạo được tiền đề tin cậy để người dân gởi gắm, tin tưởng. Ông Tiến minh chứng, con tôm công nghiệp đã qua, cũng như đến thời điểm hiện tại, có rất nhiều mô hình và mô hình nuôi nào khi thí điểm cũng cho hiệu quả ban đầu. Tuy nhiên, việc thí điểm đến nay có thể nói chỉ làm được nửa vời. Ông Tiến giải thích, nửa vời là do việc kiểm soát của cơ quan quản lý (như giống, môi trường, thuốc thú y thuỷ sản, thức ăn thuỷ sản và cả giá cả thị trường) có làm nhưng hiệu quả chưa cao, người dân không biết đâu mà lần, từ đó chưa thể mạnh dạn đầu tư lớn để phát triển theo hình thức công nghệ cao.
Tăng cường kiểm soát toàn diện
Là người nhiều năm gắn bó và dành hết tâm huyết cho con tôm, ông Của cho rằng, hiện nay trên địa bàn tỉnh có rất nhiều mô hình nuôi thuỷ sản đạt hiệu quả. Tuy nhiên, chưa thể nhân rộng, chủ yếu là do mức đầu tư quá lớn, trình độ kỹ thuật cao trong khi nhiều ngân hàng còn e ngại cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn theo tinh thần Nghị định 55/2015/NÐ-CP để người dân đầu tư phát triển sản xuất.
Trong chiến lược phát triển kinh tế thuỷ sản, tiêu biểu nhất là con tôm, ngành nông nghiệp đã đưa ra hàng loạt các giải pháp để thực hiện. Trong đó có việc khẩn trương tiến hành rà soát quy hoạch để xem xét điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với điều kiện tự nhiên và tình hình thực tế, tránh tình trạng chạy theo sự tự phát của người dân. Ðồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các quy định trong nuôi tôm công nghiệp, nhất là về quy hoạch, bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh.
Ông Lê Thanh Triều, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết, con tôm sinh thái là loại hình mà ngành đang tâm huyết chỉ đạo phát triển sản xuất thời gian tới và sẽ có kế hoạch phát triển mô hình này một cách bài bản, khoa học. Trong lĩnh vực quản lý giống cũng như thuốc thú y thuỷ sản, thời gian qua sở đã nỗ lực nhưng hiệu quả mang lại chưa cao.
Ðây là vấn đề rất phức tạp, chỉ mình sở không thể làm được mà đòi hỏi sự phối hợp của các ngành cũng như UBND các huyện và thành phố. Ngoài ra, đối với cơ sở hạ tầng phục vụ nghề nuôi, nhất là về thuỷ lợi, sở đang chỉ đạo quyết liệt nhằm đẩy nhanh tiến độ công trình cũng như tranh thủ mọi nguồn vốn để tiếp tục đầu tư khép kín các ô thuỷ lợi phục vụ sản xuất của người dân.
Việc tổ chức sản xuất theo các hình thức hợp tác xã, tổ hợp tác, chi hội thuỷ sản cũng là một phương án khả thi nhằm giảm giá thành sản xuất, giảm tỷ lệ thất thoát, quản lý tốt dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Ðồng thời, đây cũng là đầu mối để tổ chức thực hiện liên kết chuỗi từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, cần nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ hay giải pháp kỹ thuật nuôi hiệu quả, thân thiện môi trường như Biofloc, nuôi kết hợp với cá rô phi, sử dụng chế phẩm vi sinh học… Hướng dẫn áp dụng các tiêu chuẩn về chất lượng trong nuôi tôm như VietGAP, GlobalGAP, ASC… để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm và áp dụng các quy chuẩn về điều kiện sản xuất.
Phối hợp với các đơn vị, tổ chức có liên quan thường xuyên theo dõi thông tin thị trường, phân tích dự báo và cung cấp kịp thời cho người nuôi tôm biết để hạn chế thiệt hại do ảnh hưởng của biến động thị trường, giá cả... là những giải pháp mà ngành xác định là trọng tâm trong chỉ đạo thực hiện thời gian tới để nghề nuôi thuỷ sản của tỉnh phát triển nhanh và bền vững./.
Bài và ảnh: Nguyễn Phú