ĐT: 0939.923988
Thứ năm, 8-5-25 01:48:37
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Phố chợ nơi ngã ba sông

Báo Cà Mau (CMO) Khi tôi lớn lên, những ngày đầu tiên đến trường trên chiếc xuồng ba lá theo má đi chợ vào mỗi sớm mai, là đã thấy hai dãy phố chợ Thới Bình nằm dưới tán những cây còng mới lớn đã có từ bao giờ rồi. Sau này, khi tìm đọc các tài liệu ghi lại việc hình thành phố chợ Thới Bình, tôi mới biết rõ hơn chiều dài lịch sử hàng trăm năm của dãy phố nằm bên ngã ba sông Trẹm.

Theo tài liệu lịch sử ghi lại, vào những năm 20 của thế kỷ trước, làng Thới Bình khi ấy chỉ là một vùng đất hoang sơ, khắc nghiệt, nên ít dân cư sinh sống. Là vùng đất mới nên ngày càng có nhiều người dân từ vùng trên xuống giao thương, lập nghiệp. Dần dần, Thới Bình trở nên đông đúc, nhộn nhịp. Ngã ba sông Trẹm là vị thế thuận lợi cho giao thương, buôn bán, nên quan lại phong kiến tranh nhau cất phố, lập chợ và hình thành nên chợ Thới Bình.

Ban đầu, dãy phố được cất tạm bợ. Ðến năm 1940, thực dân Pháp đã cất lại dãy phố bằng gỗ dầu, lợp ngói. Khu phố có khoảng 100 căn, chia hành hai dãy. Sau khi cất xong, các căn phố được bán lại cho người Việt, người Hoa để ở và buôn bán. Ðó có lẽ là mốc thời gian về sự ra đời hai dãy phố của thị trấn Thới Bình ngày nay. Khu phố được cất theo hai dãy nơi ngã ba sông, từ đầu con rạch Bà Ðặng cho đến vàm kênh Chắc Băng, giáp với sông Trẹm. Ðây là ngã ba sông, rất thuận lợi cho giao thương, cả trên bộ lẫn dưới sông. Vào năm 1946, khu chợ đã từng bị cháy một lần trong chiến tranh, sau đó đã được cất lại. Nếu tính thời gian hình thành, thì dãy phố chợ Thới Bình đã trải qua gần một thế kỷ. Còn nếu tính từ thời gian thực dân Pháp cất nên hai dãy phố, thì phố chợ Thới Bình đã có tuổi đời hơn 80 năm.

Thị trấn Thới Bình đang chuyển mình xây dựng đô thị văn minh.  Ảnh: VĂN ÐUM

Khi tôi lớn lên là đã thấy hai dãy phố làm bằng gỗ dầu, lợp ngói âm dương, nằm dưới tán những cây còng chạy dài từ đầu vàm Bà Ðặng đến vàm kênh Chắc Băng. Dưới thời Việt Nam Cộng hoà, khu phố chợ Thới Bình thuộc đơn vị hành chính cấp xã, gọi là xã Thới Bình, và là nơi đặt quận lỵ Thới Bình. Phố chia làm hai dãy, dãy trên bờ và dãy phía mé sông. Hai dãy phố cách nhau một con đường trải đá. Ðường chỉ để đi bộ, hiếm khi thấy có chiếc xe đạp xuất hiện trên con đường này, chứ đừng nói đến xe gắn máy. Sau này, con đường được tráng xi-măng nên nhìn có vẻ đẹp và khang trang hơn. Con đường dẫn lên chiếc cầu bắc qua kênh Chắc Băng ở gần ngã ba sông chia dãy phố làm hai đoạn gần bằng nhau. Khoảng giữa của dãy phía trên là nhà làm việc của chính quyền xã, còn ở phía ven sông là khu nhà lồng chợ. Dãy phố trên được cất liền kề, hiên trước mỗi căn liền nhau tạo thành lối đi cho người dân, rất thuận lợi cho việc đi lại, mua bán, dù thời tiết nắng, mưa.  Ðoạn giữa hai dãy phố này có thể gọi là trung tâm của chợ Thới Bình ngày xưa. Hầu hết những căn phố ở đoạn này đều là những cửa tiệm của người Hoa. Dãy phố phía ven sông thì không cất liền kề. Cách vài căn phố có chừa một khoảng trống, chiều ngang bằng một căn phố, để làm lối đi từ trên phố xuống bờ sông. Ngày xưa, bà con ở quê ra chợ chủ yếu bằng đường sông, nên những khoảng trống dành cho lối đi như vậy là rất thiết thực. Bà con khi chèo xuồng ra chợ, cột xuồng lại ở một bến nào trống rồi lên chợ mua bán, xong buổi chợ lại xuống xuồng chèo về. Ðoạn phố gần nhà lồng chợ thì tấp nập hơn cả trên phố lẫn bến sông vào mỗi phiên chợ sáng.

Khu phố chợ Thới Bình ngày xưa rất nhỏ, hẹp so với ngày nay. Người cũng không đông, vả lại trong thời chiến, nên phố chợ có vẻ thưa vắng người hơn. Các cửa hàng thì chủ yếu là buôn bán tạp hoá. Quán ăn và giải khát chỉ vài ba cửa tiệm, như quán Lâm Trường Minh luôn đông khách cà phê và ăn sáng với món bánh tằm bì, xíu mại, giò chéo quẩy, và cà phê “xây chừng” hay “xây nại” pha bằng vợt. Quán Khá Lém thì cao cấp hơn một chút, ngoài cà phê và những món ăn, thức uống thông thường, còn có những món ăn của người Hoa, như cháo Tiều, mì Quảng... Ở đầu cầu có quán cà phê của dì Ba Họn. Nơi đây khách thường là lính tráng bên chi khu sang ngồi tán gẫu với con gái bà chủ… Ngoài ra, còn có một vài quầy cà phê, ăn sáng bình dân ở quanh nhà lồng chợ. Quán xá ở Thới Bình ngày xưa chỉ có vậy, quán ăn, quán nhậu không nhiều như ngày nay…

Tôi quên, chưa nhắc đến chuyện điện đóm ở khu phố chợ. Dĩ nhiên là thị trấn thời ấy không có điện lưới. Và phố không có đèn đường, không có tiếng xe, mà chỉ có tiếng ghe hay xuồng máy dưới sông. Ðêm, khoảng 6-7 giờ tối cho đến khoảng 10 giờ là có máy phát điện chạy để thắp đèn chiếu sáng cho cả khu phố chợ và cả bên chi khu. Chiếc máy đèn già cỗi tải không nổi mô-tơ điện, dù chỉ cho nhu cầu thắp sáng, ánh sáng những ngọn đèn cứ chập chờn, không đủ sáng. Ông Sáu Thẹo là người phụ trách chuyện điện đóm, nghĩa là vừa chạy máy đèn, vừa sửa chữa đường điện, vừa kiểm tra người dùng điện, vừa thu tiền điện. Ông luôn nhắc nhở mọi nhà nên xài bóng đèn dài, không cho xài bóng tròn, nhưng điện cứ chập chờn thì đèn dài chỉ vài ba bữa là hư, nên bà con cứ lắp bóng tròn mà xài. Cái vòng luẩn quẩn ấy cứ mãi là chuyện không dứt về điện. Nhưng mỗi tối, bà con vẫn chờ chiếc máy đèn đặt ở đầu cầu Bà Ðặng lên tiếng sau những vòng quay hì hục của ông Sáu Thẹo. Nghe tiếng máy đèn, người ta không khỏi hình dung như một cụ già hom hem đang cố sức để làm một công việc nặng nhọc so với sức lực và tuổi của mình…

Phố chợ bên này nối với bên kia vàm kênh Chắc Băng là nơi đặt Chi khu Thới Bình thời chính quyền cũ bằng một chiếc cầu. Có một thời, khoảng năm 1960, chiếc cầu này là cầu quay, quay bằng thủ công. Mỗi khi có tàu ghe lớn qua lại, là những người phụ trách dùng tay quay cho nhịp giữa cầu nằm xuôi theo dòng sông, mở ra khoảng trống cho ghe tàu qua. Về sau chiếc cầu quay hư, chính quyền cũ làm cầu bằng gỗ, có độ thông thuyền cao để thay thế.

Sau ngày miền Nam giải phóng, quận Thới Bình đổi thành huyện Thới Bình, đồng thời chính quyền tách một phần diện tích và dân số của xã Thới Bình để thành lập thị trấn Thới Bình, là thị trấn huyện lỵ Thới Bình. Sau gần nửa thế kỷ từng bước thay da đổi thịt, hai dãy phố của thị trấn Thới Bình nay đã khác xưa rất nhiều. Một sự thay đổi để vươn lên phát triển không ngừng, nhất là từ khi bước vào thời kỳ đổi mới. Thay đổi đến nỗi, có những người xa quê lâu ngày về thăm không nhận ra góc phố hay con đường quen thuộc khi xưa.

Trước hết là hai dãy phố nay đã mang bộ mặt khác. Con đường nằm giữa hai dãy phố, cũng như những con đường chung quanh thị trấn, nay đã được tráng nhựa phẳng phiu. Xe gắn máy đã là phương tiện đi lại, và không ít người dân ở thị trấn đã có xe hơi. Phố được nối dài thêm ở cả hai đầu và mở rộng thêm với một con đường hai chiều song song phía sau hai dãy phố cũ. Ðầu phố phía ngã ba sông ngày nay là phố chợ đông đúc với một đoạn lộ hai chiều khang trang, chạy ngang phía trước nhà lồng chợ mới xây sau này. Phía đầu phố còn lại thì nối dài bên kia cầu Bà Ðặng, lên tới khu vực đồn trú của lính ngày xưa.  Nhiều căn phố đã được bà con xây lại nhà tầng sau nhiều năm xuống cấp, hư hỏng. Dãy phố phía mé sông đã được xây cất liền kề, không còn những chỗ làm lối đi từ sông lên phố, bởi ngày nay bà con đi chợ bằng xe gắn máy, chứ đâu còn xuồng chèo tấp nập dưới sông như ngày xưa. Bờ kênh dọc theo con phố được xây kè thẳng tắp, đẹp, sạch sẽ và nhìn ngăn nắp vô cùng! Còn nhiều mặt thay da đổi thịt của dãy phố ngày xưa sau nửa thế kỷ mà tôi không thể ghi lại hết…

Bên cạnh sự chuyển mình phát triển nhanh chóng của thị trấn Thới Bình ngày nay, vẫn còn lại những dấu tích của một dãy phố chợ đã được hình thành gần một thế kỷ đã qua. Những căn phố lợp ngói âm dương còn lại nay đã rêu phong, xô lệch, xuống cấp... nằm im lìm dưới tán cây còng đại thụ, xen lẫn bên những căn phố mới xây, có lầu và thiết kế hiện đại. Có lẽ, hình ảnh ít thay đổi nhất của phố chợ Thới Bình chính là hàng còng phủ bóng trên con phố qua thời gian. Có chăng là những cây còng đã già cỗi, đội chăm sóc cây xanh phải cắt tỉa bớt cành, nên nhìn có vẻ như thưa thớt, đơn độc hơn… Sự pha trộn giữa những dấu tích cũ vẫn còn lại theo thời gian, và những thay đổi theo đà phát triển của cuộc sống đã tạo cho khu phố chợ Thới Bình những nét riêng, vừa lặng lẽ và cũng vừa hoà mình với nhịp sống nhộn nhịp của một thị trấn huyện lỵ đang trên đà phát triển và xây dựng thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị./.

 

Nguyễn Sông Trẹm

 

Lưu Hữu Phước – Nhạc sĩ tài danh đất Tây Đô

Hai ba thế hệ người Việt Nam hát những ca khúc của nhạc sĩ tài danh Lưu Hữu Phước. Không có cuộc đời nào, tâm hồn nào trên đất nước Việt Nam thân yêu thế kỷ vệ quốc anh hùng mà không được Lưu Hữu Phước giục giã.

Ngày giải phóng Cà Mau

Cà Mau - địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài 3: Bức tranh văn hoá đa sắc

Dù ở vùng đất mới, gốc gác khác biệt, song khi về tới Cà Mau, thế hệ tiền nhân đã sớm ý thức về nguồn cội, quần tụ và cố kết với nhau bằng sợi chỉ đỏ chảy xuyên suốt của nền văn hoá dân tộc Việt Nam bốn ngàn năm: “Từ thuở mang gươm đi mở cõi/Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”.

Cà Mau - Địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài 2: Con người Cà Mau - Nét duyên xứ sở

Cố Giáo sư Trần Quốc Vượng cho rằng: “Con người là chủ thể văn hoá, cách ứng xử của con người với chính mình, với thiên nhiên và các mối quan hệ xã hội định hình nên đặc điểm và tính cách của nền văn hoá ấy”. Ở vùng đất mới Cà Mau, nếu không nói về con người Cà Mau, tính cách và cốt cách của con người Cà Mau thì quả thật là một điều thiếu sót lớn. Hồn cốt quê hương, khí phách của ông cha là nơi hậu thế soi chiếu vào đó để nhận diện được chính mình và khơi mở những chặng đường tương lai của mảnh đất này.

Cà Mau - Địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc

Khi Báo Cà Mau đăng loạt ghi chép pha chút hơi hướng khảo cứu này, tỉnh Cà Mau đang hừng hực khí thế, với thế và lực mới vững vàng hoà vào dòng chảy thời đại cùng cả dân tộc, đất nước Việt Nam tiến bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển phồn thịnh, giàu mạnh, hạnh phúc.

Dì tôi - Người đàn bà đi qua hai cuộc kháng chiến

Trước đây không lâu, Báo Cà Mau có đăng bài viết về chuyện bà Hai Ðầm tham gia trận diệt đồn Tân Bằng năm 1946. Trong trận đánh táo bạo này, bà được Chi bộ Thới Bình cài vào đồn giặc Pháp làm nội gián để cùng bộ đội ta thực hiện phương án “nội công ngoại kích”. Bài viết theo lời kể của ông Huỳnh Văn Tứ ở thị trấn Thới Bình, người cùng thế hệ và có mối quan hệ thân tộc với bà Hai Ðầm.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều - Bài cuối: Ðổi mới phương pháp dạy và học

Việc Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) siết chặt quản lý dạy thêm, học thêm theo Thông tư số 29/2024/TT-BGDÐT quy định về dạy thêm, học thêm (Thông tư 29) đã nhận được sự đồng thuận của xã hội. Bởi chính phụ huynh, học sinh và cả các thầy cô giáo nhận ra đã đến lúc cần thay đổi tư duy giáo dục theo hướng mở.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều - Bài 2: Chia nhau trách nhiệm

Ðể siết chặt vấn đề dạy thêm - học thêm, nếu chỉ dựa vào nỗ lực của ngành giáo dục là chưa đủ, mà còn đòi hỏi sự nhìn nhận đúng và sự giám sát của phụ huynh, của xã hội.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều

Thông tư 29/2024/TT-BGDÐT ngày 30/12/2024 của Bộ Giáo dục và Ðào tạo (Thông tư 29) quy định về dạy thêm, học thêm chính thức có hiệu lực từ ngày 14/2/2025. Câu hỏi đặt ra là việc quản lý sau đó như thế nào để không có việc “nóng” kiểm tra thời gian đầu, còn sau lại đâu vào đó? Giáo viên, phụ huynh và học sinh các cấp sẽ “sống” cùng với thông tư như thế nào? Bên cạnh đó, các cơ sở dạy thêm trên địa bàn tỉnh Cà Mau cũng đang oằn mình để đón thêm lượng học viên quá tải...

Xây “đường băng” đưa đô thị vùng Tây Nam cất cánh - Bài cuối: Nền móng vững chắc cho Cà Mau vươn xa

Chủ trương sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện, một quyết sách chiến lược của Chính phủ hướng đến bộ máy hành chính tinh gọn đã mang đến những thay đổi sâu rộng trong quản lý đô thị trên cả nước. Tại Cà Mau, bối cảnh mới này đòi hỏi sự đánh giá lại về quỹ đạo phát triển của các khu vực đô thị, đặc biệt là những nơi đã nỗ lực xây dựng các tiêu chí đô thị văn minh. Tới đây, các danh xưng hành chính có thể thay đổi, nền tảng hạ tầng, kinh tế và xã hội đã được kiến tạo vẫn là tài sản vô giá, làm nền móng vững chắc, định hình tương lai phát triển của Cà Mau sau này.