Để giải bài toán tăng thu nhập cho nông dân, trong những năm qua, huyện Trần Văn Thời tập trung hỗ trợ bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chú trọng phát triển nhiều mô hình sản xuất đa canh. Từ đó, xuất hiện ngày càng nhiều hộ sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao.
Để giải bài toán tăng thu nhập cho nông dân, trong những năm qua, huyện Trần Văn Thời tập trung hỗ trợ bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chú trọng phát triển nhiều mô hình sản xuất đa canh. Từ đó, xuất hiện ngày càng nhiều hộ sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao.
Màu xanh quanh nhà
Gia đình anh Phan Văn Nghĩa, ấp Kinh Ngang, xã Khánh Lộc có 1,6 ha đất sản xuất, trong đó anh chuyển 0,6 ha sang trồng rau màu, 1 ha còn lại trồng lúa. Năm nào trúng mùa, 1 ha lúa cho thu nhập cao nhất 30 triệu đồng, còn 6 công rẫy làm được 4-5 vụ/năm, mỗi vụ cho thu nhập 50-60 triệu đồng, sau khi trừ các khoản chi phí anh còn lãi hơn 150 triệu đồng/năm. Anh Nghĩa cho biết, trồng rau màu không nặng nhọc, nhưng phải chịu khó chăm sóc. Tính ra 1 kg rau màu có giá bằng hoặc hơn 1 kg lúa, nếu chuyên cần sẽ mang lại nguồn thu không nhỏ.
Nhiều người dân ở xã Trần Hợi trồng cây ăn trái tăng thêm thu nhập cho gia đình. Ảnh: H. VŨ |
Ngôi nhà trị giá gần 500 triệu đồng đang hoàn thành là kết quả của những ngày tháng chịu khó lao động của gia đình anh Phan Thanh Dũng, xã Trần Hợi. Niềm vui được nhân đôi khi thương lái đến tận vườn chào mua cam với giá 15.000 đồng/kg loại 1. Anh dự tính, nếu theo giá trên thì 1.000 cây cam của gia đình sẽ cho thu nhập vài trăm triệu đồng.
Ông Phạm Văn Tiễn, một nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh nhiều năm liền ở ấp 10B, xã Trần Hợi, đúc kết: "Muốn kinh tế phát triển ổn định thì phải nuôi đa con, trồng đa cây trên cùng diện tích. Điều quan trọng là phải nắm bắt được thị trường và phải áp dụng khoa học - kỹ thuật vào nuôi trồng cho phù hợp với vùng đất thì mới đem lại hiệu quả cao".
Khôi phục nguồn lợi cá đồng
Ông Lã Việt Bắt, ấp 3, xã Trần Hợi nhiều năm liền nuôi thâm canh cá bổi và cá rô đầu vuông thành công. Ảnh: HOÀNG VŨ |
Ông Lã Việt Bắt, ở ấp 3, xã Trần Hợi, nghĩ: "Hồi xưa tát đìa ăn Tết, cá lóc phải lựa con bằng cổ chân trở lên, cá rô to bằng bàn tay mới bắt. Còn bây giờ, kiếm con cá lóc tự nhiên trên nửa ký là khó. Đã đến lúc phải nuôi mới đáp ứng được nhu cầu". Từ ý thức trên, nhiều năm qua ông duy trì nhân nuôi cá đồng, mỗi năm thu nhập trên 100 triệu đồng (chưa kể đến nguồn thu từ trồng rau màu, cây ăn trái kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm).
Ông Nguyễn Văn Tuấn, ấp Kinh Hãng C, xã Khánh Hưng, tận dụng các mương gần nhà để thả nuôi từ 1.000-2.000 con cá lóc, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông cho biết, chỉ với 1 ao nuôi cá lóc rộng 20-25 m2, thả khoảng 1.000-1.500 con cá, nuôi trong 4 tháng, có thể giúp ông kiếm lời gần 10 triệu đồng. Nhờ tận dụng nguồn cá mồi trong tự nhiên nên hầu như ông không tốn chi phí thức ăn cho cá.
Sản xuất lúa, trồng rau màu kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm mang lại hiệu quả kinh tế cao. |
Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Trần Văn Thời Phan Thanh Hải cho biết, những năm gần đây, nhiều mô hình trồng lúa kết hợp nuôi cá đồng, trồng rau màu, cây ăn trái, nuôi lươn, rắn, gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện phát huy hiệu quả rất tốt và đang được huyện quan tâm hướng dẫn nông dân tiếp tục nhân rộng.
Từ thực tế trên cho thấy, mô hình sản suất đa cây, đa con trên cùng diện tích là một hướng đi đúng. Từ những mô hình này, nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng ngay trên mảnh vườn, thửa ruộng của mình./.
Hiện nay, diện tích trồng màu của huyện Trần Văn Thời là 3.000 ha, bà con cho biết, 1 công màu có thu nhập cao gấp 3-4 lần so với 1 công lúa. Những năm qua, huyện cũng đã triển khai thực hiện dự án sản xuất lúa - cá đồng tại các xã: Trần Hợi, Khánh Lộc, Khánh Bình Tây và Khánh Bình Tây Bắc. Đến nay, diện tích nuôi cá đồng trong toàn huyện là 14.279 ha. Trong đó, diện tích nuôi quảng canh 14.000 ha, thâm canh 279 ha. Tổng sản lượng cá đồng thu hoạch gần 30.000 tấn/năm. |
Bài và ảnh: Trung Đỉnh