ĐT: 0939.923988
Thứ tư, 6-11-24 22:31:54
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Thăng trầm nghề đan đát

Báo Cà Mau (CMO) “Tre xanh xanh tự bao giờ chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh”(*) Những luỹ tre, khóm trúc xanh tươi, chiếc lá mỏng manh đu đưa trong gió, tiếng lá xạc xào buổi trưa hè từ lâu đã trở thành hình ảnh đẹp tô thắm nhịp sống thôn quê. Người Việt Nam đâu chỉ cần cù, lam lũ mà còn rất sáng tạo. Với những nguyên liệu đơn sơ của tre, trúc, người con của vùng đất chín rồng có thể linh hoạt sử dụng vào nhiều việc khác nhau: Cất nhà, cắm câu, làm lờ, làm lọp và đặc biệt là đan đát ra nhiều vật dụng phục vụ cuộc sống sinh hoạt thường nhật như đũa, rổ, thúng, sịa, nia... Làm để tự phục vụ cho cuộc sống gia đình và cũng có người xem đó là nghề để mưu sinh. Thế là, nghề đan đát được hình thành từ khi nào chẳng ai nhớ rõ.

Trải qua bao bể dâu, những luỹ tre làng không còn dày đặc như xưa, nhưng thật mừng là đâu đó, nơi những miền quê vùng ngọt hoá vẫn còn giữ được nét đơn sơ, bình dị. Những luỹ tre, khóm trúc vẫn còn được giữ gìn và nghề đan đát vẫn được lưu giữ cho đến hôm nay như bảo vệ nét văn hoá truyền thống quê hương.

Tết này đã gần chạm ngưỡng thất thập cổ lai hy, mái đầu đã bạc trắng, hàng ngày, vợ chồng bà Đào Hữu Duyên (Ấp 4, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời) vẫn thong thả, cần mẫn ngồi đan từng cái rổ, cái thúng. Nhẩm tính, bà Duyên đã gắn bó với nghề đan đát 50 năm tròn, nhớ lại chính bà còn giật mình vì gia đình có 3 thế hệ làm nghề này. Bà nối nghiệp từ mẹ mình và truyền nghề lại cho các con nhiều năm nay.

Những luỹ tre, khóm trúc vẫn được người dân nông thôn giữ gìn và nghề đan đát được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Ảnh: Nhật Minh

Nhờ nghề đan đát, cuộc sống gia đình chị Mai Thị Xuyên (Ấp 4, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời) ngày càng vươn lên.


Bà Duyên kể trong niềm tự hào: “Những bụi tre, bụi trúc được vợ chồng tôi gìn giữ từ thuở tôi mới theo ổng về đây sinh sống. Có bụi lên tới 38 tuổi đời rồi đó. Tôi với ổng có 5 đứa con gái. Đứa nào cũng biết đan đát, nhưng giờ chỉ có đứa thứ hai và đứa út là làm nghề suốt”.

“Nghề đan đát gắn bó như thế nào với dì?”, tôi hỏi. Nở nụ cười đôn hậu, bà Duyên bảo: “Cũng không biết nói sao, chỉ biết là từ xưa giờ chưa bao giờ thiếu vắng nó”. Đó, giản đơn là sự quen thuộc, gắn bó như nhịp thở trong cuộc sống.

Bà kể, quê bà ở xã Nguyễn Phích, huyện U Minh. Sống cảnh loạn lạc, đất đai rừng rậm, chẳng có lấy một công đất ruộng. Các anh, chị lớn thì đi theo tiếng gọi của Tổ quốc làm cách mạng, trong 6 đứa con còn lại ở nhà chỉ có bà là lớn nhất. Vậy là, mười mấy tuổi đầu, cô bé Duyên đã tập tành đan đát cùng mẹ. Chắc có lẽ thừa hưởng đức tính khéo léo, sáng dạ của phụ nữ Cà Mau nên tuy còn nhỏ nhưng hễ nhìn qua một lần là sản phẩm nào bà Duyên cũng nhanh chóng làm được. Cứ thế, bà đan được nhiều sản phẩm rồi cách mấy ngày, cùng mẹ ra chợ Cà Mau bán mấy trăm lá trầu, mấy chục cái rổ, cái nia đổi từng lon gạo, nuôi các em khôn lớn.

Thành gia lập thất, bà Duyên theo chồng về Ấp 4, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời và đem theo nghề này cho đến giờ. Bà còn truyền lại nghề cho người bạn đời của mình. Lúc nào vào vụ mùa thì chăm sóc mấy công ruộng, rảnh rỗi thì đan đát. Cuộc sống cứ thế bình dị, êm ả trôi. Giàu thì không giàu nhanh chóng, nhưng nhờ có nghề đan đát mà dù trong những lúc khó khăn, làm lúa đôi khi không đủ gạo ăn qua mùa giáp hạt, vợ chồng bà cũng chưa từng chịu cảnh làm thuê đây đó. Các con lớn lên trong sự chăm sóc đủ đầy, trong “ngũ long công chúa” có 2 đứa con gái học tới đại học, có việc làm ổn định, 3 đứa còn lại cũng học xong lớp 9.

Đứa con nào chịu học, vợ chồng bà Duyên lo học hành đến nơi đến chốn, còn đứa con nào năng lực học chữ có giới hạn thì bà khuyên nhủ gắng biết nghề đan đát. Bà bảo con: “Nghề này tuy đòi hỏi nhiều công sức nhưng nó phù hợp với phụ nữ quê mình. Chỉ cần chịu học là làm được, ít vốn và điều quan trọng là dù cuộc sống có bao đổi thay thì sản phẩm thủ công làm từ tre, trúc vẫn được người tiêu dùng lựa chọn, vẫn có được chỗ đứng nhất định mà không sản phẩm nào thay thế được”.

Chị Mai Thị Xuyên, cô con gái thứ 2 của bà Duyên là người giỏi nghề nhất trong các chị em. Cũng như mẹ mình, chị Xuyên biết nghề từ lúc mười mấy tuổi đầu và gắn bó với những cọng nan, vành cho đến khi đã có 2 đứa con gần tới tuổi trưởng thành. Bao nhiêu năm gắn bó với nghề đan đát, trải qua nhiều thăng trầm, theo chị Xuyên, người tiêu dùng, đặc biệt là bà con vùng nông thôn, vùng thị trấn vẫn ưa thích sử dụng rổ, thúng làm từ tre, trúc. Cái thời làm nghề đan đát của chị có khác chăng là không còn phải chào hàng, ngồi chợ bán lẻ từng cái thúng, cái nia như hồi mẹ của chị.

Qua bao năm làm nghề, tuy không có cái gọi là thương hiệu nhưng sản phẩm gia đình chị làm ra được bà con, mối lái tin tưởng nhận hàng và sử dụng. Vậy là, cứ có đơn hàng là chị Xuyên lại tất bật làm, làm quanh năm. Nhộn nhịp nhất là những tháng giáp tết. Nào là mối lái từ trước giờ hối thúc làm hàng nhanh, nào là khách lẻ từ các huyện Cái Nước, Đầm Dơi, Năm Căn, Phú Tân đặt sịa, nia để phơi tôm khô, cá khô trước tết. Việc làm nghề tất bật là thế, chị Xuyên còn đảm đang cả việc nhà, việc nước, làm tốt nhiệm vụ cộng tác viên y tế, chi hội trưởng chi hội nông dân ấp, tổ trưởng tổ phụ nữ.

Chị Xuyên tâm tình: “Ở nông thôn nhờ có nghề đan đát truyền thống của gia đình mà cuộc sống không rơi vào túng quẫn. Giàu thì không giàu bằng ai nhưng chắc và bền bỉ. Như đi làm công nhân, nghe nói một tháng thu nhập trên chục triệu đồng nhưng đâu phải lúc nào cũng vậy, lại xa con cái. Còn nghề đan đát này, một tháng vài triệu đồng nhưng có hoài, rảnh lúc nào làm lúc đó, thuận tiện chăm sóc gia đình, dạy bảo con”.

Không giàu có, nhưng nhờ bền bỉ với nghề mà vợ chồng chị Xuyên từ không cục đất chọi chim, tích luỹ dần mà giờ đã có trong tay gần chục công ruộng. Và quan trọng hơn là 2 đứa con, 1 gái, 1 trai đều được cắp sách đến trường và đạt thành tích cao trong học tập, tương lai rộng mở.

Tỷ phú do thời, triệu phú do cần. Cứ âm thầm lao động bền bỉ, tích góp, từ nghề đan đát đơn sơ, nhiều thế hệ đã lớn lên, nhiều gia đình có cuộc sống tươm tất. Nghề đan đát không mai một dù trải qua bao thăng trầm nhưng những người làm nghề như bà Duyên, chị Xuyên vẫn canh cánh nỗi lo: “Liệu thế hệ sau này có chọn nghề, giữ nghề truyền thống? Khi cuộc sống phát triển, con đường tương lai nhiều lựa chọn, không học hành tri thức thì đi làm ăn xa xứ, rồi mai đây, nghề đan đát có còn được gìn giữ như bây giờ..."./.

(*) Trích "Tre Việt Nam" của Nhà thơ Nguyễn Duy.

Ngọc Minh

Liên kết hữu ích
thiết kế biệt thự 3 tầng cao cấpTìm hiểu overthinking là gì Khám phá script trong công việc

Tăng tốc hoàn thiện các công trình, phần việc chuẩn bị lễ kỷ niệm 70 năm tập kết ra Bắc

Sáng nay (3/11), Phó bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Phạm Thành Ngại cùng các Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi, Nguyễn Minh Luân và Lê Văn Sử đồng chủ trì cuộc họp rà soát, báo cáo tiến độ thực hiện các hoạt động chuẩn bị Lễ kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc năm 1954-2024.

Chị Yến

Năm 1953, các trường trung học kháng chiến đưa học sinh đi tính thuế nông nghiệp. Chị Yến trong đoàn học sinh Bạc Liêu đến xã Tân Phú, huyện Hồng Dân làm nhiệm vụ. Thuế nông nghiệp tính theo 3 bậc: “lãnh canh”, “trực canh”, “phát canh”; ưu tiên cho nghèo làm đất mướn (lãnh canh) và có đất tự làm (trực canh) và tăng 25% đối với điền chủ cho mướn đất thu tô (phát canh). Do đó, phải có trình độ bút toán khá mới tính thuế nông nghiệp được.

Tăng cường “phủ xanh” thông tin tích cực, ngăn chặn thông tin xấu độc

Tăng cường "phủ xanh" thông tin tích cực, ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ thông tin xấu độc, làm trong sạch không gian mạng là mệnh lệnh của cuộc sống, là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, của tất cả công dân Việt Nam yêu nước.

Nhớ những ân tình trên đất Bắc

Trong rất nhiều câu chuyện của các cô chú đi tập kết 1954, mỗi người một độ tuổi, một vị trí công tác và ở những địa phương khác nhau, nhưng hầu như câu chuyện nào cũng nhắc đến sự cưu mang, nhường cơm sẻ áo của đồng bào miền Bắc.

Công trình Cụm tượng đài Chuyến tàu tập kết ra Bắc - Các hạng mục đã cơ bản hoàn thành

Công trình xây dựng Cụm tượng đài Chuyến tàu tập kết ra Bắc tại thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời được khởi công xây dựng vào đầu tháng 1/2024, với diện tích hơn 10 ha.

Hồ sơ đi B - Xúc động đường về

Lúc tôi đến nhà và thông tin với Bác sĩ Nguyễn Văn Thể (Phường 2, TP Cà Mau), Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh đang giữ hồ sơ đi B của ông và sẽ liên hệ trao trả, ông hết sức ngỡ ngàng. Cách đây hơn 50 năm, khi về Nam (gọi là đi B), ông đã gửi lại tất cả giấy tờ, hồ sơ cho Uỷ ban Thống nhất Trung ương, cứ nghĩ những hồ sơ ấy theo thời gian đã bị hư hao và tiêu huỷ.

Những nữ đại biểu dân cử vì dân

Thực hiện chiến lược về bình đẳng giới và tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các cơ quan dân cử, những năm qua, tỉnh Cà Mau luôn tạo điều kiện thuận lợi để tăng tỷ lệ nữ và nâng cao chất lượng hoạt động của các nữ đại biểu HÐND các cấp, qua đó giúp phụ nữ khẳng định vai trò, trách nhiệm của mình trong xã hội.

“Không gian văn hoá Hồ Chí Minh” trong trường học

Nằm trong khuôn viên của Trường THCS Phan Ngọc Hiển, Khóm 4, thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn, “Không gian văn hoá Hồ Chí Minh” vừa được Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Năm Căn phối hợp với các đơn vị thực hiện và xây dựng. Ðây là mô hình đầu tiên được triển khai trong khuôn viên trường học trên địa bàn tỉnh.

Nghĩa tình phụ nữ xứ Thanh

Cách đây 70 năm, năm 1954, thực hiện chủ trương của Ðảng và Bác Hồ, tỉnh Thanh Hoá đón nhận con em cán bộ, chiến sĩ và đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc học tập, để đào tạo đội ngũ cán bộ cho sự nghiệp giải phóng miền Nam và cả nước sau này. Tại Sầm Sơn, chị em trên địa bàn tỉnh, từng đoàn người đã đem theo cơm ngô, cơm khoai đi đón tiếp. Khi xuống thuyền, nhiều chị tự nguyện cõng thương binh vào bờ, đỡ từng cái ba lô, từng túi gạo; các mẹ đến quạt cho bộ đội, thiếu nhi... như đón người thân trở về.

Sưu tầm được nhiều tư liệu, hiện vật quý

Thực hiện Kế hoạch số 96/KH-BCÐ ngày 6/8/2024 của Ban Chỉ đạo các hoạt động Kỷ niệm 70 năm Sự kiện tập kết ra Bắc, Bảo tàng tỉnh đang chuẩn bị cho nhiệm vụ triển lãm hiện vật liên quan đến Hiệp định Giơnevơ, Sự kiện tập kết ra Bắc và thành tựu phát triển của tỉnh. Phóng viên Báo Cà Mau trao đổi với ông Lê Minh Sơn, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, xung quanh công tác này.