(CMO) Từ đầu năm học 2021-2022 đến nay, hầu hết học sinh của Cà Mau vẫn chưa một ngày được đến trường lớp để học tập trực tiếp vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong bối cảnh đó, tưởng chừng công tác khuyến học - khuyến tài của tỉnh sẽ gặp vô vàn khó khăn, thậm chí là tê liệt, nhưng nói như lời ông Trịnh Minh Thành, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh, thì: “Càng khó khăn, công tác khuyến học - khuyến tài tại tỉnh Cà Mau càng được duy trì, đẩy mạnh. Cũng từ dịch Covid-19 mà xã hội có dịp đánh giá đúng hơn về vai trò, tầm quan trọng của công tác khuyến học - khuyến tài từ trong gia đình, dòng tộc đến toàn cộng đồng. Nhờ vào đó, việc học tập, nhất là với các em học sinh vẫn được chú tâm, không bị gián đoạn, sẵn sàng trở lại trường lớp khi dịch bệnh được kiểm soát”.
Dồn lực hỗ trợ
Trong 1 năm đặc biệt, công tác khuyến học - khuyến tài của Cà Mau có sự chuyển hướng để phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Từ nền tảng sẵn có, các cấp Hội Khuyến học tập trung vào việc đồng hành cùng học sinh các cấp trong tỉnh để vừa chống dịch, vừa học tập. Ông Trịnh Minh Thành cho biết: “Khi nắm bắt chủ trương của tỉnh cho học sinh học trực tuyến, các cấp hội đã đề ra ngay công việc cấp thiết là hỗ trợ thiết bị, mạng Internet cho những đối tượng học sinh có hoàn cảnh khó khăn, chưa có điều kiện tự trang bị”. Ngay lập tức, việc rà soát đối tượng hỗ trợ được các cấp hội trao đổi với địa phương, ngành giáo dục, các đơn vị trường học để có thông tin đánh giá chính xác nhất, sự hỗ trợ kịp thời nhất.
Theo ông Thành, công tác khuyến học - khuyến tài trong năm 2021 tập trung vào mục tiêu cao nhất là không để một học sinh nào vì khó khăn về thiết bị, mạng Internet mà gián đoạn việc học tập trực tuyến. Những mặt công tác khác đều nhường lại cho nhiệm vụ quan trọng này. Các nguồn kinh phí vận động, quỹ khuyến học - khuyến tài đều dồn lực cho việc hỗ trợ học sinh khó khăn có được điều kiện tham gia học tập theo hình thức mới.
Trong năm 2021, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, các cấp Hội Khuyến học trong tỉnh đã nỗ lực vận động và tổ chức phối hợp triển khai hỗ trợ các nguồn quỹ cho công tác khuyến học, khuyến tài trên địa bàn đảm bảo kịp thời, hiệu quả, nhất là vào đầu năm học 2021-2022. Tổng quỹ do Hội Khuyến học các huyện, TP Cà Mau vận động (bao gồm tiền mặt và hiện vật quy thành tiền) đạt gần 19,5 tỷ đồng.
Ðặc biệt, vai trò của các hạt nhân như gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập được tập trung đẩy mạnh và trở thành chỗ dựa vững chắc để cùng chăm lo cho sự nghiệp học tập của học sinh tỉnh nhà. Theo đó, với hình thức học trực tuyến, vai trò của gia đình hết sức quan trọng trong việc giám sát, hỗ trợ việc học tập của con em, nhất là ở các khối lớp nhỏ. Rộng hơn, việc phát huy vai trò của các dòng tộc học tập, cộng đồng học tập cũng là nguồn lực quý báu để kịp thời hỗ trợ các hoàn cảnh học sinh khó khăn cả về vật chất, tinh thần và tri thức để các em yên tâm hơn, vững vàng hơn khi học theo hình thức trực tuyến.
Cũng từ thực tế đó mà công tác khuyến học - khuyến tài ở Cà Mau tạo được dấu ấn mới mẻ, sự chuyển hướng theo chiều sâu, mang lại kết quả thực chất, xây dựng được lòng tin, sự đồng thuận trong toàn xã hội. Nói như ông Thành: “Năm qua, sự đồng hành của các cấp hội đã thực sự thấm sâu, lan toả, khơi dậy và nối dài thêm tinh thần hiếu học, vượt khó của học sinh Cà Mau”.
Quả ngọt
Về Thới Bình, nơi có truyền thống hiếu học vang tiếng của Cà Mau, chuyện học hành của con em đất này vẫn hăng say, rộn rã. Ông Phạm Văn Quang, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Thới Bình, thông tin: “Năm nay, hội tập trung mọi nguồn lực để hỗ trợ học sinh huyện nhà có điều kiện học trực tuyến. Bởi với nhiều gia đình khó khăn, việc trang bị máy tính, điện thoại thông minh rồi mạng Internet để con em học tập trực tuyến là vấn đề nan giải. Theo đó, học kỳ I năm học 2021-2022, huyện hội đã vận động và trao tận tay học sinh địa phương, tổng kinh phí gần 3 tỷ đồng”.
Trong câu chuyện, ông Quang hết sức tâm đắc với các tổ chức hạt nhân của khuyến học - khuyến tài mà theo ông: “Dịch bệnh đã khẳng định giá trị và sự đúng đắn về chủ trương xây dựng các mô hình gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập”. Ông Quang dẫn giải: “Nếu học trực tuyến mà gia đình, họ hàng, cộng đồng không quan tâm hỗ trợ, giám sát thì chất lượng làm sao đảm bảo, nhất là các em học lớp 1, lớp 2. Chính lúc này, vai trò của cha mẹ, người thân, làng xóm đã trở thành chỗ dựa cho việc học tập của con em mình. Chuyện này bây giờ nói ra ai cũng rõ, cũng đồng tình hết thôi”.
Gia đình ông Quách Thành Ðạo (Khóm 7, thị trấn Thới Bình) có 10 người con thì có 5 bằng đại học, 4 bằng thạc sĩ, đó là chưa kể số bằng cấp của thế hệ cháu, chắt. Ông Ðạo bộc bạch: “Hồi xưa nghèo khó, nuôi con đi học để mong nó nở mặt nở mày với xã hội, sau này trở thành người hữu dụng. Mình động viên, dạy dỗ con mình phải cố gắng học, giữ đạo đức con người, thời may các con đều ngoan, đều đỗ đạt. Tài sản mình cho bao nhiêu nếu không có chữ nghĩa, kiến thức, nghề nghiệp thì cũng tiêu hết thôi. Trong họ tộc, tôi cũng khuyên cháu con như thế đó”. Ông Ðạo cũng là Trưởng tộc dòng họ Quách nức tiếng hiếu học, thành đạt của xứ rạch Bà Ðặng.
Khi nhìn chị Quách Thị Ngọc Tuyết (con gái ông Ðạo - PV), hiện là giáo viên Trường THPT Thới Bình, kèm cặp đứa cháu học trực tuyến tại nhà, ông Ðạo mỉm cười: “Thấy chưa, nếu tụi nó không học hành đàng hoàng, giờ biết đường đâu mà dạy cho con cháu. Mà mấy chú ngẫm kỹ đi, việc đi học đâu phải phó thác hết cho nhà trường, ở gia đình, dòng họ, hàng xóm cũng quan trọng lắm. Mình làm gương được tốt thì con em còn nhỏ tấn tới thấy cái hay, cái tốt học theo, như vậy mới tiến bộ lâu bền được”.
Chị Quách Thị Ngọc Tuyết, giáo viên Trường THPT Thới Bình, hỗ trợ cháu học tập trực tuyến tại nhà, nối tiếp truyền thống hiếu học của dòng họ Quách ở rạch Bà Ðặng. |
Theo chỉ dẫn của ông Ðạo, chúng tôi về Ấp 2, xã Thới Bình, cuối rạch Bà Ðặng, tìm gặp gia đình ông Nguyễn Văn Bé, càng thấy tinh thần dòng tộc học tập lan toả rộng xa. Ông Bé cho biết: “Tôi là em rể út của anh Ðạo, nhà có 5 đứa con, treo được 4 bằng đại học. Nói thiệt, tôi và vợ tôi nhìn vào gia đình anh Ðạo để học theo mà phấn đấu. Con cái học hành đàng hoàng, có nghề nghiệp, tuổi già giờ thảnh thơi. Ðời người, có gì phúc bằng chuyện này. Với gia đình tôi, sự trưởng thành của con cái là tài sản lớn nhất, quý giá nhất”.
Toàn huyện Thới Bình hiện có hơn 28.000 gia đình học tập và 148 dòng họ học tập được công nhận, trên thực tế, con số này còn nhiều hơn. Phong trào học tập, tinh thần học tập, truyền thống học tập của vùng đất Thới Bình thôn đã đóng góp nguồn lực con người quý báu cho quê hương, xứ sở trong suốt hành trình đã qua.
Nhìn lại 1 năm khó khăn đã qua, thế mới thấy, vượt lên trên tất cả, cho dù đó là thử thách của đại dịch Covid-19, sự học ở Cà Mau vẫn miệt mài toả sáng...
Quốc Rin - Nhật Minh