(CMO) Thông tin từ Sở Y tế, năm qua đơn vị đã thực hiện đồng bộ các giải pháp về lộ trình bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân, tỷ lệ người dân tham gia BHYT toàn tỉnh hiện là 92%, đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch.
Trong năm 2022, tổng số lượt khám, chữa bệnh (KCB) BHYT trên 2,15 triệu lượt, chiếm 61,7% so với tổng số lượt khám chung. Bình quân số tiền điều trị ngoại trú/bệnh nhân là hơn 242 ngàn đồng, bình quân số tiền điều trị nội trú/bệnh nhân là 3,43 triệu đồng.
Tuy nhiên, được biết, chi phí KCB BHYT vượt tổng mức thanh toán các năm trước còn tồn đọng (năm 2018, 2019, 2020) chưa được thanh toán rất lớn, với tổng số tiền hơn 49,3 tỷ đồng. Cụ thể, năm 2018, số tiền vượt là hơn 4 tỷ đồng; năm 2019 trên 15 tỷ đồng; năm 2020 hơn 30 tỷ đồng. Từ đó, dẫn đến các đơn vị gặp khó khăn nguồn kinh phí để trả nợ nhà cung cấp thuốc, hoá chất, vật tư y tế và mất cân đối nguồn kinh phí để hoạt động thường xuyên năm 2022 tại một số đơn vị.
Nhân viên Bệnh viện Ða khoa tỉnh kiểm soát chặt chẽ việc thanh toán BHYT đối với các chỉ định xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh... tránh vượt trần bảo hiểm trong KCB. |
Nói về khó khăn trong vấn đề này, ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Y tế, cho biết, tình hình thanh, quyết toán chi phí KCB BHYT, biên bản quyết toán hàng quý thường chậm trễ (đến nay chi phí thanh toán KCB BHYT quý III năm 2022 đã được cơ quan BHYT thẩm định nhưng chưa có biên bản quyết toán). Bên cạnh đó, chi phí KCB BHYT vượt tổng mức thanh toán các năm trước còn tồn đọng từ năm 2018, 2019, 2020 chưa được thanh toán rất lớn.
Qua đó, ông Nguyễn Văn Dũng kiến nghị, đối với Bảo hiểm xã hội (BHXH), cần thực hiện thanh, quyết toán chi phí KCB BHYT đúng thời gian quy định (có biên bản quyết toán cho đơn vị), giải quyết các vướng mắc đối với chi phí KCB BHYT còn tồn đọng; đồng thời, giao dự toán chi phí KCB BHYT cho từng cơ sở KCB phù hợp. Ngoài ra, phối hợp kiến nghị Bộ Y tế, BHXH Việt Nam thông tuyến các trường hợp bệnh mãn tính, như lao, HIV/AIDS… đăng ký KCB ban đầu nơi khác được KCB tại các bệnh viện chuyên khoa, phòng khám, điều trị HIV/AIDS của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật… (không cần giấy chuyển tuyến).
Ông Dương Minh Tùng, Phó giám đốc BHXH tỉnh, lý giải: “Vấn đề là làm sao kiểm soát được chi phí KCB BHYT bình quân; có tăng thì phải cho khách quan, hợp lý, giải thích được. Ðối với Cà Mau, đã qua việc chỉ định xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh chưa kiểm soát được, thường xuyên bị BHXH Việt Nam nhắc nhở. Ðối với tồn đọng giải quyết BHYT theo báo cáo khoảng 50 tỷ đồng, riêng BHYT của năm 2019 và 2020 là do chính sách, sẽ giải quyết để kiến nghị, báo cáo xem xét".
Về giải pháp, ông Tùng kiến nghị Sở Y tế cần phối hợp với BHXH tỉnh để kiểm soát vấn đề này, nhất là với y tế ngoài công lập, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; thực hiện theo chuyên đề, phần mềm để giám định thanh quyết toán BHXH. "Ngoài ra, năm 2023 Cà Mau dự báo có nhiều cái khó, bởi nhiều cơ sở y tế tư nhân đã hợp đồng KCB BHYT, nên y tế công lập cần nâng cao chất lượng KCB, điều chỉnh thái độ phục vụ của nhân viên y tế để thu hút bệnh nhân", ông Tùng chia sẻ.
Gỡ khó điều này, ông Nguyễn Minh Luân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, nhấn mạnh, ngành y tế cần phải rút kinh nghiệm sâu sắc và làm rõ trách nhiệm và không để lặp lại. "Chính sách bất cập thì phải kiến nghị sửa đổi, khi chưa sửa đổi thì không được phép vượt rào. Cần làm rõ nguyên nhân vượt, đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra, làm sao đảm bảo đúng quy định cũng như đảm bảo công tác chăm sóc sức khoẻ Nhân dân kịp thời”, Phó chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Thiết nghĩ, ngành y tế cần nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc về thanh toán BHYT còn tồn đọng để các cơ sở KCB chủ động cân đối nguồn kinh phí, cũng như đảm bảo được phần nào chi hoạt động thường xuyên của các đơn vị. Ðồng thời, kiểm soát chặt chẽ việc thanh toán BHYT đối với các chỉ định xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, tránh vượt trần bảo hiểm trong KCB./.
Hồng Nhung - Hữu Nghĩa