Cách đây 75 năm, từ phía cửa Rạch Gốc, thầy giáo Hiển dẫn đầu đoàn quân, giương cao cờ đỏ búa liềm và cờ đỏ sao vàng. Tất cả người dân trong 107 nóc gia của vùng Rạch Gốc - Tân Ân khi ấy đều ùa ra phía cửa biển, đón giáo Hiển, đón những người con trở về sau chiến thắng oanh liệt. Đất Cà Mau cũng từ ấy có thêm cột mốc mãi mãi bất tử: ngày 13/12.
Cách đây 75 năm, từ phía cửa Rạch Gốc, thầy giáo Hiển dẫn đầu đoàn quân, giương cao cờ đỏ búa liềm và cờ đỏ sao vàng. Tất cả người dân trong 107 nóc gia của vùng Rạch Gốc - Tân Ân khi ấy đều ùa ra phía cửa biển, đón giáo Hiển, đón những người con trở về sau chiến thắng oanh liệt. Đất Cà Mau cũng từ ấy có thêm cột mốc mãi mãi bất tử: ngày 13/12.
Nỗi nhớ, niềm thương người ở lại
3/4 thế kỷ, nhiều thứ đã qua đi, nhiều người đã khuất, điều khiến bà con vùng Tân Ân và cả những ai đến vùng đất này đều cảm thấy ấm lòng, đó là những câu chuyện về giáo Hiển, về Anh hùng Bông Văn Dĩa, về các nghĩa sĩ đã làm nên khởi nghĩa Hòn Khoai chấn động Nam Kỳ vẫn được truyền từ đời này sang đời khác.
Cửa biển Rạch Gốc. Ảnh: Q.RIN |
Về thăm lại vùng đất biển, anh Nguyễn Quốc Quân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Ngọc Hiển, tâm sự: “Bây giờ địa phương còn 7 gia đình thân nhân những liệt sĩ trực tiếp tham gia khởi nghĩa, một số lão thành cách mạng còn nhớ tương đối chính xác diễn biến cuộc khởi nghĩa. Tuy nhiên, do tuổi cao, trí nhớ có phần suy giảm, mọi thứ cũng không còn được “nguyên bản” nữa”.
Cụ bà Nguyễn Thị Dung, em gái thứ 10 của Liệt sĩ Nguyễn Văn Đắc, hồi tưởng: “Tôi 96 tuổi rồi, có chuyện nhớ, chuyện quên. Anh Tám của tôi (Liệt sĩ Nguyễn Văn Đắc) nhỏ người, tính tình cũng hiền lành. Tôi và anh Tám cùng theo học thầy giáo Hiển, được thầy cảm hoá rồi vô tổ chức. Lúc anh đi thì vợ nhà có bầu, lúc anh hy sinh thì vợ con cũng lưu lạc. Giờ coi như anh không có con cái gì hết. Tôi thờ anh từ hồi xưa tới giờ”.
Dù có chuyện không còn nhớ chính xác nhưng bà Dung vẫn khẳng định: “Giáo Hiển là người ăn ở được lòng bà con, nói chuyện dễ nghe, sống vì người khác, dân ở đây tin tưởng lắm”. Khi cuộc khởi nghĩa nổ ra, giặc xua quân xuống đàn áp, bà kể: “Tụi nó bao vây nhà, tra hỏi, sau đó bắt hết những người lớn mà tụi nó nghi ngờ. Tôi cũng bị bắt giam ở Bạc Liêu”.
Các nghĩa sĩ trực tiếp tham gia khởi nghĩa và những người thân bị nhốt tách biệt. Bà Nguyễn Thị Dung với linh tính của đứa em gái, sau khi nghe được tiếng “ho rất quen của anh” thì dùng mưu mẹo để nói với anh mấy câu trong “khu nhà vệ sinh” mà không thấy mặt. "Anh Tám nói rất lớn: Em ở nhà ráng nuôi cha mẹ, anh chắc không thể sống", bà kể lại. Ngày giặc xử bắn 10 nghĩa sĩ, gia đình bà có lên tận Cà Mau. Một ngày trời u ám, mọi thứ tối sầm. Chỉ có trái tim của các anh là sáng mãi. Bà Dung nhớ: “Đoàn người trở về Rạch Gốc - Tân Ân lầm lũi, không ai nói với ai lời nào. Trở về quê, nơi bến nước, gốc cây me quỳ kỷ niệm, lời nói của các anh như cứ vương vấn mãi. Cả vùng đất để tang, khóc tiễn các anh…”.
Liệt sĩ Đỗ Văn Sến hy sinh để lại 2 người con trai, người đang thờ tự ông là ông Đỗ Văn Minh năm nay đã 78 tuổi. Ông Sến gác đèn ngoài Hòn Khoai, vợ ông làm vú nuôi cho gia đình sếp đảo nên rất thuận lợi tiếp cận. Đây cũng là một trong những yếu tố làm nên thành công của cuộc khởi nghĩa. Được giáo Hiển giác ngộ, ông nguyện trọn lòng theo cách mạng. Ông bị bắt, hy sinh, vợ ông sau đó vì sầu muộn mà qua đời, 2 con nhỏ ở lại bơ vơ. Ông Minh cho biết: “Cha mẹ mất hết, anh em tôi còn quá nhỏ được gởi cho dì nuôi”. Sau này, khi anh em ông Minh lớn lên thì lập bàn thờ cho cha.
Ông Sến cùng bị bắt với giáo Hiển tại Khai Long, giữ khí tiết đến giây phút cuối cùng. Ông Sến cùng ông Đắc là 2 đảng viên được kết nạp vào đúng ngày khởi nghĩa - 13/12/1940. Điều tiếc nuối nhất với ông Minh là: “Cha không còn hình ảnh gì lưu lại, 10 liệt sĩ khởi nghĩa duy chỉ có giáo Hiển là có hình, 9 người còn lại Pháp có lưu hồ sơ, hình ảnh, nhưng biết làm sao mà lấy được”.
Hành trình vươn ra biển lớn
Về Ngọc Hiển nhiều lần, điều làm chúng tôi từ ngạc nhiên chuyển qua thích thú đó là gặp được những “pho sử sống” như ông Tư Trực, ông Sáu Tuôi. Các ông đều là những người con của Rạch Gốc – Tân Ân, thuộc thế hệ kế cận các nghĩa sĩ Hòn Khoai, tham gia cách mạng và gắn bó với quê hương bằng gan ruột, máu thịt. Nói về Khởi nghĩa Hòn Khoai, ông Sáu Tuôi (Huỳnh Văn Tuôi) trầm ngâm: “Lúc đó tôi mới 6-7 tuổi hà, nhưng vài năm sau, khi lớn hơn chút, được bà con kể lại nhiều chuyện, sau này có cơ may gần gũi và trao đổi nhiều với Anh hùng Bông Văn Dĩa”. Vì thế, nguồn tư liệu ông Sáu cung cấp đủ sức tin cậy và vô cùng sinh động qua lối nói dí dỏm.
Trong 10 liệt sĩ bị xử tử, có 7 người là con của mảnh đất Tân Ân, vùng đất nghèo nhưng giàu tình nghĩa, đã theo cách mạng thì không kể chuyện mất, còn. Ông Sáu Tuôi thuật lại lời của Anh hùng Bông Văn Dĩa: “107 nóc gia thời điểm khởi nghĩa bị đàn áp có tới hơn 80 hộ bị giặc bắt bớ. Tụi nó gom bà con lại, truy bức, tra hỏi, giở trò thủ tiêu. Nhiều người bị tù đày tận ngoài Côn Đảo”. Nam Kỳ rung động, Pháp nhận thức được mối nguy lớn và tìm mọi cách để “diệt tận gốc mầm mống cách mạng” ở vùng đất tưởng như hoang vu, tách biệt này”.
Bà Nguyễn Thị Dung, em gái thứ 10 của Liệt sĩ Nguyễn Văn Đắc, vẫn giữ gìn những kỷ niệm về người anh đã hy sinh. Ảnh: QUỐC RIN |
Tân Ân - Rạch Gốc đi qua chiến tranh với sự thuỷ chung son sắt. Không ai có thể quên những người con của quê hương đã ngã xuống, những vạt rừng chết đứng vì chất độc hoá học, tàu chiến, bom đạn cày nát những mảnh đất đôi bờ sông Rạch Gốc. Một quê hương giàu có, trù phú đã hy sinh tất cả vì tự do, độc lập và thống nhất nước nhà. Chặng đường tiếp theo của miền đất biển dẫu còn lắm gian truân nhưng vẫn vẹn nguyên lòng tin như lời ông Sáu: “Tân Ân - Rạch Gốc có đầy đủ điều kiện để vươn lên làm giàu”.
Nhìn về phía biển, Hòn Khoai thuộc xã Tân Ân đã được Chính phủ cho chủ trương đầu tư xây dựng cảng nước sâu với tổng vốn khoảng 2,5 tỷ USD. Đây không chỉ "đơn điệu" là cảng trung chuyển quốc tế, mà sẽ hình thành khu kinh tế tổng hợp rộng 70 ha, gồm khu thương mại tổng hợp, khu công nghiệp, hệ thống kho bãi. Từ đảo Hòn Khoai nhìn vào đất liền, Khu Kinh tế Năm Căn kết nối với Đất Mũi, Khai Long (trong tương lai sẽ triển khai dự án điện gió) sẽ tạo thành “tứ giác vàng” không chỉ của Ngọc Hiển mà là của tỉnh Cà Mau và xa hơn là cả khu vực ĐBSCL. Với định hướng này, Năm Căn - Rạch Gốc - Tân Ân - Hòn Khoai - Khai Long - Đất Mũi cũng sẽ tạo thành tuyến du lịch đầy hấp dẫn đối với du khách.
Rạch Gốc - Tân Ân không quên ký ức “đói ăn trái mắm”, khát “chưng cất nước mặn” để uống trong những năm tháng chiến tranh. Vùng đất đi qua hai cuộc trường chiến không một người đầu hàng giặc. Từ trong đau thương, mầm đước lại thẳng đứng vươn lên, trái mắm lại bồi lắng phù sa. Phố biển Rạch Gốc từng ngày lớn lên, cư dân nhộn nhịp đông đúc. Về đây, người ta sẽ cảm nhận thêm điều đặc biệt, đó là lịch sử không đơn giản là những dòng chữ trên sách, những con số, những mốc sự kiện thời gian khô khan. Bởi tại Rạch Gốc - Tân Ân, lịch sử hiện lên qua từng tên đất, tên người, từng câu nói. Có một Rạch Gốc - Tân Ân anh hùng đang hiên ngang tiến ra biển lớn…
Ghi chép của Phạm Quốc Rin