(CMO) Quý điện báo tin, mùng 9/7 âm lịch (tức 30/8/2017) sẽ khai trương cơ sở xoa bóp, bấm huyệt. Tôi khá bất ngờ. Mới tuần trước, Quý còn tính chuyện kiếm phòng thuê mà giờ mọi việc đã đâu vào đấy, chuẩn bị đi vào hoạt động. Quý hồ hởi khoe: “Tâm huyết hơn 5 năm rồi giờ mới thực hiện được”.
Cao Thanh Quý bị mù khi đang học lớp 10. Bác sĩ chẩn đoán do ảnh hưởng chất độc da cam từ người cha là du kích năm xưa. 17 năm qua sống trong bóng tối nhưng Quý vẫn luôn nỗ lực và đầy nghị lực sống. Không đọc được thì Quý nắm tin tức bằng cách nghe đài. Cũng từ nghe đài, biết được nhiều người tật nguyền nhưng đã vượt lên nghịch cảnh, sống có ích cho bản thân, gia đình, xã hội đã để lại trong Quý nhiều trăn trở, nghĩ suy. Và rồi Quý đã chọn lựa thái độ sống tích cực để chứng minh cho mọi người thấy rằng, mù đôi mắt chứ không mù ý chí...
Các kỹ thuật viên cơ sở massage người mù đang tư vấn cho khách. |
Một thân một mình, Quý mò mẫm đi TP Hồ Chí Minh học massage (xoa bóp, bấm huyệt, giác hơi, cạo gió… theo phương pháp cổ truyền); rồi học đàn, học chữ cho người mù, học vi tính… Quý nói, may mắn là những cơ sở dạy nghề mình học đều dạy miễn phí cho người mù nên không phải lo nghĩ chuyện tiền nong. Riêng học massage, Quý học đến mấy trung tâm, cả theo học tại Khoa Y học cổ truyền Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, cho nên từ cơ bản đến nâng cao, Quý đều nắm bắt tốt.
Sau nhiều năm trải nghiệm ở đất Sài Gòn, Quý trở về quê, cùng một số người làm đơn đề xuất ngành chức năng thành lập Hội Người mù của tỉnh để anh chị em có nơi sinh hoạt, chia sẻ vui buồn, nương tựa, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Quý được bầu làm Phó chủ tịch Hội. Quý tích cực lặn lội đi các huyện vận động, quy tụ được hơn 200 anh chị em vào hội. Mỗi lần sinh hoạt định kỳ, Quý tranh thủ truyền đạt những gì học hỏi được cho anh chị em, từ nghề massage, chữ nổi, vi tính, cả việc cài đặt phần mềm cho người khiếm thị trên điện thoại để anh chị em thuận tiện trong sử dụng, giao tiếp. Quý còn viết được cả bài gởi đăng báo để biểu dương những anh chị em nỗ lực, cũng như bày giãi, chia sẻ những tâm tư, tình cảm của người khiếm thị với cộng đồng.
Cao Thanh Quý từng có nhiều năm làm nghề tại các cơ sở massage ở TP Hồ Chí Minh. |
Quá ngưỡng mộ, cách đây hơn 4 năm, tôi có viết bài biểu dương Quý. Khi ấy ước muốn thành lập một mái ấm để cưu mang, dạy nghề cho người mù, giúp họ có được nghề nghiệp để mưu sinh đã được Quý và nhiều thành viên hội bày tỏ.
Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Cà Mau Đỗ Tấn Bảo thật lòng, đất thì ông có sẵn, nhưng phải bỏ ra đến vài trăm triệu đồng để cất mái ấm thì ông và các thành viên không tài nào lo nổi.
Tưởng thế là thôi, ai ngờ bao năm qua Quý vẫn ấp ủ ý nguyện và giờ “chia nhỏ ước mơ”, biến nó thành hiện thực.
Tôi tức tốc đến xem cơ sở massage của Quý. Tại nơi đó, tôi còn được gặp chị Nguyễn Ngọc Diệp và anh Nguyễn Trường Hận. Quý bảo: “Một cây làm chẳng nên non, tụi em ba cây chụm lại để làm hòn núi cao đó chị”. Thì ra, cả ba hợp tác cùng nhau để lập ra cơ sở massage này.
Đang tất bật căng màn, trải drap chuẩn bị cho khai trương, chị Diệp phân trần: “Tụi em đã bỏ ra hơn chục triệu để sửa sang phòng và sắm phương tiện. Chưa kể phần được cha bên Nhà thờ Bảo Lộc ủng hộ, rồi nhiều người quan tâm, đóng góp. Chị Hạnh Mai, luật sư, thành viên Hội Doanh nhân tỉnh, hỗ trợ gạo. Cơ sở Dương Linh, Tuấn Kiệt ở chợ Phường 7 thì hỗ trợ rau, củ, quả... Nói chung, cũng nhờ mọi người ủng hộ vật chất và cả động viên tinh thần nên tụi em có thêm động lực”.
Chị Diệp bị mù do một trận sốt bại liệt năm 16 tuổi. Chị là người phụ nữ hết sức năng động, mạnh mẽ. Thân gái một mình, chị đi học nghề massage, học đàn, vi tính, chữ nổi, kết cườm… tận TP Hồ Chí Minh. Nhiều năm sống, làm nghề ở thành phố chị mới trở lại quê nhà, tham gia Hội Người mù, là uỷ viên hội. Trên Báo Cà Mau cũng từng có bài viết ghi nhận những việc làm vì cộng đồng của chị, như tổ chức mái ấm tại nhà ở ấp Lung Dừa, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau để cưu mang, dạy nghề kết cườm cho trẻ khuyết tật.
Hỏi về chuyện đóng góp tiền nong, Nguyễn Trường Hận nửa thật, nửa cà rỡn: “Quý thì xin tiền vợ, em thì xin tiền cha mẹ, chị Diệp thì tích cóp từ tiền bán các sản phẩm kết cườm”.
Nói Quý xin tiền vợ, nhưng thật ra tôi biết, đó là tiền dành dụm chung của hai vợ chồng. Quê Quý ở tận huyện Ngọc Hiển, mấy năm qua, ngoài thời gian hằng tháng đi đò lên Cà Mau 1-2 lần sinh hoạt hội, thời gian còn lại Quý phụ vợ đặt rượu, nuôi heo, bán tạp hoá lặt vặt và dạy con cái học hành. Vợ Quý là một phụ nữ năng động, giỏi giang, thấu hiểu chồng nên cuộc sống gia đình cũng ổn định về kinh tế và ấm êm hạnh phúc.
Nguyễn Trường Hận thì quê U Minh, mù năm 10 tuổi, cũng do ảnh hưởng chất độc da cam từ người cha. Hận có nhiều năm lăn lộn ở Sài Gòn học nghề massage rồi đi làm, về quê lấy vợ, sinh con. Vợ bỏ, buồn tình anh gởi con cho cha mẹ, đi làm nghề tận Phan Rang, Đắk Lắk, Đà Nẵng. Mấy năm nay, Hận về lại quê nhà tham gia vào Hội Người mù tỉnh, là uỷ viên hội.
Vốn giỏi nghề nên những tháng năm đi làm ăn phương xa, Hận cũng dành dụm được chút ít tiền. Nhân vật này cũng được tuyên dương tại hội nghị biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi cấp tỉnh năm 2016 và được báo, đài địa phương đưa tin, chụp ảnh. Nguyễn Trường Hận chia sẻ: “Mình không thấy đường, nhưng có nghề nên muốn giúp đỡ để anh chị em cùng vươn lên. Buông xuôi thì thấy phí đời quá”.
Có mặt hôm ấy còn có Việt Long, một anh thợ hàn tiện ở Phường 5, đã giúp các thành viên sửa sang phòng ốc, mắc điện đóm. Anh Lê Quang, chồng chị Diệp, là diễn viên thường đóng cascadeur, gặp và phải duyên cùng chị Diệp từ hồi chị còn ở TP Hồ Chí Minh. Giờ anh vẫn đi đi về về vì công việc và “một nửa” của mình. Anh bảo, anh hết sức chia sẻ sự thiệt thòi của người mù. Vì vậy, anh ủng hộ việc làm của vợ.
Đóng một “vai” không kém phần quan trọng của cơ sở là Phơ (Nguyễn Văn Sil) trông coi xe cộ, bán vé, thu chi tiền bạc. Phơ quê huyện Cái Nước, bị tật hai chân do trận sốt bại liệt năm 3 tuổi. Phơ học được đến lớp 5. Suốt những năm đến trường, Phơ đều được cô em gái cõng. Rồi Phơ được cơ sở tạo điều kiện vào làm để có thu nhập. Các anh chị nói vui: Trong gần chục thành viên của cơ sở, Phơ chính là… đôi mắt của cả nhà.
Vậy là những tư tưởng lớn gặp nhau và đã cho ra đời cơ sở massage đầy tâm huyết và ấm áp tình người này. Chị Diệp trần tình: “Lập cơ sở này, không phải để kiếm lời cho bản thân, mà tụi em muốn tạo công ăn việc làm cho người mù, tạo điều kiện cho họ tiếp xúc, hoà nhập với xã hội. Hiện giờ còn rất nhiều người mù vùng sâu, vùng xa sống khổ lắm. Lại có người đi bán vé số, bán tăm, mưa gió, xe cộ rất nguy hiểm… Dĩ nhiên không thể ôm đồm, nhưng mình hy vọng cơ sở ngày càng phát triển để ngày càng cưu mang, giúp đỡ được nhiều người”.
Không thể biểu hiện bằng ánh mắt, nhưng qua giọng nói, tôi cảm nhận được mọi người hôm ấy rất vui.
Căn phòng có chiều ngang 4 m, dài hơn 10 m, được bố trí 1 bàn tiếp khách, 3 giường massage, phía trên có gác lửng để các thành viên nghỉ, ngủ. Quý bảo, trước mắt do điều kiện eo hẹp nên tạm thời bố trí vậy. Quý, chị Diệp, anh Hận đứng kỹ thuật chính; vừa phục vụ khách vừa truyền nghề cho khoảng 6-7 học viên (dĩ nhiên là miễn phí). Ngoài hướng dẫn các học viên học massage, có thời gian rảnh các thành viên sẽ dạy thêm kết cườm, học chữ nổi… Khi cơ sở ăn nên làm ra, sẽ mướn chỗ lớn hơn, mua sắm thêm phương tiện, đầu tư thêm phòng xông hơi, thu nhận đông học viên hơn. Khi học xong nghề, anh chị em có điều kiện về quê làm thì về, không thì phục vụ tại cơ sở. Đồng thời, cơ sở sẽ kêu gọi một số anh chị em có nghề massage đang "tha phương cầu thực" về cơ sở làm.
Dự tính là thế, nhưng Quý cũng không khỏi băn khoăn: “Tiền nhà mỗi tháng 3,5 triệu đồng, rồi tiền điện, nước, xà bông tắm, giặt, lo ăn uống, sinh hoạt, thuốc men khi anh chị em ốm đau… Nếu không có khách, chẳng biết phải xoay xở thế nào…”.
“Tụi em có tay nghề, có tấm lòng, có nhiệt tình, tâm huyết. Nhưng cơ sở có tồn tại được hay không còn trông đợi vào sự quan tâm, ủng hộ của khách hàng”, chị Diệp gởi gắm.
Mừng cho Quý và các thành viên. Trong lòng tôi luôn tin cơ sở sẽ được nhiều người ủng hộ. Bởi, dĩ nhiên khách hàng tới massage trước tiên là vì sức khoẻ, nhưng lựa chọn cơ sở massage của người mù còn là tấm lòng, là cách sẻ chia cùng người kém may mắn, là thể hiện trách nhiệm với cộng đồng./.
Trang Anh
Cơ sở xoa bóp - bấm huyệt - cạo gió - giác hơi người mù Cà Mau toạ lạc tại số 87, Lý Thường Kiệt, Phường 6, TP Cà (kế Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau). Giá mỗi lượt massage, xoa bóp 60.000 đồng; giác hơi 20.000 đồng; cạo gió 20.000 đồng. Phục vụ từ 7 giờ sáng đến 21 giờ đêm, suốt các ngày trong tuần, kể cả ngày lễ, thứ Bảy, Chủ nhật. Quý phân trần: “Có người tư vấn, sợ giá vậy là cao, nhưng không, giá như thế là rẻ hơn cơ sở massage người mù các tỉnh bạn. Nếu tính giá thấp hơn, tụi em không cân đối nổi chi phí”. |