ĐT: 0939.923988
Thứ năm, 19-9-24 07:03:21
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Phim hoạt hình Việt cần chuyển mình

Báo Cà Mau Dù là thể loại phim nhận được sự ủng hộ của khán giả, nhưng phim hoạt hình Việt vẫn chưa đủ sức giữ chân người xem và vươn xa hơn, vì nhiều yếu tố.

Chưa đáp ứng nhu cầu

Phim hoạt hình luôn chiếm được tình cảm của khán giả ở nhiều độ tuổi, từ người lớn đến trẻ nhỏ. Không chỉ chiếu trên truyền hình, phim hoạt hình hiện nay còn khuấy đảo các cụm rạp, như các phim đình đám: "Câu chuyện đồ chơi", "Nữ hoàng băng giá", "Chú cá Nemo", "Ðấu trường âm nhạc"... Ðiều đáng buồn là khi các nước đã phát triển phim hoạt hình sánh ngang hàng với các thể loại phim khác thì phim hoạt hình Việt Nam vẫn chỉ tiến những bước quá nhỏ và chậm.

Phim hoạt hình Việt đã trải qua hơn 60 năm tồn tại và phát triển, kể từ bộ phim đầu tiên được sản xuất năm 1959. Thế nhưng đến nay, nó vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu thị hiếu của khán giả Việt và chưa thể bắt kịp nhịp độ phát triển của thế giới. Ðiều gì đã khiến phim hoạt hình Việt mãi chưa lột xác để tự cứu lấy chính mình và tìm được vị thế riêng?

Ðiều đầu tiên phải nhìn nhận là phim hoạt hình Việt bị kẹt trong tư duy, cách làm, cách xử lý nội dung quá cũ kỹ ở thập niên 80, 90 của thế kỷ 20 chứ không bắt được xu hướng thời đại. Sức hút của phim hoạt hình nằm ở khâu kịch bản, nhưng kịch bản vẫn theo lối mòn, nhân vật loay hoay chỉ ở những câu chuyện cổ tích, thần thoại, sự tích... theo kiểu “cây nhà lá vườn”, như các phim: "Mỵ Châu - Trọng Thuỷ", "Quái vật rừng xanh", "Bí mật của những đứa trẻ", "Chiếc xe đạp bay", "Truyền thuyết gươm thần", "Bí mật của khu vườn", "Sự tích cốm Làng Vòng"...

Các em thiếu nhi xem phim hoạt hình là nhu cầu giải trí thiết yếu trong cuộc sống.

Chưa kể, đa phần bối cảnh trong các phim hoạt hình Việt vẫn quanh quẩn với làng quê, cây đa, sân đình, bến nước... đã không còn phù hợp với nhận thức và môi trường sống của trẻ con, nhất là với trẻ sinh ra và lớn lên ở thành thị.

Nhân vật hoạt hình cũng thiếu đa dạng về tính cách, cá tính, nội dung đơn điệu, quá nhiều thoại, kể lể nhiều hơn là phát huy trí tưởng tượng và khơi gợi cảm xúc của người xem. Nhiều phim hoạt hình thuộc thể loại giả tưởng còn khiên cưỡng, nặng về lý tính, lồng ghép bài học giáo dục một cách giáo điều, khiến khán giả nhí không mấy hào hứng.

Bên cạnh thiếu nội dung và nhân vật mới, phim hoạt hình Việt còn nghèo nàn về kỹ xảo. Trong khi công nghệ 3D đã phổ biến và được áp dụng trên thế giới thì tại nước ta chỉ là đang chậm rãi làm quen, thiếu những nhân vật đặc trưng được tạo ra từ công nghệ tiên tiến kiểu: Tom và Jerry, vịt Donald, chuột Mickey, cá Nemo, công chúa Elsa... Thêm vào đó, phim hoạt hình Việt cũng không có những series dài tập, dẫn đến nhân vật chưa rõ nét và không đọng lại dấu ấn nào.

Chị Trần Thị Ngọc, ngụ tại Khóm 1, Phường 5, TP Cà Mau, cho biết: “Thật sự khi mình muốn chọn phim hoạt hình cho hai đứa con nhỏ ở nhà xem mà không biết, cũng không nhớ phim hoạt hình Việt nào hết. Giờ nhiều phim hoạt hình nước ngoài sinh động, hấp dẫn hơn. Tụi nhỏ thấy bạn coi thì coi theo, hay đơn giản là nó hiện sẵn ở top tìm kiếm khi bật YouTube nên tụi nhỏ bấm chọn thôi. Các con có nhu cầu giải trí riêng, nếu cái nào hay và nội dung phù hợp hơn thì mình cho con xem chứ không ép con xem cái con không thích được”.

Chị Tạ Thái Ngọc, ngụ Khóm 4, Phường 9, TP Cà Mau, chia sẻ: “Phim hoạt hình Việt Nam cũng ít trên YouTube. Tôi có xem thử để chọn lọc thêm cho con, nhưng nói thật là chất lượng không ổn lắm, nội dung cũng không tạo hứng thú cho con được. Phim nặng tính triết lý và nhiều tình huống không hợp thời nữa nên các con xem sẽ khó hiểu, khó tiếp thu”.

Cần chiến lược để tiến dài hơn

Thực tế, không phải phim hoạt hình Việt không có người biết làm và thiếu người làm tốt. Bởi khán giả từng phát hiện nhiều gương mặt Việt như: Huy Nguyen, Quan Chan, John Trương, Dennis Dương góp vào thành công của nhiều phim hoạt hình oanh tạc màn ảnh rộng như: "Kỷ băng hà 4", "Công chúa tóc xù", "Madagasscar 3D"... Vậy, vấn đề ở đây chính là phim hoạt hình Việt đang thiếu đất cho họ tung hoành.

Ðây là điều dễ thấy và dễ hiểu vì phim hoạt hình Việt chủ yếu làm theo cơ chế đặt hàng của Nhà nước, chủ yếu là từ Công ty Cổ phần Hãng phim Hoạt hình Việt Nam. Số lượng phim sản xuất mỗi năm chỉ tầm 10 phim trở lại. Các phim này không phải đầu tư cho khán giả nhí mà là mang đi tranh giải trong nước lẫn quốc tế. Nó không được phổ biến rộng rãi mà chỉ có giải mới được giới chuyên môn biết tới. Khán giả Việt gần như mù tịt thông tin về những phim hoạt hình này.

“Tiểu sử Võ Thị Sáu” là bộ phim hoạt hình khai thác đề tài lịch sử được đông đảo khán giả nhí yêu thích.

Chưa kể, ở Việt Nam thiếu kênh phân phối phát sóng chuyên về các phim và chương trình cho thiếu nhi. Trẻ em Việt thường xem phim hoạt hình ở các kênh nước ngoài như: Cartoon Network, Dissney Chanel... Trong nước chỉ vài kênh hiếm hoi như: Kid TV, Bibi, HTV3 Dream TV... nhưng phim hoạt hình phát sóng vẫn là phim được sản xuất của Mỹ, Nhật, Hàn... Còn các phim hoạt hình được "sản xuất tại Việt Nam" hầu như rất hiếm hoi.

Biết sự yếu kém và chậm tiếp cận công nghệ nên vài năm qua, phim hoạt hình Việt cũng nỗ lực trong khả năng cho phép, để tạo ra những món ăn mới và hấp dẫn hơn cho thiếu nhi. Các hãng phim Nhà nước lẫn tư nhân phát động nhiều cuộc thi tìm kiếm ý tưởng kịch bản, tìm kiếm nhân vật hoạt hình mới, như cuộc thi "Tác giả lừng danh" do Hãng phim hoạt hình tư nhân VinTaTa phát động cuối năm 2017, đã tìm ra ý tưởng xuất sắc nhất dành cho nhóm The Whale Hunters với kịch bản "Monta trong dải ngân hà kỳ cục". Tuy nhiên, để có bước tiến dài hơn, phim hoạt hình Việt cần đầu tư chiến lược thu hút con người, trong đó đội ngũ biên kịch phải đặt lên hàng đầu để có được hơi thở thời đại.

Gắn bó với phim hoạt hình trong suốt 40 năm, NSND Hà Bắc khẳng định: “Việc đầu tư làm phim hoạt hình là dài hơi và rất tốn. Ðội ngũ trẻ được giao nhiệm vụ chỉ tròn vai chứ chưa đạt đến mức chinh phục khán giả nhí, nhất là về lâu dài. Bởi làm phim theo kiểu series như nước ngoài rất khó, chưa tính kinh phí, chỉ riêng vấn đề chất xám xây dựng kịch bản đã khan hiếm. Thêm nữa, phim hoạt hình Việt cần thoát khỏi cái nôi an toàn. Muốn thế thì cần môi trường đào tạo giảng dạy về chuyên ngành làm phim hoạt hình hiện đại và bắt kịp nhịp của thế giới hơn”.

Ngoài ra, cũng cần những khung giờ tốt ở các kênh truyền hình từ Trung ương đến địa phương để nuôi dưỡng thói quen tiếp cận thưởng thức phim hoạt hình Việt cho khán giả nhí. Khi có người xem ủng hộ thì động lực làm tốt phim và sự đầu tư từ các nguồn cũng tăng lên.

Khoan hãy kỳ vọng về một kỷ nguyên mới dành cho phim hoạt hình Việt, mà hãy đặt hy vọng để thiếu nhi Việt được xem phim hoạt hình đúng nghĩa của điện ảnh Việt. Ở đó, nhân vật truyền được cảm hứng trong học tập lẫn cuộc sống và vô số câu chuyện tình huống hợp với văn hoá Việt Nam./.

 

Lam Khánh

 

Cảm xúc dẫn lối

Từ nhỏ, Nguyễn Hoàng Giang đã yêu thích nghệ thuật. Cơ duyên đưa anh đến với nhiếp ảnh bắt đầu từ tình yêu dành cho cái đẹp và nghệ thuật. Thế nên, tuy từng có 20 năm gắn bó với Hà Nội, nhưng mảnh đất Hội An đậm chất nghệ thuật lại chính là động cơ thôi thúc, khiến anh quyết định chuyển vào nơi này định cư. Ðến nay, khi đã là chủ một công ty du lịch và sở hữu chuỗi khách sạn, nhà hàng, dù bận rộn, anh vẫn dành thời gian cho nhiếp ảnh.

Dâng hương Tổ nghiệp Sân khấu

Suốt 13 năm qua, Ngày Sân khấu Việt Nam cũng là ngày hướng về Tổ nghiệp của những người hoạt động lĩnh vực sân khấu. Ngày Giỗ Tổ là dịp để những người hoạt động trong lĩnh vực sân khấu cùng nhau nhắc nhớ về thế hệ tiền nhân đã có công sáng lập, gìn giữ loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống của dân tộc. Đồng thời cũng là cuộc họp mặt hâm nóng tình nghệ sĩ, tạo sự gắn kết, cùng động viên nhau phấn đấu để mang những cái hay, cái đẹp phục vụ công chúng.

Còn đó những cánh chim không mỏi

Nghe tôi có ý định tìm một địa điểm lý tưởng để khám phá, thưởng thức các loại hình nghệ thuật truyền thống tại mảnh đất được mệnh danh là “thành phố đáng sống”, một người anh đồng nghiệp đang công tác tại Ðài Phát thanh - Truyền hình Ðà Nẵng giới thiệu ngay Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Vậy rồi, qua vài lời kết nối nhiệt tình, NSƯT Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát, liền đích thân mời đoàn văn nghệ sĩ Cà Mau đến xem một suất diễn trong ngày gần nhất.

Nối dài tình yêu nước bằng nghệ thuật

Nghệ thuật kết nối quá khứ và hiện tại, là phương tiện giúp gìn giữ, lưu truyền và phát huy văn hoá dân tộc. Với ý nghĩa ấy, các bạn trẻ tại Cà Mau, bằng hoạt động nghệ thuật, đã góp phần lan toả, nhân lên tình yêu quê hương, đất nước trong những người trẻ và cộng đồng.

Ấm áp chương trình nghệ thuật “Tình ca Đất Mũi”

Nhằm tôn vinh Âm nhạc Việt Nam nói chung, Âm nhạc Cà Mau nói riêng, thể hiện sự tri ân đối với các tác giả có nhiều cống hiến cho sự nghiệp âm nhạc tỉnh nhà. Tối 3/9, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh đã diễn ra Chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm lần thứ 15 Ngày Âm nhạc Việt Nam với chủ đề :“Tình ca Đất Mũi”. Chương trình do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh phối hợp tổ chức.

Sắc màu miền Tây đến với Huế

Những năm qua, mỹ thuật đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) có bước phát triển mạnh, tạo được tiếng vang trong khu vực, các vùng miền trong và cả ngoài nước. Câu lạc bộ (CLB) "Sắc màu miền Tây ART" đã có 4 cuộc triển lãm tại Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh và Hà Nội từ năm 2019-2023.

Khám phá cùng nhiếp ảnh

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Lê Minh Vũ (Quyên Vũ) sinh năm 1974, tại tỉnh Tiền Giang, hiện sinh hoạt tại Hội NSNA Việt Nam, Chi hội Tiền Giang.

Sắc màu văn hoá địa phương hoà quyện trong từng bài ca, điệu múa

Đạo diễn Nguyễn Tiến Dương, Trưởng Ban giám khảo Hội diễn Nghệ thuật quần chúng tỉnh Cà Mau lần thứ IX - 2024, đánh giá, một trong những điểm nổi bật của hội diễn là những sắc màu văn hoá của địa phương hoà quyện trong các bài hát, điệu múa, càng làm tăng thêm sự hấp dẫn. So với những hội diễn trước, các đội đã có nhiều sự tiến bộ về ca, múa, âm nhạc và trang phục.

Cho chữ mùa Vu lan

Tôi gặp thầy đang cho chữ tại một góc nhỏ trong khuôn viên chùa Thiền Lâm, phường Tân Thành, TP Cà Mau, vào ngày chùa tổ chức lễ Vu lan. Mặc dù bút trên tay đang nắn nót, mắt chăm chú vào con chữ, nhưng được vài nét, khi ngẩng lên chấm mực là thầy nhanh miệng mời gọi mọi người đang đứng túm tụm gần đó: “Viết mấy câu tặng cha mẹ đi chị (cô, chú, anh, em...) ơi!”; “Lại chú cho chữ cầu sức khoẻ, học giỏi nè các con!”; “Cầu tài lộc, sức khoẻ, vạn sự như ý nè anh chị em, cô bác ơi!”... Và bao giờ sau những câu mời gọi, thầy cũng nhấn mạnh “tặng chữ hoàn toàn miễn phí” để khách khỏi đắn đo.

Ði qua mùa hè

Tôi vội nhặt cánh phượng rơi, lòng chợt dâng lên niềm nhớ và không nhớ mình đã bao lần đi qua mùa phượng nở? Nhớ những mùa hè xưa mỗi khi những cành phượng bắt đầu đỏ thắm góc sân trường là lòng tôi lại nôn nao, bởi khi hè về là tôi được về quê nội, được cùng mấy anh chị lặn hụp ngoài đồng mò tôm, bắt cá.