“Rau củ 0 đồng. Mỗi người 1 phần. Ai nhận cũng được. Xin cảm ơn”. Bên dưới dòng chữ dễ thương này là niêm yết thời gian cố định quầy hàng nhân ái mở bán: 17 giờ mỗi ngày, từ thứ Hai đến thứ Sáu, tại số 133A, đường Trương Phùng Xuân, Khóm 3, Phường 8, TP Cà Mau. Chủ quầy, bà Trần Mỹ Hạnh (60 tuổi) vui vẻ: “Mỗi ngày khoảng 50-70 phần rau củ gửi mọi người ăn lấy thảo. Chỉ là chút tấm lòng san sẻ khó khăn với bà con ở xóm... Ngày nào cũng “bán” đắt lắm, chúng tôi nhận lại rất nhiều nụ cười”.
- Bữa cơm hạnh phúc
- Nghĩa tình quán cơm Nghĩa
- Tuổi thanh xuân ý nghĩa
- “Mọi người vui, mình cũng hạnh phúc”
Để rau củ luôn tươi mới, kịp bữa cơm chiều của bà con, đều đặn mỗi chiều trước khi mở quầy là mẹ con bà Hạnh đi chợ Phường 7 để mua được giá sỉ, vừa rẻ vừa ngon, để đủ “bán” theo nhu cầu của bà con khó khăn ở xóm, đảm bảo mỗi người 1 kg đủ loại.
Từ 16g30, sau khi đi chợ về, bà Trần Mỹ Hạnh (bìa trái) sẽ cùng chị em ở xóm chia phần rau củ đủ loại cho bà con, mỗi phần 1 kg.
“Sợ bà con ngán, nên mẹ tôi đổi thực đơn mỗi ngày với nhiều loại để bà con thoải mái lựa chọn. Cả tuần nay chưa trùng món nào. Không cao sang gì, nhưng có thể chia sẻ với mọi người một phần bữa cơm gia đình, là niềm vui của gia đình tôi”, chị Nguyễn Anh Thy, con bà Hạnh, tâm tình.
Vì chỉ có hai mẹ con, nên hàng xóm xung quanh đến hỗ trợ lựa và chia thành từng phần. Tuy là quầy rau 0 đồng của gia đình với quy mô nhỏ, nhưng mẹ con bà Hạnh mong là khi mọi người biết được mô hình này thì có thể nhân rộng, tích tiểu thành đại, giúp đỡ được nhiều người hơn và lan toả sự tích cực đến với mọi người.
Rau củ đa dạng mỗi ngày.
Cẩn thận cân và chia từng phần, bà Huỳnh Thuý Nga (64 tuổi) chia sẻ: “Khi gia đình chị Hạnh mở quầy rau 0 đồng, xóm này mỗi chiều đông vui và ấm áp hẳn. Chúng tôi đến góp chút sức bằng tấm lòng, giúp được gì thì giúp hết mình. Bà con khó khăn đến nhận những bó rau, bó đậu đũa... cho bữa ăn ngon, ai nấy đều hạnh phúc”.
Bà Nga cho biết, vào những dịp lễ, Tết hay cách một vài tháng là bà Hạnh phát gạo cho bà con, không chỉ ở Khóm 3 mà cho các khóm lân cận, như Khóm 2, Khóm 5... và nhiều vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh. “Bà Hạnh chu đáo lắm. Phát gạo là đi từng nhà gửi phiếu trước, nên đúng người, đúng hoàn cảnh. Ví dụ, hôm đó dự kiến phát 1 tấn gạo, mà bà con khó khăn ở nơi khác đến, thiếu phần là bà bổ sung thêm”, bà Nga tấm tắc.
Chia sẻ về ý tưởng quầy rau 0 đồng, chị Nguyễn Anh Thy tâm tình, có những lần đi phát phiếu gạo thấy nhiều gia đình ăn cơm với kho quẹt hoặc bữa cơm chỉ vài con cá nhỏ mà không có rau nên gia đình chị mới mở quầy bán rau 0 đồng. Mỗi chiều, khi thấy những ông, bà cụ lớn tuổi, người xe ôm, người bán vé số... đến nhận rau củ, họ xúc động, thì gia đình hạnh phúc vì việc mình làm mang ý nghĩa thiết thực.
Mỗi người 1 phần, ai nấy đều vui.
“Biết mẹ mở quầy, cậu ở nước ngoài cũng trích lương hưu gửi về tiếp sức. Gia đình sẽ duy trì lâu dài quầy rau để san sẻ yêu thương đến bà con. Sắp tới, vào ngày Rằm mỗi tháng, quầy sẽ mở thêm cơm chay 0 đồng”, chị Thy chia sẻ thêm.
Ðến nhận rau củ từ sớm, bà Lý Thị Kía bày tỏ: “Từ ngày có quầy rau 0 đồng, bà con ở xóm vơi bớt khó khăn, bữa cơm cũng ngon hơn. Như nhà tôi, có 2 ông bà già tựa nương nhau, mọi chi phí đều phải tiết kiệm. Nhà bà Hạnh cho rau, rồi cho gạo, chúng tôi rất biết ơn”.
Chậm rãi từng bước vì đã mệt khi suốt ngày quang gánh bán bánh phồng nướng, bà Lê Thị Hoa (77 tuổi) kịp về quầy rau đúng giờ nhận 1 phần, bà cười: “Lỡ không về kịp, bà Hạnh cũng chừa cho tôi 1 phần. Nhà có 2 mẹ con, nấu được nồi canh rau ăn sẽ ngon bữa. Cảm ơn gia đình bà Hạnh nhiều lắm!”.
Mỗi chiều tan học về, bé Nguyễn Phú Quý (Lớp 2A, Trường Phổ thông Hermann Gmeiner) sẽ phụ bà nội (bà Hạnh) “bán hàng”, học cách san sẻ yêu thương. (Trong ảnh: Bé Nguyễn Phú Quý tặng phần rau củ cho bà Lê Thị Hoa).
“0 đồng” mà đầy tình làng, nghĩa xóm. Mong sao, những gian hàng, quầy hàng nhân ái này sẽ tiếp tục được lan toả, có mặt ở nhiều địa phương hơn để tiếp sức cho người nghèo, những mảnh đời yếu thế, giúp họ từng bước vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống./.
Băng Thanh