ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 20-9-24 16:52:29
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Sông quê mưa nắng mấy mùa

Báo Cà Mau (CMO) Mấy năm rồi kể từ khi tôi nghỉ hưu, cứ độ vài tháng là lại có dịp khăn gói về quê. Mà nghĩ cũng lạ, mấy đám giỗ ở quê nhà cứ trải ra khá đều trong năm. Vì vậy, tôi có lý do để trở về, thôi thúc về. Chuyện đi đứng bây giờ cũng đơn giản thôi, đặt vé sẵn từ Biên Hoà về Cà Mau, chiều tối lên xe giường nằm, đến gần sáng thì về đến bến xe tỉnh. Thêm một cuốc xe chừng gần một tiếng là tới nhà. Ngày xưa đi vất vả hơn nhiều.

Thường thì mỗi chuyến về của tôi có khi cả tuần lễ. Tôi thích vô cùng cái không khí yên ả ở vườn nhà với đầy ắp những kỷ niệm thời thơ ấu, mà trước đây, cả một quãng đời tha hương đằng đẵng, đã cuốn hút tôi với công việc, với bao nhiêu ràng buộc, mà có khi cả năm mới có dịp để về…

Ngã ba sông Trẹm.              Ảnh: Duy Khải

Hầu hết thời gian của mỗi chuyến về là tôi quanh quẩn ở nhà một mình. Khu vườn nhà thật yên tĩnh. Nối tiếp kế sau khu vườn là ruộng đồng bao la. Tôi thường một mình tha thẩn ở sau vườn nhà. Những cây dừa vừa cho trái xoã bóng quanh bờ ao… Gió từ đồng xa lồng lộng thổi về. Đi một vòng là có thể tìm được mớ rau cho bữa ăn. Nào đọt nhãn lồng, rau choại, rau đắng, đọt vừng…, toàn là món dân dã, nhưng bảo đảm an toàn… Một tô mắm kho, còn chịu khó một chút là một cái lẩu mắm… Vậy cũng thấm đẫm hương vị quê nhà! Một giấc trưa nằm võng bên hiên nhà, trong ngọn gió từ sông êm ả và tiếng tắc kè kêu… Cảm giác yên bình và nhẹ nhàng dâng dầy trong tôi.

Dòng sông Trẹm chảy qua trước nhà, dòng sông đã gắn bó tuổi thơ tôi với những hình ảnh còn in đậm trong trí nhớ, không thể nào phai. Dòng sông ngày thơ dại của tôi có hai hàng dừa nước màu xanh thẫm dọc hai triền sông và những buồng dừa nước ngọt lịm, cơm giòn, béo ngậy là niềm vui của anh em tôi vào những buổi trưa hè nơi góc vườn nhà. Dòng sông xưa má chèo xuồng ba lá ra chợ quận mỗi sáng sớm để bán mớ rau, mớ cá; Dòng sông chở theo hai mùa mưa nắng. Mùa mưa bông súng mọc đầy hai bên sông, tôi lội sông vét luồng bông súng để giăng lưới, cắm câu, hoặc lội theo những con hẻm nước ven rừng dừa nước để đặt lờ, đặt lọp...

Đến mùa nắng, không còn nước từ thượng nguồn đổ về, nên mực nước sông xuống thấp, nước mặn từ biển lấn vào nên dòng sông cũng vào mùa nước mặn. Trên sông Trẹm vào mùa nước mặn, ngày xưa có mấy cách bà con bắt cá, tôm, tép… mà bây giờ tôi không còn thấy. Đó là làm "đó" và đi "trể". Đó là những tấm đăng bện bằng cây sậy, dựng ở ven sông theo hình chữ V. Đáy chữ V chừa chừng vài tấc, đặt vào một cái đó hình tròn đứng, có cửa là hom cũng chữ V, tép vào được mà không ra được. Ban đêm chong đèn, tép đi theo ven bờ cứ thấy đèn là lần đến, rồi vào đó… Hừng đông bơi xuồng đến đổ đó. Vài ký tép một cái đó là bình thường!

Còn đi "trể” cũng là vào ban đêm trên sông mùa nước mặn. Chống xuồng ven sông, một bên xuồng nghiêng sát mép nước, có một tấm ván sơn màu trắng, chiều dài gần bằng chiếc xuồng, cũng đặt nghiêng ra mé ngoài xuồng. Một cây gọi là “cây chà” cố định chéo một góc chữ V với xuồng, phần chà rà xuống dưới mặt nước… Cứ chống xuồng ven sông, tép gặp “cây chà”, giật mình nhảy lách chách vào xuồng. Cá đối, cá chẽm… nhìn thấy tấm ván trắng cũng giật mình, nhảy luôn… vào xuồng! Mỗi đêm có khi cả chục ký tép, cá trên xuồng!

Rất tiếc là bây giờ không còn thấy hai cách bắt cá, tôm độc đáo này trên dòng sông Trẹm. Tôi đi nhiều nơi cũng không thấy ở vùng nào có cách bắt cá tôm như vậy. Tìm trên Google một tấm ảnh cũng không. Đúng là ngày xưa thiên nhiên đã ban tặng cho con người một cách rất hào phóng… Còn bây giờ thì người đông, người ta lại sáng chế ra nhiều thứ bắt cá còn hiệu quả hơn, lớn hay nhỏ cũng không thoát. Dòng sông cạn kiệt, nhiều khi tôi về nhìn dòng sông mà thương vô cùng! Sông chẳng còn gì mang theo trong lòng mình cho cư dân hai bên bờ! Chẳng khác nào một bà mẹ tuổi đã già hom hem, những đứa con ngày càng đông đúc đã hè nhau vắt cạn bầu sữa ngọt của bà mẹ tảo tần…

Tôi nhớ ngày xưa ấy, ban đêm, đèn đó của bà con giăng giăng nối tiếp hai bên bờ sông, nhìn xa như đèn của một thành phố về đêm. Ba tôi thường thức trắng đêm để chống xuồng đi “trể” suốt những đêm mùa nước mặn… Ban ngày, khi nước ròng, tôi cùng lũ bạn thường hay lội xuống rạch Ba Chùa, lúc này nước chỉ còn chưa đến thắt lưng, quậy cho lên bùn đục ngầu, tép bạc nổi quơ râu lềnh hai bên bờ kênh, cứ thế mà lấy tay chộp, hoặc lấy rổ xúc. Còn nữa, những khi con nước lớn vào ban đêm thì lội xuống con lạch trước nhà kéo tấm đăng ngang qua. Sáng ra nước ròng, cá đối, tôm tép, cua… không ra sông được còn kẹt lại phía trong tấm đăng, cứ lội xuống mà bắt.

Dòng sông thơ ấu ngày xưa của tôi vẫn còn đó, nhưng giờ đã lạ lẫm nhiều rồi. Nước sông đã bị con người làm ô nhiễm, đến nỗi vào mùa mưa, bông súng chỉ mọc lưa thưa từng cụm. Nguồn cá cũng không còn. Tôi cũng ít khi gặp được ai chèo xuồng ba lá như hình ảnh quen thuộc ngày xưa, mà thay vào đó là tiếng đò máy, tiếng ghe máy cứ liên tục ồn ã, liên tục tạo nên những con sóng vỗ bờ… Rừng dừa nước cũng không còn xanh ngút ngàn kéo dài suốt dọc triền sông. Thuốc khai hoang qua mấy mươi năm rồi mà người dân không thể tạo lại màu xanh của rừng dừa nước như xưa nữa! Nhưng mà bây giờ trồng dừa nước để làm gì khi vật liệu để lợp nhà ngày càng phong phú? Những căn nhà lá dần dần hiếm thấy, mai này chắc cũng khó mà tìm.

Mỗi khi tôi về, nhìn dòng sông ngày xưa giờ không còn xanh một màu dừa nước hai bên triền sông, không còn dải bông súng mọc ven bờ, tôi lại liên tưởng đến hình ảnh cô thiếu nữ đẹp, duyên dáng mà lại thiếu đi một cặp chân mày đẹp! Đó là sự liên tưởng của tôi thôi, chứ ai mà nghĩ vậy. Nhưng rõ ràng là con người đã nhẫn tâm tàn phá dòng sông đến cùn kiệt!

Con lộ trước nhà, con lộ mà ngày xưa chỉ có thể đi từng đoạn một và chỉ có thể duy nhất là chân đất lội bộ. Sình lầy và nước ngập mùa mưa, còn mùa nắng thì gồ ghề, nhấp nhô những ụ đất, qua những con rạch cầu khỉ đơn sơ. Vì vậy, ngày xưa mỗi sáng tôi đi học chỉ bằng cách theo xuồng ba lá của má chèo ra chợ sớm… Hình ảnh con lộ lầy lội bên cạnh dòng sông, dưới sông là một dáng chèo xuồng ba lá hiện ra trong bài thơ “Về đâu, tóc thề” bằng hai câu: “Đường ven sông ngập bùn lầy/Tôi đi về phía đôi tay em chèo” là từ đó. Cứ tưởng tượng gã trai làng lội sình đi theo một nàng chèo xuồng dưới sông mà thấy thương cho gã si tình. Con lộ giờ đã được đắp cao lên và đổ bê tông, nên xe gắn máy có thể chạy ra thị trấn dễ dàng. Những chiếc xuồng ba lá cùng với cô thiếu nữ chèo xuồng ngày xưa cũng lui dần vào ký ức. Rạch Ba Chùa đã được máy đào tạo thành một con kênh sâu và rộng, xuồng máy chạy ào ào suốt ngày… Có khi tôi thẫn thờ trước những đổi thay ấy, dù biết sự đổi thay theo thời gian, theo nhịp sống đi lên là tất yếu!

Nhưng dù sao thì tôi vẫn có những chuyến về đều đặn mỗi năm mấy lần. Về để nhớ một thời tuổi thơ vất vả nhưng đẹp và êm đềm với một miền quê sông nước, về để làm quen với những đổi thay… Và, đúng như câu lòng tôi thường nhủ: “Hãy về khi còn về được”!./.

Nguyễn Sông Trẹm

"Lửa thử vàng" - Câu chuyện truyền nhân gia tộc cải lương

Cải lương đi qua thời hoàng kim, nhưng truyền nhân các gia tộc cải lương chưa bao giờ tắt ngọn lửa đam mê và niềm khao khát viết tiếp chặng đường nghệ thuật của cha ông đã gầy dựng.

Cảm xúc dẫn lối

Từ nhỏ, Nguyễn Hoàng Giang đã yêu thích nghệ thuật. Cơ duyên đưa anh đến với nhiếp ảnh bắt đầu từ tình yêu dành cho cái đẹp và nghệ thuật. Thế nên, tuy từng có 20 năm gắn bó với Hà Nội, nhưng mảnh đất Hội An đậm chất nghệ thuật lại chính là động cơ thôi thúc, khiến anh quyết định chuyển vào nơi này định cư. Ðến nay, khi đã là chủ một công ty du lịch và sở hữu chuỗi khách sạn, nhà hàng, dù bận rộn, anh vẫn dành thời gian cho nhiếp ảnh.

Dâng hương Tổ nghiệp Sân khấu

Suốt 13 năm qua, Ngày Sân khấu Việt Nam cũng là ngày hướng về Tổ nghiệp của những người hoạt động lĩnh vực sân khấu. Ngày Giỗ Tổ là dịp để những người hoạt động trong lĩnh vực sân khấu cùng nhau nhắc nhớ về thế hệ tiền nhân đã có công sáng lập, gìn giữ loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống của dân tộc. Đồng thời cũng là cuộc họp mặt hâm nóng tình nghệ sĩ, tạo sự gắn kết, cùng động viên nhau phấn đấu để mang những cái hay, cái đẹp phục vụ công chúng.

Còn đó những cánh chim không mỏi

Nghe tôi có ý định tìm một địa điểm lý tưởng để khám phá, thưởng thức các loại hình nghệ thuật truyền thống tại mảnh đất được mệnh danh là “thành phố đáng sống”, một người anh đồng nghiệp đang công tác tại Ðài Phát thanh - Truyền hình Ðà Nẵng giới thiệu ngay Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Vậy rồi, qua vài lời kết nối nhiệt tình, NSƯT Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát, liền đích thân mời đoàn văn nghệ sĩ Cà Mau đến xem một suất diễn trong ngày gần nhất.

Nối dài tình yêu nước bằng nghệ thuật

Nghệ thuật kết nối quá khứ và hiện tại, là phương tiện giúp gìn giữ, lưu truyền và phát huy văn hoá dân tộc. Với ý nghĩa ấy, các bạn trẻ tại Cà Mau, bằng hoạt động nghệ thuật, đã góp phần lan toả, nhân lên tình yêu quê hương, đất nước trong những người trẻ và cộng đồng.

Ấm áp chương trình nghệ thuật “Tình ca Đất Mũi”

Nhằm tôn vinh Âm nhạc Việt Nam nói chung, Âm nhạc Cà Mau nói riêng, thể hiện sự tri ân đối với các tác giả có nhiều cống hiến cho sự nghiệp âm nhạc tỉnh nhà. Tối 3/9, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh đã diễn ra Chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm lần thứ 15 Ngày Âm nhạc Việt Nam với chủ đề :“Tình ca Đất Mũi”. Chương trình do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh phối hợp tổ chức.

Sắc màu miền Tây đến với Huế

Những năm qua, mỹ thuật đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) có bước phát triển mạnh, tạo được tiếng vang trong khu vực, các vùng miền trong và cả ngoài nước. Câu lạc bộ (CLB) "Sắc màu miền Tây ART" đã có 4 cuộc triển lãm tại Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh và Hà Nội từ năm 2019-2023.

Khám phá cùng nhiếp ảnh

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Lê Minh Vũ (Quyên Vũ) sinh năm 1974, tại tỉnh Tiền Giang, hiện sinh hoạt tại Hội NSNA Việt Nam, Chi hội Tiền Giang.

Sắc màu văn hoá địa phương hoà quyện trong từng bài ca, điệu múa

Đạo diễn Nguyễn Tiến Dương, Trưởng Ban giám khảo Hội diễn Nghệ thuật quần chúng tỉnh Cà Mau lần thứ IX - 2024, đánh giá, một trong những điểm nổi bật của hội diễn là những sắc màu văn hoá của địa phương hoà quyện trong các bài hát, điệu múa, càng làm tăng thêm sự hấp dẫn. So với những hội diễn trước, các đội đã có nhiều sự tiến bộ về ca, múa, âm nhạc và trang phục.

Cho chữ mùa Vu lan

Tôi gặp thầy đang cho chữ tại một góc nhỏ trong khuôn viên chùa Thiền Lâm, phường Tân Thành, TP Cà Mau, vào ngày chùa tổ chức lễ Vu lan. Mặc dù bút trên tay đang nắn nót, mắt chăm chú vào con chữ, nhưng được vài nét, khi ngẩng lên chấm mực là thầy nhanh miệng mời gọi mọi người đang đứng túm tụm gần đó: “Viết mấy câu tặng cha mẹ đi chị (cô, chú, anh, em...) ơi!”; “Lại chú cho chữ cầu sức khoẻ, học giỏi nè các con!”; “Cầu tài lộc, sức khoẻ, vạn sự như ý nè anh chị em, cô bác ơi!”... Và bao giờ sau những câu mời gọi, thầy cũng nhấn mạnh “tặng chữ hoàn toàn miễn phí” để khách khỏi đắn đo.