(CMO) Dự án “Tăng cường năng lực ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu cho cộng đồng ven biển vùng đồng bằng sông Cửu Long” của Tổ chức Cứu trợ trẻ em quốc tế tại Việt Nam thực hiện với mục tiêu thúc đẩy mô hình sinh kế thích ứng biến đổi hhí hậu; bảo vệ trẻ em thông qua mô hình trường học an toàn; tăng cường tiếp cận nước sạch vệ sinh cho hộ dân; hỗ trợ con giống, thức ăn và thuốc thú y cho hộ dân thực hiện mô hình sinh kế thích ứng; hỗ trợ các giải pháp giảm thiểu rủi ro cho trường học: hồ bơi, hàng rào, bồn nước, cặp phao; hỗ trợ hệ thống thu trữ nước mưa, nhà vệ sinh, thùng ủ phân hữu cơ…
Dự án được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Cà Mau trong 7 năm qua, từ tháng 7/2015 đến nay. Trong năm 2021-2022, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình phát triển kinh tế, đặc biệt là đời sống xã hội, tuy nhiên, bằng sự quyết tâm và nhiệt tình của ban quản lý dự án các cấp, các chương trình của dự án hoàn thành đúng tiến độ đề ra.
Bà Lê Thị Thanh Hương, Trưởng văn phòng đại diện của Tổ chức Cứu trợ trẻ em quốc tế tại Việt Nam, cho biết: “Các dự án trong Chương trình giảm thiểu rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu của Tổ chức Cứu trợ trẻ em được triển khai tại Cà Mau từ năm 2015 qua nhiều giai đoạn, là một trong những nỗ lực của Tổ chức Cứu trợ trẻ em hướng tới việc tăng cường khả năng chống chịu của trẻ em và cộng đồng trước các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu môi trường và đại dịch. Có thể nói, các hoạt động được triển khai rất nhanh, bài bản và chất lượng. Những ý kiến phản hồi tích cực của người dân và cộng đồng thông qua những chuyến thăm, giám sát của tôi và đồng nghiệp chứng tỏ dự án phần nào đáp ứng nhu cầu cần thiết của trẻ em, người dân và cộng đồng thông qua các mô hình hỗ trợ sinh kế, trường học an toàn, nước sạch, vệ sinh môi trường và giảm nhẹ rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Đây là nguồn động viên lớn cho chúng tôi tiếp tục cố gắng hơn nữa trong hành trình mang lại môi trường phát triển tốt nhất cho cộng đồng”.
Biển Bạch là 1 trong 2 xã của huyện Thới Bình được hưởng lợi từ dự án. Các chương trình của dự án được triển khai như mô hình sinh kế, nhà vệ sinh tự hoại, hệ thống thu trữ nước mưa và các hoạt động trong trường học. Trong đó, có 50 hộ được hỗ trợ mô hình sinh kế thích ứng, 80 hộ có nhà vệ sinh tự hoại và 80 hộ được nhận bồn chứa nước từ chương trình hệ thống thu trữ nước mưa. Qua gần 2 năm thực hiện, thời điểm này các chương trình của dự án cơ bản hoàn thành, hiệu quả mang lại từ dự án rất lớn, làm thay đổi nhận thức của người dân.
Gia đình ông Trần Ngọc Minh, Ấp 18, xã Biển Bạch được hỗ trợ mô hình nuôi gà từ dự án, giúp gia đình ông có điều kiện vươn lên. |
Bà Đoàn Xuân Nguyện, Phó chủ tịch UBND xã Biển Bạch, cho biết: “Trước đây những hộ nghèo, cận nghèo và hộ khó khăn chưa dám mạnh dạn đầu tư các mô hình kinh tế. Từ khi thực hiện dự án, họ được hỗ trợ từ chương trình của dự án, có thêm những tài sản như con giống, vật nuôi và đặc biệt là những kinh nghiệm được bộ phận kỹ thuật hướng dẫn. Sau 1 năm thực hiện các mô hình sinh kế này, những hộ hưởng lợi lại tái đàn và tiếp tục nhân rộng các mô hình đó cho những người thân của họ, góp phần phát triển kinh tế và vươn lên thoát nghèo bền vững”.
Bà Nguyễn Thị Thuý, Ấp 18, xã Biển Bạch là một trong những hộ gặp khó khăn, gia đình có 6 người, chồng bị khuyết tật. Gia đình được chính quyền địa phương giúp đỡ, dự án tài trợ gà con và thức ăn, đàn gà nuôi hơn 2 tháng, trọng lượng mỗi con trên 1 kg.
Bà Thuý phấn khởi chia sẻ: “Sau khi xuất bán, tôi sẽ tiếp tục tái đàn để có chi phí sinh hoạt trong gia đình. Tôi rất vui vì có đồng vốn để xoay xở”.
Được hỗ trợ từ dự án mô hình nuôi gà, gia đình bà Nguyễn Thị Thuý có cuộc sống tốt hơn. |
Đối với chương trình hỗ trợ nước sạch, vệ sinh môi trường, đặc biệt là nhà vệ sinh tự hoại và chương trình hỗ trợ thu trữ nước mưa, bà con có ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường. Những chương trình từ dự án hỗ trợ cho xã cũng góp phần giúp Biển Bạch thành công trong hành trình xây dựng nông thôn mới.
Chị Nguyễn Thị Cơ, Ấp 18, chia sẻ: “Hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn. Chồng đi làm thuê, còn tôi thì thuê đất cất nhà để buôn bán nhỏ. Gia đình tôi cũng nhờ có chính quyền và dự án giúp đỡ. Khi nhận được bồn nước từ dự án, gia đình rất vui vì có bồn chứa nước để sinh hoạt trong gia đình. Nhà tôi có em bé nhỏ, có bồn chứa nước này thì rất thuận lợi, tiết kiệm thời gian và chi phí vì không phải đi đổi nước từng ngày. Tôi rất cảm ơn dự án đã giúp đỡ, hỗ trợ gia đình tôi”.
Chị Nguyễn Thị Cơ được hỗ trợ bồn đựng nước, thuận lợi trong việc sử dụng nước sạch và tiết kiệm chi phí vì không phải đi đổi nước từng ngày. |
Ngoài ra, dự án cũng đem lại cho người dân những kiến thức về tăng cường năng lực ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Trước đây bà con chủ quan, lơ là trong việc phòng, chống thiên tai, đặc biệt là với những cơn dông, lốc xoáy. Qua những kiến thức truyền thông từ dự án, bà con có kỹ năng phòng, chống thiên tai, quan tâm chằng chống nhà cửa khi có những cơn dông xảy ra. Bên cạnh đó, họ tuyên truyền cho những người thân, những người dân xung quanh hiểu rõ hơn về cách phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu trong giai đoạn hiện nay.
“Chúng tôi luôn đánh giá rất cao sự hợp tác hiệu quả và vai trò của các cơ quan đối tác trong việc điều phối và triển khai thực hiện các hoạt động dự án. Dự án sẽ không thể triển khai theo đúng mục tiêu và chất lượng đặt ra nếu không có sự đồng hành, hỗ trợ nhiệt tình từ đối tác địa phương đặc biệt là Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh Cà Mau đơn vị trực tiếp triển khai các hoạt động dự án tại các huyện, xã. Trong các năm tới, Chúng tôi sẽ tiếp tục huy động nguồn lực hỗ trợ tăng cường khả năng chống chịu của trẻ em và cộng đồng trước các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, môi trường…”, bà Lê Thị Thanh Hương cho biết thêm./.
Hoàng Vũ