(CMO) Ðể tiềm năng, lợi thế được khai thác hiệu quả, đưa kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững, cần có nền tảng của khoa học và công nghệ (KH&CN), sự đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. KH&CN, một nhân tố thời gian qua được tỉnh đặc biệt quan tâm chỉ đạo nhằm tạo đột phá cho nền kinh tế, nhất là trong lĩnh vực sản xuất.
Cà Mau là tỉnh giàu tiềm năng để phát triển kinh tế, vừa có rừng, có biển, có điều kiện để phát triển du lịch, nhất là có gần 300.000 ha nuôi thuỷ sản các loại… Tuy nhiên, thời gian qua tốc độ phát triển kinh tế của tỉnh được đánh giá là chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế hiện có. Ðiều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có một phần bởi hàm lượng KH&CN trong mỗi sản phẩm hiện nay chưa cao.
Ðến năm 2025, tỉnh phấn đấu có 15.000 ha rừng sản xuất có chứng chỉ quản lý rừng bền vững. |
Nền tảng KH&CN
KH&CN, nhân tố vô cùng quan trọng trong sản xuất, thực tế đã và đang được minh chứng qua từng mô hình được triển khai thời gian qua trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 40.000 ha đất sản xuất mô hình tôm - lúa, tập trung nhiều tại 2 huyện, Thới Bình và U Minh. Ðây là lợi thế gần như không tỉnh nào có thể so sánh được. Ðể khai thác tối đa và bền vững lợi thế này, những năm gần đây tỉnh đã quan tâm tổ chức lại sản xuất, ứng dụng khoa học - kỹ thuật để mô hình hiệu quả hơn.
Dự án nuôi tôm sú quảng canh cải tiến (QCCT) 3 giai đoạn trên vùng đất lúa - tôm tại xã Khánh Thuận, huyện U Minh là một trong những bước tiến mới trong quá trình sản xuất. Hiện nay, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nắng hạn kéo dài và mưa lớn thất thường đang tác động xấu đến tôm nuôi, đặc biệt là giai đoạn mới thả vào ruộng nuôi. Trên cơ sở đó, Trung tâm Khuyến nông nhận thấy việc triển khai dự án nuôi tôm sú QCCT 3 giai đoạn vào sản xuất là một trong những giải pháp từng bước giúp nâng cao tỷ lệ sống, tăng năng suất, tăng hiệu quả của mô hình nuôi tôm sú QCCT trên vùng đất lúa - tôm, đặc biệt là thích ứng với biến đổi khí hậu. Kết quả dự án thực hiện đạt năng suất 501,63 kg/ha/vụ, kích cỡ tôm thương phẩm từ 30-50 con/kg. Năng suất, kích cỡ tôm thương phẩm đạt khá cao so với hình thức nuôi tôm QCCT tại vùng sản xuất lúa - tôm xã Khánh Thuận, huyện U Minh.
Với quy trình kỹ thuật nuôi mới này, cùng việc người dân trên địa bàn huyện Thới Bình đã tạo ra được sản phẩm lúa sạch, lúa hữu cơ, tôm sinh thái và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) công nhận nhãn hiệu chứng nhận “Lúa sạch Thới Bình” vào năm 2019, tất cả sẽ là ưu điểm lớn nhất của mô hình tôm - lúa trong hành trình xuất khẩu. Ðây cũng là cơ sở, là nền tảng để tỉnh đạt mục tiêu khoảng 40.000 ha sản xuất vùng lúa - tôm có sự liên kết giữa nhà nông với với doanh nghiệp vào cuối năm 2025, trong đó có 10.000 ha nuôi theo hình thức hữu cơ được chứng nhận.
Không chỉ vậy, nhờ ứng dụng khoa học - kỹ thuật mà người dân vùng Bắc Cà Mau có thêm mô hình xen canh lúa - tôm càng xanh toàn đực theo tiêu chuẩn VietGAP. Dự án được triển khai thực hiện từ năm 2020, trên diện tích 200 ha của 136 hộ dân. Qua một vụ canh tác, năng suất lúa trung bình khoảng 3,12 tấn/ha, tương đương 624 tấn; năng suất tôm trung bình hơn 273 kg/ha, tương đương 54,6 tấn. Tổng kinh phí thu được từ vụ sản xuất thứ nhất đạt trên 10,9 tỷ đồng. Không chỉ mang về cho người dân khoản thu khá lớn, mà thành công nhất của dự án là đã xây dựng được quy trình kỹ thuật ươm dưỡng giống tôm càng xanh toàn đực và nuôi trồng xen canh tôm - lúa theo tiêu chuẩn VietGAP.
Chuối là một trong những nhóm sản phẩm chủ lực của tỉnh. Theo đó, để chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, dự án xây dựng mô hình trồng chuối già Philippines đạt tiêu chuẩn xuất khẩu ở vùng U Minh Hạ đã được triển khai thực hiện. Kết quả đã tiếp nhận và làm chủ 4 quy trình công nghệ về nuôi cấy mô, trồng thâm canh chuối già Philippines, chuối xiêm địa phương. Từ đó đã triển khai tập huấn chuyển giao kỹ thuật này cho hơn 200 lượt người dân. Từng bước tiến tới đạt diện tích 6.000 ha chuối từ việc tận dụng khai thác đất đai ở vùng sản xuất khó khăn, nhất là khu vực đất nhiễm phèn, mặn, đất vườn tạp, đất bờ kênh…
Tạo đà bứt phá
Ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong nuôi tôm sú QCCT ít thay nước bằng chế phẩm sinh học, nuôi tôm sú, cua biển kết hợp và nuôi cua theo hình thức bán thâm canh 2 giai đoạn là những mô hình giúp xã Phú Thuận, huyện Phú Tân phát triển nhanh về kinh tế, sớm đạt chuẩn nông thôn mới (NTM).
Phú Thuận là 1 trong 5 xã được UBND tỉnh chọn chỉ đạo hoàn thành xây dựng NTM trong năm 2019. Ðến năm 2017, xã chỉ đạt 10/19 tiêu chí. Theo đó, Sở KH&CN đã tiến hành triển khai mô hình nuôi tôm sú QCCT ít thay nước bằng chế phẩm sinh học, nuôi tôm sú, cua biển kết hợp và nuôi cua theo hình thức bán thâm canh 2 giai đoạn. Kết quả, dự án nuôi tôm sú QCCT ít thay nước sử dụng chế phẩm sinh học năng suất tôm đạt 384 kg/ha/vụ, kích cỡ 18-30 con/kg sau 5 tháng nuôi. Nuôi kết hợp tôm sú, cua biển theo hình thức QCCT, năng suất tôm đạt 207 kg/ha/vụ, kích cỡ 25-40 con/kg; năng suất cua biển đạt 157,27 kg/ha/vụ, kích cỡ 3-5 con/kg sau 5 tháng nuôi. Từ đó đã cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống người dân, đưa xã đạt chuẩn NTM theo đúng kế hoạch.
Xã Thới Bình, huyện Thới Bình là một trong những địa phương đang có nhiều bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội và hành trình xây dựng NTM. Ðặc biệt, khu vực Nổng Bồng Bông, thuộc địa phận Ấp 4 và Ấp 5, từng được biết đến là nơi rất nhiều khó khăn, không ít hộ trước đây không còn trụ được, phải tha phương cầu thực vì đất đai nhiễm phèn. Giờ đây, theo Chủ tịch UBND xã Thới Bình Trần Trung Kiên, nhờ đẩy nhanh ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, cải đạo đất đai, nhất là thành tựu khoa học mới, mà trên địa bàn xã có nhiều mô hình sản xuất hiệu quả từ trồng màu cho đến nuôi thuỷ sản, lúa trên đất nuôi tôm. Từ đó, đời sống người dân không ngừng được cải thiện, năm sau cao hơn năm trước. Ðến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã chỉ còn khoảng 1,8% và cận nghèo 1,23%, thu nhập bình quân đầu người trên 50 triệu đồng. Ðây là kết quả tiếp tục tạo đà cho xã bứt phá trong những năm tiếp theo.
Nói về định hướng chỉ đạo trong sản xuất, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Thanh Triều cho biết, từ nền tảng của KH&CN, nền nông nghiệp Cà Mau có nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế như USDA của Mỹ, EU của châu Âu, GAP của Nhật Bản…, nhiều sản phẩm sinh thái, hữu cơ, an toàn được các tổ chức trong và ngoài nước công nhận. Việc tăng cường ứng dụng KH&CN vào sản xuất thời gian qua giúp người dân đạt lợi nhuận tốt hơn, nhất là nâng tầm được nhiều sản phẩm hàng hoá chủ lực của tỉnh.
Cà Mau là tỉnh đã và đang tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu. Do đó, để giảm thiểu thiệt hại trong quá trình sản xuất do thiên tai cũng như phát huy tối đa lợi thế, khai thác triệt để tiềm năng, việc ứng dụng mạnh mẽ KH&CN là giải pháp quan trọng, đột phá. Theo đó, tỉnh đã xây dựng Chương trình KH&CN và đổi mới, sáng tạo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Chương trình này được xây dựng trên tinh thần chỉ đạo của tỉnh là gắn với nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội để phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế. Trong đó, tập trung vào các nội dung lớn như đẩy mạnh ứng dụng KH&CN phát triển kinh tế biển; ứng dụng KH&CN vào sản xuất và đời sống, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển năng lượng tái tạo và phát triển nuôi thuỷ sản...
Tỉnh đang chỉ đạo quyết liệt hoạt động xúc tiến các hợp đồng liên kết doanh nghiệp với vùng nuôi theo chuỗi giá trị nhằm đạt mục tiêu toàn tỉnh đến năm 2025 đạt 5.000 ha nuôi tôm siêu thâm canh; 175.000 ha nuôi tôm QCCT 2 giai đoạn; 25.000 ha nuôi tôm hữu cơ; 1.100 ha nuôi cua hữu cơ; 100.000 ha nuôi thuỷ sản kết hợp. Ðối với lúa, theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP đạt 1.000 ha; sản xuất lúa hữu cơ đạt 2.000 ha; 15.000 ha rừng sản xuất có chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Sở NN&PTNT tỉnh đã xây dựng kế hoạch dành trên 5.000 tỷ đồng để triển khai nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả.
Nguyễn Phú