(CMO) Chế Lan Viên là nhà thơ tài năng và nhà văn hoá có vị trí rất quan trọng trong nền văn học Việt Nam hiện đại. Dù với vai trò là nhà thơ, nhà báo hay nhà văn hoá, ông luôn ý thức cao trách nhiệm của mình với vai trò là người nghệ sĩ và chiến sĩ trước vận mệnh dân tộc. Dù là bút ký, tuỳ bút, lý luận phê bình hay những bản tham luận cũng luôn đầy chất thơ, đầy triết lý, đầy trí tuệ ở các diễn đàn quốc tế. Công chúng đồng tình với ghi nhận của Nhà thơ Bằng Việt: “Chế Lan Viên là một nhà thơ đủ tầm vóc quốc tế”.
Chế Lan Viên là một nhà thơ lớn, nhà nghiên cứu lý luận, nhà phê bình văn học nghệ thuật hiện đại thế kỷ XX, là một tài năng chín sớm nhưng ông lại học hỏi không ngừng. Ông biết cách phát hiện để kế thừa những tinh hoa của thơ ca nhân loại từ Đông sang Tây, từ cổ điển Đường - Tống đến lãng mạn, siêu thực hiện đại. Suốt cả cuộc đời, Chế Lan Viên đã viết đến hơn 10 tập thơ, 7 tập văn xuôi, 8 tập phê bình tiểu luận và hàng ngàn trang di cảo làm nên một đời thơ vạm vỡ, bề thế.
Nhà lưu niệm Nhà thơ Chế Lan Viên ở tỉnh Quảng Trị. |
Gặp ánh sáng của Đảng, lý tưởng của cách mạng, tiếng nói của thời đại, tình yêu với Nhân dân, niềm tôn kính với lãnh tụ, hành trình thơ của Chế Lan Viên kể từ dấu mốc "Ánh sáng và phù sa", đến sau này với "Hoa ngày thường", "Chim báo bão", "Những bài thơ đánh giặc", "Đối thoại mới", "Ngày vĩ đại"… đều hướng về thực tế thời đại với những trầm tư, suy nghĩ về lẽ sống, nhân cách, về các giá trị truyền thống - thời đại - hùng hồn cho lương tri và trách nhiệm của người nghệ sĩ - chiến sĩ - công dân chân chính trước Tổ quốc, Nhân dân và dân tộc.
Ông xác định ý nghĩa cuộc đời mình, cũng như sứ mệnh của người nghệ sĩ trong thời đại mới. Đó là sẵn sàng tranh đấu và hy sinh cho dân tộc, Tổ quốc thiêng liêng: Ôi tổ quốc ta yêu như máu thịt/Như mẹ cha ta, như vợ như chồng/Ôi! Tổ quốc nếu cần ta chết/Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông… (Sao chiến thắng). Chính điều này đã làm nên tầm vóc của Chế Lan Viên khi ga đi và đích đến của thơ ông chính là Tổ quốc - Dân tộc - Nhân dân. Dù hình tháp hay hình thoi, mỗi hạt gạo phải làm nên máu thịt/Dù cành thấp hay cành cao, mỗi chùm hoa phải gọi ong về/Thơ cần có ích/Hãy bắt đầu từ nơi ấy mà đi (Nghĩ về thơ).
Đọng lại trong thơ ông chính là tình yêu về quê hương. Niềm hoài hương của ông cũng bắt nguồn từ tình yêu có được từ đáy lòng mình về quê hương xứ sở, về mảnh đất nghèo nơi nuôi dưỡng tâm hồn ông lớn lên. Cũng từ chiếc nôi làng xóm, họ tộc, từ quê nghèo đó đã đưa ông đến với đất nước rất đỗi thiêng liêng và đến với toàn nhân loại. Chính vì thế, trong bất cứ hoạt động nào, Chế Lan Viên luôn trăn trở và cảm thấy một phần trách nhiệm của mình, cả trong chiến tranh gian khổ và cả trong những năm tháng hoà bình.
Tôn vinh Nhà thơ Chế Lan Viên - một tài năng và mùa thơ vĩnh cửu, tại Quảng Trị đã có giải thưởng văn học nghệ thuật mang tên ông, một ngôi trường mang tên ông ngay tại huyện Cam Lộ. Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chế Lan Viên (23/10/1920-23/10/2020) và xuất phát từ tấm lòng tha thiết của nhà thơ với quê cha đất tổ, Nhà lưu niệm Nhà thơ Chế Lan Viên được xây dựng tại làng An Xuân. Khu đất xây dựng Nhà lưu niệm Nhà thơ Chế Lan Viên có diện tích 1.775 m2 nằm cạnh miếu Thành hoàng làng An Xuân và Nhà Văn hoá cộng đồng làng. Nhà lưu niệm tái hiện lại “không gian nhớ” của Chế Lan Viên với bóng dáng vườn mẹ yêu thương, với dư vị canh khế cá tràu da diết. Nhà lưu niệm không chỉ tái hiện lại “không gian nhớ” mà còn một điểm tham quan, du lịch văn hoá thân thuộc… để nhớ về Chế Lan Viên - một tài năng và mùa thơ vĩnh cửu.
Chế Lan Viên tên thật là Phan Ngọc Hoan, sinh ngày 23/10/1920, quê quán tại xã Cam An, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Ông lớn lên và đi học ở Quy Nhơn, rồi Hà Nội, sau đó đi làm báo, dạy học, hoạt động văn học. Ông là Uỷ viên Thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam, Uỷ viên Ban Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam; đại biểu Quốc hội các Khoá IV, V, VI, VII, Uỷ viên Uỷ ban Văn hoá - Giáo dục của Quốc hội. Ông từng tham gia hoạt động đối ngoại trên nhiều diễn đàn văn học quốc tế ở Liên Xô (cũ), Pháp, Nam Tư, Ấn Độ, Tây Âu./.
Minh Trí