ĐT: 0939.923988
Thứ tư, 2-7-25 11:50:43
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Thảo thơm một tấm lòng

Báo Cà Mau Đã qua đầu giờ chiều, dưới cái nắng gay gắt của mùa khô, ông Tư (Huỳnh Văn Tư) vẫn len lỏi vào đám mía lau để dọn mớ cỏ tạp. Mồ hôi nhễ nhại, ướt đẫm cả người. Ðưa tay quệt ngang những giọt mồ hôi trên trán, ông Tư bảo: “Cỏ mọc nhanh hơn thuốc. Phải mần cho bằng hết, kẻo chúng lấn mấy loại thuốc quý thì tiếc lắm”.

Đã qua đầu giờ chiều, dưới cái nắng gay gắt của mùa khô, ông Tư (Huỳnh Văn Tư) vẫn len lỏi vào đám mía lau để dọn mớ cỏ tạp. Mồ hôi nhễ nhại, ướt đẫm cả người. Ðưa tay quệt ngang những giọt mồ hôi trên trán, ông Tư bảo: “Cỏ mọc nhanh hơn thuốc. Phải mần cho bằng hết, kẻo chúng lấn mấy loại thuốc quý thì tiếc lắm”.

Ở vùng quê Tân Thành, TP Cà Mau, mọi người vẫn quen gọi ông là cậu Tư. Ngày ngày ông quanh quẩn bên vườn thuốc nam, chăm sóc, trồng, chặt, phơi thuốc. Hễ chùa chiền, bà con cần loại thuốc gì là ông Tư quyết kiếm cho bằng được. 42 năm qua, ông lấy việc làm từ thiện làm lẽ sống cho mình và niềm hạnh phúc cho người.

Dọn xong cỏ, thấm mệt bởi đã qua tuổi 80, nhưng ông Tư vẫn tranh thủ ôm từng bó thuốc nam ra phơi. Ðể dược liệu khô đều, cứ độ ba mươi phút, ông Tư lại đảo thuốc một lần.

42 năm, ông Tư lấy việc trồng, chặt, vận chuyển thuốc nam làm niềm hạnh phúc cho mình, niềm vui cho người.

Vừa phơi thuốc xong, ông Tư lại liền tay chặt thuốc. Ông luôn miệng: “Chú hái lá mật gấu nhiều nhiều đi, loại thuốc này trị bệnh gan hay lắm. Ðem lên Sài Gòn để bà con sắc uống cho mau hết bệnh”. Vừa hái lá mật gấu, ông Hồ Ðại Quang, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Tân Thành, vừa gật gù:  “Ðược nhiêu lá thuốc đây là quý lắm. Số còn lại để cho người khác cậu Tư ơi”.

Chiều, lá thuốc khô xoăn lại. Mùi ngai ngái của thuốc lan khắp nơi. Ðó là thứ mùi gần gũi, quen thuộc với bà con ở vùng quê Tân Thành bởi họ vẫn chuộng thuốc nam để chữa bệnh. Không ít người đã khỏi bệnh nhờ vườn thuốc nam của ông Tư. Ông có thói quen phân loại các dược liệu ra thành cây, lá, củ, rễ. Số thuốc phơi khô hôm nay là cây mật gấu, được ông cột thành bó gọn gàng rồi chất lên xe và thong dong đạp về nhà. Ðã mấy chục năm qua, dường như ngày nào ông cũng làm những công việc như vậy.

Thấy cuộc sống của ông giờ thanh thản, mấy ai biết được ông cũng đã từng trải qua những năm tháng vất vả, gian nan. Ông Tư kể, năm 23 tuổi, nhờ người bác mai mối, ông cầm trầu cau đến dạm hỏi bà. Ðể rồi từ đó, ông bà gắn kết cuộc đời cùng nhau. Cuộc sống gia đình cơ cực, biết bao thăng trầm và khốn khó, nhưng ông bà luôn thương yêu, cùng chia sẻ mọi khó khăn. Vợ chồng hợp nhau ở tính siêng năng, cần cù lao động. Bà chăm đàn gà, đàn vịt, đàn heo, ông thì cuốc đất, lên liếp trồng rau muống, dưa leo… Vất vả quanh năm nhưng thu nhập cũng chỉ đắp đổi qua ngày.

Ðể nuôi gia đình với 8 nhân khẩu, ông Tư mua ngư cụ đi câu cua, giăng lưới bắt cá ở sông Bảy Háp, cửa biển Rạch Gốc, cửa biển Sông Ðốc. Cuộc đời ngư phủ có những chuyến đi khoang xuồng đầy ắp tôm, cá nhưng cũng có lúc về không. Thấy nhiều người giăng cá đối “có ăn”, ông Tư bàn với vợ vay tiền mua mấy tấm lưới. Ðánh cá được vài chuyến, ông Tư giã từ nghề hạ bạc vì toàn bộ ngư cụ bị mất. Lên bờ, đất ít, ông lại quay về, tận dụng từng mét vuông đất để trồng rau, chăn nuôi.

Sau ngày đất nước thống nhất, con nít khu vực Tân Thành bị nóng, nổi ban nhiều vô số kể. Vừa đi qua chiến tranh, dược phẩm khi ấy là của hiếm. Người dân thì nghèo, trẻ em lại bệnh mà thuốc men thiếu thốn. Tích luỹ kinh nghiệm một bài thuốc nam từ người cha truyền lại, hễ thấy trẻ nào trong xóm bị nóng ban, sổ mũi là ông Tư tìm cây me thúi, cây lá cách… có tác dụng hạ nhiệt, tiêu viêm mang đến tận nhà. Uống thuốc nam, trẻ hết bệnh. Cha mẹ chúng rất đỗi vui mừng. Ông Tư cũng vậy.

Cảm cảnh nghèo với nhau, ông hiểu nỗi khổ của những người nghèo không tiền mua thuốc. Muốn giúp đỡ người khác nhưng ngặt nỗi bản thân cũng nghèo. Suy đi tính lại chỉ ra công trồng thuốc là có thể cứu được nhiều người, vừa là niềm vui sống cho mình, vừa mang lại sự sống và hạnh phúc cho nhiều người khác. Ông Tư bàn với vợ mượn miếng đất ở Cổ miếu Bà Chúa Xứ (Tân Thành) trồng thuốc nam để trị bệnh cho bà con. Thấy việc làm đầy ý nghĩa của chồng, bà đồng tình ngay.

Ðược tiếp thêm động lực, ông Tư vận động bà con cùng ông phát quang, cuốc đất, lên liếp trồng thuốc nam. Nhờ cố công chăm sóc, vun phân, xới đất, nâng niu từng cành, từng lá nên thuốc bén đất lớn rất nhanh. Năm 1979, từ một vài cây thuốc ngũ trảo, dứa gai, me thúi ban đầu, một thời gian sau, những đám lau sậy, cỏ dại được ông Tư thay thế bằng vườn thuốc xanh um với hơn 150 loại.

Thời buổi kinh tế thị trường, không ít người trồng thuốc nam để kinh doanh, nhưng với ông Tư thì hoàn toàn ngược lại. Người xin thuốc uống hết bệnh tìm đến nhà gửi tiền, trái cây để tạ ơn, ông Tư nhẹ nhàng chối từ và cười bảo: “Trồng thuốc là để cứu người. Người bệnh mà uống thuốc nam đa số là người nghèo. Người bệnh khoẻ là tui mãn nguyện rồi”.

Từng là Chi hội trưởng Chi hội Chữ thập đỏ Khóm 1, phường Tân Thành, ông Tư có điều kiện gặp gỡ, nắm bắt nhiều hoàn cảnh nghèo khó, bệnh tật. Ông còn tranh thủ gặp gỡ bà con Việt kiều về nước, các doanh nghiệp và các nhà hảo tâm vận động gạo, tiền phát cho bà con nghèo, lo hậu sự cho hội viên nghèo qua đời. Cứ mỗi năm, ông Tư vận động hỗ trợ tiền, gạo cho hàng trăm lượt người nghèo trên địa bàn Tân Thành.

Từng là Trưởng Ban sưu tầm thuốc nam Tân Thành, ngày này qua ngày khác, hễ chăm sóc vườn thuốc xong là ông Tư lại lật đật đạp xe đến các chùa ở TP Cà Mau xem còn thiếu vị thuốc nào không. Theo đơn “đặt hàng” của các chùa, ông đều đặn sưu tầm, chặt, phơi khô và vận chuyển thuốc đến những nơi có nhu cầu. Cứ vậy, hằng tháng, ông Tư vận chuyển bằng xe đạp hàng trăm ký thuốc nam cho các chùa: Tịnh Ðộ, Phường 5; Quan Âm Cổ tự, Phường 4 và các phòng thuốc nam trong vùng. Không chỉ vậy, ai cần vị thuốc mà ở vườn không có, ông Tư cất công đi các tỉnh khác sưu tầm cho kỳ được, rồi chuyển cho.

Ông Tư bộc bạch: “Làm được việc có ích, tinh thần thoải mái, tâm an lạc, ngủ ngon. Chắc nhờ làm từ thiện mấy mươi năm nay tui không đau bệnh gì”.

Từ sự dạy dỗ nền nếp trong gia đình cùng những việc làm đầy tình thương yêu và lòng nhân ái của cha mẹ đã tác động đến việc hình thành nhân cách của các con. 6 người con của ông bà đều lập gia đình, kinh tế ổn định, hiếu thảo, hằng tháng đều chu cấp tiền để phụng dưỡng cha mẹ. Vợ ông, 77 tuổi nhưng vẫn khoẻ mạnh. Mấy mươi năm nay, cứ xong việc nhà, bà lại cùng ông chặt, phơi thuốc nam.

Ông Tư tâm sự: “Thằng Út hiện ở với vợ chồng tui. Trước đây, nó bị viêm gan C nhưng nhờ tích cực điều trị Ðông Tây y kết hợp nên kết quả âm tính”. Người con thứ hai của ông luôn ủng hộ ông làm từ thiện và có tâm nguyện muốn nối nghiệp ông. Biết ý định của con, ông Tư xúc động: “Cha có ra đi cũng mãn nguyện vì có người kế tục sự nghiệp hành y cứu người, giúp đời”./.

“Trên đời này, hiếm có ai được như ông Tư, 42 năm làm từ thiện mà không nhận bất cứ sự đền đáp nào. Ai bệnh, ai đau nửa đêm nửa hôm ông đều cầm đèn pin lặn lội tới hỏi thăm. Ông vinh dự được Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trao Kỷ niệm chương về thành tích xuất sắc trong hoạt động nhân đạo và xây dựng Hội Chữ thập đỏ Việt Nam vững mạnh”, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Tân Thành Hồ Ðại Quang hết lời khen ngợi.

Bà Út Nương, Ban miếu cổ Bà Chúa Xứ (Tân Thành), tấm tắc: “Có được vườn thuốc như hôm nay, cậu Tư đổ biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt. Biết bao vết cứa vào tay, chân vì cỏ ở đây ken kín. Cậu thương và chăm cây thuốc như con cháu. Có bao nhiêu thuốc cậu đều hiến cho chùa”.

Bà Trần Xuân Ðào, Trưởng Ban sưu tầm thuốc Nam, chùa Tịnh Ðộ, Phường 5, nể phục: “Mỗi năm, ông Tư mang thuốc nam đến hiến cho chùa Tịnh Ðộ trên một tấn. Nhờ vậy, giải quyết được tình trạng khan hiếm nguồn thuốc phục vụ cho bệnh nhân”.

Bút ký của Bích Lệ

Lớn lên từ những chuyến đi

Trong suốt chặng đường theo nghề báo hơn 25 năm, có những lúc áp lực, tưởng chừng sẽ phải dừng lại. Song, khi nhìn lại, tôi thầm cảm ơn và tự hào với những gì mà nghề đã mang lại cho tôi, đó là những chuyến đi, khám phá những vùng đất mới, xa xôi, đặc biệt là những chuyến đi biển, đảo. Chính những hành trình ấy đã tiếp thêm sức mạnh, tình yêu quê hương, đất nước, bùng thêm ngọn lửa nghề trong tim tôi.

Khi ý Ðảng gặp sức dân - Bài cuối: Nâng cao hiệu quả quản trị cộng đồng

Bức tranh toàn cảnh về sự hình thành và những thành công bước đầu của mô hình tổ Nhân dân tự quản (NDTQ) tại Cà Mau, cho thấy một thiết chế đầy tiềm năng trong việc kết nối ý Ðảng với sức mạnh cộng đồng. Tuy nhiên, hành trình xây dựng và phát triển mô hình này không tránh khỏi những “gập ghềnh”, những “nút thắt” cần được tháo gỡ.

Viết báo tết trong chiến khu

Buổi sáng cuối đông năm 1973, bầu trời se lạnh. Chúng tôi ngồi viết báo Tết trong khu vườn dừa của chú Sáu Lân ở ấp Lý Ấn, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau.

Khi phóng viên địa bàn đồng hành cùng địa phương

Từ thời Báo Minh Hải, phóng viên đã được Toà soạn phân công phụ trách địa bàn để cùng ăn, cùng ở, cùng làm với cơ sở, với bà con, nắm bắt thật sát tình hình địa phương, thực hiện các tin, bài nóng hổi tính thời sự, góp phần và đồng hành cùng với sự ổn định, phát triển của địa bàn phụ trách.

Khi ý Ðảng gặp sức dân

Trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa “của dân, do dân, vì dân”, ở Cà Mau, một mô hình tổ chức xã hội đặc biệt đang âm thầm bén rễ và lan toả sức sống: Tổ Nhân dân tự quản (NDTQ). Thoạt nghe, cụm từ này có vẻ khô khan, mang nặng tính hành chính, nhưng khi đặt chân đến những xóm, ấp nơi mô hình này đang hoạt động, người ta mới cảm nhận được hơi thở của sự tự nguyện, tinh thần đoàn kết và khát vọng làm chủ cuộc sống cộng đồng. Ðây không chỉ là hình thức tập hợp người dân theo địa bàn cư trú, mà sâu xa hơn, nó đang dần khẳng định vai trò như một cầu nối sống động, nơi ý Ðảng được truyền tải một cách gần gũi nhất, hoà quyện với nhu cầu và sức mạnh nội tại của Nhân dân.

Với nghề, tôi thấy mình như vừa chập chững tập đi...

Tôi bắt đầu công việc viết lách từ rất sớm, như các bạn tuổi mới lớn khác, tập tành sáng tác thơ và tản văn. Ở những năm học cấp III, tôi chi tiêu cho mua dụng cụ học tập, hàng quà hay những thứ lặt vặt khác, từ chính nguồn nhuận bút viết lách.

Thức cùng sóng biển

Hầu như năm nào cũng vậy, khi những làn gió chướng đầu tiên lao xao trên cành lá là cái rạo rực về những bài báo xuân cứ thôi thúc trong mỗi chúng tôi.

Làm báo thời chiến

Từ buổi bình minh của cách mạng và xuyên suốt các chặng đường đấu tranh gian khổ, báo chí Cà Mau luôn khẳng định là vũ khí sắc bén, đóng góp tích cực vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong những năm tháng đầy lửa đạn ấy, những người làm báo Cà Mau dù phải đối mặt với muôn vàn hiểm nguy, kề cận với cái chết nhưng vẫn kiên cường giữ vững niềm tin và khí tiết cách mạng. Họ đã xuất sắc hoàn thành sứ mệnh của những người chép sử, ghi lại chân thực cuộc chiến đấu anh dũng của dân tộc, của quê hương.

Nơi tôi “khởi mầm” nghề báo

Nhà báo Nguyễn Danh gọi nhắc: Báo Cà Mau chuẩn bị làm kỷ yếu kỷ niệm 100 năm báo chí cách mạng, Kiều Tiên viết gì gửi về đi! Dù bận khá nhiều việc ở cơ quan nhưng tôi cũng hứa sẽ tranh thủ viết. Xem đây là dịp để nhắc về kỷ niệm một thời cùng các anh chị em ở Báo Cà Mau và cũng để tri ân nơi “khởi mầm” nghề báo cho tôi đến hôm nay.

Hành trình về ngôi nhà chung

Đài Phát thanh - Truyền hình Cà Mau (CTV) được thành lập vào ngày 4/7/1977, tiền thân là Ðài Phát thanh - Truyền hình Minh Hải. Hơn một tháng sau ngày thành lập, Ðài chính thức phát đi tiếng nói đầu tiên lúc 5 giờ sáng ngày 19/8/1977, khởi nguồn chặng đường xây dựng và phát triển của loại hình báo phát thanh - truyền hình trên mảnh đất cực Nam Tổ quốc.