Hệ thống thuỷ lợi chưa được đầu tư đồng bộ cùng với tâm lý chuộng tôm hơn lúa đã khiến tình trạng chuyển dịch tự phát của nông dân ở các vùng ngọt hoá xảy ra trong nhiều năm, gây xung đột ngay cả trong bộ phận người dân canh tác cùng khu vực.
LTS: Những năm gần đây, diễn biến bất thường của thời tiết là nguy cơ thường trực đe doạ sản xuất, đời sống của người dân Cà Mau nói riêng, khu vực ÐBSCL nói chung. Nước biển dâng, xâm mặn, hệ luỵ do nhiều năm phá vỡ môi trường sinh thái đã và đang làm cho vùng đất này đứng trước nhiều nguy cơ rủi ro trong sản xuất. Một phần quy hoạch bị phá vỡ, số hộ tự phát đưa nước mặn vào nuôi tôm gia tăng hằng năm. Vùng ngọt hoá của Bán đảo Cà Mau đang đứng trước nguy cơ bị phá vỡ quy hoạch bởi biến đổi khí hậu. Một phần nguyên nhân xuất phát từ sự yếu kém trong quy hoạch cũng như sự quản lý quy hoạch tại địa phương. Loạt bài “Sản xuất vùng ngọt hoá trước nguy cơ bị phá vỡ quy hoạch” sẽ góp phần làm rõ "bức tranh" sản xuất vùng ngọt của Bán đảo Cà Mau.
Hệ thống thuỷ lợi chưa được đầu tư đồng bộ cùng với tâm lý chuộng tôm hơn lúa đã khiến tình trạng chuyển dịch tự phát của nông dân ở các vùng ngọt hoá xảy ra trong nhiều năm, gây xung đột ngay cả trong bộ phận người dân canh tác cùng khu vực.
Trên 49.000 ha chuyển dịch tự phát
Thực tế khảo sát của Tổ Liên ngành 249 (được UBND tỉnh Cà Mau thành lập theo Quyết định số 249/QÐ-UBND ngày 12/2/2015) cho thấy, vùng chuyển dịch tự phát từ đất trồng lúa sang luân canh lúa - tôm trên địa bàn tỉnh Cà Mau chủ yếu phát sinh ở 2 huyện Thới Bình, U Minh và một phần của TP Cà Mau. Các vùng chuyển dịch tự phát có các đặc điểm: diện tích đất chuyển đổi sản xuất tự phát nằm trong vùng quy hoạch ngọt hoá để trồng lúa; các khu vực chuyển dịch sản xuất tự phát là những khu vực sản xuất manh mún, dễ bị xâm mặn; là những khu vực nằm lân cận với các vùng được phép chuyển dịch sang sản xuất luân canh lúa - tôm.
Mặc dù là trục kinh chính của vùng ngọt hoá Khánh Lâm, nhưng do người dân dọc theo tuyến thị trấn U Minh - Khánh Hội nuôi tôm, nên tuyến kinh Dớn Hàng Gòn hiện có độ mặn trên 32%o. Ảnh: NGỌC HUỆ |
Thổ nhưỡng của những vùng chuyển đổi sản xuất tự phát hầu hết là đất trũng, phèn, mặn, sản xuất lúa kém hiệu quả, năng suất thấp. Bên cạnh đó, một phần diện tích sản xuất lúa 2 vụ bị nhiễm mặn từ những vùng sản xuất lúa - tôm lân cận. Ðiều đặc biệt hơn hết là do hệ thống thuỷ lợi chưa khép kín, khiến tình trạng sản xuất tự phát của người dân càng "thuận tiện" hơn.
Tính từ năm 2000 đến nay, có 49.778 ha chuyển đổi sản xuất tự phát. Trong đó, 17.842,9 ha chuyển đổi sản xuất không đúng quy hoạch sử dụng đất; 31.935,1 ha đất 1 vụ lúa chuyển đổi sang sản xuất 1 vụ lúa - 1 vụ tôm đúng quy hoạch sử dụng đất. Riêng từ năm 2013 (thời điểm UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020) đến nay có 2.673,3 ha chuyển đổi sản xuất tự phát, trong đó có 2.594,1 ha chuyển đổi sản xuất không đúng quy hoạch sử dụng đất. Ðặc biệt, trong 2.673,3 ha chuyển đổi sản xuất tự phát từ năm 2013 đến nay, có 169,32 ha với 190 hộ dân sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng lớn của huyện Thới Bình đã tự ý chuyển đổi sang sản xuất luân canh lúa - tôm.
Qua thực tế sản xuất, người dân thấy hiệu quả kinh tế của mô hình sản xuất luân canh 1 vụ lúa - 1 vụ tôm bình quân đạt 65.415.000 đồng/ha/năm (cao nhất 87.950.000 đồng/ha/năm, thấp nhất 42.815 đồng/ha/năm), cao hơn so với chuyên trồng lúa.
Anh Nguyễn Ngọc Tuấn, Ấp 3, xã Tân Lộc Bắc, huyện Thới Bình, bộc bạch: “10 công ruộng tôi đã chuyển sang nuôi tôm rồi. Vụ đầu chưa thu hoạch nhưng thấy tôm phát triển rất nhanh, gia đình phấn khởi lắm. Mấy anh thấy đó, ở những nơi khác cũng cấm không cho nuôi tôm nhưng người dân vẫn lấy nước vào nuôi tôm rồi trúng ầm ầm đó, có bị gì đâu?”. Anh Phan Văn Lúng, người cùng ấp, cũng cho hay: “Nhà tôi có 14 công đất trồng lúa mà vụ nào thu hoạch rồi trả nợ là trắng tay. Nhiều lúc vợ chồng ngồi khóc ròng khi thấy làm hoài mà hổng có dư. Từ lúc chuyển sang nuôi tôm thì cuộc sống khấm khá hơn, thu nhập mỗi năm trên 50 triệu đồng".
Rừng tràm trước nguy cơ xâm mặn
Do hiệu quả nuôi tôm cao hơn trồng lúa nên nhiều đất trồng 1 vụ lúa và cả đất lúa 2 vụ đã được người dân chuyển sang sản xuất 1 vụ lúa - 1 vụ tôm. Một vấn đề nữa là, thực hiện chủ trương giao đất, giao rừng, người dân được phép sử dụng 30% diện tích được giao để trồng lúa (lấy ngắn nuôi dài) đảm bảo cuộc sống hằng năm. Tuy nhiên, việc trồng lúa gặp rất khó khăn, bị ngập úng do ảnh hưởng việc trữ nước phục vụ cho phòng cháy, chữa cháy rừng.
Bên cạnh, hầu hết diện tích đất rừng bị nhiễm phèn nặng lại không có hệ thống thuỷ lợi đủ sức để cải tạo. Ðây chính là hiện trạng các ngành chức năng vô cùng lo lắng. Kỹ sư Lê Văn Sử, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết, hiện nay có 3 khu vực xâm mặn là khu vực Lâm ngư trường Sông Trẹm cũ; đoạn từ thị trấn U Minh đi Khánh Hội và tuyến Kinh 13 đến Kinh 19, giáp Vườn Quốc gia U Minh Hạ. Ðây là những khu vực tiếp giáp trực tiếp với rừng tràm nên việc xâm mặn là hết sức nguy hiểm.
Sự xen kẽ giữa đất rừng với đất sản xuất còn khiến cho nhiều khu vực rừng tràm bị xâm mặn và thiệt hại. Theo ông Lê Văn Hải, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, hiện có đến 200 ha rừng tràm bị chết do nhiễm mặn. Ðặc biệt, hiện nay còn khoảng 1.000 ha đất sản xuất kết hợp đã nhiễm mặn, nếu không có giải pháp hợp lý thì khả năng xâm mặn vào khu vực rừng tràm càng sâu hơn. |
Nguyên nhân do hạ tầng thuỷ lợi chưa được đầu tư hoàn chỉnh nên dễ bị xâm nhập mặn, thời tiết diễn biến phức tạp, nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất phụ thuộc vào nguồn nước mưa không đáp ứng được nhu cầu sản xuất lúa. Bên cạnh đó, giá cả đầu vào luôn biến động theo chiều tăng, giá cả đầu ra của lúa gạo, mía không ổn định… nên Nhân dân tìm cách chuyển đổi sản xuất để phù hợp với điều kiện thực tế và hiệu quả hơn. Mặc dù việc đầu tư cho phát triển sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản theo quy hoạch luôn được quan tâm thực hiện bằng nhiều nguồn lực.
Trong đó, nguyên nhân quan trọng được Tổ Liên ngành 249 đánh giá là: "Quy hoạch phát triển sản xuất một số vùng chưa phù hợp, chậm được điều chỉnh nên việc đầu tư theo quy hoạch chưa phát huy hiệu quả. Ðiển hình như Dự án Ðầu tư hạ tầng thuỷ lợi ngọt hoá Quản lộ Phụng Hiệp, do việc nghiên cứu dẫn dòng nước ngọt từ sông Hậu về Bán đảo Cà Mau không khả thi nên việc đầu tư theo quy hoạch này chưa mang lại hiệu quả.
Hay việc đầu tư hệ thống thuỷ lợi vùng Nam Cà Mau, theo quy hoạch được duyệt từ năm 2000 đã dẫn đến bất cập trong đảm bảo cấp, thoát nước phục vụ cho nuôi trồng thuỷ sản. Nguồn vốn đầu tư cho thuỷ lợi phục vụ sản xuất không đáp ứng được yêu cầu quy hoạch được duyệt nên hầu hết các dự án đầu tư các tiểu vùng thuỷ lợi được lập và phê duyệt rất lâu nhưng không được điều chỉnh dự toán khi bố trí vốn thực hiện. Do đó, đến nay chưa có tiểu vùng nào đủ vốn đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch, mặc dù đã triển khai thực hiện đầu tư 7/23 tiểu vùng.
Quy hoạch sản xuất, quy hoạch sử dụng đất không còn phù hợp, chậm được điều chỉnh nhưng vẫn phải chấp hành. Trong khi nguyện vọng chính đáng của người dân trong chuyển đổi cây trồng, vật nuôi (để tìm kiếm giá trị gia tăng cao hơn theo định hướng tái cơ cấu nông nghiệp) thì chưa được xem xét (vì trái với quy hoạch) dẫn đến việc quản lý thiếu nhất quán, không rõ ràng./.
Bài 2: Hạ tầng thuỷ lợi thiếu và yếu
Ngọc Huệ - Nguyễn Phú – Đặng Duẩn