ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 19-4-25 22:01:11
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Phụ nữ với mô hình “3 biết” - Bài cuối: Giúp hội viên thoát nghèo bền vững

Báo Cà Mau Mô hình "3 biết", "3 biết, 2 hỗ trợ" đã và đang khẳng định tính hiệu quả, thúc đẩy công tác hội và phong trào thi đua của phụ nữ trên địa bàn toàn tỉnh không ngừng phát triển. Mô hình được ví như điểm nhấn đẹp trong rất nhiều mô hình và phong trào thi đua, do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh phát động và tổ chức thực hiện thời gian qua.

U Minh được đánh giá là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao so với các huyện trong tỉnh Cà Mau. Năm 2023, có 1.259 hộ nghèo, chiếm 4,76%. Ðể giúp huyện giảm tỷ lệ hộ nghèo, những năm qua, Hội LHPN huyện luôn thực hiện tốt việc khai thác nguồn lực, triển khai khảo sát thực tế từng địa bàn, nắm nhu cầu hội viên, phụ nữ cần hỗ trợ để tiến hành sàng lọc, có chọn lựa ưu tiên để hỗ trợ phù hợp.

Tranh thủ nguồn lực hỗ trợ

Cụ thể, từ các nguồn vốn: Hài Hoà, Cearac, Hà Lan, Quỹ Vì tương lai... đã tổ chức được 9 mô hình phát triển kinh tế cho phụ nữ, với số tiền 447 triệu đồng, chị em làm ăn hiệu quả và hoàn vốn tốt. Ngoài ra, hội còn hỗ trợ phụ nữ nâng cao năng lực phòng tránh thiên tai. Theo đó, Huyện hội được Tỉnh hội hỗ trợ 250 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ phòng tránh thiên tai của Trung ương, giúp hội viên, phụ nữ trên địa bàn xã Khánh Tiến vay với lãi suất thấp để chăn nuôi, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Hiện nay, nguồn vốn này đang tăng trưởng, đến nay trên 300 triệu đồng, đã giúp thêm 4 chị vay để sản xuất, kinh doanh...

Chị Tô Thuỳ Lê (Ấp 12, xã Khánh Thuận, huyện U Minh) nhân rộng đàn heo từ nguồn hỗ trợ của Chi hội Phụ nữ, để tăng thu nhập cho gia đình.

Tranh thủ sự quan tâm, tạo điều kiện từ nguồn vốn 500 triệu đồng của Nhật Bản, được UBND huyện giao, Hội LHPN huyện U Minh thực hiện các mô hình sinh kế tại vùng ngọt hoá (xã Nguyễn Phích và Khánh Thuận). Ðây là nguồn vốn triển khai trên 5 năm qua, đã giúp trên 280 lượt phụ nữ ổn định cuộc sống, vươn lên khá giàu. Từ 500 triệu đồng ban đầu, đến nay nguồn vốn này đã tăng thêm 50 triệu đồng, mở rộng hỗ trợ thêm 15 chị khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh.

“Hằng năm, Hội LHPN huyện phối hợp cùng cơ sở đi khảo sát địa bàn, lựa chọn mô hình sinh kế phù hợp, sau đó lập dự án trình UBND huyện phê duyệt. Ðây là cách Hội LHPN huyện nhận thấy mang lại lợi ích hết sức thiết thực cho hội viên, phụ nữ. Bằng cách này, Hội LHPN huyện đã khai thác được 13 dự án, hỗ trợ tất cả các xã, thị trấn trong huyện", chị Lam chia sẻ.

Mỗi dự án UBND huyện hỗ trợ từ 120-200 triệu đồng, thực hiện theo phương án hỗ trợ 30%, còn lại hộ gia đình đối ứng 70%. Với cách làm này, hội viên, phụ nữ và người dân đồng thuận cao, trong đó hiệu quả nhất là dự án nuôi ốc bươu đen tại Ấp 10, xã Nguyễn Phích; thu nhập từ ốc rất cao, mỗi ngày khoảng 350 ngàn đồng/hộ. Khi triển khai chỉ có 9 hộ tham gia, đến nay đã nhân rộng trên 30 hộ, ở các ấp lân cận và xã khác. Ðây là những mô hình sinh kế bền vững, khi thực hiện các dự án này, Hội LHPN huyện đều quan tâm gắn với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Thế mạnh của xã Khánh An là trồng bồn bồn kết hợp nuôi cá đồng. Với nguồn vốn được UBND huyện giao, Hội LHPN huyện đầu tư 200 triệu đồng cho 8 hộ thực hiện. Ðến thời điểm hiện tại, kết quả từ dự án mang lại rất khả quan.

Ngoài ra, hội còn quan tâm hướng dẫn, duy trì, quản lý tốt các mô hình tiết kiệm tín dụng, hùn vốn giúp nhau tại các tổ phụ nữ. Bình quân hằng năm huy động trên 2,8 tỷ đồng, giúp 1.300 chị trang trải cuộc sống gia đình, kinh doanh mua bán nhỏ, xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, mua bảo hiểm y tế... Từ đó, hội viên đã phát huy tốt nguồn vốn, đoàn kết giúp nhau nâng cao chất lượng cuộc sống. Ðặc biệt, hội thực hiện tốt công tác phát triển, quản lý nguồn vốn uỷ thác với Ngân hàng Chính sách xã hội (hiện tại, hội quản lý 75 tổ tiết kiệm và vay vốn, có 3.708 hộ vay, tổng dư nợ 111 tỷ 257 triệu đồng). Qua đó, giúp thoát nghèo 94/80 hộ, đạt 117% chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Riêng năm 2023 đã nhận giúp 198 hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo, kết nối vận động xây dựng 28 căn nhà Mái ấm tình thương cho phụ nữ nghèo.

Nghị lực vươn lên

Là một trong những hộ nghèo được hỗ trợ con giống và vốn phát triển kinh tế gia đình, chị Nguyễn Thị Tiền, Ấp 12, xã Khánh Thuận, huyện U Minh, bộc bạch: “Gia đình tôi làm nghề cưa cây kiếm sống. Tháng nào nhiều chủ rừng khai thác tràm thì vợ chồng tôi thu nhập nhiều, tháng nào không ai khai thác thì không có thu nhập, cuộc sống rất bấp bênh. Nhờ chị em hỗ trợ 3 con heo giống và thức ăn chăn nuôi, tôi mừng lắm. Tôi định bụng sau khi xuất chuồng sẽ mua heo giống tái đàn”.

Chị Tô Thuỳ Lê là hội viên mới của Chi hội Phụ nữ Ấp 12. Trước đây gia đình chị Lê ở Cái Ðôi Vàm, huyện Phú Tân, mới chuyển về đây sinh sống hơn một năm qua. Ðể giúp chị Lê hoà nhập với môi trường mới, chi hội đã vận động chị vào hội và hỗ trợ mô hình, vốn sản xuất. Bằng hình thức hỗ trợ này, năm 2022 chi hội đã giúp 4 hộ thoát nghèo, vươn lên phát triển kinh tế. Trong năm 2023, chi hội hỗ trợ 4 hộ, những hộ này sẽ thoát nghèo trong năm nay. Như vậy, ấp sẽ xoá trắng hộ nghèo.

Từ nay đến cuối năm 2023, Ấp 12 xã Khánh Thuận sẽ xoá trắng hộ nghèo.

“Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế là điều kiện cần thiết trong việc tập hợp thu hút hội viên. Thông qua những việc làm thiết thực, thời gian tới hội cố gắng phát huy nhiều hơn nữa những cách làm hiệu quả. Bên cạnh đó, sẽ nghiên cứu thêm những mô hình mới, tạo mọi điều kiện tốt nhất hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo; nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, từng bước phát huy tốt vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”, chị Lam cho biết.

Ðánh giá về tính hiệu quả của mô hình, chị Trần Thị Kiều Yến, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, cho biết: “Với phương châm ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động hội, các cấp hội trong tỉnh tổ chức nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, thu hút đông đảo hội viên, phụ nữ tham gia. Ðồng thời, xây dựng nhiều mô hình, nhằm nâng cao chất lượng tại các buổi sinh hoạt chi, tổ hội. Ðiển hình là mô hình "3 biết", "3 biết, 2 hỗ trợ" của Hội LHPN huyện U Minh, TP Cà Mau... Có thể nói, đây là mô hình hay, hiệu quả, thực hiện phân cấp, phân công nhiệm vụ theo phương châm "Trung ương định hướng chiến lược, tỉnh vận dụng sáng tạo, huyện đồng hành cơ sở, xã nắm chắc hội viên, chi hội thấu hiểu phụ nữ". Chính từ mô hình này đã thu hút phụ nữ tham gia đồng hành cùng với hoạt động hội. Các cấp hội đều đề ra giải pháp hiệu quả hoạt động công tác hội, thu hút tốt các nguồn lực để hỗ trợ các hoạt động hội, hỗ trợ hội viên. Song, vấn đề cốt lõi, quyết định sự thành công của mô hình vẫn là sự nỗ lực vượt khó, tự vươn lên của chính hội viên"./.

 

Kim Cương - Lam Khánh

 

Xây “đường băng” đưa đô thị vùng Tây Nam cất cánh - Bài 2: Bước chuyển mình của đô thị hoá nông thôn

Khác với sự trỗi dậy mạnh mẽ của các đô thị động lực, như TP Cà Mau, Sông Ðốc và Năm Căn, những làng quê, nơi mà quá trình đô thị hoá đang diễn ra một cách lặng lẽ lại trở thành nơi lý tưởng, đáng sống, ước mơ của nhiều người. Cà Mau, từ một bức tranh tưởng chừng đơn điệu, với ruộng lúa, ao tôm, cánh đồng hoa màu và những con rạch hiền hoà, nay khoác lên mình diện mạo mới, hiện đại hơn, thuận tiện hơn, nhưng vẫn giữ được bản sắc miền Tây sông nước.

Xây “đường băng” đưa đô thị vùng Tây Nam cất cánh - Bài 3: Giải mã “điểm nghẽn” để khơi thông tiềm năng

Tốc độ đô thị hoá của Cà Mau tăng trung bình 1,3%/năm, phản ánh sức hút và tiềm năng nội tại. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa tương xứng với tiềm lực vốn có và còn cách biệt so với khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Quá trình đô thị hoá tại Cà Mau vẫn đang đối diện với những nút thắt cần tháo gỡ.

Xây “đường băng” đưa đô thị vùng Tây Nam cất cánh

Tỉnh Cà Mau đang kiến tạo một nền tảng vững chắc để đô thị hoá trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội. Ðến cuối năm 2024, tỷ lệ đô thị hoá của tỉnh đạt 33,04%, với 22 đô thị, cao hơn mức trung bình của đồng bằng sông Cửu Long (32,0%) và vượt một số tỉnh lân cận, như Vĩnh Long (28,7%), Hậu Giang (30,5%)... Với TP Cà Mau, Năm Căn và Sông Ðốc làm tam giác động lực, tỉnh không chỉ mở rộng không gian đô thị mà còn tạo sức bật kinh tế toàn diện. Không chạy theo đô thị hoá ồ ạt, tỉnh tập trung xây dựng nền tảng hạ tầng vững chắc, phát huy lợi thế kinh tế biển, logistics và dịch vụ thương mại để trở thành điểm sáng mới của vùng Tây Nam Bộ.

Khởi nghiệp “xanh” - Xu hướng phát triển bền vững - Bài cuối: Khơi thông dòng chảy

Khởi nghiệp dựa vào tài nguyên thiên nhiên, tiềm năng tài nguyên bản địa của địa phương là một lợi thế. Tuy nhiên, nó cũng có nhiều thách thức cho hoạt động khởi nghiệp nói chung và khởi nghiệp “xanh” nói riêng của tỉnh. Ðể nâng tầm khởi nghiệp “xanh”, Cà Mau đang cần những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ. Ðịa phương cũng cần chú trọng hơn đến phát triển kinh tế bền vững và hỗ trợ các mô hình khởi nghiệp “xanh”, cũng như các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, đào tạo, phát triển cơ sở hạ tầng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Khởi nghiệp “xanh” - Xu hướng phát triển bền vững - Bài 2: "Ghi điểm" trên "sân nhà"

Khởi nghiệp “xanh” tại Cà Mau mang đến động lực, truyền cảm hứng từ những câu chuyện thực tế của những bạn trẻ đầy nhiệt huyết, mạnh dạn tận dụng sân nhà để phát huy giá trị sản phẩm kinh doanh, gợi mở nhiều cơ hội trong tiến trình khởi nghiệp.

Khởi nghiệp “xanh” - Xu hướng phát triển bền vững

Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã trở thành xu thế chung của nhiều quốc gia trên thế giới. Ở nước ta, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là chủ trương lớn của Ðảng. Nghị quyết 52/NQ-TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị đã xác định rõ vai trò của khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, trong đó doanh nghiệp là trọng tâm của quá trình đổi mới sáng tạo quốc gia.

Hướng tới chính quyền số toàn diện - Bài cuối: Xây dựng nền hành chính kiến tạo, phục vụ

Nếu chuyển đổi số (CÐS) trong thủ tục hành chính (TTHC) là bước đột phá giúp cắt giảm phiền hà, tiết kiệm thời gian cho người dân và doanh nghiệp, thì xây dựng chính quyền thông minh lại mang tầm vóc lớn hơn. Ðó không chỉ là việc đưa công nghệ vào bộ máy quản lý Nhà nước, mà còn là một cuộc chuyển đổi toàn diện về tư duy điều hành, phương thức hoạt động và tinh thần phục vụ. Không còn cảnh văn phòng hành chính đầy ắp hồ sơ, giấy tờ, chính quyền số hôm nay đang định hình một mô hình làm việc mới: liên thông, minh bạch, gần gũi và lấy sự hài lòng của người dân làm trung tâm.

Hướng tới chính quyền số toàn diện

Hai năm liền (2023-2024), Cà Mau dẫn đầu cả nước về chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp, đây là dấu ấn nổi bật của tỉnh trong công tác cải cách hành chính (CCHC). Ðể có được thành tựu này, tỉnh không chỉ đơn giản hoá thủ tục mà còn đổi mới mạnh mẽ phương thức phục vụ. Hệ thống một cửa liên thông được triển khai đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp xã, giúp rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, nâng cao tính minh bạch, hiệu quả, sự hài lòng trong dân.

Tự hào vùng đất Tây Nam - Bài cuối: Biển - Dòng chảy phồn vinh

Ðịa bàn biên giới biển toàn vùng Tây Nam trải dài hơn 700 km, chiếm 1/5 tổng chiều dài bờ biển của cả nước, không chỉ là tuyến phòng thủ chiến lược mà còn là nguồn sống của hàng triệu ngư dân. Với hệ sinh thái phong phú, vùng biển này mang trong mình tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế biển, đóng góp quan trọng vào công cuộc dựng xây đất nước.

Tự hào vùng đất Tây Nam - Bài 3: Hồi sinh Ba Chúc

Cách nay 50 năm, trong khi các địa phương trong cả nước đang bắt tay kiến thiết quê hương sau đại thắng mùa Xuân 1975 thì Nhân dân Ba Chúc lại mang thêm trên mình những vết thương của nạn thảm sát diệt chủng Pol Pot. Nếu so sánh xuất phát điểm của vùng đất thanh bình vươn lên sau chiến tranh thì Ba Chúc khởi điểm sau các vùng đất khác 10 năm, với nền tảng ban đầu: đất đai cằn cỗi, nhà cửa xơ xác, cuộc sống của người dân bấp bênh giữa đói nghèo và ký ức đau thương. Trở lại Ba Chúc hôm nay là thị trấn sầm uất của huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.