Những năm gần đây, thị trường viễn thông Cà Mau có bước phát triển toàn diện cả về bề rộng và chiều sâu. Các doanh nghiệp viễn thông không ngừng đầu tư hạ tầng để cung cấp nhiều dịch vụ viễn thông đa dạng, phục vụ người dân từ thành thị đến nông thôn.
Những năm gần đây, thị trường viễn thông Cà Mau có bước phát triển toàn diện cả về bề rộng và chiều sâu. Các doanh nghiệp viễn thông không ngừng đầu tư hạ tầng để cung cấp nhiều dịch vụ viễn thông đa dạng, phục vụ người dân từ thành thị đến nông thôn.
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Cà Mau Trần Quốc Chính nhận định, những năm gần đây, thị trường viễn thông phát triển mạnh, cạnh tranh ở các lĩnh vực điện thoại, nghe nhìn, internet… Chất lượng các dịch vụ ngày càng tốt nhưng người tiêu dùng ngày càng trả phí thấp hơn. Trong đó, rõ nét nhất là đường truyền internet ngày càng mạnh, giúp truy cập nhanh, rộng khắp, 101 xã, phường, thị trấn đều có kết nối internet cáp quang DTH tới từng khóm, ấp.
![]() |
Bộ phận chăm sóc khách hàng VNPT Cà Mau. Ảnh: VNPT |
Hiện nay, Cà Mau có 14 doanh nghiệp kinh doanh các dịch vụ viễn thông, nhưng chiếm ưu thế nhất là VNPT Cà Mau (Viễn thông Cà Mau). Giám đốc Viễn thông Cà Mau Lê Hoàng Phước cho biết: “Viễn thông Cà Mau nỗ lực cho ra đời những sản phẩm dịch vụ tiện ích, chất lượng cao, gần gũi với cuộc sống của người dân, đồng thời phục vụ đắc lực cho sự chỉ đạo, điều hành của các cơ quan Đảng và Nhà nước ở địa phương, góp phần phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của tỉnh nhà”.
Với mạng lưới hạ tầng viễn thông (đài, trạm viễn thông và trạm thu phát sóng di động (BTS)…) được triển khai rộng khắp từ thành thị đến tận vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo, VNPT Cà Mau hiện đang triển khai đưa vào khai thác trên 10 trạm BTS có độ cao khoảng 100 m hướng ra biển để phủ sóng toàn bộ vùng biển từ Đông sang Tây của bán đảo Cà Mau. Những trạm BTS này phục vụ đắc lực cho sự chỉ đạo, điều hành của các cấp uỷ Đảng và chính quyền địa phương trong phòng, chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai, bảo đảm an ninh - quốc phòng, giữ vững chủ quyền biển, đảo và phục vụ bà con ngư dân an tâm đánh bắt trên khu vực thềm lục địa Việt Nam…
Ông Bùi Minh, Trưởng Phòng Giao dịch khách hàng, Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước và Công trình đô thị Cà Mau, cho biết: “Hiện tại, công ty đang quản lý hệ thống cấp nước TP Cà Mau và 7 chi nhánh ở các huyện, số lượng khoảng 50.000 khách hàng sử dụng nước máy. Từ khi công ty phối hợp với VNPT Cà Mau thực hiện đề tài “Ứng dụng ghi chỉ số đồng hồ nước bằng thiết bị di động thông minh”, việc ghi và cập nhật chỉ số đồng hồ đo nước được nhanh chóng, dễ dàng sắp xếp danh sách khách hàng đúng theo lộ trình đi ghi, quản lý được nhân viên đi ghi chỉ số và tăng hiệu quả trong công tác quản lý khách hàng”.
Cũng nhờ ứng dụng công nghệ viễn thông mà nhiều giáo viên giảm được thời gian xử lý công việc ở các trường học thông qua mạng quản lý giáo dục vnEdu. Đây là hệ thống phần mềm quản lý giáo dục trực tuyến do Tập đoàn VNPT xây dựng và phát triển, phục vụ công tác quản lý cho nhà trường và các đơn vị quản lý giáo dục. Phần mềm này cho phép truy cập, tra cứu báo cáo và quản lý hoạt động dạy học của các trường. Quản lý hồ sơ giáo viên, học sinh, phân công theo dõi giảng dạy, học tập, thi cử, thống kê điểm nhanh chóng, chính xác. Đây cũng là cầu nối tin cậy giữa nhà trường, gia đình và học sinh.
![]() |
Lắp ráp thiết bị phát sóng trạm viễn thông Nhà giàn DK1. Ảnh: NGUYỄN PHÚ |
Cô Đoàn Thị Thuý, giáo viên chủ nhiệm lớp 11 chuyên Hoá, Trường THPT Chuyên Phan Ngọc Hiển, cho biết: “Trước đây, mỗi khi tính điểm cho học sinh phải mất rất nhiều thời gian. Còn hiện tại, với phần mềm quản lý giáo dục trực tuyến, chúng tôi có thể chủ động nhập điểm ở nhà. Mỗi giáo viên bộ môn hay giáo viên chủ nhiệm chỉ cần có tài khoản và mật khẩu là có thể đăng nhập vào phần mềm, tính toán một cách nhanh chóng”.
Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cũng có thể dễ dàng nắm bắt thông tin học tập của con mình hằng ngày bằng cách theo dõi, trao đổi với giáo viên qua mạng internet. Phụ huynh biết được thông tin của nhà trường và kết quả học tập của con em mọi lúc, mọi nơi thông qua internet hoặc qua tin nhắn điện thoại di động.
Sự phát triển mạnh mẽ của thị trường viễn thông với ngày càng nhiều dịch vụ tiện ích đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm chi phí quản lý, tinh gọn bộ máy tại các cơ quan, đơn vị, các tổ chức và cá nhân, đem lại nhiều lợi ích cho đời sống kinh tế - xã hội./.
Hồng Phượng