ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 21-9-24 00:53:27
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Quê nhà thay đổi

Báo Cà Mau (CMO) Tôi sinh ra và lớn lên bên dòng sông Trẹm. Nhưng tính ra suốt cả chặng đường cuộc đời mình đã sống, thì thời gian tôi gắn bó với quê nhà bên bờ sông Trẹm chỉ bằng một nửa của khoảng thời gian tôi sống xa quê. Vì thế, tôi có một sự so sánh rất rõ về quê nhà qua suốt gần một đời người, từ thời tôi còn trai trẻ, lớn lên với dòng sông, với ruộng đồng, kênh rạch, với thị trấn Thới Bình nhỏ bé, hiền hoà của mấy mươi năm trước, và bây giờ thay đổi ra sao. Không chỉ là thay đổi diện mạo của một miền quê, mà trong cuộc sống bà con mình cũng có rất nhiều đổi thay...

Nếu như tôi lớn lên và gắn bó với quê nhà mãi cho đến bây giờ, thì có lẽ cảm nhận của tôi sẽ khác. Cũng dễ hiểu thôi, bởi một người hàng ngày hoà nhập theo cuộc sống, hoà nhập trong từng đổi thay, thì khó có thể nhận ra những đổi thay ấy lớn lao như thế nào! Ngày xưa, có khi một vài năm tôi mới về thăm quê một lần. Bây giờ thường thì mỗi năm ít nhất cũng một lần…

Kênh xáng Chắc Băng.

Sự đổi thay ấy chính là sự phát triển. Nhưng tôi muốn dùng từ “đổi thay” để có sự so sánh với miền quê khi tôi còn thơ ấu. Không biết bắt đầu từ đâu, bởi nhìn từ đâu cũng thấy khác, cũng thấy diện mạo một cuộc sống mới… Nhưng để lại ấn tượng nhiều nhất, dễ thấy nhất, làm thay đổi cuộc sống bà con lớn nhất, có lẽ là đường giao thông và hệ thống điện lưới quốc gia.

Ngày tôi còn nhỏ, những năm trước 1975 và vài năm đầu sau giải phóng, giao thông ở Thới Bình cũng như những miền quê sông nước khác, chủ yếu là đường sông. Đường bộ chỉ quanh quẩn thị trấn hoặc một vài nơi gần, nhưng toàn là đường đất, không thể về Rạch Ông, Bà Đặng, Bà Hội… bằng xe đạp, chứ đừng nói xe gắn máy. Mà thời ấy Thới Bình làm gì có xe gắn máy, nhà nào khá giả thì sắm xuồng gắn máy đuôi tôm, còn đa phần người dân thì di chuyển bằng chèo xuồng ba lá. Nhà ở các kênh rạch, xa, gần… đều chèo xuồng di chuyển. Hơn 10 tuổi tôi đã biết chèo xuồng, ngày nhỏ nhà tôi ở Rạch Ông, buổi sáng ra thị trấn đi học thường ngồi xuồng quá giang má đi chợ sớm. Sau này nhà tôi về thị trấn, mấy đứa em bà con mùa mưa đi học thường ghé nhà tôi thay quần áo rồi mới đến trường, thay cho bộ quần áo lội đường đất từ nhà ra thị trấn đã lấm lem. Phương tiện xuồng ba lá chẳng khác nào chiếc xe gắn máy của mỗi nhà hiện giờ. Mỗi sáng sớm, khi chợ Thới Bình vào phiên chợ sáng, xuồng đậu kín dọc bờ sông. Xuồng đậu trên bến, xuồng bán hàng trên sông, xuồng gắn máy ngược xuôi… tạo nên một khung cảnh thật nhộn nhịp nơi ngã 3 sông Trẹm.

Nếu như ra Cà Mau, thì chỉ duy nhất cũng là đường sông và bằng tàu đò. Bến tàu nơi thị trấn sáng sớm đông đúc người đi lẫn người đưa tiễn.Tiếng người hoà lẫn tiếng máy tàu ồn ả, đông vui. Phải mấy tiếng mới ra đến Cà Mau, xong thì đón khách trở về tới thị trấn cũng xế chiều.

Tôi “vẽ" lại hình ảnh giao thông ngày xưa để thấy bây giờ đường sá, việc đi lại của người dân thuận tiện đến mức nào! Có giai đoạn, sau nhiều năm tôi trở về, chợt ngỡ ngàng trước những đổi thay, hay nói đúng hơn là sự phát triển của hệ thống giao thông quê nhà. Đầu tiên phải nói đến 2 tuyến lộ bê-tông dọc theo bờ sông Trẹm chạy dài ra Cà Mau, dọc về Miệt Thứ, giáp tận Kiên Giang. 2 chiếc cầu treo sừng sững bắc qua sông Trẹm, là cầu Thới Bình và cầu Tân Bằng đã xoá vĩnh viễn sự ngăn cách 2 bên bờ sông từ bao đời. Lần lượt các kênh, rạch cũng đều có tuyến đường dọc 2 bên bờ. Bà Đặng, Bà Hội, Bà Mốp, Rạch Ông Cái Sắn, La Cua… cho tới Tân Bằng, và bên kia là U Minh cũng vậy, đã nối liền nhau bằng những con đường lộ tráng xi-măng và nối dài đến tận Cà Mau. Tôi nhớ trước đây đã lâu, lần đầu tiên tôi về quê bằng xe 4 bánh chạy tới thị trấn Thới Bình, lúc ấy đi qua ngã cầu Số 3, Số 4, chứ chưa đi theo đường Xuyên Á như bây giờ. Không sao nói hết cảm xúc của tôi khi lần đầu tiên trong cuộc đời xa xứ của mình, được ngồi xe về đến tận thị trấn quê nhà! Trước đó, biết bao chuyến đi về của tôi đều phải qua một chặng đường sông Thới Bình - Cà Mau. Một sự đổi thay, nói không quá lời là có tính lịch sử ở một vùng quê sông nước, mà nếu như không phải là người sống xa quê thì không dễ ghi nhớ cái cột mốc ấy…

Mấy năm gần đây, khi có con đường Xuyên Á, khỏi phải nói Thới Bình và Cà Mau gần thêm đến mức nào! Tôi vui và thích thú làm sao khi mỗi lần về, cứ mượn chiếc xe gắn máy của chú em rồi thong dong đi hết nơi này đến nơi khác, từ nhà ở rạch Ba Chùa, vào Tân Bằng, qua U Minh, rồi ngược xuôi kênh xáng Chắc Băng, các con rạch. Đi trên đường lộ Xuyên Á cho đến những con đường tráng xi-măng dài theo từng xóm ấp…, những nơi mà ngày xưa muốn đến không phải dễ! Không chỉ ở Thới Bình, tôi biết các địa phương trong tỉnh Cà Mau cũng đều đã phát triển mạng lưới giao thông bộ đều khắp.

Giờ đây, mỗi khi về thăm quê nhà, khi xuôi ngược khắp nơi trên những tuyến lộ thuận tiện, thong dong trên chiếc xe gắn máy, tôi lại nhớ những chuyến đò trên sông năm xưa, những chuyến đò có tôi đi và về trong khoảng đời xa xứ, những bến sông tàu ghé đón khách, những con sóng vỗ bờ… Những chiếc xuồng ba lá trên sông nay cũng hiếm khi bắt gặp. Trên dòng sông Trẹm, trên kênh xáng Chắc Băng, chỉ còn thấy những chiếc ghe, xà lan vận chuyển hàng hoá, hay những chiếc vỏ lãi chở nông, thuỷ sản rẽ sóng ngược xuôi.

Đối với tôi, cảm nhận thêm một sự đổi thay lớn lao ở quê nhà Thới Bình là hệ thống điện lưới quốc gia đã lan rộng và xa, như những chiếc rễ cây từng ngày cứ đan dày và vươn dài ra đất. Giờ tôi về quê, đi đâu cũng thấy nhà có điện lưới. Ở tại thị trấn thì không phải nói rồi, nhưng cả những vùng xa xôi, những con kênh rạch cũng đều có điện kéo về. Bây giờ khi nhà nhà có điện thì cảm thấy như không có gì lớn lao, nhưng nếu những ai đã từng sống ở Thới Bình ngày xa xưa thì mới hiểu được điện lưới là một mơ ước từ lâu rồi!

Ngày ấy, tại thị trấn cũng đâu có điện lưới. Tôi nhớ là mỗi tối, máy phát điện chạy được vài tiếng để cung cấp điện cho bà con tại thị trấn. Có chút điện về đêm là thấy ánh sáng của văn minh lấp ló rồi. Chỉ thắp sáng thôi, và có thể một số gia đình có điều kiện xài ti vi trắng đen, chứ làm gì xài được máy lạnh, tủ lạnh. Điện cấp được vài tiếng, nhưng chập chờn như người chạy sắp hụt hơi. Vậy nhưng khi máy đèn lên điện là bà con thấy vui… Còn ở các khu vực xa xa thị trấn thì chỉ là đèn dầu, nhà khá giả là măng xông. Nhà có đám tiệc, nếu chơi sang thì thuê máy đèn. Hình ảnh ấy vẫn còn trong trí nhớ của những người giờ đã lớn tuổi ở quê tôi, khó mà quên một chặng đời gian khổ!

Giờ thì khắp nơi đã có điện, mà là điện lưới hẳn hoi. Những cây cột trên đường truyền tải điện cứ ngày một chạy dài, có mặt khắp nơi, làm đổi thay diện mạo cuộc sống mà biết bao đời trước đây chưa thấy. Thị trấn Thới Bình giờ cũng đâu thiếu những cửa hàng mà ở những vùng có điện mới có, như điện tử, điện lạnh, sửa chữa điện, dụng cụ điện…

Ngày xưa tôi cũng không thể tưởng tượng nổi tới một lúc nào đó, nhà ở quê có điện lưới kéo về, đêm sáng trưng ánh điện, rồi ti-vi, tủ lạnh,  quạt máy, máy phát sóng Wifi cho điện thoại, máy bơm nước... lần lượt có mặt trong nhà. Nhà có đám tiệc, hay buổi tối muốn giải trí, thì dàn karaoke được mở lên, nào tân nhạc, cổ nhạc… vang lên lồng lộng, vang xa bên nhà hàng xóm, bên kia sông… Cái khoảng cách về cuộc sống, về điều kiện sống của người dân ở quê tôi và người thành phố giờ đây đã ngắn lại đáng kể!
Trong bài viết này, tôi chỉ tập trung viết về sự đổi thay, theo tôi là lớn nhất, ở miền quê tôi sau mấy mươi năm nhìn lại. Còn nhiều vấn đề chung quanh sự đổi thay ấy mà không thể viết ra hết ở đây. Đường giao thông và điện lưới là quan trọng, là điều kiện, là động lực để kéo theo sự phát triển kinh tế của địa phương. Đời sống của bà con quê tôi đi lên thấy rõ, nhưng đã vững chưa, đã bằng lòng chưa? Câu hỏi thật khó trả lời. Tôi biết là lãnh đạo địa phương nhiều thời kỳ đều trăn trở, đều tìm một hướng đi cho Thới Bình phát triển nhanh hơn, đời sống của người dân cải thiện tốt hơn, bền vững hơn, nhưng cũng vẫn không thoát ra được con tôm, cây lúa là chính. Một thông tin vui mà hôm tôi về quê mới đây, Chủ tịch UBND huyện Thới Bình Trần Văn Dũng cho biết, kết quả thử nghiệm cho thấy, trên địa bàn huyện có một vùng đất rất thích hợp để phát triển giống lúa ST25 ( giống lúa cho loại gạo đạt giải thưởng “Gạo ngon nhất thế giới" tại Hội nghị Thương mại Gạo thế giới lần thứ 11 tại Philippines). Việc quy hoạch vùng lúa có giá trị cao này đang tiến hành ở một số xã của huyện. Hy vọng đây là thời cơ và là một bước chuyển cho đời sống của nông dân Thới Bình quê tôi./.

Nguyễn Sông Trẹm

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực - Bài cuối: Chìa khoá mở rào

Ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo hiện nay được xem là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững trên tất cả các lĩnh vực. Ðối với 2 ngành hàng chủ lực là con tôm và con cua, càng phải đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo để tạo bước đột phá vượt qua khó khăn, tiến tới phát triển bền vững.

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực - Bài 2: Vào chặng đường "địa hình"

Vài năm gần đây, 2 ngành hàng chủ lực của tỉnh đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Ðường đua trên thị trường của tôm, cua Cà Mau đang bước vào chặng “vượt địa hình” do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, sự cạnh tranh khốc liệt về giá cả của các quốc gia trong khu vực và quốc tế...

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực

Tôm, cua Cà Mau là 2 ngành hàng chủ lực nâng cao đời sống của đại bộ phận người dân trên địa bàn tỉnh, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành thuỷ sản tỉnh nhà nói riêng, cả nước nói chung. Tuy nhiên, những năm gần đây, 2 mặt hàng này đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, cần có sự thay đổi nhanh, toàn diện để tạo đột phá và phát triển bền vững.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài cuối: Xứng đáng với vai trò, trọng trách

Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chất lượng hoạt động của HÐND 3 cấp tại Cà Mau đã trở thành quyết tâm, xu thế để đại biểu dân cử, cơ quan dân cử xứng đáng với vai trò, trọng trách được cử tri tin tưởng trao gởi. HÐND các cấp của vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc đang ra sức phụng sự, phấn đấu, cống hiến vì mục tiêu xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài 3: Tiếp xúc cử tri “đúng người, đúng việc, đúng vai”

Ông Nguyễn Tiến Hải, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HÐND tỉnh Cà Mau, từng rất trăn trở: “Tiếp xúc cử tri mà cán bộ nhiều hơn dân thì chưa đúng người, đúng việc, đúng vai. Tình trạng này phải chấn chỉnh ngay, phải để tiếp xúc cử tri là nơi thể hiện quyền làm chủ thật sự, thực chất của Nhân dân; để bà con cử tri đóng góp ý kiến, đề đạt tâm tư, nguyện vọng và hiến kế góp phần vào sự ổn định, phát triển chung của địa phương”.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài 2: Giám sát có trọng tâm, trọng điểm

Giám sát là hoạt động quan trọng của HÐND các cấp, góp phần xác định vị thế, năng lực hoạt động của đại biểu dân cử, cơ quan dân cử, tạo dựng niềm tin và sự tín nhiệm đối với cử tri. Giám sát có trọng tâm, trọng điểm; đa dạng hình thức giám sát, được đo đếm bằng kết quả thực tế, sự đánh giá của cử tri chính là nỗ lực, mục tiêu mà các cấp HÐND tỉnh Cà Mau đang dồn sức thực hiện.

Hành trình của khát vọng và hành động

HÐND là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân; thay mặt Nhân dân quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương bằng việc ban hành các nghị quyết tại các kỳ họp trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hoá - xã hội, quốc phòng - an ninh và trong phạm vi thẩm quyền theo quy định pháp luật.

“Thắng giặc nghèo” không khó - Bài 2: Linh hoạt với những mô hình hiệu quả

Giai đoạn 2020-2025, Cà Mau có nhiều cách làm chủ động, linh hoạt trong thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững. Nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi, chuyển đổi nghề hiệu quả, hàng loạt kế hoạch đào tạo lao động tại địa phương đã giúp người dân vượt khó vươn lên, mang tính thực tiễn cao.

“Thắng giặc nghèo” không khó - Bài cuối: Nhìn từ thực tế

Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, đến năm 2022 Trung ương mới bắt đầu phân bổ kế hoạch vốn và ban hành các văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện. Dù còn gặp nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách, các hướng dẫn từ Trung ương chưa đầy đủ, kịp thời nhưng được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HÐND, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành cấp tỉnh, cùng với sự nỗ lực của địa phương và người dân, các hoạt động thuộc chương trình đã và đang triển khai thực hiện cơ bản đạt mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

“Thắng giặc nghèo” không khó

Với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, nhất là sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của người dân, các chính sách giảm nghèo được triển khai thực hiện đồng bộ trên địa bàn tỉnh, mang lại kết quả tích cực. Nhiều hộ nghèo, cận nghèo sau khi thoát nghèo có cuộc sống ổn định, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng lên.