(CMO) Xuôi con lộ Tắc Thủ - Sông Đốc, một bên là đồng lúa đang vào độ cong trái me, phía bên kia là những đầm tôm nối nhau vào vụ, mạch đất chia hai, chỉ con đường là lằn ranh giữa đôi dòng mặn - ngọt. Có đất nào lạ lùng như Trần Văn Thời, cây lúa và con tôm cứ chạy song song nhau ra tận phía biển ở Đá Bạc, cửa Ông Đốc. Nhiều người nói, đó là hình ảnh của Cà Mau thu nhỏ, một Cà Mau trù phú, đa dạng và chứa đầy sự ngạc nhiên.
Anh Trương Thanh Hải, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Trần Văn Thời, cho biết: “Theo đúng quy hoạch, Trần Văn Thời có cả rừng, cả biển, cả lúa. Có thể nói, cây lúa - cây tràm - con tôm là thế đứng vững chắc để địa phương tiếp tục phát triển”.
Lúa - tôm và cuộc đổi đời
Ngoại trừ những cư dân ở cửa biển, chạy dọc mép con sông Ông Đốc, còn lại người dân nơi đây bao đời sống gắn chặt mình với hệ sinh thái ngọt lợ. Anh Hải thông tin: “Quy hoạch sản xuất vùng ngọt và vùng mặn mở ra một sự thay đổi lớn, bà con đã có cuộc đổi đời thực sự”. Theo đó, những vùng đất phèn gò hoặc bị xâm mặn được chuyển đổi sang mô hình tôm - lúa. Theo lời anh Hải, con tôm đã dần phá thế độc canh của vụ lúa mùa, cái mốc đánh dấu bước ngoặt này là năm 2000.
Trở lại với thời điểm này, người dân nhiều nơi trong tỉnh ùn ùn đi bửa đập, đưa nước mặn vào đồng ruộng và kiên quyết nói “không” với cây lúa. Khi có chủ trương của Nhà nước là được chuyển dịch nhưng phải là tôm - lúa, nhiều người “ừ hử” cho qua, nhưng trong thâm tâm đã đoạn tuyệt với nghề nông được truyền từ bao đời. Một thời làm ruộng, nhiều người vẫn chưa quên sa mưa thì sạ mạ, mưa sòng thì cấy, gió trở chướng thì tới mùa gặt… Con tôm nghiễm nhiên lên ngôi.
Sau những vụ mùa trúng “bể lú”, người ta dần quên đi những ngày bên cây lúa. Nhưng người Trần Văn Thời vẫn giữ được sự hài hoà giữa tôm và lúa. Mối duyên tưởng đâu tréo ngoe hoá ra lại là sự lựa chọn hợp lý của cả đất trời và lòng người. Anh Hải thông tin: “Diện tích lúa hằng năm đều đạt chỉ tiêu, nhất là trên đất nuôi tôm, bà con vô cùng ý thức”.
Chỉ những năm hạn hán như năm 2016, vụ lúa trên đất nuôi tôm mới sụt giảm, còn năng suất luôn đảm bảo trên dưới mức 30 giạ/công. Anh Hải phân tích: “Trần Văn Thời mùa nước ngọt thì con tôm khó phát triển, lúc này cây lúa là lựa chọn tối ưu”. Vậy là người dân trồng vụ lúa không phải “đối phó” mà là sinh kế, là hướng để tích luỹ phát triển kinh tế gia đình. Lúa vừa đảm bảo nhu cầu sinh hoạt, vừa tạo ra môi trường tốt để vụ tôm sau phát triển, lợi đôi ba đường nên nói một cách nôm na “khỏi cần vận động người ta cũng mần”.
Con tôm tạo ra giá trị kinh tế cao, nhưng sự bền vững mới là lựa chọn tốt nhất cho người nông dân. Mỗi năm, Trần Văn Thời thu hoạch trên dưới 300.000 tấn lúa. Nơi đây còn có những bến lúa, chợ lúa thu hút khắp thương lái của Nam Bộ. Nơi thuần nông lúa đạt năng suất trên 6,5 tấn/ha, vùng có nuôi tôm thì lúa cũng ở mức 3,5 tấn/ha.
Anh Hải phấn khởi: “Nhiều bà con trước bỏ luôn vụ lúa giờ tự động khôi phục”. Có cả những nơi trước đây thuần nông, nhưng cây lúa không phát triển được vì gò phèn, sau khi nuôi tôm bỗng nhiên trồng lúa rất trúng. Điều này được lý giải, khi nuôi tôm, đất được tháo chua, rửa phèn, lúa vì vậy phát triển tốt.
Con tôm phá thế độc canh cây lúa, nhưng cũng tôn vinh giá trị cây lúa. Ghé thăm xã Khánh Bình càng thấm thía điều này, anh Phạm Văn Vẹn, Chủ tịch UBND xã Khánh Bình, khẳng định: “Nuôi tôm khá mà trồng lúa bền vững, ổn định. Nạnh ai nấy phấn đấu làm ăn thôi”.
Tâm tình mặn - ngọt
Thương binh Nguyễn Văn Ninh, ấp Rạch Bào, xã Khánh Bình, kể: “Tui tham gia du kích xã, bị địch bắt đày Côn Đảo, tiếp thu mới được về”. Trên đất hương hoả, ông Út Ninh làm lúa, trồng rẫy, nuôi cá. Đất canh tác không nhiều, nhưng bằng sức lao động dẻo dai, mùa màng thuận lợi, ông và vợ cũng nuôi 5 đứa con trưởng thành. Ông Út chậc lưỡi: “Xui quá, hầm cá bổi hồi hổm lên lỗ mấy chục triệu, bán cho lái nó giựt luôn, cũng mấy chục triệu nữa, rầu quá”. Nhà ông trồng dưa leo, đậu đũa quanh năm, nhưng theo ông: “Trồng bậy bạ vậy chớ có bao nhiêu đâu”. Ông Út nói: “Đói thì hổng đói mà biết chừng nào mới khá nổi”. Ông kể ra vô vàn lý do: “Phân thuốc lên giá quá trời, tụi tui toàn mua trước trả sau, làm ra trái dưa, cây cải thì giá thấp”.
Từ 2 trái dừa xiêm dây xin của người bạn ở U Minh, ông Út Ninh đã gầy dựng vườn dừa hơn 30 gốc, thu nhập hằng ngày trên dưới 500.000 đồng. |
Tới đây ông Phạm Văn Chiến (nguyên Chủ tịch UBND xã Khánh Bình) tiếp lời: “Làm lúa này có lời lóm gì đâu con ơi. Làm vuông đỡ cực hơn, người ta mấy năm lên nhà tường”. Rồi như sực nhớ điều gì, ông nói: “Ờ, nuôi tôm quảng canh thường thôi, chớ tôm công nghiệp thì cũng bị “sập sĩ” à”. Anh Phạm Hoàng Nam, phụ trách nông nghiệp xã, cũng xác nhận: “Bà con làm vuông có phần khá hơn, nhưng là tôm - lúa, còn vùng chuyên canh tôm thì cũng vất vả lắm”. Chính ông Chiến cũng đôi lần hùn hạp nuôi tôm, nhưng ông thấy rằng “mình quen cái gì thì mần cái đó, cỡ nào cỡ, có bồ lúa trong nhà cũng chắc ăn hơn”.
Làm giàu từ con tôm là một ước mơ chính đáng và đầy cơ sở của người dân Cà Mau, trong đó có bà con xã Khánh Bình, nhưng nhiều vùng độc canh con tôm đã phải bắt đầu nhìn nhận lại. Với thời tiết, dịch bệnh và rủi ro ngày càng phức tạp, nhiều người phải chịu cảnh “đỏ mắt” khi tôm đỏ đầm. Lúc này, người ta lại nhớ về một thời xa xưa nào đó, nơi có đồng lúa oằn bông, sau nhà là mê bồ lúa vun ngọn. Hoặc đôi khi, nhìn cái nắng chang chang chói sao, đầm nước mặn khô chỉ có đám cỏ nước mặn, người ta lại thèm cái mát rượi của cây dừa, bụi tre mạnh tông. Khi này, nói như lời ông Út Ninh: “Người ta sẽ không còn so đo con tôm, cây lúa nữa. Nông dân mà, ăn chắc mặc bền, phát triển chậm mà chắc là ngon nhứt”.
Ông Nguyễn Hoàng Thiên, ấp Chống Mỹ, thì tâm sự: “Chỗ này hồi đó làm lúa thất lắm, chuyển dịch rồi thì có tôm, cây lúa cũng trúng hơn, từ đó bà con khấm khá”. Từ tay trắng, ông Thiên mua được 4 miếng đất hơn 60 công, nuôi 4 đứa con ăn học thành tài. Ông vừa có đất tôm - lúa, vừa có đất chuyên lúa, nên có cái nhìn phóng khoáng và kín kẽ hơn: “Nói vậy thôi chớ vùng ngọt hoá bền vững hơn, nếu chịu khó ứng dụng khoa học - kỹ thuật, tìm thấy mô hình phù hợp thì phát triển mạnh. Con tôm độc canh ngày càng rủi ro, bởi vậy bỏ lúa, bỏ rẫy đâu được”.
Theo hướng của ông Thiên, dân Chống Mỹ nuôi vụ tôm, làm vụ lúa, trồng rẫy quanh năm, nhiều hộ nuôi tôm càng xanh đón mùa Tết. Đồng đất nhộn nhịp, dòng mặn ngọt tuần hoàn mang lại đời sống sung túc. Giọt mồ hôi đổ xuống cho cuộc sống Khánh Bình thêm rộn rã những mùa vui./.
Phạm Nguyên