(CMO) Tình hình thiên tai đang diễn biến ngày càng phức tạp. Dù chỉ mới bước vào đầu mùa mưa bão nhưng đã gây thiệt hại nặng nề và cao hơn so với cùng kỳ năm trước.
Đó là nhận định của ông Nguyễn Long Hoai, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh sau những ảnh hưởng bất thường do mưa bão vừa qua.
- Ông nhận định thế nào về hiện tượng thời tiết cực đoan thể hiện càng rõ nét hiện nay?
Ông Nguyễn Long Hoai: Thật ra, dông lốc mức độ nguy hiểm cao hơn bão, đây là hiện tượng cực đoan rất khó xác định. Trong thời gian ngắn có thể càn quét và để lại thiệt hại rất lớn.
Cần nâng cao ý thức cộng đồng dân cư về tác hại và cách phòng chống thiên tai để giảm thấp nhất thiệt hại. Ảnh: Hồng Nhung |
Từ đầu năm đến nay toàn tỉnh xảy ra 112 vụ sạt lở đất, ảnh hưởng 785 căn nhà, trong đó, sập 135 căn, tốc mái 514 và 136 trường hợp thiệt hại do sạt lở; 32 phương tiện chìm và hư hỏng, đã có 3 người chết, 4 thuyền viên bị thương và 22 thuyền viên mất tích. Tổng thiệt hại ước tính trên 25 tỷ đồng. Riêng tháng 7 thống kê thiệt hại khoảng 8,8 tỷ đồng.
Chúng ta đang chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu, quy luật 6 tháng mặn - 6 tháng ngọt với 2 mùa mưa nắng không còn nữa, nắng gay gắt kéo dài, mưa lớn tập trung nhiều ngày, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản và sản xuất của người dân. Mưa lớn kết hợp với dòng chảy mạnh, cộng hưởng với chênh lệch triều cường cao. Song song đó người dân có tập quán sống ven sông, giao thương buôn bán. Do đó, dù đã có rất nhiều giải pháp nhưng vẫn bị thiệt hại đáng kể.
- Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đã triển khai những kế hoạch phòng chống như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Long Hoai: Trước tình hình thời tiết, thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã tăng cường dự báo, cảnh báo và chỉ đạo địa phương theo dõi sát sao diễn biến thời tiết, kịp thời giúp người dân phòng tránh. Tính đến thời điểm này, Ban Chỉ huy của tỉnh đã có 147 văn bản gửi đến các địa phương hướng dẫn cách phòng ngừa, dự báo thiên tai và những biện pháp khắc phục.
Ban chỉ huy đã chia 5 khu vực tăng cường kiểm tra công tác phòng chống thiên tai các địa phương, nhất là những khu vực trọng điểm vào đầu mùa mưa. Đồng thời, tăng cường huấn luyện thực hành về phòng chống thiên tai luân phiên tại các khu vực. Ngoài ra, công tác khắc phục hậu quả thiên tai cũng được chú trọng.
Tuy nhiên, đó chỉ là những giải pháp tình thế để đối phó với thiên tai. Về lâu dài, để hạn chế thấp nhất thiệt hại cần phải chuyển từ bị động trong đối phó sang chủ động phòng ngừa. Hiện nay tất cả khu dân cư ven biển còn trên 30 khu vực cần di dời người dân vào bên trong để đảm bảo an toàn nhưng kinh phí hạn hẹp, chưa thực hiện được.
Theo dự báo, tình hình thời tiết sẽ còn diễn biến phức tạp, mỗi địa phương cần đề phòng, chủ động và có kế hoạch đối phó thiên tai. Việc nâng cao năng lực cộng đồng dân cư về tác hại và cách phòng chống thiên tai là điều hết sức cần thiết, nhằm giảm thiệt hại ở mức thấp nhất có thể.
- Xin cảm ơn ông!./.
Hồng Nhung