ĐT: 0939.923988
Thứ hai, 7-7-25 03:13:59
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Sự cụt

Báo Cà Mau (CMO) Mặt trời ngả bóng ngọn tre, Ba Sự hai tay trụ trên hai ghế ngồi bằng gỗ, nhích từng chút một vào ra ngóng vợ. Hồi sáng này, nhìn thấy vợ tự tay xúc lúa trong bồ, ôm xuống xuồng đi chà gạo, lòng anh không khỏi xót xa. Lẽ ra, việc nặng nhọc này là chuyện của người đàn ông trong gia đình...

Gần một năm nay, từ ngày bị cắt luôn cái chân còn lại, mọi việc trong ngoài, nặng nhọc đều một mình vợ anh cáng đáng. Muốn giúp vợ nhiều lắm nhưng đành “lực bất tòng tâm”. Cái thân anh giờ tự tập di chuyển được bằng ghế, tự sinh hoạt cá nhân được đã là một nỗ lực lớn lắm rồi.

Vợ anh (chị Nguyễn Thị Nhanh) cứ nói, yêu cầu chồng khoẻ mạnh, mọi việc để chị lo. Nhưng lo sao nổi, bao vốn liếng, tiền bạc vợ chồng hồi giờ tích cóp đã bay biến hết theo cái chân còn lại rồi. Hơn 2 tháng nằm viện, đứt 17 triệu đồng, tương đương 5 cây vàng (năm 1990). Giờ còn phải nợ họ hàng, còn bao thứ chi tiêu trong nhà, rồi còn tương lai con cái???...

Thấy vợ vừa lụi xuồng máy chở gạo về tới bến sông, anh nhanh nhảu xích ghế di chuyển xuống. Đợi vợ ôm bao gạo cuối cùng khuất vào nhà, anh nhào xuống xuồng, xô mũi ra và giựt máy chạy. 

Những nhà hàng xóm bên sông thấy vậy hết hồn la toáng lên. Già Chín réo vợ anh đầy lo lắng: 

- Trời ơi, sông sâu nước chảy, thằng Sự nó chạy đi đâu kìa. Không có cái giò nào, té xuống sông là chết!  

Vợ anh cũng bất ngờ và lúng túng, không biết chồng mình đi đâu. Người đi xuồng máy, người lội bộ, ven bờ sông đầy cóc kèn, ô rô… biết đâu mà kiếm? 

- Giò cẳng không có, lỡ té thì làm sao lên?!

- Có khi nào ảnh quẫn quá rồi đâm ra nghĩ bậy…?

Mỗi người một ý kiến làm chị cũng hơi hoang mang. Trong khi lòng chị còn bối rối chưa biết làm gì thì Ba Sự trờ mũi xuồng tới, rướn mạnh vào bờ, quay qua nhe răng cười với mọi người, gương mặt đầy vẻ đắc chí.

Đám đông thở phào nhẹ nhõm.

- Ngày mai tui đi chạy đò! - Anh tuyên bố hùng hồn với vợ. 

- Chưn cẳng không có, ông chở ai dám đi?!

- Để rồi bà coi...

Vốn là gốc nông dân, vợ chồng Ba Sự vẫn xưng hô với nhau “ông”, “tui”, “bà”... dù tuổi mới hơn 40. Họ bảo, xưng hô “anh”, “em” ngại chết.

Sáng hôm sau, vợ vẫn cương quyết không cho anh đi chạy đò. Chị nói:

- Trụi lủi hai cái chưn, sông sâu nước chảy, lỡ té sao lên được?

- Tui biết lội từ nhỏ rồi mà.

- Hồi đó hai chưn khác...

Ba Sư nín thinh. Vợ đã cắp nón đi giặm lúa nhưng anh vẫn chưa chịu vào nhà, cứ như ngóng chờ ai vẻ sốt ruột.

- Anh Hai ơi, tui mượn cái. Anh rinh giúp cái máy xuống xuồng để… vợ tui đi công chuyện - Ba Sự ngoắt anh hàng xóm đi ngang và nhờ vả.

***

“Chờ ai vậy Ba Sự?”, “Ai đưa anh ra đây?”, “Mưa quá sao không lên nhà đục nhờ?”... Nhiều người ngạc nhiên khi thấy anh đậu xuồng nhập cùng cánh chạy đò ở cống Cái Ngang. Anh trả lời “Tui chạy đò” rồi nhe răng cười làm mọi người tròn mắt.

Ba Sự tận dụng nguồn cỏ dồi dào tại địa phương để nuôi bò mang lại thu nhập khá. Ảnh: Trang Thăm

Vậy mà bữa đó, sau khi trừ tiền đổ xăng, Ba Sự còn được tới 30 ngàn đồng. Cầm những đồng bạc đầu tiên đưa cho vợ sau bao tháng ngày tưởng chừng vô dụng mà anh vui tới rớt nước mắt. 

Thừa thắng xông lên, bắt đầu hôm sau, anh chính thức “đầu quân” vào công việc chạy đò. Nhờ chịu khó, mưa nắng, đêm hôm, xa gần gì người ta kêu cũng chở nên đều đều mỗi ngày anh kiếm được trên dưới 100 ngàn đồng, bằng khoảng 4 gia lúa khô. Điều kiện kinh tế gia đình ngày một được cải thiện. 

Hàng ngày, tranh thủ ít khách, anh còn chạy đò lên nhà máy lấy cám giao cho mấy mối nuôi heo. 

Một hôm, anh về bàn với vợ:

- Mẹ thằng Giang à, ngoài cống có mấy ghe bán cá dồ vùng trên xuống, họ đang cần đầu mối đi phân phối. Mỗi con bán ra lời khoảng 500 đồng. Mình chịu khó đi bán mỗi ngày chắc cũng kiếm được vài trăm ngàn.

- Vốn liếng đâu nhiều mà bán?

- Tui hỏi rồi, mình chỉ dằn cọc một mớ rồi cứ lấy cá bán. Bà con không có tiền mặt thì mình cho thiếu, đợi tới mùa họ bán lúa trả rồi mình hoàn lại chủ ghe.

- Như vậy thì ông cực lắm đó, có chịu nổi hông?

- Tui thấy không sao. Ráng chịu khó, rồi mọi thứ sẽ quen dần. Mình còn làm được, có cơ hội thì phải tận dụng, miễn là đồng tiền chân chính. Gia đình đang khó khăn, không ráng làm thì nghèo túng bẩn chật hoài, con cái vất vả. Còn nợ nần nữa... Hơn nữa, tui còn là đảng viên, phải gương mẫu, nỗ lực trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Chồng đã nói vậy thì chị yên tâm. Mà hồi giờ chị rất tin tưởng ở bản lĩnh của chồng mình. Hồi đó cụt 1 chưn, anh còn làm được bí thư chi bộ ấp và làm cũng khá “nổi đình nổi đám”…

***

Lấy vợ mới 4 năm, vết thương ở 2 bên nhượng tái phát, 1 bên nhiễm trùng nặng phải cắt bỏ chân. Đang làm công ty Nhà nước, Ba Sự đành phải nghỉ việc, chuyển sinh hoạt Đảng về địa phương. Họp chi bộ được mấy kỳ, anh có quyết định làm Bí thư Chi bộ ấp Cái Rô. Thấy anh đi đứng vất vả, chị khuyên từ chối nhận nhiệm vụ, nhưng anh bảo:

- Đâu có được. Mình là đảng viên, khi vào Đảng có lời thề phải cống hiến hết mình, chấp hành mọi sự phân công của tổ chức. Chắc người ta thấy khả năng mình làm được mới giao nhiệm vụ. Tui sẽ cố gắng, coi như thử sức mình. Còn làm được chừng nào thì ráng làm đóng góp cho quê hương.

Vậy mà thấm thoát 12 năm làm bí thư chi bộ ấp, anh làm được 2 việc lớn ngoài sức tưởng tượng của nhiều người: Vận động xây dựng được cây cầu Nhà Việc bắc qua sông, nơi ngã ba tiếp giáp sông Cái Rô, Cái Ngang để bà con các ấp trên địa bàn đi ra Quốc lộ 1 và thuê xáng múc làm được con đường đất đen dài 3 cây số trên tuyến chính của ấp. 

Cây cầu vận động các mạnh thường quân, vựa vật liệu còn đỡ, làm con đường người dân phải đóng góp phân nửa cùng Nhà nước, rồi một số hộ phải mất đi diện tích lớn lá dừa nước mé sông (nguồn thu không nhỏ) nên việc vận động không dễ dàng.

Thấy chồng ngày nào cũng nhọc nhằn đi từ sáng sớm để ghé từng nhà vận động, rồi lại có người vì đụng chạm quyền lợi mà nói này nọ, thương chồng chị khuyên thôi, nhưng anh nói:

-  Không được.

Rồi anh tâm tình, chứng kiến cảnh mấy đứa nhỏ đi học phải qua mấy khúc đứt trâu lội, nước sâu tới háng, té ngã, mình mẩy, tập vở ướt loi ngoi anh rất xót xa. Sẵn có nguồn vốn phân bổ ấp bên nhưng họ không nhận vì sợ làm không nổi nên anh xin cho ấp. Biết rằng bà con còn khó khăn, 1 mét tới phải đóng 6 ngàn đồng, nhưng anh tin mình làm vì lợi ích chung, ráng thuyết phục rồi bà con cũng đồng thuận.

Thấu hiểu nỗi lòng chồng, từ đó chị luôn tạo điều kiện và động viên anh. Vậy rồi trong vòng 1 tháng đã làm xong được con đường. Nỗi vui mừng không sao tả xiết. Sau đó, anh tiếp tục vận động bà con hầm đất đỏ rải lên. Qua 1 mùa hạn, cả tuyến đường 3 cây số đều được phủ đất đỏ. Đi lại dễ dàng, bà con ai nấy đều hân hoan.

Khi đó, những năm 1990, cây cầu và con đường anh làm trở thành cầu, đường đầu tiên của xã Định Bình (TP Cà Mau) được làm từ nguồn vận động xã hội hoá. Anh được nêu tên, khen ngợi làm chị cũng nở mày nở mặt.

Đùng một cái, chân còn lại của anh bị tái phát hoại tử và phải cắt. Vậy là đành... “rửa tay gác kiếm”.

***

Trở lại câu chuyện đi bán cá dồ, chị còn chút băn khoăn:

- Mình đi cả ngày, phải bỏ con ở nhà. Còn 3 con heo nái nữa, 1 con cũng sắp đẻ? 

- Thì 3-4 giờ khuya bà chịu khó dậy nấu cơm, mình đem đi một ít, một ít để nhà cho con. Rồi bà dọn chuồng heo, cho heo gà vịt ăn. Thằng Giang cũng 8-9 tuổi rồi, dặn dò con tự lo chuyện học hành, ăn uống. Mình khó khăn thì con ráng chịu vất vả một chút. Khi nào heo đẻ thì tui đi một mình, lúc nghỉ học bắt thằng Giang đi cùng. Nhưng đâu phải lúc nào cũng có cá bán, nói chung, tuỳ cơ ứng biến. 

Vậy là cứ hừng đông, người ta thấy vợ chồng Ba Sự túm tụm xuống xuồng. Rồi cứ chồng chạy máy, vợ rao, xúc cá đếm… Và mùa đó, vợ chồng anh thu được bộn tiền, thậm chí hơn cả dự tính.

Liên tục 6-7 năm trời, dãi dầu nắng mưa, khuya sớm vợ chồng anh đã làm biết bao công việc kiếm tiền gắn liền trên sông nước. Ngoài chạy đò dọc, bán cám, bán cá dồ, anh và vợ còn đánh cá chốt bán, đi vùng Năm Căn, Đầm Dơi mua gom tôm cua về cân cho vựa… Vợ anh ngoài mấy con heo nái còn mướn mấy miếng đất để làm.

Một hôm, người ta thấy trước bến nhà anh có cái ghe to đùng neo đậu. Có mấy người đang hối hả gánh gạch, cát, đá đổ hàng đống trên sân. “Ba Sự cất nhà tường”, mọi người trầm trồ, thán phục. Trước đó họ cũng tròn mắt vì nghe Ba Sự mua 10 công đất có giá đến 13 cây vàng. 

Bấy giờ vào những năm 2004-2005, được như Ba Sự quả là “có máu mặt”. Cái tên “Sự Cụt” được người ta hay kêu, không phải miệt thị người tàn tật mà là ngưỡng mộ, nể nang (cụt mà bản lĩnh, cụt mà giỏi giang...).  

Những lúc có thời gian nằm nhìn ngôi nhà, ngẫm ngợi những gì đã trải, nhiều cung bậc cảm xúc đan xen trong Ba Sự. Mới 7 tuổi, vì bưng đèn dầu nhảy xuống hầm cứu con sáo (không hay cha mình cất xăng dưới chuẩn bị tát đìa) mà cậu bé Trang Văn Sự bị phựt xăng phỏng cả hai chân. 28 tuổi, đang đi làm, tương lai rộng mở thì phải cắt 1 chân. Số phận nghiệt ngã vẫn chưa buông tha, hơn 12 năm sau phải cắt luôn chân còn lại. 

Tưởng đời bỏ đi, vậy mà... 

Ngoài ý chí, nghị lực, anh cũng tự hào vì có người vợ giỏi giang, thấu hiểu tánh ý chồng và đồng cam cộng khổ. Người ta nói, đồng vợ đồng chồng tát cạn biển đông, quả không sai.

Được miễn sinh hoạt Đảng, nhưng chuyện xóm làng anh vẫn hay để mắt. Có đám bạch đàn tới kỳ thu hoạch, mấy hộ nghèo trong ấp không có cây cất nhà anh kêu lại đốn. Tính ra anh cũng giúp cột, kèo, đòn tay... cất được 6 căn nhà. Chi tiêu hàng ngày thật tình cũng còn đắp đổi, nhưng cây thì có sẵn, chi li tính toán làm chi. Tiền cũng cần nhưng còn cái tình tương thân tương ái. Từng trải qua khốn khó nên anh thông cảm với người nghèo. 

***

Bẵng đi thời gian không ghé thăm, hôm tôi đến, thấy một chuồng bò khá to, con nào cũng căng tròn, lực lưỡng. 

Ba Sự giờ đã 62, vợ 60 nhưng còn rắn rỏi và năng động. Ông bà hào hứng nói về chuyện mấy con bò. Bà cho biết, nuôi bò được 5-6 năm nay. Từ 1 cặp bò giống ban đầu, giờ ông bà có cả thảy 17 con, đã bán 9 con, trong chuồng còn lại 8.

- Tính ra nuôi bò khoẻ, mình chỉ tốn vốn ban đầu. Miễn có người đi cắt cỏ là được. Thu nhập từ bò đã mấy trăm triệu, chưa kể tiền bán phân bò cả chục triệu đồng/năm - Bà khoe.

Với tay lấy thêm mớ cỏ cho bò ăn, ông bày giãi:

- Theo thời gian, mọi thứ cũng đổi thay, mình phải tuỳ thời mà tính việc. Giờ đã chuyển sang làm vuông, lộ làng cũng khang trang, xe cộ dập dìu, mấy cái nghề hồi đó giờ đâu còn làm được. Thấy xứ mình nhiều cỏ, vợ chồng tôi quyết định nuôi bò. Mình lớn tuổi rồi, tôi thấy tập trung cho mấy con bò là phù hợp nhất.

Độ 2 giờ chiều, ông bảo ngồi chơi ông đi đặt lú vì nước đang ròng, dễ đặt. Thân hình ông di chuyển thoăn thoắt trên hai cái ghế ngồi. Chồng lú 50 cái đã được con trai để sẵn dưới xuồng trước khi đi cắt cỏ cữ chiều cho bò. Ông nhanh nhẹn vừa bơi xuồng vừa như giải thích, lú ngầm không cản trở giao thông. Tôi hỏi có khi nào té không, ông nói té hoài. Té thì nắm be xuồng bườn lên. Khi đặt, mắc chà cũng phải lặn xuống sâu để gỡ. 

Ông phân trần: Thấy tôi độ 3 giờ rưỡi, 4 giờ khuya dù mưa bão lạnh lẽo gì cũng đi đổ lú để 5 giờ vợ lựa tôm đi bán cho kịp chợ sáng, có người nói, lớn tuổi rồi, cuộc sống cũng ổn định sao không chịu nghỉ ngơi. Nhưng đâu có được, mình còn khoẻ thì ráng làm, thấy vậy chớ mỗi ngày cũng được trăm mấy hai trăm ngàn; Cộng với thu nhập lai rai từ miếng vuông do con trai đảm nhận nữa mới đủ trang trải được chi tiêu hàng ngày. Con dâu đi làm hải sản thì lo sữa sùng, chi phí học tập cho 2 đứa cháu. Coi như lấy ngắn nuôi dài, thu nhập từ bò thì để tích luỹ làm những chuyện lớn, rồi còn phải phòng lúc ốm đau... 

Chỉ độ 2 tiếng, chồng lú đã được đặt xong. Ông lại thoăn thoắt lên bờ, vào xúc phân, dội chuồng bò. Vợ ông thì nấu cá cho mấy con chồn ăn. Phía sau nhà nào gà, vịt trời, chồn, heo rừng... lủ khủ, bao nhiêu việc đang chờ vợ chồng họ. 

- Cũng có cực, nhưng vui, lao động vậy mà khoẻ người. Mình làm quen rồi, ở không không chịu nổi - Bà phân bua.

Trước khi ra về, tôi được ông bà “tiết lộ” đang có ý định làm trang trại bò. “Tôi coi trên mạng, thấy ở xứ người ta không có cỏ mà còn làm biogas nấu cháo nuôi bò được. Xứ mình cỏ bao la, chỉ cần chịu khó tôi nghĩ sẽ thành công. Đầu ra giờ rất ổn nên thuận lợi lắm”, ông quả quyết.

Từ giã ra về, lòng tôi vô cùng thán phục. Chợt nhớ bài ca dao “Mười cái trứng” được học ngày nào. Con người ta lâm cảnh khốn cùng vẫn tin vào chân lý “còn da lông mọc, còn chồi nảy cây” để mà sống, mà phấn đấu. Ông như cái chồi cây ấy, đã vươn lên với sức sống phi thường mặc cho bão dông, nắng mưa khắc nghiệt. Và giờ đây, cái cây ấy đã mang về quả ngọt, hoa thơm.

Quả như lời của Bí thư Chi bộ ấp Cái Rô Phạm Ngọc Phước, tấm gương nghị lực sống của ông không phải chỉ người khuyết tật mà cả người lành còn phải học tập./.

Bút ký của Trang Anh

"Lá chắn thép" nơi cực Nam Tổ quốc - Bài cuối: Dệt nghĩa tình nơi vùng biên

Thắt chặt tình quân - dân, Bộ đội Biên phòng (BÐBP) Cà Mau tích cực tham gia xây dựng cơ sở chính trị, phát triển kinh tế - xã hội ở các địa bàn biên giới biển, đảo, thường xuyên thực hiện các hoạt động nghĩa tình, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho bà con. Ðiều này góp phần củng cố sức mạnh đại đoàn kết, tạo nên thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc, phát huy sức mạnh tổng hợp để bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

"Lá chắn thép" nơi cực Nam Tổ quốc - Bài 2: Bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng

Là lực lượng chủ công trên mặt trận phòng chống các loại tội phạm trên biển, Bộ đội Biên phòng (BÐBP) Cà Mau ngày đêm tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi xâm phạm chủ quyền, vi phạm pháp luật. Những chiến công liên tiếp trong việc triệt phá các chuyên án, bắt giữ tội phạm đã góp phần giữ vững an ninh trật tự, tạo môi trường ổn định cho sự phát triển kinh tế biển.

"Lá chắn thép" nơi cực Nam Tổ quốc

Năm 2025 là năm đặc biệt đối với Bộ đội Biên phòng (BÐBP) Cà Mau khi đánh dấu 50 năm xây dựng, chiến đấu và không ngừng lớn mạnh, trở thành “lá chắn thép” nơi cực Nam Tổ quốc, đảm bảo sự bình yên và vững chắc cho vùng biển, đảo quê hương. Cán bộ, chiến sĩ BÐBP còn là những người bạn, người thân của Nhân dân, cùng chung tay xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh, góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Bộ đội Cụ Hồ.

Lớn lên từ những chuyến đi

Trong suốt chặng đường theo nghề báo hơn 25 năm, có những lúc áp lực, tưởng chừng sẽ phải dừng lại. Song, khi nhìn lại, tôi thầm cảm ơn và tự hào với những gì mà nghề đã mang lại cho tôi, đó là những chuyến đi, khám phá những vùng đất mới, xa xôi, đặc biệt là những chuyến đi biển, đảo. Chính những hành trình ấy đã tiếp thêm sức mạnh, tình yêu quê hương, đất nước, bùng thêm ngọn lửa nghề trong tim tôi.

Khi ý Ðảng gặp sức dân - Bài cuối: Nâng cao hiệu quả quản trị cộng đồng

Bức tranh toàn cảnh về sự hình thành và những thành công bước đầu của mô hình tổ Nhân dân tự quản (NDTQ) tại Cà Mau, cho thấy một thiết chế đầy tiềm năng trong việc kết nối ý Ðảng với sức mạnh cộng đồng. Tuy nhiên, hành trình xây dựng và phát triển mô hình này không tránh khỏi những “gập ghềnh”, những “nút thắt” cần được tháo gỡ.

Viết báo tết trong chiến khu

Buổi sáng cuối đông năm 1973, bầu trời se lạnh. Chúng tôi ngồi viết báo Tết trong khu vườn dừa của chú Sáu Lân ở ấp Lý Ấn, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau.

Khi phóng viên địa bàn đồng hành cùng địa phương

Từ thời Báo Minh Hải, phóng viên đã được Toà soạn phân công phụ trách địa bàn để cùng ăn, cùng ở, cùng làm với cơ sở, với bà con, nắm bắt thật sát tình hình địa phương, thực hiện các tin, bài nóng hổi tính thời sự, góp phần và đồng hành cùng với sự ổn định, phát triển của địa bàn phụ trách.

Khi ý Ðảng gặp sức dân

Trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa “của dân, do dân, vì dân”, ở Cà Mau, một mô hình tổ chức xã hội đặc biệt đang âm thầm bén rễ và lan toả sức sống: Tổ Nhân dân tự quản (NDTQ). Thoạt nghe, cụm từ này có vẻ khô khan, mang nặng tính hành chính, nhưng khi đặt chân đến những xóm, ấp nơi mô hình này đang hoạt động, người ta mới cảm nhận được hơi thở của sự tự nguyện, tinh thần đoàn kết và khát vọng làm chủ cuộc sống cộng đồng. Ðây không chỉ là hình thức tập hợp người dân theo địa bàn cư trú, mà sâu xa hơn, nó đang dần khẳng định vai trò như một cầu nối sống động, nơi ý Ðảng được truyền tải một cách gần gũi nhất, hoà quyện với nhu cầu và sức mạnh nội tại của Nhân dân.

Với nghề, tôi thấy mình như vừa chập chững tập đi...

Tôi bắt đầu công việc viết lách từ rất sớm, như các bạn tuổi mới lớn khác, tập tành sáng tác thơ và tản văn. Ở những năm học cấp III, tôi chi tiêu cho mua dụng cụ học tập, hàng quà hay những thứ lặt vặt khác, từ chính nguồn nhuận bút viết lách.

Thức cùng sóng biển

Hầu như năm nào cũng vậy, khi những làn gió chướng đầu tiên lao xao trên cành lá là cái rạo rực về những bài báo xuân cứ thôi thúc trong mỗi chúng tôi.