(CMO) Trong những nông dân tỷ phú ở TP. Cà Mau, Tám Dũng ở phường Tân Thành thuộc số hiếm những nông dân có chữ nghĩa hết cấp III và thành đạt ở tuổi ngoài 40. Tháng 10/2017, Tám Dũng vinh dự được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tặng bằng khen. Tháng 11/2017, Tám Dũng lại được tỉnh chọn đi Thái Lan học hỏi mô hình làm kinh tế du lịch vườn. Con đường đi đến thành công của anh nông dân trẻ này có thể nói là không tưởng.
Vào những năm cuối của thập niên 80, kinh tế nông nghiệp của dân Tân Thành còn rất yếu, đa phần là vườn tạp, chỉ làm lúa mùa, đâu có nuôi cá chình, cá bống tượng để trở thành làng cá được nhiều người biết đến như bây giờ. Sau mùa lúa, rất nhiều lao động không có chuyện làm. Đám con gái tập trung lại dệt chiếu tại địa phương, tên làng chiếu Tân Thành có từ đó. Còn đám con trai kéo nhau đi xuống các cửa biển đặt cua và làm mướn. Tám Dũng là một trong số những thanh niên ở xóm đi đặt cua ở Đất Mũi. Có điều là vào lúc đó, ai ở xóm đặt cua qua con nước cũng có cua cân cho vựa, còn Tám Dũng thì khi có khi không, nhằm con nước không đủ cua luộc nhậu.
Mấy ông già thấy Tám Dũng như con gái, trói cua không chặt, họ cười với nhau, "không xong rồi lượm ơi!". Thật ra, anh em Tám Dũng có máu mua bán của ông bà già nhiều hơn làm ruộng, mà mua bán được là nghệ thuật và đúng là như vậy.
Tám Dũng tên thật là Cao Văn Dũng, anh sinh năm 1970, quê quán ở Ấp 2, xã Tân Thành, giờ là Khóm 6, phường Tân Thành. Gia đình Tám Dũng nghèo, cha mẹ chỉ có 12 công đất làm lúa mùa, thu hoạch một năm chỉ non trăm giạ lúa, trong khi đó nhà lại có tới 10 anh em, 12 công đất làm lúa không đủ ăn.
Để có thể nuôi sống được gia đình, cha mẹ và các anh chị lớn của Tám Dũng có thêm nghề bán hàng bông trên sông. Tuy gia đình nghèo, cha mẹ của Tám Dũng vẫn cố gắng lo cho anh em của Tám Dũng biết chữ. Mấy anh chị lớn đều được đi học, có người học hết cấp I, có người học hết cấp II, riêng Tám Dũng học hết cấp III, trường THPT Tắc Vân.
Năm 18 tuổi, sau khi tốt nghiệp cấp III, Tám Dũng cũng như các anh chị lớn phụ gia đình kiếm sống để lo cho hai người em còn lại. Trong những chuyến theo dân xóm đi đặt cua, thấy có nhiều phế liệu theo dân cư vùng sông nước không có ai thu mua, Tám Dũng quyết định chuyển qua nghề thu mua phế liệu trên sông. Anh không ngờ mình là người đầu tiên lúc đó nghĩ ra chuyện thu mua phế liệu trên sông và có thu nhập ngoài sức tưởng tượng.
Sau 3 năm thu mua phế liệu, Tám Dũng sắm được ghe, máy trị giá vài chục cây vàng và còn có thêm số vốn bồn bộn vài chục cây vàng. Thành công của Tám Dũng lúc đó có thể giải thích là có thời. Đó là cái thời hoàng kim của nghề mua bán phế liệu, những thứ tưởng chừng như bỏ đi như bọc ni-lông, mũ, sắt, giấy vụn, ve chai, lông vịt đều là tiền. Nhiều vựa phế liệu ở thị xã Cà Mau giàu lên như thổi cũng trong những năm đó.
Sau hơn 3 năm thu mua phế liệu trên sông thành công, có vốn, có gia đình, Tám Dũng còn phát hiện một nghề "ngon ăn" hơn cả thu mua phế liệu vào lúc đó, đó là nghề bán tạp hoá và anh đã không bỏ qua cơ hội. Năm 1992, Tám Dũng mở tiệm bán tạp hoá ở Rạch Tàu, Đất Mũi. Tiệm tạp hoá có cả mặt hàng điện máy, máy nổ, lưới biển. Tiệm nhộn nhịp như cái chợ ở Rạch Tàu. Tám Dũng bán tạp hoá ở Rạch Tàu gần 20 năm, anh sở hữu một hàng đáy biển ở cửa Khai Long, một ghe đánh bắt xa bờ ở Rạch Tàu, 120 công vuông ở Đất Mũi. Tất cả đều cho mướn, tiền càng đẻ thêm tiền.
Thành công của Tám Dũng trong những năm đó có thể nói là gặp thời và có duyên. Đó là những năm giao thông thuỷ, bộ ở Cà Mau còn khó khăn, từ thị xã Cà Mau đến Rạch Tàu mất cả ngày ngồi tàu đò, hàng hoá cũng lưu thông khó khăn và khan hiếm. Đó cũng là thời nghề bán tạp hoá ở Cà Mau ăn nên làm ra và hái ra tiền. Tám Dũng còn có duyên là nhờ ngày đó đặt cua vụng về, chứ đặt cua trúng thấy ham như người khác, anh đã không thấy được cái thời mà nhiều người bỏ qua. Tám Dũng còn có chút lợi thế là có vốn văn hoá cấp III nên dễ dàng bắt nhịp vào thương trường, không phải sở đoản của anh nông dân, anh thành công có một phần không nhỏ từ đó.
Năm 2008, khi 2 người con của anh chuẩn bị vào đại học, nghề mua bán tạp hoá của anh cũng đã qua thời hoàng kim, Tám Dũng quyết định rút về TP Cà Mau chăm sóc cha mẹ già, lo cho 2 con học đại học, an hưởng tuổi về chiều.
Nói là an hưởng tuổi về chiều, nhưng khi trở lại Tân Thành, dân xóm thấy vợ Tám Dũng mở tiệm bán tạp hoá ở xóm, còn Tám Dũng thì gần như trở lại với anh nông dân của Tân Thành ngày nào. Anh mua thêm 18 công đất cặp ranh với đất của gia đình, nâng tổng số lên 30 công, bắt tay vào nuôi cá chình, cá bống tượng. Từ năm 2008-2013, Tám Dũng đầu tư nuôi 13 ao cá chình, cá bống tượng, thu nhập bình quân 1 năm hơn 1 tỷ đồng.
Du khách thích thú hoà mình vào vườn của Tám Dũng. |
Trong thời gian nuôi cá, Tám Dũng còn tạo ra một mô hình được dân xóm chú ý, đó là tận dụng diện tích bờ ao trồng rau đắng. Bờ bao nuôi cá chình, cá bống tượng khá cao, diện tích bề mặt giữa hai ao liền kề nhau khá rộng, có nơi gần chục mét, chạy dài hàng trăm mét. Dân nuôi cá ở Tân Thành đã biết tận dụng diện tích bờ ao nuôi cá trồng màu, dưa hấu Tết, nhưng trồng rau đắng thì chưa. Tám Dũng trồng được rau đắng trên bờ ao nuôi cá bằng cách đào xuống khoảng 3 tấc, trải tấm bạt cao su, bơm sình non vào và trồng rau đắng.
Điều thú vị là, với cách làm này, Tám Dũng trồng được rau đắng quanh năm, đầu ra của rau đắng ở các chợ nông sản của thành phố lại rất mạnh, thu nhập từ trồng rau đắng bình quân 1 năm hơn 120 triệu đồng.
Du khách câu cá, nướng cá trong vườn của Tám Dũng. |
Từ năm 2013-2016, dân xóm lại thấy Tám Dũng nghỉ trồng rau đắng, thay vào đó là những cây ổi bôm nhìn rất lạ, phát triển thành vườn ổi xum xuê. Điều đáng nói, không lâu sau đó, dân xóm lại thấy đầu ra ổi bôm của Tám Dũng không chỉ mau chóng hút mạnh ở các chợ nông sản của thành phố, còn có rất nhiều người tìm đến vườn ổi của anh thưởng thức. Tính ra vườn ổi của Tám Dũng cho thu nhập gần gấp 3 lần so với trồng rau đắng trước đó và công chăm sóc nhẹ hơn cũng gấp nhiều lần. Thấy mô hình vườn ổi trên ao cá của Tám Dũng coi bộ được quá, 7 hộ dân ở xóm cũng làm theo. Diện tích vườn ổi và cây ăn trái xung quanh Tám Dũng nâng lên gần cả chục héc-ta.
Đầu năm 2017, Tám Dũng đầu tư ao câu cá, những con đường nhỏ đi vào vườn, những căn chòi gỗ ngồ ngộ trong vườn ổi và treo bảng du lịch vườn! Mới đầu, dân xóm nghĩ, Tám Dũng chắc ấm đầu hay sao rồi, có mấy cây ổi, ma nào thèm vô mà gọi du lịch vườn! Nhưng rồi không lâu sau đó, khách đến vườn ổi của Tám Dũng và 7 hộ dân xung quanh nườm nượp, ai cũng giật mình. Nhiều người tò mò, mô hình du lịch vườn này hiệu quả thế nào? Tám Dũng cười, nếu trước đây thu hoạch cá, rau đắng 1 năm hơn 1 tỷ đồng, nay thu hoạch cá, ổi, dịch vụ khách vào vườn tính ra không dưới 1,5 tỷ đồng/năm. Mô hình du lịch vườn của Tám Dũng mau chóng gây chú ý.
Lãnh đạo thành phố đến xem, thấy có lý, quyết định đầu tư hạ tầng cho cả 7 hộ dân khu vực này hơn nửa tỷ đồng để phát triển du lịch vườn. Khách vào vườn ổi còn thấy Tám Dũng bận rộn như đại gia làm chuyện lớn, chiếc điện thoại hoạt động liên tục, người gọi điện đến mua ổi, người gọi điện đến đặt chỗ vào tham quan, phát mệt. Thấy Tám Dũng bận rộn như vậy, có người biết chuyện thắc mắc, ông bán tạp hoá trước đây giàu quá trời quá đất rồi, còn làm chi dữ vậy, của để đâu cho hết? Tám Dũng nhìn vườn ổi nặng trái bên những ao cá, mắt đắm đuối như người đang yêu, ông cười, "tình yêu của đất".
Câu trả lời giản dị vậy nhưng lại là câu chuyện đầy thuyết phục khiến Tám Dũng có mặt ở Hà Nội trong năm nay.../.
Ái Như