Hệ thống thuỷ lợi là yếu tố quan trọng trong sản xuất, dù đó là khu vực nuôi hay trồng bất cứ cây, con gì. Thiệt hại lớn trong vụ mùa vừa qua nguyên nhân chính là do thiên tai, tuy nhiên, một phần do chính những hạn chế từ việc xây dựng các công trình thuỷ lợi thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất và phục vụ sinh hoạt của người dân.
Hệ thống thuỷ lợi là yếu tố quan trọng trong sản xuất, dù đó là khu vực nuôi hay trồng bất cứ cây, con gì. Thiệt hại lớn trong vụ mùa vừa qua nguyên nhân chính là do thiên tai, tuy nhiên, một phần do chính những hạn chế từ việc xây dựng các công trình thuỷ lợi thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất và phục vụ sinh hoạt của người dân.
Từ năm 2000 đến nay, chỉ tính riêng đầu tư cho thuỷ lợi phục vụ sản xuất đã lên đến 4.770 tỷ đồng. Kết quả đầu tư cho sản xuất theo quy hoạch góp phần rất quan trọng trong phát triển sản xuất, nhất là sản lượng tôm liên tục tăng, từ 49.233 tấn vào năm 2000, đến năm 2015 đã đạt 163.980 tấn tôm.
Chưa phát huy hiệu quả
Tuy nhiên, qua đối chiếu với thực tế, việc đầu tư cho sản xuất thời gian qua đã bộc lộ nhiều bất cập. Mặc dù hệ thống kinh đào, sông rạch và hệ thống cống phục vụ sản xuất, cũng như việc lưu thông và vận chuyển hàng hoá của Nhân dân, đã được đầu tư nhưng chưa đồng bộ và chậm so với quy hoạch. Khả năng điều tiết nước phục vụ sản xuất một số nơi chưa đáp ứng nhu cầu, nhất là việc tiêu úng, xổ phèn vào mùa mưa và ngăn chặn xâm nhập mặn vào mùa khô.
Các công trình cống được đầu tư trên địa bàn xã Tân Dân, huyện Ðầm Dơi không phát huy hiệu quả mặc dù kinh phí đầu tư rất lớn. Ảnh: ÐẶNG DUẨN |
Vụ lúa - tôm vừa qua thiệt hại nghiêm trọng một phần là do điều kiện thời tiết nắng nóng kéo dài nhưng một phần nguyên nhân trong đó là do hệ thống thuỷ lợi yếu kém. Tình trạng mưa lớn thì ngập úng do không tháo nước kịp, còn mùa hạn thì nước mặn xâm nhập, diễn ra khá thường xuyên ở các huyện U Minh và Trần Văn Thời.
Mặc dù đã được quy hoạch nhưng hệ thống thuỷ lợi ở Cà Mau còn rất nhiều yếu kém, không theo kịp so với nhu cầu sản xuất. Vùng ngọt 2 huyện U Minh và Trần Văn Thời chủ yếu thuộc các Tiểu vùng I, II, III và một phần Tiểu vùng IV Bắc Cà Mau, tuy nhiên, đến nay chỉ có Tiểu vùng III là có hệ thống thuỷ lợi được xem là khép kín. Dù đã được xem là khép kín nhưng do nằm giáp biển Tây nên khi mưa lớn, triều cường dâng cao, thì năng lực tháo úng của các công trình thuỷ lợi bộc lộ ngay nhược điểm. Theo ông Nguyễn Ðồng Khởi, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, hệ thống cống thời gian qua chỉ phát huy được tác dụng trên phương diện chống xâm mặn tại các vùng ngọt hoá của huyện, còn năng lực tiêu úng xổ phèn thì rất hạn chế.
Chính sự thiếu và yếu ấy của các công trình thuỷ lợi là nguyên nhân khiến vùng ngọt ngày càng bị xâm mặn và là điều kiện để người dân phá vỡ quy hoạch sản xuất như hiện nay. Kỹ sư Lê Văn Sử, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết, tình trạng xâm mặn hiện nay diễn ra sâu hơn so với các năm trước, nhất là một số vùng ngọt ở Trần Văn Thời, U Minh, một phần Thới Bình và TP Cà Mau, những khu vực hết sức quan trọng cần phải bảo vệ.
Mặc dù hệ thống thuỷ lợi ở vùng ngọt được đầu tư khá bài bản nhưng thực tế chưa thể đáp ứng yêu cầu. Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Ấp 9, xã Khánh Hội, cho biết: “Mưa lớn là cả ruộng lúa ngập trong nước. Mặc dù có kinh nghiệm nhiều năm, canh nước, chuẩn bị sẵn máy bơm, nhưng nếu qua một đêm mưa lớn thì không cách nào xổ nước ra kịp, và người dân phải tự nỗ lực cứu lúa chứ không thể trông chờ vào các cống, đập trên địa bàn”.
"Xảy ra tình trạng ngập sâu cục bộ là do khả năng tiêu úng của hệ thống thuỷ lợi còn thấp. Ðây là nguyên nhân chính dẫn đến thiệt hại của 2.600 ha lúa của người dân trên địa bàn xã vụ mùa vừa qua", theo ông Nguyễn Cảnh Hạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời.
Còn dàn trải, thiếu tập trung
Trong khi hệ thống thuỷ lợi vùng ngọt chưa phát huy hiệu quả như yêu cầu thực tế thì hệ thống cống khép kín ở các vùng chuyên tôm, 1 vụ lúa - 1 vụ tôm đang được đầu tư rất lớn. Một điều trái khoáy là người dân vùng này không màng đến, thậm chí còn bức xúc vì được đầu tư. Ðiển hình, trên địa bàn huyện Ðầm Dơi thì chỉ riêng xã Tân Dân cũng có gần chục cái cống được xây dựng để khép kín tiểu vùng, thế nhưng xem ra khép mà... chưa bao giờ kín.
Ông Trần Văn Của, xã Tân Dân, huyện Ðầm Dơi, bức xúc: “Chuyện đầu tư cống trên địa bàn xã đã gây nhiều bức xúc trong dân. Thấy Nhà nước quan tâm đầu tư công trình cho xã thì chúng tôi cũng mừng, nhưng nói thật chúng tôi cũng không biết họ xây cống để làm gì?".
Sự thiếu đồng bộ trong đầu tư hệ thống thuỷ lợi, thời tiết diễn biến bất thường cùng với tâm lý chuộng tôm hơn lúa đã khiến vùng ngọt bị “da beo”. Vấn đề chuyển dịch tự phát của nông dân ở các vùng ngọt hoá xảy ra, khi âm thầm, lúc bộc phát, trong nhiều năm nay, đã gây ra xung đột khó điều hoà, ngay cả trong bộ phận người dân canh tác cùng khu vực. Thế nên, để giải quyết được vấn đề này cần phải xét đến cái gốc của nó, thực tế chẳng người dân nào lại đồng loạt chuyển sang mô hình sản xuất khác nếu như khu vực quy hoạch mà họ đang canh tác vẫn hiệu quả và được đầu tư đồng bộ. |
Ðiều ông Trần Văn Của nói mới nghe thì thấy lạ lùng, nhưng thực tế đúng là vậy, bởi các cống này được xây dựng nhưng chẳng mấy khi hoạt động. Ông Nguyễn Như Vàng, Chủ tịch UBND xã Tân Dân, cho biết: “Các cống trên địa bàn xã được đầu tư nhiều nhưng không phát huy hiệu quả do không khép kín, do đó, hầu như không mấy khi hoạt động. Ðiều này không chỉ người dân trong xã mà một số xã lân cận cũng bức xúc và phản ánh qua các cuộc họp dân, tiếp xúc cử tri... Xã cũng nhận thấy điều này nhưng vấn đề này không trong tầm giải quyết của chính quyền địa phương".
Ðánh giá của Tổ Liên ngành 249 còn cho thấy, quy hoạch sản xuất năm 2000 xác định vùng Bắc Cà Mau là vùng sản xuất theo hệ sinh thái ngọt. Tuy nhiên, do hệ thống thuỷ lợi chưa được đầu tư hoàn chỉnh nên nhiều khu vực đất trũng, nhiễm phèn mặn chưa được cải tạo đủ điều kiện trồng lúa nên bà con đã chuyển sang nuôi tôm hoặc 1 vụ lúa - 1 vụ tôm. Một số khu vực dù đã giữ được ngọt, ngăn được mặn nhưng do trồng lúa năng suất thấp, kém hiệu quả nên chuyển sang sản xuất 1 vụ lúa - 1 vụ tôm. Khi các khu vực trồng lúa, nuôi tôm xen kẽ nhau, lúc triều cường, với hệ thống thuỷ lợi yếu kém, khu vực nuôi tôm làm nhiễm mặn khu vực trồng lúa./.
Bài 3: Đương đầu với hạn, mặn
Ngọc Huệ - Nguyễn Phú – Ðặng Duẩn