“Sống dễ lắm, hãy nhìn vào mắt bọn trẻ con mà sống" (Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp). Nói thì nói vậy, nhưng để có thể nhìn thẳng vào những đôi mắt trong veo của trẻ con mà lòng vẫn an yên, thanh thản, không chút xấu hổ với những lời mình đã nói, những việc mình đã làm là điều không hề đơn giản.
“Sống dễ lắm, hãy nhìn vào mắt bọn trẻ con mà sống" (Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp).
Nói thì nói vậy, nhưng để có thể nhìn thẳng vào những đôi mắt trong veo của trẻ con mà lòng vẫn an yên, thanh thản, không chút xấu hổ với những lời mình đã nói, những việc mình đã làm là điều không hề đơn giản.
Không cần phải đến những buổi toạ đàm, những diễn đàn "Lắng nghe trẻ em nói", mới thấy được trong mắt trẻ con, người lớn chúng ta thường "nói một đằng, làm một nẻo" ra sao. Từ những lời nói dối (hoặc vô tình bắt con nói dối) theo kiểu vô hại như: "Con ra nói chú Tám (dì Sáu, anh Năm) là ba, mẹ không có ở nhà", hoặc câu nói (dối) kinh điển của hầu hết các bậc phụ huynh: "Hồi đó, bằng tuổi con bây giờ, ba (mẹ) đã..."; đến những lời "rao giảng" về tính trung thực, lễ phép, đúng giờ...
Là trẻ con, dĩ nhiên vâng lời cha mẹ là việc nên làm, nhưng dường như người lớn chúng ta quên rằng ngoài việc (phải) vâng lời cha mẹ, trẻ con còn "tiếp nhận" và "xử lý" tất tần tật những điều mà người lớn chúng ta nói và làm. Muốn con ngăn nắp, gọn gàng trong khi người lớn để nhà cửa nhếch nhác, đồ đạc, quần áo... bạ đâu quăng đó thì chắc khó lòng có thể khiến trẻ "tâm phục, khẩu phục".
Cũng như một số bậc cha mẹ cứ thường xuyên vượt đèn đỏ, phóng xe lên lề đường, chạy tắt, đi ngang... bất chấp luật lệ giao thông khi chở con trẻ. Khi "bị" con thắc mắc, nhắc nhở về điều đó không những xấu hổ mà còn quay sang nạt lại con cái khiến đứa trẻ hụt hẫng hoặc về lâu dài, trẻ khó lòng phân định đúng - sai, rằng nên làm theo điều đúng hay đơn giản chỉ là làm theo lời ba mẹ (dẫu ba mẹ sai rành rành)?!
Trẻ "nhìn" người lớn rồi cứ thế bắt chước theo nên đôi lúc, nhiều ông bố, bà mẹ đã ngã ngửa khi con cái phạm một lỗi tày đình nào đó, khi bị hỏi đã chỉ ra lý do thấy cha mẹ làm vậy nên làm theo và khi tự nhìn lại, cha mẹ chỉ biết kêu trời bởi quả đúng là như vậy.
Những việc kể trên dẫu sao cũng chỉ là những nếp sinh hoạt thường nhật, có thể “sửa chữa” được nếu các bậc cha mẹ quyết tâm điều chỉnh lại bản thân, nếp sinh hoạt của gia đình. Còn những “vấn đề” mang tính lớn lao hơn liên quan đến nhân cách, đến lối sống của con cái sau này như về tính trung thực, chính nghĩa, sự tử tế, lòng vị tha, tính hiếu thảo… hẳn sẽ không thể có được từ sự “ăn may” về gene mà là từ chính lối sống, sự bảo ban, sự răn dạy của các bậc phụ huynh dành cho con và cả tự răn mình phải sống làm sao để khi răn dạy con không bị rơi vào hoàn cảnh “há miệng mắc quai”.
Dẫu vẫn biết có những trường hợp “cha dạy học, con đốt sách” nhưng ngay cả trong trường hợp ấy thì người cha (người mẹ) ấy vẫn có cơ may giúp con mình trở lại con đường sáng nhiều hơn với sự khuyên nhủ, bảo ban của mình bởi ít ra, đứa con ấy vẫn còn có điểm tựa để níu giữ.
Chợt nhớ đến bộ phim điện ảnh kinh điển của Ý mang tên “Kẻ cắp xe đạp” (Ðạo diễn Vittorio De Sica), kể về câu chuyện của một người cha nghèo vừa mới nhận được việc làm thì chiếc xe đạp - phương tiện mưu sinh mà cả hai vợ chồng đã phải bán hết của cải mới mua được - bị đánh cắp.
Người cha ấy đã cuống cuồng kiếm tìm khắp nơi nhưng không được, trong một khoảnh khắc cùng quẫn, người cha ấy đã… đánh cắp một chiếc xe đạp dựng bên đường và bị mọi người đuổi bắt rồi đánh chửi vì tội danh ăn cắp.
Trong cả bộ phim ấy, điều đọng lại sâu sắc nhất trong lòng khán giả là hình ảnh ánh mắt người cha gần như vỡ vụn, đớn đau khi thấy con trai mình đã chứng kiến cảnh cha mình là một kẻ ăn cắp với hành động mà trước đó cả hai cha con đều cho là xấu xa, đáng lên án.
Hẳn, sau này, sự việc sẽ giải quyết bằng cách này hay cách kia nhưng vết hằn trong lòng đứa con và vết gợn của người cha khi nhìn vào mắt con mình hẳn sẽ con mãi.
Còn nếu đã làm những chuyện xấu xa, sống bất chấp hậu quả, bất chấp những giá trị đạo đức… mà không thấy ngượng khi nhìn vào mắt con trẻ hoặc thấy tự vấn với bản thân hay có bất cứ một chút "gợn" nào với lương tâm thì... miễn bàn!./.
Ðoàn Ngọc