Tại vùng ven TP Cà Mau, người dân đang tận dụng vườn tạp, bờ bao vuông tôm trồng màu mang lại nguồn thu nhập khá.
Đây là năm thứ 3 ông Du Vĩnh Lộc (ấp Xóm Lung, xã Ðịnh Bình) trồng đậu rồng quanh nhà và trên bờ bao vuông tôm. Ðậu rồng được ông Lộc xem là cây giảm nghèo, bởi nhờ đó đã giải quyết được tình trạng kinh tế eo hẹp của gia đình ông trong thời gian qua.
Ông Lộc cho biết, trồng màu trên đất nhiễm mặn ban đầu năng suất không cao, nhưng trồng lâu đất sẽ rửa được mặn. Thêm vào đó, chọn những loại cây chịu được đất cằn cỗi như đậu rồng thì vẫn cho năng suất tốt.
Nhờ trồng màu mà gia đình ông Du Vĩnh Lộc có cuộc sống ổn định.
“Diện tích khoảng 1.000 m2, đậu rồng không cần đất phải quá tốt, đất nghèo dinh dưỡng cũng được. Giá thành khá ổn định, bây giờ ra chợ bán thì khoảng 50 ngàn/kg. Tuy nhiên, mình trồng số lượng lớn thì chỉ cần giữ giá 30 ngàn đồng vẫn có thu nhập ổn định. Vuông không có nhiều, trồng đậu rồng vừa có thêm thu nhập, vừa cải tạo đất, đồng thời giàn trải rộng còn giúp làm mát vuông tôm”, ông Lộc chia sẻ thêm.
Ngoài trồng đậu rồng, gia đình ông Lộc còn trồng khoai từ trên bờ bao vuông tôm. Từ đậu rồng và khoai từ, mỗi năm gia đình thu về khoảng 70 triệu đồng.
Trên diện tích đất sản xuất 1,6 ha, gia đình ông Phan Văn Lấn (ở ấp Ba Dinh, xã Ðịnh Bình) chừa 1 ha để nuôi tôm, phần đất gần nhà ông lên liếp trồng màu. Cây trồng chủ lực của gia đình là khoai từ. Khoai từ được trồng trong vườn nhà và cả bờ vuông. Khoai từ đỡ tốn công chăm sóc nhưng lại lâu cho thu hoạch. Ðể có thu nhập thường xuyên, gia đình trồng thêm mướp Thái, khổ qua tây và các loại rau ăn lá ngắn ngày... Gia đình ông trồng theo hướng sạch nên để trái khỏi sâu, ông dùng bọc ni lông bảo vệ và hạn chế tối đa dùng thuốc bảo vệ thực vật.
Ông Phan Văn Lấn cho biết, trong mùa mưa, việc cải tạo đất trồng màu thuận lợi hơn. Ðây cũng là thời gian cho thu nhập chính của người dân trồng màu trên vùng đất mặn. Nhờ ở địa bàn thành phố, đông dân cư nên đầu ra rất thuận lợi. Mô hình trồng màu, giúp gia đình ông thu về hơn 100 triệu đồng mỗi năm.
Ông Nguyễn Thanh Tòng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ðịnh Bình, cho biết: “Ðảng uỷ xã chỉ đạo thực hiện nghị quyết của thành phố về cải tạo vườn tạp trồng hoa màu, gắn với phát triển chăn nuôi. Hội Nông dân triển khai đến các chi hội vận động Nhân dân tránh tình trạng để đất trống, vừa không phát triển được kinh tế lại mất vẻ mỹ quan. Từ đó, việc cải tạo đất trồng rau màu, cây ăn trái phát triển”.
Mô hình trồng màu trên đất mặn của nông dân xã Ðịnh Bình đã mang lại hiệu quả tích cực. Mô hình không chỉ giúp bà con phát triển kinh tế, mà còn góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết 05 của Ban Chấp hành Ðảng bộ thành phố đề ra./.
Nhật Minh