Những năm gần đây, tình trạng sạt lở ven sông luôn là vấn đề thời sự "nóng", bởi gây ra nhiều thiệt hại về tài sản của người dân, nhất là tại các huyện ven biển Ðông. Sạt lở ngày một diễn biến phức tạp, trong khi nguồn lực để ứng phó vẫn là bài toán khó.
- Chủ động trước sạt lở
- Huyện Ngọc Hiển xảy ra vụ sạt lở, thiệt hại hơn 600 triệu đồng
- Nơm nớp mùa sạt lở
- Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang kiểm tra tình hình sạt lở tại tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu
Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 83 vị trí ven sông bị sạt lở, dài 2.189 m. Theo đó, sạt lở làm hư hỏng 588 m lộ bê tông; 2 cống xổ vuông, 1 cây cầu bê tông, 1 giếng khoan nước; ngã đổ 6 trụ điện và cáp viễn thông... Tình trạng sạt lở đang diễn ra nhiều tại một số huyện ven biển Ðông: Ðầm Dơi, Ngọc Hiển, Năm Căn và Phú Tân.
Vụ sạt lở ngày 5/5/2023 đã phá huỷ hoàn toàn đoạn lộ trên địa bàn khóm Sa Phô, thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn, khiến việc sản xuất kinh doanh và đi lại của người dân gặp khó khăn.
Theo ông Trần Hoàng Lạc, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển, tình hình thiên tai hiện nay trên địa bàn huyện đang có chiều hướng diễn biến phức tạp. Thời điểm này đang bước vào cao điểm sạt lở, nước đêm ròng rất sâu, cùng với mưa dầm nên nguy cơ sạt lở lớn, thường diễn ra trong đêm, thiệt hại lớn.
Vào đêm 8/7 vừa qua, tại Khóm 8, thị trấn Rạch Gốc xảy ra vụ sạt lở, thiệt hại hoàn toàn 4 căn nhà; 2 căn nhà bị thiệt hại khoảng 50% và 3 căn thiệt hại 20%. Là 1 trong 9 hộ dân bị thiệt hại, đến nay, ông Võ Khánh Linh vẫn còn ám ảnh. Chỉ chưa đầy 30 phút, sạt lở đã làm thiệt hại gần hết tài sản, may là gia đình ông kịp thời chạy ra ngoài.
Theo khảo sát trên tuyến sông Rạch Gốc khu vực 1, 4 và tuyến Kênh Ba đi qua địa bàn các khóm 1, 3 và 4 của thị trấn Rạch Gốc, hiện có một số vị trí nguy cơ tiếp tục sạt lở. Nhất là thời điểm hiện nay, biên độ chênh lệch mực nước giữa lúc ròng và lớn cao, cùng với nền đất yếu, nếu mưa sẽ làm tăng nguy cơ sạt lở.
Vụ sạt lở tại Khóm 8, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển ngày 8/7, làm thiệt hại 9 căn nhà.
Ðầm Dơi là địa phương "nóng" về tình hình sạt lở thời gian qua. Ông Lê Minh Hiền, Chủ tịch UBND huyện, cho biết: "Tình trạng sạt lở có giảm hơn trước, nhưng từ đầu năm đến nay đã xảy ra 76 vụ. Dù ngay khi bước vào mùa mưa, huyện đã chỉ đạo chính quyền địa phương triển khai phương án phòng chống: sử dụng cây lá địa phương chủ động gia cố sớm những điểm có nguy cơ sạt lở, tuy vậy, tại những khu vực có dòng nước xoáy, khúc cua và nơi các hàng đáy vẫn xảy ra sạt lở. Qua khảo sát cho thấy, những điểm có hàng đáy đã làm thay đổi dòng chảy, nước đập thẳng vào bờ, dẫn đến sạt lở. Huyện vận động người dân có hàng đáy nơi bị sạt lở tiến hành tháo dỡ, nhưng cũng chỉ mới được vài trường hợp, do đang gặp khó về kinh phí hỗ trợ".
Các tuyến sông: Nông Trường, Kênh Mới, Tân Thành, Ðầm Dơi và kênh Trưởng Ðạo là những tuyến đang trong tình trạng sạt lở nghiêm trọng của huyện Ðầm Dơi.
Gần đây nhất, vào ngày 6/8, trên tuyến kênh Trưởng Ðạo đi qua khu vực ấp Phú Hiệp A, xã Thanh Tùng, xảy ra 1 vụ sạt lở làm thiệt hại 25 m lộ bê tông, bề rộng 1,5 m. Trước đó, vào rạng sáng 1/8, trên tuyến sông Tân Thành, địa bàn ấp Tân Phú, xã Tân Dân, xảy ra 1 vụ sạt lở, sụt lún, làm hư hỏng hoàn toàn 32 m lộ bê tông, chiều rộng 3 m.
Hay như trong ngày 25/7, trên địa bàn huyện Ðầm Dơi liên tục xảy ra 6 vụ sạt lở trên các tuyến sông: Nông Trường (2 vụ), Kênh Mới (3 vụ) và sông Ðầm Dơi (1 vụ), với tổng chiều dài hơn 156 m, thiệt hại hơn 92 m lộ bê tông, 1 giếng khoan, 6 bể dèo tôm và 1 mái che.
Tình trạng sạt lở đã gây ra nhiều thiệt hại trên địa bàn xã Tân Duyệt, huyện Ðầm Dơi.
Dù không còn là điểm "nóng" về sạt lở, nhưng chỉ trong tháng 7, trên địa bàn huyện Năm Căn đã xảy ra 2 vụ. Cụ thể, ngày 21/7, tại ấp Hố Gùi, xã Tam Giang Ðông xảy ra 1 điểm sạt lở rộng 24 m, dài 20 m, làm thiệt hại một phần căn nhà của hộ ông Thái Công Lực và 1 cây cầu bê tông. Ngày 26/7, trên tuyến sông Bến Dựa, khu vực ấp Trảng Lớn, xã Tam Giang xảy ra 1 vụ sạt lở với chiều dài 12 m, chiều rộng từ mé sông vào 20 m, làm thiệt hại hoàn toàn căn nhà và một số vật dụng của hộ bà Lâm Thanh Vân.
Sạt lở trở thành nỗi ám ảnh thường trực cho người dân. Dù đã qua hơn 1 năm, nhưng ông Nguyễn Út Nhỏ, khóm Sa Phô, thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn, vẫn không sao quên được vụ sạt lở diễn ra vào ngày 5/5/2023.
Ông Út Nhỏ kể, gia đình bỏ ra hơn 20 triệu đồng để gia cố bờ kè bằng cây dừa, nhưng chỉ sau 2 năm sử dụng đã bị cuốn xuống sông. Khu vực bị sạt lở của gia đình có đến 2 lớp kè, lớp trong bằng bê tông, lớp ngoài bằng dừa. Tuy vậy, vụ sạt lở đã làm thiệt hại hoàn toàn tuyến lộ và hơn nửa căn nhà của gia đình.
Làm nghề ương tôm giống nên khi tuyến lộ bị sạt lở hoàn toàn đã khiến việc sản xuất, mua bán của gia đình ông Út Nhỏ gặp không ít khó khăn. “Hiện nay, xe phải gửi nhà hàng xóm, hoạt động kinh doanh vô cùng khó khăn. Ở đây, tới mùa sạt lở là sống trong thấp thỏm, lúc triều cường (tháng 10) thì canh tát nước. Nhưng hiện nay muốn di dời cũng không biết đi đâu, bởi không có đất nơi khác”, ông Út Nhỏ than.
Thời gian qua, chính quyền các cấp trong tỉnh triển khai nhiều giải pháp để phòng, chống và khắc phục sạt lở. Những nỗ lực ấy đã phần nào giảm bớt thiệt hại do sạt lở.
Ông Nguyễn Hoàng Duy, Phó chủ tịch UBND thị trấn Năm Căn, cho biết: "Các công trình kè chống sạt lở được đầu tư thời gian qua đã phát huy tác dụng, tình trạng sạt lở của khu vực thị trấn đã giảm đáng kể, đời sống người dân ngày một ổn định hơn".
Dù các công trình phòng, chống sạt lở thời gian qua phát huy hiệu quả, nhưng khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn kinh phí còn rất hạn chế. Theo ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhiều tuyến kênh trên địa bàn tỉnh, nhất là tuyến Trưởng Ðạo đã sạt lở nhiều năm qua. Ðây là một trong những khu vực nằm trong diện ưu tiên, nhưng hiện nay vẫn chưa có nguồn.
Không chỉ khu vực ven sông, hiện nay, tình trạng sạt lở đê biển Tây cũng đang phức tạp. Cụ thể, trên địa bàn huyện Trần Văn Thời có 2 vị trí với chiều dài 230 m, gồm phía bờ Nam vàm Sào Lưới, dài 110 m với 60 m không còn đai rừng bảo vệ đê và phía bờ Bắc vàm Ðá Bạc hướng về Sào Lưới, chiều dài 120 m, đai rừng còn từ 4-10 m. Trên địa bàn huyện U Minh, đoạn phía Bắc kênh Giồng Cát hướng về Tiểu Dừa sạt lở và có nguy cơ sạt lở chiều dài 150 m. Trong đó, đoạn sạt lở chiều dài 64 m, đoạn nguy cơ sạt lở 86 m.
Nguyễn Phú - Chí Diện