(CMO) Tận dụng khoảng không gian trống trong sân vườn, chị Nguyễn Thị Út Em (ấp Ðầm Cùng, xã Trần Thới) với sự linh hoạt và sáng tạo đã khởi nghiệp hiệu quả mô hình trồng rau mầm. Qua đó, tạo cho chị nguồn thu nhập bền vững hàng tháng.
Chị Út Em trồng rau mầm từ năm 2019, nhưng mở rộng quy mô diện tích trồng và công việc này mang lại cho chị nguồn thu nhập chỉ hơn năm nay. Bén duyên với rau mầm trong một lần ăn được món gỏi rau mầm thịt bò ấn tượng bởi hương vị ngon, lạ miệng của loại rau này chị Út Em bắt đầu tìm hiểu cách trồng.
Trồng rau mầm được đánh giá là mô hình hiệu quả khi ít vốn đầu tư nhưng cho lợi nhuận khá cao. |
Bắt tay vào công việc trồng rau chị Út Em thiết kế giá đỡ, khay trống, hộp đựng... Theo đó, chị trồng rau mầm vào các khay nhựa, giá thể gồm trấu và xơ dừa trộn lẫn.
Tuy nhiên, ban đầu chưa có nhiều kinh nghiệm, nhất là khâu chọn hạt giống, nên những lứa đầu tiên thu hoạch kém chất lượng, rau mọc không đều... "Vậy nên hạt mầm rất quan trọng vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển của rau, không nên mua hạt giống ở những nơi bán đại trà mà nên đặt hàng của công ty vì chất lượng hạt giống tốt thì mới cho ra lứa rau chất lượng. Các loại hạt mầm cải đều có thể trồng nhưng tôi thường trồng hạt mầm cải trắng vì rau mầm sẽ cho nồng vừa phải, được nhiều người dùng ưa chuộng", chị Út Em chia sẻ.
Hạt giống sau khi mua về sẽ ngâm từ 6-8 tiếng và ủ trong vòng 24 giờ trước khi trồng, chăm sóc đúng cách sau 6 ngày là cắt bán được. Vì là loại rau ngắn ngày nên không có đủ thời gian cho các loại sâu bệnh gây hại tấn công. Tuy nhiên, không vì thế mà chủ quan, vì với đặc tính dễ mẫn cảm chỉ cần một số ít cây hư là rất dễ lây lan sang nhiều cây khác. Ðể khắc phục tình trạng đó thì khay nhựa và giá thể sau khi trồng và thu hoạch phải xử lý và vệ sinh trước khi xuống giống lứa rau mới.
Mỗi lứa, chị Út Em gieo 1-2 kg hạt giống với chi phí đầu tư chưa đến 200.000 đồng trong khi giá bán ra 60.000 đồng/kg rau, cho chị nguồn thu nhập vài triệu đồng mỗi tháng.
Chị Út Em chia sẻ: "Tuy nguồn thu nhập mang lại không quá nhiều nhưng bền vững, giúp tôi có thêm chi phí chi tiêu hàng ngày, vì rau sạch dễ ăn nên nguồn tiêu thụ cũng khá dễ. Ban đầu tôi thu hoạch chủ yếu giao cho các gia đình có đám, tiệc, giờ đây mỗi ngày đều có khách đặt hàng, ngoài ra tôi còn giao cho các thương lái ở chợ nên thị trường tiêu thụ rộng rãi hơn."
Chị Ðoàn Hồng Nhi, Chủ tịch Hội LHPN xã Trần Thới, đánh giá: "Thời gian qua, Hội LHPN xã Trần Thới phát động hội viên thực hiện mô hình "vườn rau gia đình", từ đó nhiều mô hình trồng rau màu được thực hiện, trong đó có mô hình trồng rau mầm sạch của chị Út Em. Tính tới thời điểm hiện tại là mô hình khởi nghiệp có hiệu quả, vì trước chỉ trồng để cải thiện bữa ăn gia đình nhưng sau đó đã giúp chị có được nguồn thu nhập tương đối hàng tháng. Ðể góp phần lan toả đến người tiêu dùng sản phẩm rau mầm sạch của chị, hội sẽ tích cực quảng bá, giới thiệu kết nối tiêu thụ sản phẩm để rau mầm trở thành sản phẩm đặc trưng của xã Trần Thới"./.
Phương Thảo