(CMO) "Sau buổi tham vấn hôm nay (sáng 3/11), quyết tâm trong tháng 12 này phải phê duyệt Quy hoạch vùng ĐBSCL, đảm bảo tiến độ và chất lượng, trong đó ưu tiên số 1 cho kết cấu hạ tầng giao thông, kết nối vùng từ nguồn xã hội hoá" - Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng điều phối Vùng ĐBSCL, nhấn mạnh tại cuộc họp Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Đây là đồ án quy hoạch đầu tiên trong số 6 quy hoạch vùng cả nước được đẩy nhanh tiến độ, sớm thông qua.
Nhắc lại tầm quan trọng tại vùng kinh tế nhiều tiềm năng, trọng điểm là nông nghiệp và thuỷ sản, tuy nhiên theo Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, ĐBSCL lại là vùng có hệ thống hạ tầng giao thông yếu nhất cả nước, cùng với đó đang chịu nhiều ảnh hưởng từ tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, rõ nhất là từ hạn, mặn, sạt lở dẫn đến chưa thật sự phát triển đúng với lợi thế đang có.
“Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ xác định sẽ tập trung có trọng điểm trong xây dựng kết cấu hạ tầng ĐBSCL, hạ tầng thuỷ lợi, ứng phó tác động BĐKH, và thực tế nhiều dự án, công trình quy mô lớn, liên kết vùng đã và đang triển khai, đồng thời nhiều dự án mới tiếp tục được đưa vào quy hoạch với quyết tâm chính trị cao nhất, sớm triển khai thực hiện”, Phó thủ tướng Lê Văn Thành thông tin.
Mong muốn xây dựng tuyến cao tốc đến Mũi Cà Mau
Phát biểu tại buổi tham vấn, lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL thống nhất cao đồ án quy hoạch tổng thể lần này với mong muốn việc triển khai thực hiện đúng theo lộ trình, đồng thời kiến nghị những nội dung cụ thể trên từng lĩnh vực.
Bí thư Tỉnh uỷ Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cho rằng, quy hoạch lần nay mang tính toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, làm cơ sở cho các địa phương tiến hành quy hoạch phù hợp thực tế. Cụ thể với Cà Mau, gắn quy hoạch Vùng với quy hoạch đất đai trên địa bàn cho phù hợp, nhiều vấn đề cần điều chỉnh cho sát thực tế.
Tại điểm cầu trực tuyến với Chính phủ tại Cà Mau, Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Tiến Hải kiến nghị cần bổ sung vào quy hoạch, trong đó ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông cho Vùng, cũng như Cà Mau. |
Với đặc thù của địa phương, bên cạnh chờ tiến độ và tính hiệu quả từ Dự án Ngọt hoá bán đảo Cà Mau, tỉnh mong muốn bổ sung vào quy hoạch Vùng dự án hồ chứa nước ngọt phục vụ sản xuất, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ hệ sinh thái rừng đặc dụng Vườn Quốc gia U Minh hạ.
Về hạ tầng giao thông, Bí thư Tỉnh uỷ Cà Mau đề nghị bổ sung vào quy hoạch tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau cần mở đến Mũi Cà Mau nhằm phát huy kinh tế biển, kinh tế thuỷ sản, kinh tế du lịch trọng điểm của quốc gia cũng như là trục chính để mở cửa, hội nhập và giao lưu quốc tế, kết nối đường bộ với đường biển…
Đường Hồ Chí Minh trên địa bàn tỉnh Cà Mau nhỏ, hẹp, xuống cấp, không thể đảm đương cho vận chuyển chuyển hàng hoá, phương tiện lớn lưu thông để phát triển kinh tế biển, kinh tế du lịch, kinh tế thủy sản… |
Cảng biển Hòn Khoai, Cảng Hàng không Cà Mau, vận tải đường sông, năng lượng tái tạo cần được xem xét cụ thể, đánh giá đúng tiềm năng để đưa vào quy hoạch phù hợp, không lãng phí.
3 trụ cột phát triển ĐBSCL
Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 bao gồm 3 trụ cột chính: đổi mới hoạt động điều phối vùng thông qua thể chế, cơ chế mạnh hơn; cải cách cơ chế chính sách, liên ngành, liên vùng tích hợp theo không gian; tài chính bền vững cho đầu tư xanh và hiệu quả.
Sẽ có tổng số số 46 ngàn tỷ đồng từ nguồn vay nước ngoài (WB, AFD, KfW) theo hình thức cấp phát 90%, vay lại 10% cho các địa phương (những công trình Bộ thực hiện cấp phát 100%). Cùng với đó là nguồn đối ứng từ các địa phương của Vùng trên 20.720 tỷ đồng.
Năng lượng tái tạo là nội dung được các địa phương ĐBSCL kiến nghị nên tập trung đầu tư hơn nữa trong thời gian tới nhằm khai thác tiềm năng và lợi thế. Ảnh: Hệ thống truyền tải lưới điện năng lượng tái tạo Nhà máy Điện gió Tân Ân (huyện Ngọc Hiển). |
Với mục tiêu số 1 ưu tiên cho hạ tầng giao thông, đối với 7 tỉnh ven biển: Tiền Giang, Ben Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang sẽ hoàn thành khép kín dự kiến khoảng 378 km đường ven biển, cải tạo nâng cấp khoảng 48,5 km đường, 184 cầu trung và nhiều cầu nhỏ, ngoài ra có 5 cây cầu lớn vượt sông Tiền. Với 6 tỉnh không có biển, sẽ hoàn thành 138,3 km đường, 167 cầu trung và nhiều cầu nhỏ; tăng diện tích tưới tiêu lên tới 78.800 ha, phòng chống sạt lở trên 10 km, cải tạo nâng cấp 43 km đường giao thông. Cải tạo, nâng cấp 265 km đường quốc lộ…
Quy hoạch tổng thể lần nay hướng mục tiêu đưa ĐBSCL trở thành Vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước, có trình độ tổ chức xã hội tiên tiến; thu nhập bình quân đầu người đạt cao hơn trung bình cả nước, sinh kế của người dân được bảo đảm; phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; bảo tồn cảc tài nguyên, hệ sinh thái quan trọng của Vùng…
Trần Nguyên