Hiện nay, do biến đổi khí hậu, tình hình thời tiết luôn diễn biến phức tạp làm cho sản xuất của người dân luôn gặp khó khăn. Chính vì vậy, để sản xuất có hiệu quả, nhiều nông dân trong huyện Phú Tân từng bước có sự chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hợp lý theo hướng đa dạng hoá và phát huy chất lượng mũi nhọn, nhất là trong nuôi thuỷ sản.
Hiện nay, do biến đổi khí hậu, tình hình thời tiết luôn diễn biến phức tạp làm cho sản xuất của người dân luôn gặp khó khăn. Chính vì vậy, để sản xuất có hiệu quả, nhiều nông dân trong huyện Phú Tân từng bước có sự chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hợp lý theo hướng đa dạng hoá và phát huy chất lượng mũi nhọn, nhất là trong nuôi thuỷ sản. Theo đó, nhiều đối tượng cây, con được đưa vào sản xuất có hiệu quả.
Tình hình nuôi thuỷ sản nói chung, nuôi tôm của bà con nông dân trên địa bàn huyện luôn gặp khó khăn do thời tiết bất lợi. Năng suất đạt không cao, cộng thêm giá cả bấp bênh làm cho đời sống nhiều hộ dân trong huyện gặp khó khăn. Trước tình hình đó, nhiều bà con nông dân đã chuyển sang sản xuất đa cây, con, tìm ra những mô hình làm ăn mới có hiệu quả để ổn định kinh tế gia đình.
Nuôi chồn hương, mô hình mới của anh Huỳnh Chí Dũng, ấp Thọ Mai, xã Phú Mỹ. |
Ông Nguyễn Văn Thừa, ấp Xẻo Ðước, xã Phú Mỹ, là một trong những nông dân tiêu biểu trong phong trào sản xuất đa cây con. Mặc dù diện tích đất nhiều, trên 3 ha, nhưng thời gian qua mô hình nuôi quảng canh truyền thống chưa đạt hiệu quả. Ông Thừa cũng làm đầm nuôi tôm công nghiệp, song qua vài vụ nuôi cho thấy, tỷ lệ trúng ít hơn thất nên ông quyết định không nuôi. Ðầm nuôi tôm công nghiệp bỏ trống ông Thừa cải tạo lại để nuôi cua.
Diện tích nuôi tôm quảng canh truyền thống được nuôi tôm, cua, cá đủ loại. Ông Thừa nuôi cá nước ngọt để phục vụ tiêu dùng, chăn nuôi gà vịt, trồng hoa màu, cây ăn trái để cải thiện đời sống... Mức thu nhập hằng năm sau khi trừ chi phí của gia đình hơn 200 triệu đồng.
Cùng với đa cây, con, nhiều nông dân trong huyện Phú Tân cũng từng bước chuyển đổi cây trồng, vật nuôi một cách phù hợp để cho hiệu quả kinh tế khá. Trong đó, phổ biến là trồng cây ăn trái trên đất nuôi tôm, sử dụng đầm tôm công nghiệp bỏ trống để nuôi cua, nuôi cá kèo... cho hiệu quả kinh tế khá.
Huyện Phú Tân có gần 2.400 ao đầm nuôi tôm công nghiệp, nhưng hiện nay, có gần 40% diện tích này bị bỏ trống do sản xuất không hiệu quả, thiếu vốn. Tận dụng diện tích này, nhiều hộ đã cải tạo, chuyển sang nuôi cua, cá kèo cho hiệu quả khá. Mô hình này giúp bà con tránh lãng phí tiềm năng đất đai, tăng thu nhập. Ðiều đáng nói là nuôi cua, cá kèo trong đầm tôm công nghiệp bỏ trống có tính bền vững cao, ít rủi ro. Riêng một số hộ đã nuôi cá kèo cho biết tỷ lệ đạt hơn 90%, giá cả đầu ra ổn định và có lời.
Nhằm tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích, hiện nay, nhiều hộ dân trong huyện Phú Tân phát triển mạnh loại hình nuôi xen canh sò huyết trong đầm nuôi tôm quảng canh; hoặc tận dụng ao hồ nuôi cá bống tượng, nuôi rắn ri tượng cho hiệu quả khá.
Theo đó, hộ có điều kiện thì tiến hành xây dựng ao đầm nuôi tôm công nghiệp theo hướng khép kín, nuôi quảng canh cải tiến nước tĩnh, nuôi tôm sử dụng chế phẩm sinh học… vừa đảm bảo môi trường vừa cho năng suất khá. Ðối với hộ nuôi tôm công nghiệp, trong điều kiện sản xuất khó khăn, nhiều hộ chuyển sang nuôi giãn vụ và nuôi mật độ thưa. Tuy lời ít nhưng ăn chắc và bền vững.
Ngoài ra, phong trào trồng hoa màu, cây ăn trái trên đất mặn cũng phát triển khá. Hằng năm, người dân trong huyện cải tạo đất trồng ổn định hơn 1.000 ha hoa màu, kể cả theo hướng chuyên canh cũng như phục vụ tiêu dùng gia đình. Việc làm này chẳng những giúp bà con tự cung cấp hoa màu sạch phục vụ tiêu dùng mà còn có thêm thu nhập, tránh lãng phí tiềm năng đất đai, ngày công nhàn rỗi. Theo đó, đến nay, trên địa bàn huyện cũng đã hình thành được hơn 250 ha cây ăn trái cho thu nhập. Chủ yếu là thanh long, xoài, ổi, mận, cam, quít...
Ða cây, con cũng như nuôi, trồng các loại cây, con có giá trị kinh tế, có tính chất mũi nhọn, chưa hoặc ít ai canh tác là cách làm hay của nông dân. Nó vừa giúp bà con tăng thu nhập trong điều kiện biến đổi khí hậu, sản xuất khó khăn; góp phần từng bước chuyển đổi cây trồng, vật nuôi một cách hợp lý và hiệu quả./.
Bài và ảnh: Quốc Hiệp