ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 20-9-24 19:50:55
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Quê nhà

Báo Cà Mau (CMO) Quê nó cách xa một chặng bay quốc tế 28 tiếng đồng hồ, 6 tiếng đi xe khách, rồi bao đò dọc thêm nửa tiếng. Từ xứ lạnh giá Bắc Âu, nó nhớ như in một căn nhà ngói kiểu xưa, phía trước có biền dừa nước, đầu doi có cây bần ổi, phía sau nhà có ao nước ngọt lớn, trên mé là cây ô môi cổ thụ. Những hình ảnh thân thuộc ấy giờ cách xa nửa vòng trái đất. Mới hồi hôm, nó nằm mơ thấy má đi chợ về, đưa cho nó bọc bánh bò có chan nước cốt dừa đậu phộng. Nó mừng rơi nước mắt. Thức dậy, vị ngon còn thấm đẫm nơi đầu lưỡi.

Bầu trời nơi nó ở sẫm một màu buồn. Nó nhớ sao cái nắng chang chang của Xóm Ruộng quê nhà. Cái nắng mà mỗi lần thức giấc, giục nó chạy ra với đám bạn trong xóm. Khoảng sân trước nhà, hằng ngày nó quét sạch trơn. Đây là nơi mấy chục đứa con nít từ ngoài đập đầu xóm, đến tuốt trong Góc Khai kéo ra chơi đủ thứ trò. Quay dây thì lấy tay chuối khô ngâm nước rồi buộc lại. Chơi u hấp, u hơi, trốn kiếm, lò cò. Đứa nào đứa ấy nhễ nhại mồ hôi và khi trời nhá nhem tối vẫn ngập tràn tiếng cười rộn rã. Nó có 3 cô con gái, lúc rảnh rỗi, nó lại kể về những trò chơi thuở nhỏ của mình cho con. Cả 3 đứa đều tròn mắt, hỏi mẹ bằng thứ tiếng Việt lâu lâu đệm tiếng Tây: Thiệt vậy hả mom (mẹ)? What’s that? (đó là cái gì), rồi cả 3 ngúng nguẩy nhõng nhẽo: “Chừng nào về ngoại, mẹ dạy tụi con chơi”.

Hoàng Vũ.

Chiều mùa đông Bắc Âu, nó nấu món canh chua, kho cá và ăn một mình, bốn cha con thì tận hưởng mấy tảng thịt bò bít tết. Tự nhiên nó thèm một làn khói bếp chiều mưa, mùi mắm kho mà mỗi lần ngửi thấy bụng nó sôi ọc ọc. Nó thèm đọt cỏ the, mớ rau dừa non mượt, cọng bông súng mềm nước hoặc chỉ một trái dừa mới bẻ với vài con cá sặt khô.

Thời nó đi học chỉ có 2 bộ quần áo (quần tây, áo sơ mi) mà nó cùng thằng em trai chia nhau để mặc. Thằng em mê chơi, mặc xong rồi không giặt, tới buổi đi học nó khóc vì không có đồ mặc tới lớp. Nó giận quá, quăng quần áo lên bộ ván ngựa (mà nghe nói là từ thời ông cố để lại) lấy dao phay chặt tan nát. Tía má nó về sau một chuyến hàng sáo ở tận Năm Căn, tía nó thấy xác bộ quần áo không nói gì, nhưng đùng đùng nổi giận khi thấy những vệt hằn dọc ngang trên bộ ván. Tía nó biểu đi kiếm thằng em trai đang tập “cua gái” ngoài đầu xóm về biểu.

Tối đó, tía nó bắt hai chị em nằm cúi trên bộ ván, ông cầm cây bẹ dừa to tổ chảng, nhịp nhịp mỗi khi kể về giá trị của bộ ván, của bộ đồ, về sự khổ cực của cha mẹ, về hoàn cảnh nghèo khó của gia đình… Cả nhà ai cũng khóc, nhưng tía nó khóc nhiều nhất, tụi nó cũng chẳng bị đánh roi nào. Thích chí nhất có lẽ là thằng út, nó núp trong kẹt bồ lúa, lâu lâu thò đầu ra nhe răn sún cười. Thằng út còn quá nhỏ để hiểu chuyện, nó thấy vui vì bà chị và ông anh hay ăn hiếp nó bị đòn. Đơn giản vậy thôi.

Nó nhớ thằng em út, thằng nhỏ quậy nhất nhà. Tía má đi bán gạo suốt ngày, nó là con gái nên nhận luôn việc chăm nom thằng út. Có bữa thằng út khóc quá, nó ẵm ra ao nước ngọt sau nhà, chỗ có cây ô môi thiệt bự. Chẳng biết sao, thằng út cứ kêu nó cạy vỏ cây ô môi mới chịu nín, nó làm theo. Cả một vòng vỏ cây ô môi bị cạy, lộ ra thân gỗ trắng phớ và nhựa cây từ vết thương cứ chảy ra rưng rức. Mùa đó, cây ô môi trái mới bằng ngón tay cái người lớn nhiều không kể xiết. Rồi cây ô môi héo lá, trái rụng đầy mé ao. Nó nhìn thân cây (cũng do ông cố trồng) mà lòng buồn thiệt buồn. Tía nó không đánh nó, chỉ nhìn cây ô môi rồi nói: “Cái này của ông cố trồng. Ông nội con thích ăn ô môi. Tía cũng thích ăn”. Kể từ đó, nó cũng thích ăn ô môi. Cái loại trái cây phải đẽo gọt mới ăn được, ăn xong thì miệng đen sì, lưỡi tê tê vị ngọt gắt.

Cứ chiều chiều, nó lại tự lầm thầm mấy câu đã thuộc từ năm nẵm năm nao: “Chiều chiều ra đứng ngõ sau/Trông về quê mẹ… ầu ơ… ruột đau chín chiều”. Mà y như rằng, cứ chiều xuống thì nó nhớ má. Ai dịu dàng, chớ má nó thì không. Má học được lớp 2 trường làng, viết chữ chưa rành, nhưng tính rợ thì nhanh hơn máy tính. Thuở nhỏ, má một mình cắm câu, giăng lưới lo cho gia đình bên ngoại. Má kể, lúc đó rắn bông súng, rắn ri cá, ri tượng dính lưới nhiều quá, phải kê lên miệng cắn cổ nghe cái bụp cho chết rồi quăng bỏ. Sau này có chồng, má nó làm nghề hàng sáo. Một mình vác bao gạo 50 ký đi te te cả cây số, đổ vô khạp cho khách đàng hoàng. Má ít nói, nhưng má có một điều căn dặn con: “Ráng học thành tài”

Mỗi lần nó điện thoại cho má, hỏi má có nhiều tôm không… Hỏi tùm lum hết, mà đôi khi nó chẳng nghe thấy gì. Nó dạ, dạ, dạ mà nước mắt ràn rụa. Má nó nói, chừng nào về má làm khô, làm mắm tôm, làm bánh lá rau mơ, kho mắm cho nó ăn… Má nó hỏi cháu ngoại có giống con gái của má không, đã cao được bao nhiêu rồi, có muốn về chơi với ngoại không. Mỗi lần điện thoại kêu tút tút, nó thấy chân hụt hẫng, như muốn té nhào.

Khoảnh khắc ấy, nó muốn về Xóm Ruộng ngay tức thì, ở đó có má, ở đó là quê nhà và những điều mà cả cuộc đời này nó không cách nào thôi nhung nhớ…/.

Quốc Rin

"Lửa thử vàng" - Câu chuyện truyền nhân gia tộc cải lương

Cải lương đi qua thời hoàng kim, nhưng truyền nhân các gia tộc cải lương chưa bao giờ tắt ngọn lửa đam mê và niềm khao khát viết tiếp chặng đường nghệ thuật của cha ông đã gầy dựng.

Cảm xúc dẫn lối

Từ nhỏ, Nguyễn Hoàng Giang đã yêu thích nghệ thuật. Cơ duyên đưa anh đến với nhiếp ảnh bắt đầu từ tình yêu dành cho cái đẹp và nghệ thuật. Thế nên, tuy từng có 20 năm gắn bó với Hà Nội, nhưng mảnh đất Hội An đậm chất nghệ thuật lại chính là động cơ thôi thúc, khiến anh quyết định chuyển vào nơi này định cư. Ðến nay, khi đã là chủ một công ty du lịch và sở hữu chuỗi khách sạn, nhà hàng, dù bận rộn, anh vẫn dành thời gian cho nhiếp ảnh.

Dâng hương Tổ nghiệp Sân khấu

Suốt 13 năm qua, Ngày Sân khấu Việt Nam cũng là ngày hướng về Tổ nghiệp của những người hoạt động lĩnh vực sân khấu. Ngày Giỗ Tổ là dịp để những người hoạt động trong lĩnh vực sân khấu cùng nhau nhắc nhớ về thế hệ tiền nhân đã có công sáng lập, gìn giữ loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống của dân tộc. Đồng thời cũng là cuộc họp mặt hâm nóng tình nghệ sĩ, tạo sự gắn kết, cùng động viên nhau phấn đấu để mang những cái hay, cái đẹp phục vụ công chúng.

Còn đó những cánh chim không mỏi

Nghe tôi có ý định tìm một địa điểm lý tưởng để khám phá, thưởng thức các loại hình nghệ thuật truyền thống tại mảnh đất được mệnh danh là “thành phố đáng sống”, một người anh đồng nghiệp đang công tác tại Ðài Phát thanh - Truyền hình Ðà Nẵng giới thiệu ngay Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Vậy rồi, qua vài lời kết nối nhiệt tình, NSƯT Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát, liền đích thân mời đoàn văn nghệ sĩ Cà Mau đến xem một suất diễn trong ngày gần nhất.

Nối dài tình yêu nước bằng nghệ thuật

Nghệ thuật kết nối quá khứ và hiện tại, là phương tiện giúp gìn giữ, lưu truyền và phát huy văn hoá dân tộc. Với ý nghĩa ấy, các bạn trẻ tại Cà Mau, bằng hoạt động nghệ thuật, đã góp phần lan toả, nhân lên tình yêu quê hương, đất nước trong những người trẻ và cộng đồng.

Ấm áp chương trình nghệ thuật “Tình ca Đất Mũi”

Nhằm tôn vinh Âm nhạc Việt Nam nói chung, Âm nhạc Cà Mau nói riêng, thể hiện sự tri ân đối với các tác giả có nhiều cống hiến cho sự nghiệp âm nhạc tỉnh nhà. Tối 3/9, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh đã diễn ra Chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm lần thứ 15 Ngày Âm nhạc Việt Nam với chủ đề :“Tình ca Đất Mũi”. Chương trình do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh phối hợp tổ chức.

Sắc màu miền Tây đến với Huế

Những năm qua, mỹ thuật đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) có bước phát triển mạnh, tạo được tiếng vang trong khu vực, các vùng miền trong và cả ngoài nước. Câu lạc bộ (CLB) "Sắc màu miền Tây ART" đã có 4 cuộc triển lãm tại Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh và Hà Nội từ năm 2019-2023.

Khám phá cùng nhiếp ảnh

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Lê Minh Vũ (Quyên Vũ) sinh năm 1974, tại tỉnh Tiền Giang, hiện sinh hoạt tại Hội NSNA Việt Nam, Chi hội Tiền Giang.

Sắc màu văn hoá địa phương hoà quyện trong từng bài ca, điệu múa

Đạo diễn Nguyễn Tiến Dương, Trưởng Ban giám khảo Hội diễn Nghệ thuật quần chúng tỉnh Cà Mau lần thứ IX - 2024, đánh giá, một trong những điểm nổi bật của hội diễn là những sắc màu văn hoá của địa phương hoà quyện trong các bài hát, điệu múa, càng làm tăng thêm sự hấp dẫn. So với những hội diễn trước, các đội đã có nhiều sự tiến bộ về ca, múa, âm nhạc và trang phục.

Cho chữ mùa Vu lan

Tôi gặp thầy đang cho chữ tại một góc nhỏ trong khuôn viên chùa Thiền Lâm, phường Tân Thành, TP Cà Mau, vào ngày chùa tổ chức lễ Vu lan. Mặc dù bút trên tay đang nắn nót, mắt chăm chú vào con chữ, nhưng được vài nét, khi ngẩng lên chấm mực là thầy nhanh miệng mời gọi mọi người đang đứng túm tụm gần đó: “Viết mấy câu tặng cha mẹ đi chị (cô, chú, anh, em...) ơi!”; “Lại chú cho chữ cầu sức khoẻ, học giỏi nè các con!”; “Cầu tài lộc, sức khoẻ, vạn sự như ý nè anh chị em, cô bác ơi!”... Và bao giờ sau những câu mời gọi, thầy cũng nhấn mạnh “tặng chữ hoàn toàn miễn phí” để khách khỏi đắn đo.