ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 20-9-24 10:59:40
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Tấm lòng người mẹ

Báo Cà Mau (CMO) Bà Tư Phiến (Dư Thị Phiến, hiện ngụ Khóm 6, Phường 9, TP. Cà Mau) không phải là anh hùng, không có những huân chương chiến công, chỉ đơn thuần là người mẹ của 7 đứa con. Trong mắt mọi người bà chỉ là một người phụ nữ bình thường, nhưng với những đứa con trong gia đình, bà như một tấm gương sáng soi rọi cho mọi người.

Trong những năm lửa đạn, giặc càn tận rừng sâu, bà tay bồng tay bế, đến những năm vừa hoà bình, trong cuộc sống nghèo khó phải gồng mình nuôi con, bà chưa từng buông câu than vãn.

Thấm thoát gần nửa thế kỷ nhưng những ký ức về cuộc chiến tranh qua đi vẫn in sâu trong trí nhớ của bà, dù không nhớ rõ ngày tháng hay địa danh ngày ấy, nhưng hình ảnh về thời bom đạn, sự sống treo lơ lửng vẫn còn như mới hôm qua. Ngồi nghe câu chuyện hai lần mất con của bà Tư mới cảm thấy nỗi đau của người mẹ và tình thương con mãnh liệt biết dường nào.

Lần đầu khi bà nhận chuyển công tác từ y tá phụ trách chăm sóc sức khoẻ cán bộ Huyện uỷ Ngọc Hiển về Bệnh xá Dân quân những năm 1970, đoàn xuồng ba lá gồm 6 chiếc, bà cùng chồng tay dắt đứa con trai 7 tuổi bồng theo đứa con gái chưa tròn 2 tuổi, cùng mọi người vượt rừng sang căn cứ mới. Rủi thay, dọc đường biệt kích đánh úp cắt đuôi, bắn liên hồi, chưa kịp trở tay thì đứa con trai đã bị giặc bắn vào đầu, nào có kịp khóc than. Bà chỉ kịp ôm vội đứa con gái nhảy khỏi xuồng cùng chồng chạy khỏi tầm hoả lực, may thay lúc đó đồng đội cứu viện kịp. Sau loạt đạn AK, toán biệt kích hoảng quá nên bỏ đi.

Trở lại khu vây hãm của giặc để tìm xác con, mới biết tụi giặc đã quăng xác thằng nhỏ xuống trôi sông, chỉ nhặt được mảnh xương đầu gói ghém trong miếng khăn, mãi đến ngày hôm sau mới nghe tin xác con mình được người ta thương tình nhặt rồi đem về chôn gần kênh Xẻo Voi. Vì phải lo cho chồng bị thương sau đợt biệt kích bắn, nên việc nhìn mặt con lần cuối khi phủ lên nắm đất lạnh bà cũng chẳng thể làm.

Tính bà Tư làm thì nhiều, ăn lại ít, mà ngặt nỗi những món ngon, vật lạ bà lại không thích. Cơm nhà bà nấu cho các con ăn luôn là bữa thịnh soạn. Không phải là những món sơn hào hải vị, mà phải đủ các món canh, xào, mặn. Còn riêng bà cái mẻ cá kho khô bé tẹo, kho từ bữa trước đến bữa sau. Chỉ cần chan thêm nước canh với bà là đủ. 

Bụng bà nghĩ, ăn vầy là đã ngon hơn nhiều so với ngày chạy giặc rồi. Ngày đó thiếu thốn đủ điều. 

Minh hoạ: Phạm Hữu Huỳnh

Nhắc đến đoạn này, bà lại nhớ đến năm 1971, lần mất con thứ hai. Lần đó bà cùng người con gái 3 tuổi và người con trai vừa hạ sinh được hơn 1 tháng tuổi về thăm nhà chồng tận xứ U Minh. Có người đồng đội đi cùng hộ tống. Trên đường từ U Minh về Ngọc Hiển, trời chạng vạng tối, xuồng bà lại gặp toán biệt kích đang nhậu. Chúng bắt xuồng tấp vào. Giả vờ quay đầu xuồng chèo vào bờ, "đùng” bà ôm đứa con gái 3 tuổi lặn xuống sông, để đứa con nhỏ giấu trên xuồng. Tụi biệt kích bắn xối xả xuống sông, bà Tư trúng đạn vào tay trái, nhưng tay phải vẫn ôm siết đứa con gái nhỏ của mình. Bà bơi sâu vào mé trảng đước bìa rừng, chui vào hang cá cặp mé để núp sự truy sát của giặc.

Con nước đang lớn, trúng đạn mất máu, sức bà không bơi qua nổi bờ bên kia hơn mươi thước nên buộc phải chờ đến sáng nước rút bà mới có thể ôm con vượt sông. Trời sáng hửng, ngâm dưới dòng nước lạnh cả đêm, đứa con gái 3 tuổi của bà khóc: "Mẹ ơi con lạnh và đói quá”; “Mẹ ơi mẹ bị thương rồi kìa”. Cái giọng trong trẻo của cô con gái nhỏ lên ba khi thấy nước sông hoà máu. Không chỉ vết thương do đạn trên tay, mà bà còn bị băng huyết do mới sinh chỉ hơn một tháng. Ôm chặt con vào lòng, bà thều thào: “Mẹ biết rồi con, nhưng con đừng nói chuyện, tụi giặc nghe nó bắn mình chết”. Nước ròng, bà bồng con lội qua bên kia bờ băng rừng mà chạy, đói khát làm lả người nhưng bà không dừng bước. Vết thương đau đớn lúc đó không làm chân bà chùn lại, tất cả vì sự sống của đứa con.

Xa xa, bà thấy như có vùng cứ của quân mình, gồng sức lội đến nơi thì chỉ là một trạm quân ta bỏ hoang khi chuyển cứ điểm. Chẳng còn lại gì ngoài một số cột chèo hỏng, loay hoay tìm được chút nước ngọt đọng lại trong cái chén mẻ, mà nửa chén là sình đất, đút nước cho con uống đỡ. Đứa con gái nguầy nguậy: “Nước sao thối quá vậy mẹ?”. Bà Tư cố vỗ về con ráng uống cho đỡ cơn khát, vì trong cánh rừng ngập mặn, nước ngọt vô cùng hiếm. Đứa con hớp một hớp quay qua nói với bà: “Mẹ uống đi mẹ”. Bà lại tiếp tục vỗ về con: “Mẹ uống rồi, con uống đi”. Đút con ngụm nước còn đọng lại ít ỏi, bà tiếp tục bồng con đi vô định giữa rừng. Đi từ sáng đến chiều, đứa con lại khóc vì đói. Do mới sinh nên bầu ngực bà còn ít sữa, lấy chén mẻ nhặt được khi sáng, bà vắt được 2 mẻ sữa ít ỏi cho đứa con gái. Đứa con đói cả ngày hớp vài ngụm, xong lại đẩy cho bà, kêu bà uống cho đỡ đói. Nhưng bà vẫn vỗ về con uống hết những giọt sữa đó.

Trời mù tối, bà lại ẵm con lội xuống mé sông tiếp tục tìm hang cá để trốn, vì sợ biệt kích đi càn. Vừa xuống tới nước, cơn khát cùng cực khiến bà uống liền mấy ngụm nước mặn. Vừa uống vào không được bao lâu đã ói ngược ra hết. Trời tối hẳn, bà dùng tóc mình quơ muỗi cho con. Hai ngày hai đêm không ăn uống gì, phải ngâm mình dưới sông, bà Tư không còn chút sức lực. Trời lại hửng sáng, bà vẫn bồng con trên tay, những vết thương không còn cảm giác nữa. Dù sức cùng lực kiệt nhưng thần trí bà vẫn tỉnh táo, nghe từ xa có tiếng chèo xuồng, bà ngẫm chắc là người dân hoặc đồng đội đang tìm kiếm mình. Dùng chút sức còn lại bà hét lên: “Ai đó?”, mọi người nghe tiếng, biết là bà Tư nên vội chèo nhanh tới, lúc bấy giờ bà đã ngất đi rồi.

Về tới căn cứ, bà Tư mới hay tin người con trai của bà còn sống. Số là lúc đó người đồng chí đi cùng bà đã mạo hiểm tính mạng lặn ngược trở lại xuồng bồng đứa con trai của bà chạy về căn cứ trước. Kể đến đoạn này, đôi mắt bà nhoè đi. Bà khóc vì nỗi niềm khi không giữ được đứa con đầu lòng. Bà khóc khi quá khứ đã qua gần nửa thế kỷ rồi, mà như mới ngày hôm qua, nỗi sợ vì mình có thể mất con lần thứ hai.

Rồi lần lượt những đứa con sau ra đời, chiến tranh, giặc giã có phần bớt ác liệt hơn, nhưng cái nguy hiểm không làm bà e sợ. Vẫn một tay nuôi con, một tay làm y tá cứu chữa cho các chiến sĩ, đồng đội của bà. Khi hoà bình, vì 6 người con nhỏ, cần có người chăm sóc, dạy dỗ nên bà đành thôi công tác để lo việc nhà.

Người hiền lành, điềm đạm, dù tuổi đã gần 80, ở cái độ lẽ ra phải an hưởng, thì với bà Tư lại khác. Tình thương yêu bà dành cho các con như hoá thành sức mạnh trong bà để mỗi ngày luôn xắn quần xắn áo làm việc nhà, phụ con trông cháu… Đôi lúc lo sợ bà làm việc quá sức thì căn bệnh huyết áp tái phát, các con bà luôn cản ngăn. 

Nhưng bà Tư có bao giờ chịu nghỉ ngơi đâu, ai nói gì nói, bà làm cứ làm. Tính của bà là vậy. Sức bà còn làm được tới đâu thì làm, bởi tình thương của bà đối với con cháu vẫn đong đầy./.

Khánh Phương

Giải quyết nhanh thủ tục cho người dân

Nỗ lực cải cách hành chính (CCHC), hướng đến sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, chính quyền xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời tạo được niềm tin trong Nhân dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước.

Rạch Gốc quyết tâm xây dựng nền hành chính văn minh

Thực hiện công tác cải cách hành chính (CCHC) gắn với chuyển đổi số, thị trấn Rạch Gốc đang dồn lực, quyết tâm cao để xây dựng nền hành chính “văn minh”, “hiện đại”, phục vụ tốt nhất cho người dân.

Hoà Mỹ - Hướng dẫn nhiệt tình, giải quyết nhanh gọn

Thời gian qua, UBND xã Hoà Mỹ, huyện Cái Nước nỗ lực thực hiện cải cách hành chính (CCHC), tạo chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn.

Giải quyết toàn trình khi đăng ký, cấp biển số xe lần đầu

Thời gian qua, ngành thuế tích cực đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho người nộp thuế (NNT). Trong đó, giải quyết thủ tục khai, nộp lệ phí trước bạ đối với ô tô, xe máy đem lại hiệu ứng tích cực.

“Thị sát” bộ phận một cửa

Ðóng vai một người dân đến thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) tại bộ phận một cửa ở một số xã trên địa bàn tỉnh, thành viên Ðoàn Kiểm tra cải cách hành chính (CCHC) tỉnh đã ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực trong thái độ tiếp công dân của công chức. Cũng từ những chuyến “thị sát” thực tế này đã ghi nhận nhiều hạn chế nhất định.

Cải cách mạnh mẽ nền hành chính ở cơ sở

Là nơi trực tiếp làm việc với công dân, chính quyền cơ sở (xã, phường, thị trấn) trên địa bàn tỉnh không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động. Việc xây dựng chính quyền gần dân, vì dân được thể hiện rõ nét trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC), xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực, trình độ, gần dân và sát dân.

Ðem lợi ích đến người dân

Thời gian qua, để nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, huyện Ðầm Dơi không chỉ rà soát, cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) mà còn triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hoá phương thức chỉ đạo, điều hành và tiếp nhận, giải quyết TTHC, tăng tỷ lệ hồ sơ trực tuyến.

Nỗ lực dỡ rào cản “Chi phí không chính thức”

Ðược đánh giá là chỉ số nhạy cảm nhất trong 10 chỉ số thành phần cấu thành Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số “Chi phí không chính thức” của tỉnh Cà Mau trong năm qua mặc dù ghi nhận có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng vấn đề cải thiện đối với chỉ số này vẫn còn chậm so với mục tiêu đề ra.

Rõ người, rõ việc, rõ thời gian

“Việc cải cách hành chính (CCHC) cần rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm... để dễ kiểm tra, dễ đánh giá, dễ thúc đẩy, khơi thông nguồn lực đất nước”, đây là yêu cầu được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhắc lại nhiều lần trong các cuộc họp liên quan đến công tác CCHC với các địa phương.

Gỡ “điểm nghẽn” trong đào tạo lao động

Ðứng vị trí 52/63 tỉnh, thành cả nước, Chỉ số thành phần Ðào tạo lao động trong Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Cà Mau được đánh giá còn nhiều hạn chế, tiêu cực. Trong đó, nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ về công tác đào tạo lao động, tuyển dụng lao động, chất lượng lao động qua đào tạo, hướng đến cải thiện môi trường kinh doanh, tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp (DN).