ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 15-7-25 00:08:56
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Nông dân lãi thấp vụ lúa hè thu

Báo Cà Mau Hiện nay, nông dân ở xã Ninh Quới đang bước vào giai đoạn thu hoạch vụ lúa hè thu sớm. Tuy nhiên, niềm vui ngày mùa không trọn vẹn khi giá lúa giảm, năng suất không cao, trong khi giá vật tư đầu vào lại tăng mạnh. Ðiều này khiến lợi nhuận của nông dân sau một mùa vụ chăm sóc vất vả chỉ ở mức thấp, thậm chí một số hộ chỉ hoà vốn.

Năng suất giảm do thời tiết bất lợi

Ngay từ đầu vụ, ngành nông nghiệp đã khuyến cáo nông dân tuân thủ lịch thời vụ, xuống giống đồng loạt, áp dụng các giải pháp kỹ thuật như mô hình "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm", canh tác bền vững, IPHM, sử dụng giống xác nhận, tăng cường phòng chống sâu bệnh và thiên tai... Nhờ đó, chất lượng lúa vụ này được đảm bảo. Tuy nhiên, thời tiết bất lợi trong giai đoạn làm đòng, trổ bông, làm hạt lúa vô gạo kém, trong khi đó, nắng nóng kèm với mưa bất thường khiến cây lúa phát triển kém, năng suất giảm đáng kể.

Nông dân thu hoạch lúa hè thu 2025.

Nông dân thu hoạch lúa hè thu 2025.

Theo nông dân địa phương, năng suất vụ hè thu năm nay chỉ đạt từ 25-35 giạ/công, giảm từ 10-15 giạ/công so với cùng kỳ năm trước. Vừa thu hoạch xong 20 công lúa hè thu giống OM545, chị Võ Thị Thu, ấp Ninh Thuận, xã Ninh Quới, cho biết: “Vụ này năng suất lúa đạt khoảng 30 giạ/công. Tôi bán được giá 5.700 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, còn lãi khoảng 1 triệu đồng/công. Chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao khiến lợi nhuận thấp”.

Nông dân gồng mình gánh chi phí

So với vụ hè thu năm trước, giá lúa hiện tại đã giảm từ 500-1.000 đồng/kg. Cụ thể, giống OM5451 được thương lái mua từ 5.500-5.700 đồng/kg; OM18 khoảng 5.800-6.200 đồng/kg; ST 25 có giá từ 7.800-8.000 đồng/kg. Với mức giá này, nông dân chỉ thu lãi khoảng 1-1,5 triệu đồng/công, giảm 1,5-2 triệu đồng/công so với vụ trước.

Trong khi đó, chi phí sản xuất tiếp tục tăng từ 10-20%, nhất là giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, lúa giống và cả chi phí nhân công. Bình quân, chi phí cho mỗi công lúa dao động từ 2,8-3,5 triệu đồng. Do đó, nhiều hộ không có lãi, hoặc lãi không đáng kể.

Anh Lê Minh Châu, nông dân ấp Ninh Thuận, chia sẻ: “Năng suất giảm khoảng 20% do thời tiết thất thường. Giá lúa lại giảm thêm 800-1.000 đồng/kg, mà giá vật tư nông nghiệp thì càng ngày càng tăng nên nông dân lời rất ít, có nhiều hộ chỉ hoà vốn”.

Giá lúa và năng suất lúa giảm, nông dân có lợi nhuận không cao.

Hiện tại, tranh thủ thời tiết còn thuận lợi, nông dân Ninh Quới đang khẩn trương thu hoạch lúa để tránh thiệt hại do mưa bão dự báo sẽ xuất hiện trong tháng 7.

Ðối với những diện tích lúa hè thu đang trong giai đoạn trổ bông, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân thường xuyên thăm đồng, chủ động phòng trừ sâu bệnh như rầy nâu, đạo ôn, lem lép hạt để đảm bảo năng suất cuối vụ.

Cần hỗ trợ đầu ra và bình ổn giá vật tư

Vụ lúa hè thu sớm năm nay tiếp tục cho thấy những thách thức trong sản xuất nông nghiệp, khi người dân vừa phải gánh chi phí tăng cao, vừa chật vật với đầu ra không ổn định. Tình trạng giá lúa bấp bênh trong khi chi phí đầu vào liên tục leo thang không còn là chuyện mới, nhưng mỗi lần vào vụ thu hoạch, bài toán “được mùa - mất giá” vẫn chưa có lời giải thoả đáng cho người trồng lúa.

Về lâu dài, để đảm bảo thu nhập bền vững cho nông dân, ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh liên kết sản xuất - tiêu thụ, nhân rộng các mô hình hợp tác xã kiểu mới, xây dựng cánh đồng lớn, từ đó giúp nông dân được bao tiêu sản phẩm với giá ổn định. Ðồng thời, cần có chính sách kiểm soát và bình ổn giá vật tư nông nghiệp, tránh tình trạng giá tăng tự do gây thiệt hại kép cho người sản xuất. Bên cạnh đó, việc ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất như giống mới năng suất cao, tiết kiệm phân thuốc, kỹ thuật canh tác thông minh cũng cần được thúc đẩy mạnh mẽ để giảm chi phí đầu vào và tăng năng suất, chất lượng lúa.

Huyền Trang

Sinh kế trên đất rừng U Minh Hạ

Có truyền thống gắn bó lâu đời trên đất rừng, nay ở cơ chế mới, cùng với tinh thần lao động cần mẫn, đời sống người dân lâm phần rừng tràm U Minh Hạ, tỉnh Cà Mau càng được cải thiện. Mô hình sản xuất xen canh trên đất rừng song hành phát triển du lịch là hướng đi đúng cần được nghiên cứu và nhân rộng.

Khẩn trương tổng điều tra nông nghiệp, nông thôn năm 2025

Cuộc Tổng điều tra nông nghiệp, nông thôn năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhằm thu thập thông tin cơ bản về nông thôn, nông nghiệp và nông dân để phục vụ việc hoạch định, điều chỉnh chính sách, chiến lược và kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững trong giai đoạn mới.

Nông dân Cà Mau lo lắng trước “bão giá” vật tư nông nghiệp

Hiện nay, nông dân tỉnh Cà Mau đang gặp nhiều khó khăn trong vụ lúa hè thu khi chi phí sản xuất không ngừng tăng do giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật leo thang, trong khi giá lúa đầu ra lại thiếu ổn định.

Cà Mau “xanh hoá” để thích ứng

Với ba mặt giáp biển và hệ sinh thái rừng ngập mặn đặc thù, tỉnh Cà Mau là một trong những địa phương chịu tác động nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu (BĐKH). Những năm qua, tỉnh đã có nhiều bước đi chiến lược, tăng cường hợp tác quốc tế, vận động viện trợ và triển khai các mô hình thích ứng, hướng tới mục tiêu phát triển xanh và bền vững.

Nhân rộng giống lúa BL9 trên đất nuôi tôm 

Thực hiện chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, ngành nông nghiệp tỉnh đã “Xây dựng mô hình thí điểm và nhân rộng trồng giống lúa BL9 trên đất nuôi tôm” ở các hợp tác xã (HTX). Mô hình này đạt hiệu quả khá cao, vì vậy ngành nông nghiệp khuyến khích nhân rộng và từng bước xây dựng thương hiệu cho giống lúa, gạo BL9. 

Gia tăng tình trạng chuột cắn phá lúa hè thu

Hiện nay, trà lúa hè thu ở các xã vùng ngọt của tỉnh Cà Mau đang trong giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng. Đây là giai đoạn quan trọng quyết định đến năng suất cả vụ. Tuy nhiên, tại một số địa phương, tình trạng chuột cắn phá có chiều hướng gia tăng, khiến nông dân gặp nhiều khó khăn trong khâu chăm sóc, bảo vệ mùa màng.

Hướng tới nông nghiệp xanh

Tỉnh Cà Mau tích cực triển khai thực hiện Ðề án "Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” (Ðề án) trên địa bàn, với mục tiêu góp phần cùng toàn vùng xây dựng nền nông nghiệp xanh, bền vững và thịnh vượng.

Cua Cà Mau lên sàn thương mại điện tử

Con cua là đặc sản nổi tiếng của Cà Mau với chất lượng ngon nhất nước, có mặt ở nhiều tỉnh, thành và xuất khẩu sang nước ngoài. Thời gian gần đây, cua Cà Mau còn được đi xa hơn qua hình thức bán hàng trực tuyến trên sàn thương mại điện tử.

Ðổi mới để sản xuất hiệu quả

Ðầm Dơi là huyện có diện tích nuôi trồng thuỷ sản lớn nhất tỉnh, với hơn 62.000 ha, tuy nhiên, nhiều yếu tố tác động đã ảnh hưởng đến sản xuất của người dân. Vì vậy, thời gian qua, nông dân trên địa bàn huyện tích cực đổi mới để sản xuất đạt hiệu quả. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hay, đã và đang được huyện nhân rộng, góp phần phát triển kinh tế, giảm nghèo tại địa phương.

Ðồng hành cùng nông thôn

Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đã và đang tạo nên những đổi thay mạnh mẽ, tích cực ở nhiều địa phương. Để đạt được những thành tựu đó, bên cạnh sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của người dân, có vai trò quan trọng của báo chí trong tuyên truyền, góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng NTM đi đúng hướng và đạt hiệu quả tích cực.