(CMO) Từ đầu năm đến nay, huyện Đầm Dơi là một trong những địa phương chịu nhiều ảnh hưởng từ các vụ sạt lở đất ven sông, ven cửa biển.
Trước đây nhà ông Hòn dài 30 m, nay do sạt lở chỉ còn 4 m. |
Theo số liệu báo cáo, đến nay toàn huyện đã xảy ra 10 vụ sạt lở đất lớn với chiều dài hơn 300 m, làm thiệt hại 7 căn nhà, ước thiệt hại lên đến hơn 640 triệu đồng. Xã Tân Thuận xảy ra vài vụ sạt lở, tuy chưa có thiệt hại về người nhưng ảnh hưởng nhiều đến đời sống và sản xuất của người dân. Thực trạng sạt lở đất ở địa phương này diễn ra gần như hằng năm, nhưng do diễn biến thời tiết bất thường, sông ngòi chằng chịt, người dân thường có tập quán sống ven sông ven biển nên vấn đề di dời hay tạo các bờ kè chống sạt lở rất khó khăn.
Từ năm 2016, người dân sống ven sông Nông Trường, cửa biển Gành Hào, gần UBND xã Tân Thuận, giảm được nỗi lo khi bờ kè chống sạt lở với chiều dài hơn 230 m được đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, niềm vui chưa được bao lâu, công trình kè chưa hoàn thành thì đã xảy ra sạt lở với chiều dài hơn 50 m. Từ đó đến nay, người dân nơi đây phải tiếp tục thấp thỏm nỗi lo sạt lở. Ông Dương Hết Hồn, Chủ tịch UBND xã Tân Thuận, trăn trở: “Ấp Lưu Hoa Thanh và Xóm Tắc sạt lở diễn ra thường xuyên và rất nguy hiểm do người dân sống ven sông nhiều. Hoạt động ven sông thường gắn liền với buôn bán hoặc người dân chỉ có duy nhất nền nhà ven sông nên việc di dời là điều nan giải”.
Tình trạng sạt lở ở xã Tân Thuận không chỉ diễn ra ở các khu dân cư ven biển mà còn diễn ra ở hầu hết các tuyến sông. Trong đó đặc biệt nhiều ở các tuyến sông thông ra biển có lưu lượng nước triều lớn như sông ở ấp Đồng Giác, ấp Xóm Tắc. Ông Trần Văn Lâm ở ấp Xóm Tắc từng bị sạt lở nguyên căn nhà xuống sông. Mặc dù đã qua nhiều năm nhưng nỗi lo sạt lở vẫn còn ám ảnh ông. Hiện tại ông đã mua được nền nhà cách xa mé sông và quyết định từ nay về sau sẽ không bao giờ ở ven sông nữa. Bởi theo ông nghĩ, tài sản làm tích góp cả đời chỉ trong chốc lát sạt lở xuống sông hết thì làm sao không lo cho được. Thậm chí còn nguy hiểm đến tính mạng. Ở xa mé sông bất tiện trong đi lại, làm ăn, buôn bán cũng không được, nhưng được cái tài sản tích được nhiêu còn bấy nhiêu, không lo như ở dưới mé sông.
Tuy nhiên, đâu phải ai cũng có suy nghĩ như ông Lâm. Cuộc sống của họ gắn liền với sông nước và sạt lở. Nhà ông Huỳnh Văn Hòn trước đây có chiều dài gần 30 m mà nay đã sạt lở gần hết. Giờ vợ chồng ông phải sống trong căn nhà bếp với chiều dài khoảng 4 m. Nếu lở thêm lần nữa thì ông Hòn sẽ trắng tay, nhà đất mất hết. “Ai mà không muốn ở chỗ an toàn. Nhưng ngặt nỗi, giờ tôi làm nghề thợ rèn gắn liền với mé sông thì mới có khách. Vả lại, đâu còn đất ở đâu nữa mà đi, sạt tới đâu hay tới đó chớ biết sao giờ. Đêm tôi ngủ thì vợ tôi thức canh, vợ tôi ngủ thì tôi thức canh, cứ vậy tới khi nước lớn lên mới yên tâm đi ngủ. Sống vầy khổ quá nên mong Nhà nước có quỹ đất nào cho chúng tôi lên ở cho đỡ lo về tính mạng", ông Hòn trải lòng.
Sạt lở ở xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi diễn ra thường xuyên và liên tục, đặc biệt là trong những lúc mùa mưa, nước triều xuống thấp. Tuy nhiên, do tập quán sinh hoạt và sản xuất của người dân sống ven sông, ven biển nên địa phương ngoài việc tuyên truyền vận động người dân không cất nhà ở những nơi có nguy cơ sạt lở cao thì không còn cách nào khác. Ông Dương Hết Hồn thông tin: “Năm nào cũng sạt lở, có những nơi sạt lở vô hơn 50 m, có mưa xuống là sạt lở. Người nào có đất nhiều thì di dời lần vô cũng không đáng ngại. Duy chỉ có những hộ chỉ có duy nhất cái nền nhà mé sông thì không biết làm sao. Có người sáng ngủ dậy là mất hết nhà hết đất, trở thành người trắng tay. Chính quyền cơ sở chỉ có thể vận động và giúp đỡ về sức người chứ về kinh phí hỗ trợ sạt lở ở địa bàn ấp cũng không có, chủ yếu là báo cáo về trên hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn”.
Thời tiết ngày càng diễn biến thất thường, tình trạng sạt lở ngày một nguy hiểm hơn do ngày càng có nhiều người dân xây nhà kiên cố ven sông, hoặc ở những nơi có nguy cơ sạt lở cao. Mặt khác, ở những tuyến sông lớn hiện nay mỗi ngày có nhiều phương tiện giao thông công suất lớn qua lại gây ra lượng sóng lớn làm gia tăng nguy cơ sạt lở cho bờ sông. Và trước khi Nhà nước đưa ra những giải pháp phòng chống sạt lở hiệu quả, mỗi người dân cần tự nâng cao ý thức phòng tránh sạt lở bằng cách trồng nhiều cây chắn sóng, giữ đất ven sông. Không xây cất nhà kiên cố ven sông, ven biển và thường xuyên gia cố mé sông bằng cây lá hoặc làm kè để hạn chế sạt lở./.
Thanh Huyền