(CMO) Ðặc thù của nghề báo khi được đưa lên phim vốn là món ăn hấp dẫn cho khán giả. Tuy nhiên, số lượng phim về đề tài này vẫn khá hiếm, bởi khó làm và khó truyền tải hết những góc khuất của người làm báo.
Nhiều cách khai thác
Có khá nhiều phim truyền hình lẫn điện ảnh đã đưa những câu chuyện của nghề báo đến với khán giả, như: “Nghề báo”, “Chủ tịch tỉnh”, “Chạy án”, “Phóng viên thử việc”, “Gái nhảy”, “Trả giá”, “Nguyệt thực”, “Những chuyên án lạ”, “Những phóng viên vui nhộn”... Mỗi phim ít nhiều đều cố gắng xây dựng chân dung về những người cầm bút, quá trình tác nghiệp một cách rõ nét, sinh động và phản ánh chân thực nhất về sự gian khổ, những trăn trở và cả đấu tranh tư tưởng để bảo vệ lẽ phải.
Ðiển hình phải kể đến phim “Nghề báo”. Trong suốt những tập phim đã khai thác triệt để những vấn đề xã hội nóng hổi như: chống tham nhũng, buôn lậu, mại dâm... Nội dung phim cũng khai thác triệt để đời sống cũng như cách làm việc của một bộ phận phóng viên, biên tập. Họ phải đấu tranh từng ngày giữa vật chất và tinh thần để đem đến sự thật cho độc giả.
Nhân vật phóng viên Thuý Bình (diễn viên Hồng Ánh đóng) gặp tai nạn nghề nghiệp khi đi tác nghiệp, trong phim “Nghề báo”. (Ảnh chụp màn hình).
Hay “Chạy án”, là câu chuyện Tổng Biên tập một tờ báo bị ảo tưởng về quyền lực thứ tư với những đối tượng mình ghét, gây áp lực cho các phóng viên và cho người khác để tư lợi... Còn đến “Nguyệt thực”, lại là những trăn trở của người làm báo ở bối cảnh báo chí thời hiện đại, sự đấu tranh gay gắt giữa quan điểm làm báo truyền thống với những khía cạnh đời sống xã hội cần phản ánh. Hay bộ phim mới nhất về nghề báo là “Kẻ săn tin” cũng cố gắng mang đến góc nhìn mới về công việc của những phóng viên mảng văn hoá giải trí. Ðể có được những tin nóng về đời tư hay scandal của giới nghệ sĩ, ngôi sao…, người cầm bút cũng phải lăn xả, chấp nhận “sinh nghề tử nghiệp”. Bởi thế, nghề báo mới được xếp hạng trong 10 nghề nguy hiểm nhất thế giới.
Diễn viên Minh Hằng thủ vai nhà báo trong phim “Kẻ săn tin”. (Ảnh chụp màn hình).
Ða phần nội dung các phim về nghề báo đều cố gắng cho thấy các cuộc chiến đưa thông tin đúng nhất đến độc giả, cuộc đấu tranh nội tâm của lương tâm nghề nghiệp và sức nặng của cơm áo gạo tiền để không sa đà vào những cám dỗ... Tuy nhiên, đó chỉ là một phần nhỏ của câu chuyện làm báo. Nó chưa khiến khán giả “đã” với phong cách tác nghiệp của phóng viên ngoài thực tế, chưa thể đưa những câu chuyện hấp dẫn nhất của quá trình tác nghiệp trong nhiều lĩnh vực của đời sống... Nhất là khi báo chí ngày nay đang đối mặt với những thách thức mới và những cuộc chiến mới, đó là giữ vững vị thế khi mạng xã hội lên ngôi và nhiều loại hình truyền thông khác ra đời.
Cần sự am hiểu
Ðề tài hấp dẫn và có nhiều đất để khai thác nhưng số lượng phim về nghề báo vẫn ít. Ðáng nói là vài năm trở lại đây, phim về nghề báo càng hiếm hoi và thưa vắng dần. Phải thừa nhận điểm hạn chế của các phim về nghề báo chính là mô tả quá trình tác nghiệp của phóng viên có nhiều điều phi lý, thiếu lô gíc và đôi khi trái với thực tế, dẫn đến nhiều hiểu lầm cho chính người xem. Ví dụ một phóng viên không thể nào vô duyên vô cớ bắt tay với một người lạ để làm bại lộ thân phận và dễ rước những nguy hiểm vào thân như trong “Kẻ săn tin”. Cũng không có phóng viên nào mạo hiểm giơ máy lên chụp hình trong vũ trường trong khi đi làm tin phản ánh như trong “Gái nhảy”...
Ðạo diễn Phi Tiến Sơn, người từng thành công với phim “Nghề báo” (năm 2006) từng thẳng thắn cho biết: “Nghề nào cũng có những cái hay, cái khó. Muốn đưa được những cảnh đặc thù từng nghề nghiệp, nhất là nghề báo và quá trình tác nghiệp của phóng viên lên phim là chuyện không hề dễ dàng. Trong kịch bản có thể miêu tả cảnh phóng viên tác nghiệp trong tình huống nào đó khá suôn sẻ, nhưng tái hiện lại sao cho thật nhất thì quả là khó, mà làm không tới sẽ gây những tranh luận trái chiều không tốt cho nghề báo”.
Hình ảnh toà soạn báo được đưa lên phim “Nghề báo”. (Ảnh chụp màn hình).
Thêm vào đó, để viết một bộ phim về nghề báo, chính biên kịch và đạo diễn phải có sự am hiểu dày dặn, sâu rộng về nghiệp vụ báo chí và cả kinh nghiệm với chính nghề này. Một cái khó nữa là diễn viên không phải ai cũng diễn ra được cái chất của các phóng viên, nhà báo. Không phải cứ cầm máy ảnh, làm vài động tác phỏng vấn, ghi âm... là thành phóng viên báo chí. Nó còn là sự nhạy bén trong cách khai thác, hành xử với đề tài và nhân vật khi tiếp cận. Ðó là sự sắc sảo, tinh tế trong những sự kiện tham dự và góc nhìn để tạo nên tin, bài có sức lan toả trên mạng xã hội lẫn cuộc sống giữa bối cảnh 4.0.
Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển nhanh chóng và thị hiếu cũng dần thay đổi, áp lực cạnh tranh về thời gian, lượt xem tin, bài khiến các nhà báo phải lựa chọn giữa tôn trọng sự thật, đưa những bài viết chính xác, được kiểm chứng với việc đưa thông tin phù hợp với thị hiếu người xem, sử dụng các thủ thuật về giật tít nhằm thu hút người đọc... đây cũng là nội dung khó truyền tải đúng và sâu sắc đến khán giả.
Mỗi đạo diễn có cách tiếp cận với nghề báo thông qua lăng kính của bản thân. Làm lại lối mòn cũ sẽ nhàm chán, nhưng để bám sát thực tiễn, đưa những cái mới của nghề báo lên phim thì cần “lực” về kịch bản, về sự từng trải trong diễn xuất của diễn viên, về cách dàn dựng bối cảnh tình huống vừa sinh động, vừa mang tính thực tiễn cao... Ðặc biệt, mỗi loại hình báo chí một đặc thù riêng thì người làm phim phải khai thác tốt và đúng với phương thức làm tin, viết bài, tạo sản phẩm... Khán giả thích tìm hiểu nghề báo vì gay cấn như cảnh sát hình sự, lắm “drama” hệt những phim Hàn... Thế nhưng, để đưa được cái người xem thích mà vẫn đảm bảo tôn trọng nghề báo thì phim ảnh Việt cần “cao tay” hơn nữa./.
Thanh Lam