Đến nay, Việt Nam đã đàm phán và ký kết 19 FTA (trong đó, 16 FTA đã có hiệu lực với hơn 60 đối tác, phủ rộng khắp các châu lục). Việc triển khai có hiệu quả các FTA đã ký kết giúp mở rộng cánh cửa thị trường cho hàng hoá xuất khẩu, là cơ hội để Việt Nam nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu.
Sáng 28/3, Ban chỉ đạo Hội nhập Quốc tế tỉnh Cà Mau phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh tại Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) tổ chức Hội nghị “Mở rộng thị trường xuất nhập khẩu và thích ứng các rào cản thương mại trong tình hình mới”.
Hội nghị nhằm thông tin đến các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh về các chỉ tiêu, thông tin rào cản kỹ thuật mới, rào cản về thuế quan từ các nước.
Năm 2023, kinh tế Việt Nam nói chung, kinh tế Cà Mau nói riêng nằm trong xu hướng khó khăn chung của thế giới với nhiều biến động rất nhanh, phức tạp, nhiều vấn đề mới phát sinh, vượt dự báo.
Năm qua, chiến tranh, xung đột bùng nổ nhiều nơi trên thế giới (xung đột Hamas – Israel; xung đột Nga – Ucraina bước qua năm thứ 2 và chưa có dấu hiệu suy giảm, những cuộc xung đột khác tại Myanmar và các khu vực khác trên thế giới); lạm phát leo thang, nợ công của các quốc gia tăng cao, thương mại thế giới suy giảm, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, sức tiêu thụ hàng hoá giảm, các thị trường chậm giải phóng hàng tồn kho, dẫn đến đơn hàng xuất khẩu sụt giảm. Đồng thời, với sự phục hồi mạnh mẽ trong nuôi trồng, sản xuất tôm của một số nước (Ecuador, Ấn Độ…) đã làm cho con tôm Việt Nam bị cạnh tranh nhiều hơn, nhất là về giá.
Nhờ tận dụng có hiệu quả các lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do, sản phẩm của tỉnh Cà Mau đã xuất khẩu đến hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Vì vậy, một lần nữa, xuất khẩu nói chung, xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam nói riêng lại gặp nhiều khó khăn và sụt giảm so với cùng kỳ. Xuất khẩu cả năm của tỉnh đạt hơn 1,2 tỷ USD, giảm 8,34% so với năm 2022.
Tuy nhiên, nếu tính riêng về xuất khẩu thuỷ sản, giá trị xuất khẩu thuỷ sản của tỉnh Cà Mau giảm thấp hơn mức giảm chung của cả nước (cả nước giảm 8%, tỉnh Cà Mau giảm 5,83%). Trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước nhiều bất lợi và khó khăn, đây được xem là điểm sáng trong hoạt động thương mại của tỉnh.
Ông Nguyễn Chí Thiện, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Cà Mau, thông tin: “ Nhờ tận dụng có hiệu quả các lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do, sản phẩm của tỉnh Cà Mau đã xuất khẩu đến hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ; Cà Mau đã tận dụng cơ hội đặc thù của tỉnh để phát triển”.
Hội nghị sẽ là cơ hội tốt để doanh nghiệp trong tỉnh nắm bắt sớm, tận dụng cơ hội để phát triển. (Ảnh minh hoạ: Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp và Thuỷ sản Ông Muộn ( xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau).
Bên cạnh những thuận lợi, lợi thế từ các FTA mang lại, doanh nghiệp còn gặp không ít khó khăn, thách thức khi các thị trường lớn như Mỹ, EU ngày càng đặt ra các tiêu chuẩn mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu sạch, lao động, môi trường, quản trị, nguồn gốc xuất xứ... Đặc biệt là rào cản kỹ thuật, phi thuế quan đối với các sản phẩm nhập khẩu như: SPS (kiểm dịch động thực vật và vệ sinh dịch tể), TBT (ghi nhãn hàng hoá, đăng ký đối với nhà nhập khẩu, đóng gói, thử nghiệm, chất lượng hàng hoá…), chuyển đổi xanh, kinh tế xanh…
“Từ những ý kiến thiết thực của doanh nghiệp hôm nay, Ban tổ chức mong muốn đây sẽ là cơ hội tốt để doanh nghiệp trong tỉnh nắm bắt sớm, tận dụng cơ hội để đi sớm, thực hiện nhanh để đi xa hơn”, ông Nguyễn Chí Thiện nhấn mạnh.
Hội nghị lần này, Thường trực UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo Hội nhập quốc tế tỉnh Cà Mau phối hợp với VCCI Cần Thơ mong muốn kịp thời thông tin đến các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh về các chỉ tiêu, thông tin rào cản kỹ thuật mới, rào cản về thuế quan từ các nước./.
Phú Hữu