Với diện tích đất tương đối ít, nhiều gia đình trên địa bàn huyện Ðầm Dơi đã duy trì việc trồng màu quanh năm, mang đến nguồn thu ổn định. Bí quyết chung của bà con chính là bỏ công chăm sóc, tận dụng diện tích đất, hạn chế sử dụng thuốc hoá học để tạo ra nông sản phục vụ thị trường, đảm bảo sức khoẻ người tiêu dùng.
Hơn 20 năm trồng màu, bà Trần Thị Chuộng, ấp Tân Thành, xã Tân Duyệt, chuyên canh các loại cải, xen kẽ là rau nêm đủ loại. 3 công đất được bà chia theo khu, cứ xong 1 đợt lại xoay vòng sang khu khác, cho đất nghỉ ngơi, xới, bón phân rơm, tro trấu, phơi đất cho khô xốp mới canh tác tiếp. Hiện nay, vườn rau của gia đình mang đến nguồn thu ổn định 6-7 triệu đồng/tháng, là nguồn nuôi sống cả gia đình nhiều năm nay và lo cho con cháu ăn học.
Ông Huỳnh Thanh Lâm, Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Tân Thành, cho biết: “Năm 2023, Chi bộ, Ban Nhân dân ấp Tân Thành nhân rộng mô hình trồng màu của hộ bà Chuộng cho chị em phụ nữ. Bên cạnh đó, cũng chỉ đạo thành lập tổ trồng rau sạch để vừa giúp gia đình có thêm nguồn rau sạch để dùng, vừa bán có thêm thu nhập”.
Trước đây, do ít đất sản xuất, kinh tế gia đình chỉ trông chờ vào con tôm, con cua nên thu nhập không ổn định, gia đình bà Trần Thị LiL, ở ấp Bến Bào, xã Quách Phẩm Bắc, rơi vào cảnh thiếu trước hụt sau. Hơn 5 năm nay, bà LiL trồng màu, lúc đầu chủ yếu trồng nhỏ lẻ, từ năm 2021 đến nay, bà tận dụng đất trống quanh nhà, ven tuyến lộ trước nhà, diện tích từ 800-1.000 m2 để trồng, thu nhập khoảng 500 ngàn đồng/ngày.
Ông Huỳnh Văn Hiền, Phó bí thư Phụ trách Huyện uỷ Ðầm Dơi (bìa trái) tham quan mô hình trồng màu của bà Trần Thị LiL.
Lên luống trồng hơn 10 loại rau màu xen canh để có rau bán quanh năm, chủ yếu là các loại rau ngắn ngày, thích nghi tốt với vùng đất mặn như: cải, hành, hẹ, rau thơm, rau cần, diếp cá..., bà LiL cho biết: “Mô hình này chi phí đầu tư ban đầu thấp, chủ yếu là chịu khó chăm sóc, lấy công làm lời. Tuỳ theo mùa, nhu cầu thị trường, giá cả, tôi chọn giống rau màu trồng phù hợp để trồng, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Cứ thu hoạch dứt điểm vụ này xong, tôi lại tiếp tục cải tạo đất để xuống giống trồng vụ khác”.
Sau khi thu hoạch, bà đều xới và phơi đất trong 10 ngày hoặc đổi đất mới hoàn toàn rồi mới tiếp tục gieo trồng. Cách làm này giúp rau màu không bị sâu bệnh, hạn chế sử dụng phân, thuốc.
Ðể giảm bớt công lao động, chăm sóc, bà LiL đầu tư hệ thống nước để tưới và mái che khu vực trồng. Trong quá trình sản xuất, bà luôn chịu khó tìm tòi, học hỏi các mô hình mới, có hiệu quả, ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ đó, năng suất, chất lượng và sản lượng rau màu của gia đình ngày càng được nâng cao.
Tích luỹ kinh nghiệm, nhiều hộ gia đình duy trì trồng màu quanh năm, tạo nguồn thu nhập ổn định, ý nghĩa hơn, từ các mô hình này đã định hướng cho những hộ lân cận học hỏi, làm theo, cùng phủ xanh đất trống./.
Thành Quốc