Phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, trong những năm qua, Cà Mau triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách chăm lo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người có công với nước.
Phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, trong những năm qua, Cà Mau triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách chăm lo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người có công với nước.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà mới khang trang, ông Huỳnh Văn Nuôi (87 tuổi, khóm 3, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển) không giấu được phấn khởi. Căn nhà của ông là một trong hàng chục căn nhà được hỗ trợ xây dựng trên địa bàn huyện, giúp gia đình chính sách có điều kiện an cư để lạc nghiệp. Ông Huỳnh Văn Nuôi phân trần: “Nhờ Nhà nước hỗ trợ 40 triệu đồng, con cháu đóng góp, dòng họ hỗ trợ nên gia đình mới có điều kiện xây dựng được căn nhà kiên cố như vầy. Chính nhờ sự tri ân lớn lao của Đảng, Nhà nước, của Nhân dân bằng cả tình thương và trách nhiệm nên với các đối tượng chính sách như tôi cảm thấy thật ấm lòng”.
Tuy tuổi cao, sức khoẻ giảm sút nhưng ông Huỳnh Văn Nuôi vẫn thường xuyên đọc báo nắm bắt thông tin. |
Với gia đình bà Phạm Thị Thu (63 tuổi, ấp Nhà Diệu, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển), nếu không được địa phương xét cấp đất, hỗ trợ xây dựng Nhà Tình nghĩa thì đến nay mẹ con bà vẫn chưa thể an cư lạc nghiệp. Quê gốc ở huyện Thới Bình, những năm tháng chiến tranh mẹ con bà phải thường xuyên chạy giặc. Hoà bình, không đất sản xuất nên cả gia đình bồng bế nhau về Tân Ân lập nghiệp. Không đất, không vốn liếng nên cả nhà phải làm thuê sống hằng ngày. Năm 2000, UBND xã xét cấp nền nhà 240 m2 và hỗ trợ xây dựng Nhà Tình nghĩa (gia đình liệt sĩ). Vừa phơi lại xịa khô cá lẹp vàng chuẩn bị gửi cho con gái út đang làm công nhân ở Bình Dương, bà Phạm Thị Thu vừa chia sẻ: “Tuy cuộc sống vẫn còn khó khăn nhưng có nhà ở kiên cố, giờ mẹ con tôi sẽ cố gắng làm để kinh tế ngày càng ổn định”.
Bên cạnh việc thực hiện tốt các chính sách ưu đãi người có công, đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, xây dựng, sửa chữa Nhà Tình nghĩa, huyện Ngọc Hiển đã và đang huy động mọi nguồn lực từ cộng đồng chăm sóc và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người có công. Trong đó, thông qua các chương trình kinh tế - xã hội ưu tiên hỗ trợ người có công và gia đình về nhà ở, dạy nghề, tạo việc làm tăng thu nhập, vươn lên làm giàu.
“Công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc người có công là trọng trách, thể hiện tấm lòng tri ân, chúng tôi đã nỗ lực phối hợp với chính quyền địa phương để kiểm tra, giải quyết các vướng mắc, hoàn thiện hồ sơ cho các đối tượng chính sách, gia đình liệt sĩ, thương binh, người có công, nhằm thực hiện chi trả đầy đủ, đúng đối tượng, đúng chính sách và kịp thời”, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Ngọc Hiển Nguyễn Minh Dương khẳng định.
Đi cùng Phó Bí thư Chi bộ ấp 7, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh Võ Thanh Chủ, chúng tôi đến thăm gia đình bà Trần Thị Lợi (mẹ liệt sĩ). Trong căn nhà còn thơm mùi sơn mới, anh Đoàn Văn Lượng (con trai bà Trần Thị Lợi) phấn khởi khoe, căn Nhà Tình nghĩa được xây dựng cách đây hơn 14 năm nên cũng đã xuống cấp. Cuối năm 2014, chính quyền địa phương hỗ trợ 20 triệu đồng, gia đình phụ thêm 10 triệu đồng sửa lại nhà. Bên cạnh đó, gia đình tôi còn được hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế, nên giờ đã thoát nghèo. Ngày dọn về nhà mới cũng là ngày được địa phương công nhận thoát nghèo.
Bà Phạm Thị Thu tranh thủ phơi lại xịa khô chuẩn bị gửi cho con gái út làm công nhân ở Bình Dương. |
Theo ông Võ Hoàng Hiệp, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau, đền ơn đáp nghĩa đã trở thành phong trào sâu rộng, có sức lan toả lớn và thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân. Các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp... tích cực, chủ động tham gia, với các hoạt động như: nuôi dưỡng, chăm sóc Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, thân nhân liệt sĩ neo đơn; xây dựng mới và sửa chữa Nhà Tình nghĩa; đỡ đầu con em thương binh, liệt sĩ; trợ cấp, hỗ trợ thường xuyên các gia đình chính sách… Đặc biệt, chỉ tính riêng từ năm 1987 đến nay, toàn tỉnh đã vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa và chi ngân sách để xây dựng, sửa chữa trên 10.000 căn nhà cho các gia đình chính sách khó khăn về nhà ở, với kinh phí gần 200 tỷ đồng. Trong đó, năm 2014, tỉnh vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa đạt 10,986 tỷ đồng và xây dựng 1.200 căn Nhà Tình nghĩa.
Sau 40 năm ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, Đảng, Nhà nước, Nhân dân và những người được hưởng chính sách ưu đãi đã và đang cùng nhau chung tay phấn đấu, làm cho mỗi gia đình người có công ngày càng có cuộc sống tốt hơn và tiếp tục phát huy tinh thần cách mạng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước như Bác Hồ đã căn dặn. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để thương binh, bệnh binh, người có công, gia đình có công tiếp tục phát huy ý chí tự lực tự cường, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống và tham gia các hoạt động xã hội, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh và làm sáng mãi đạo lý, truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam “uống nước nhớ nguồn”./.
Cà Mau có 1.463 Mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó có 204 mẹ còn sống. Có 20.834 người thuộc diện đối tượng được hưởng trợ cấp hằng tháng, với tổng kinh phí 26,887 tỷ đồng. Đến nay, Cà Mau còn 64 gia đình chính sách nghèo, Sở LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục tham mưu thực hiện tốt các chính sách ưu đãi, tiếp tục hỗ trợ các gia đình chính sách vươn lên thoát nghèo vào cuối năm 2015. |
Bài và ảnh: Thanh Phương