Những ngày cuối năm, không khí làm việc trên công trình xây dựng tuyến lộ kinh Ranh Hạt, thuộc ấp 10, xã Trí Phải, huyện Thới Bình sôi động hẳn lên trong sự háo hức của trên 70 hộ dân nơi đây. Tuy chỉ có chiều dài trên 2 km, nhưng khi hoàn thành đưa vào sử dụng, tuyến lộ này sẽ giúp người dân có thể đi lại thuận tiện hơn với khu vực lận cận, nhất là với Quốc lộ 63 đi huyện, TP Cà Mau và tỉnh Kiên Giang.
Những ngày cuối năm, không khí làm việc trên công trình xây dựng tuyến lộ kinh Ranh Hạt, thuộc ấp 10, xã Trí Phải, huyện Thới Bình sôi động hẳn lên trong sự háo hức của trên 70 hộ dân nơi đây. Tuy chỉ có chiều dài trên 2 km, nhưng khi hoàn thành đưa vào sử dụng, tuyến lộ này sẽ giúp người dân có thể đi lại thuận tiện hơn với khu vực lận cận, nhất là với Quốc lộ 63 đi huyện, TP Cà Mau và tỉnh Kiên Giang.
Nhận rõ những tiện ích tuyến lộ mang lại, người dân sống dọc kinh Ranh Hạt tích cực, hăm hở góp tiền, góp sức với Nhà nước xây dựng.
Nối dài những niềm vui
Mặc dù phải bỏ ra trên 12 triệu đồng nhưng ông Huỳnh Văn Lợi rất vui mừng khi tuyến lộ ngày một gần đến phần đất của mình. Ông Lợi chia sẻ: "Có đáng là bao nếu so với lợi ích mà nó mang lại. Có lộ không chỉ thuận tiện hơn trong sản xuất mà giá trị hàng hoá của nông dân làm ra cũng được tăng cao hơn. Đặc biệt, con em có điều kiện học hành đến nơi đến chốn, cánh cửa thoát ra khỏi những ngày chân lấm tay bùn cũng rộng mở hơn".
Phủ thờ Bác Hồ, xã Trí Lực, huyện Thới Bình. Ảnh: PHONG PHÚ |
Góp sức cùng Nhà nước phát triển hạ tầng nông thôn giờ đây không chỉ là suy nghĩ của riêng ông Lợi hay của các hộ dân sống dọc theo kinh Ranh Hạt, mà đó đã và đang trở thành xu hướng chung của người dân Thới Bình.
Từ mong muốn góp sức xây dựng quê hương ngày giàu đẹp hơn của người dân mà tuyến đường đất bờ Tây về xã Trí Lực, thuộc ấp Phủ Thờ ngày nào lầy lội mỗi khi trời đổ mưa giờ đã được bê-tông hoá. Tổng số tiền mà các hộ dân bỏ ra cùng Nhà nước xây dựng trên 300 triệu đồng nhưng ai cũng hớn hở khi thấy con lộ thẳng tắp đi qua cửa nhà mình. “Chỉ cần xe có thể chạy thẳng về tới nhà không còn lo mưa, bão gì là thấy khoái rồi, góp bao nhiêu cũng đáng”, ông Nguyễn Văn Bình, ấp Phủ Thờ, xã Trí Lực, hào hứng.
Trong những ngày cuối năm này, niềm vui được mùa lúa trên đất nuôi tôm của bà con xã Thới Bình dường như được nhân lên gấp bội khi đường ô-tô về trung tâm xã đang được nhà thầu đẩy nhanh tiến độ để kịp cho người dân vui xuân đón Tết. Với chiều rộng 3,5 m, khi hoàn thành, tuyến đường sẽ tạo đà thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển vượt bậc. Nhìn công trình ngày một nối dài hơn, ông Nguyễn Văn Liễn, ấp 2, xã Thới Bình, không giấu được niềm vui cho biết, tuyến đường là niềm mong mỏi của người dân bao lâu nay. Bởi lẽ, khi hoàn thành, người dân ở đây đi huyện hay đi tỉnh không cần phải vòng qua kinh Bà Đặng, quãng đường rút ngắn gần phân nửa, tiết kiệm được cả chi phí và thời gian.
Không chỉ dừng lại ở đó, tại các xã Tân Bằng, Trí Lực hay thị trấn Thới Bình, 3 cây cầu treo dân sinh sừng sững với tổng kinh phí xây dựng hơn 10 tỷ đồng góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông của huyện. Đó là những công trình tiêu biểu minh chứng cho phong trào toàn dân tham gia xây dựng nông thôn ngày một nở rộ trên địa bàn huyện.
Theo Chủ tịch UBND huyện Thới Bình Huỳnh Quốc Hoàng, chỉ tính riêng trong lĩnh vực xây dựng lộ và cầu nông thôn, năm 2014 người dân đã đóng góp trên 5,8 tỷ đồng trong tổng kinh phí xây dựng trên 18,6 tỷ đồng. Ngoài ra, huyện còn tập trung đầu tư trên 17 tỷ đồng để nạo vét 23 công trình thuỷ lợi phục vụ sản xuất, đi lại của người dân và nhiều công trình dân sinh khác như trụ sở sinh hoạt văn hoá, trường học... góp phần tạo diện mạo mới cho đời sống người dân, cho vùng nông thôn Thới Bình.
Nông thôn khởi sắc
Mạng lưới giao thông trải khắp làng quê đã tạo sự chuyển biến tích cực trong đời sống người dân Thới Bình cả về vật chất lẫn tinh thần, nhất là đối với hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, người có công. Kết quả đáng khích lệ ấy là thành tựu của sự kết hợp song hành từ các công trình hạ tầng phục vụ dân sinh mà thời gian qua huyện nỗ lực thực hiện, đưa vào sử dụng cũng như hàng loạt các chương trình an sinh xã hội, xoá đói giảm nghèo khác.
Chủ tịch UBND xã Trí Phải Đào Thị Phượng cho biết: "Ngoài các chương trình như cho hộ nghèo vay vốn sản xuất, phân công đảng viên, đoàn thể hỗ trợ hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, vận động các nhà hảo tâm tham gia cùng địa phương trong công tác giảm nghèo…, xã còn tiến hành rà soát, phân loại hộ nghèo chi tiết, tuỳ từng trường hợp mà có giải pháp hỗ trợ phù hợp".
Là năm thứ hai đón Tết cổ truyền dân tộc trong căn nhà kiên cố được hỗ trợ từ Quyết định 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng, ông Trần Đức Thắng (gia đình liệt sĩ, ở ấp 1, xã Trí Phải) không giấu được niềm vui: "Có được như hôm nay tất cả là nhờ vào chính sách của Đảng và Nhà nước. Không chỉ được quan tâm chăm lo nơi ở mà cái ăn, cái mặc hằng ngày cũng được hỗ trợ chu đáo".
Ông Huỳnh Quốc Hoàng cho biết thêm, đối với các hộ gia đình chính sách đặc biệt khó khăn (không sức lao động, không tư liệu sản xuất…) không thể giúp họ thoát nghèo bằng các giải pháp thông thường nên huyện vận động các doanh nghiệp bảo trợ thường xuyên bằng với mức sống trung bình của các hộ khác. Tuy cuộc sống chưa thể sung túc, nhưng chuyện ăn, chuyện mặc hằng ngày họ không còn phải lo.
Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành tuyến đường kinh Ranh Hạt để người dân vui xuân đón Tết. |
Ông Nguyễn Văn Bình, ấp Phủ Thờ, xã Trí Lực, tâm đắc: “Từ khi có lộ, đời sống người dân thay đổi rõ rệt. Hàng hoá người dân làm ra tiêu thụ dễ dàng hơn, việc đi lại, học hành của các cháu học sinh thuận tiện hơn, tình làng nghĩa xóm được gắn kết hơn… Giờ đây không còn là ăn no, mặc ấm mà hướng tới ăn ngon, mặc đẹp, nhà ở khang trang”.
Theo ông Huỳnh Quốc Hoàng, đến nay toàn huyện có tổng chiều dài đường giao thông nông thôn 724,7 km. Năm 2014, huyện xây dựng hoàn thành 23 cây cầu. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 2,45% và hộ cận nghèo là 2,44%, đáng mừng nhất là không còn hộ gia đình chính sách, gia đình người có công thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo.
Những ngày cuối năm, về quê hương Thới Bình, rong ruổi trên những con đường làng phẳng phiu, không khó để bắt gặp những xóm nhà tường khang trang, những cây cầu bê-tông kiên cố… Những hình ảnh ấy tạo nên nét chấm phá độc đáo cho bức tranh nông thôn Thới Bình hôm nay
Bài và ảnh: Nguyễn Phú