ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 20-9-24 22:32:24
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Thấp thỏm mùa mưa bão

Báo Cà Mau (CMO) Tỉnh ta có 3 mặt giáp biển, thời gian qua, biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã tác động tiêu cực tới gần như toàn bộ đường bờ biển của tỉnh. Không chỉ vậy, tình trạng sạt lở bờ sông cũng diễn biến hết sức nan giải.

Cứ đến mùa mưa bão, sạt lở bờ sông, bờ biển lại diễn ra phức tạp, đặt ra bài toán khó giải về việc thực hiện các giải pháp bảo vệ. Hiện hàng ngàn hộ dân sống ven sông, ven biển vẫn đang phải lo lắng, thấp thỏm và chờ đợi giải pháp từ cơ quan chức năng.

Liên tiếp sạt lở bờ sông

Trước đây, nhà lồng chợ Kênh 17 (xã Tam Giang, huyện Năm Căn) được xây dựng dọc tuyến Kênh 17 để người dân thuận tiện kinh doanh, buôn bán nhưng cũng cách bờ sông vài chục mét. Những năm gần đây, sạt lở liên tục diễn ra làm vạt đất hành lang bờ sông hẹp dần. Đầu tháng 7 vừa qua, đã xảy ra vụ sạt lở nghiêm trọng, kéo 14 căn nhà của các hộ tiểu thương xuống lòng kênh. Những tiếng đà, kèo gãy rắc rắc, sự rung chuyển nền đất, tiếng đổ ầm ầm cả nhà và nhiều tài sản khác xuống sông vẫn là nỗi ám ảnh với hàng chục hộ tiểu thương sống trong khu vực này.

Cơ quan chức năng đang khẩn trương khắc phục sạt lở đê biển Tây (đoạn Đá Bạc - Kênh Mới, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời).

Hộ dân chịu thiệt hại lớn nhất tại đây là gia đình anh Huỳnh Minh Hoàng. Gia đình anh Hoàng thuê 4 căn nhà lồng để buôn bán quần áo, vụ sạt lở đã làm mất khoảng 10 m đuôi cả 4 căn. Chưa tính phần hàng hoá bị cuốn chìm, ước thiệt hại tài sản cố định của gia đình anh trên 100 triệu đồng. “Khoảng 11 giờ đêm, nhà tôi đang ngủ thì nghe bà con la lên. Tôi chạy ra mới biết có hiện tượng sạt lở. Chạy ngược vào kêu vợ và 2 con thức dậy, bỏ chạy ra ngoài thì nguyên dãy nhà ven sông bị kéo đổ ầm xuống kênh. May mà thằng lớn hôm đó ngủ nhà trên, chứ ngủ nhà dưới như mọi đêm có khi không thoát kịp”, anh Hoàng chia sẻ.

Ở cách đó vài căn, phần nhà sau mới sửa lại trên 90 triệu đồng của gia đình chị Mã Tuyết Nhung cũng bị thiệt hại gần như hoàn toàn. Trước khi làm phần nhà sau, sợ bị sạt lở gia đình chị đã làm kè bên ngoài trước, nhưng sạt lở kéo cả bờ kè và nhà xuống sông. Điểm sạt lở có chiều dài khoảng 50 m này còn làm thiệt hại tài sản của 8 hộ dân khác, với tổng giá trị hơn 800 triệu đồng. Hiện nay, hàng chục hộ dân sống tại đây đang rất lo lắng vì những vết nứt kéo dài tiếp tục xuất hiện. “Tình hình này sạt lở có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Gia đình tôi phải dọn hết đồ đạc lên nhà trước đề phòng. Mong cơ quan chức năng sớm làm kè hay có giải pháp nào đó để bà con yên tâm”, chị Tuyết Nhung mong muốn.

Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau, mùa mưa năm nay bắt đầu chưa lâu, nhưng trên địa bàn tỉnh đã xảy ra hàng loạt vụ sạt lở đất ven sông, làm hư hại 3,2 km đường giao thông. Đặc biệt, các vụ sạt lở làm thiệt hại 44 căn nhà của người dân. Dự báo thời gian tới, tình hình sạt lở bờ sông sẽ còn diễn biến phức tạp hơn. Mới đây, tại xã Tân Tiến (huyện Đầm Dơi) tiếp tục xảy ra vụ sạt lở bờ sông, làm thiệt hại 4 căn nhà và 20 m lộ nhựa.

Sạt lở tại cửa biển Vàm Xoáy, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển.

 

Nỗi lo ở cạnh sóng biển

Tình hình sạt lở bờ sông của tỉnh nan giải là vậy, nhưng sạt lở bờ biển còn gây ra những hệ luỵ nặng nề hơn. Tại khu dân cư Bỏ Hủ ở cửa biển Bồ Đề (xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn) đang có hơn 70 hộ dân sinh sống. Trong đó có những hộ vài lần phải di dời nhà cửa để chạy sạt lở.

Gia đình ông Lê Minh Luân từng sở hữu căn nhà cấp 4 to, đẹp nhất khu dân cư này. Nhưng cũng vì sạt lở, cách đây vài năm ông phải bỏ ngôi nhà mà mình tiết kiệm nhiều năm mới làm được để chuyển vào trong, dùng cây gỗ địa phương dựng lại ngôi nhà để ở. “Làm được bao nhiêu tiền thì mất hết theo mấy lần dời nhà. Người dân ở đây nghèo cũng vì sạt lở. Không chỉ tôi, đa số bà con ở đây phải dời nhà ít nhất 1 lần rồi”, ông Luân, người 2 lần phải di dời nhà, buồn bã cho biết.

Ở cửa biển liên tiếp chịu ảnh hưởng sạt lở này, căn nhà của gia đình ông Diệp Thanh Hùng đang ở gần biển nhất, với khoảng cách chừng 10 bước chân. Từ đầu mùa mưa đến nay, thuỷ triều dâng cao, những cơn sóng dữ mấy lần ập tới căn nhà nên cặp vợ chồng ngoài 70 tuổi rất lo sợ. Muốn di dời nhưng không có chỗ để đi nên vợ chồng ông dự tính sẽ mang những đồ dùng sinh hoạt vào gửi nhà người thân trước, rồi tính tiếp. “Trước đây biển cứ lở lại bồi, tán rừng còn hơn 100 m bên ngoài che chắn cho khu dân cư. Khoảng 10 năm nay, không biết ông trời trở tính thế nào mà lở miết. Lở hết rừng bên ngoài, đánh mất luôn đồn biên phòng, biết bao hộ dân phải bỏ đi rồi, giờ lại đến nhà tôi”, lão ngư đã gần 30 năm định cư nơi đây than thở.

Chủ tịch UBND xã Tam Giang Đông Huỳnh Văn Sáu cho biết, xã có 16 cây số đường bờ biển thì toàn tuyến bị sạt lở nghiêm trọng. Sạt lở không chỉ làm mất rừng phòng hộ ven biển mà nhiều điểm đã vào tới đất nuôi tôm của người dân, gây thiệt hại sản xuất. Đặc biệt, tại cửa biển Bồ Đề và Hố Gùi, tình hình rất nguy cấp. Có 170 hộ dân sống ven theo 2 cửa biển này cần phải di dời để đảm bảo tính mạng, tài sản nhưng ngoài khả năng của xã.

Mong manh đê biển

Vấn đề sạt lở bờ biển của tỉnh không chỉ nan giải ở bờ biển Đông, mà phía biển Tây cũng rất cấp bách. Thực trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng đặt ra cho cơ quan chức năng tỉnh bài toán phải di dời khẩn cấp khoảng 4.800 hộ dân. Vừa qua, do ảnh hưởng của bão số 2, nhiều đoạn trên tuyến đê biển Tây của tỉnh lại đặt trong tình trạng báo động nên tình hình càng cấp thiết hơn.

Theo ghi nhận của chúng tôi, riêng đoạn đê biển Tây từ Đá Bạc - Kênh Mới (xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời), dài khoảng 4,5 cây số có khoảng 4 đoạn đê bên ngoài không còn rừng phòng hộ, sóng biển trực tiếp uy hiếp chân đê. Mới mấy ngày trước, thuỷ triều dâng cao, sóng lớn đánh sạt lở thân đê lại một lần làm người dân địa phương đứng ngồi không yên. Bà Trịnh Kim The, người dân sống tại chân đê phòng hộ ấp Kinh Hòn (xã Khánh Bình Tây), cho biết, cứ đến mùa mưa bão người dân nơi đây lại sống trong thấp thỏm. Vào tháng 8 năm ngoái, cơn triều cường kỷ lục làm nước biển tràn qua đê, tàn phá nhà cửa hàng chục hộ dân khu vực cửa biển Đá Bạc, khiến bà con không thể nào quên. Mới đây, triều cường lại dâng cao, tuy không đến mức nguy hiểm như năm trước nhưng nhiều đoạn chân đê bị đánh sạt lở nham nhở. Đặc biệt, gia đình bà sống gần điểm đê biển bị sụp lún dài hàng trăm mét chưa được khắc phục xong nên rất lo lắng.

Theo Sở NN&PTNT Cà Mau, ngoài đoạn Đá Bạc - Kênh Mới (chiều dài 850 m) bị sạt lở nghiêm trọng cần hộ đê, trên tuyến đê biển Tây còn nhiều điểm khác cũng trong tình cảnh tương tự, như đoạn bờ Bắc, bờ Nam cống Kênh Mới (chiều dài 765 m); đoạn từ Hương Mai đến Tiểu Dừa (chiều dài khoảng 957 m)... Còn trên địa bàn toàn tỉnh có hơn 250 km đường bờ biển thì khoảng 80% đang bị sạt lở. Trong đó có khoảng 76 km đường bờ biển bị sạt lở từ mức nghiêm trọng trở lên cần được bảo vệ.

Phó giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau Tô Quốc Nam cho biết, cơ quan chức năng tỉnh đang tập trung các nguồn lực khắc phục. Tại các vị trí xung yếu nêu trên, lực lượng hộ đê đang thực hiện làm các rọ đá để bảo vệ thân đê, bằng mọi giải pháp không để vỡ đê. “Nhu cầu vốn để thực hiện các giải pháp ứng phó sạt lở rất lớn. Nguồn lực của tỉnh không đảm bảo, còn nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương có hạn nên phải ưu tiên thực hiện tại những nơi cấp bách nhất. Trước mắt, những vị trí nguy hiểm nhưng chưa đáp ứng được, chúng tôi vận động những hộ dân có đất di dời trước. Các khu tái định cư đang đầu tư chúng tôi sẽ đẩy nhanh tiến độ di dời người dân vào vùng an toàn. Về lâu dài rất cần đầu tư thêm các khu tái định cư để đáp ứng nhu cầu thực tế”, ông Nam nói về vấn đề giải quyết nhu cầu tái định cư cho người dân./.

Sau chuyến kiểm tra tình hình sạt lở trên tuyến đê biển Tây của tỉnh vào ngày 6/8 mới đây, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải yêu cầu Sở NN&PTNT khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát trên toàn tuyến đê biển Tây, báo cáo đề xuất giải pháp xử lý, cơ chế, nguồn vốn thực hiện đối với từng đoạn phù hợp và phải sớm báo cáo UBND tỉnh xem xét, cho ý kiến. Về việc khắc phục sự cố sụp lún đoạn đê Kênh Mới - Đá Bạc, yêu cầu Sở NN&PTNT chủ trì, khẩn trương phối hợp với Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan nghiên cứu, tính toán giải pháp khắc phục phù hợp, tổ chức khắc phục nhanh nhất để đảm bảo tuyệt đối an toàn trong mùa mưa bão năm nay.

 

Khánh Hưng

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực - Bài cuối: Chìa khoá mở rào

Ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo hiện nay được xem là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững trên tất cả các lĩnh vực. Ðối với 2 ngành hàng chủ lực là con tôm và con cua, càng phải đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo để tạo bước đột phá vượt qua khó khăn, tiến tới phát triển bền vững.

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực - Bài 2: Vào chặng đường "địa hình"

Vài năm gần đây, 2 ngành hàng chủ lực của tỉnh đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Ðường đua trên thị trường của tôm, cua Cà Mau đang bước vào chặng “vượt địa hình” do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, sự cạnh tranh khốc liệt về giá cả của các quốc gia trong khu vực và quốc tế...

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực

Tôm, cua Cà Mau là 2 ngành hàng chủ lực nâng cao đời sống của đại bộ phận người dân trên địa bàn tỉnh, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành thuỷ sản tỉnh nhà nói riêng, cả nước nói chung. Tuy nhiên, những năm gần đây, 2 mặt hàng này đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, cần có sự thay đổi nhanh, toàn diện để tạo đột phá và phát triển bền vững.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài cuối: Xứng đáng với vai trò, trọng trách

Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chất lượng hoạt động của HÐND 3 cấp tại Cà Mau đã trở thành quyết tâm, xu thế để đại biểu dân cử, cơ quan dân cử xứng đáng với vai trò, trọng trách được cử tri tin tưởng trao gởi. HÐND các cấp của vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc đang ra sức phụng sự, phấn đấu, cống hiến vì mục tiêu xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài 3: Tiếp xúc cử tri “đúng người, đúng việc, đúng vai”

Ông Nguyễn Tiến Hải, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HÐND tỉnh Cà Mau, từng rất trăn trở: “Tiếp xúc cử tri mà cán bộ nhiều hơn dân thì chưa đúng người, đúng việc, đúng vai. Tình trạng này phải chấn chỉnh ngay, phải để tiếp xúc cử tri là nơi thể hiện quyền làm chủ thật sự, thực chất của Nhân dân; để bà con cử tri đóng góp ý kiến, đề đạt tâm tư, nguyện vọng và hiến kế góp phần vào sự ổn định, phát triển chung của địa phương”.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài 2: Giám sát có trọng tâm, trọng điểm

Giám sát là hoạt động quan trọng của HÐND các cấp, góp phần xác định vị thế, năng lực hoạt động của đại biểu dân cử, cơ quan dân cử, tạo dựng niềm tin và sự tín nhiệm đối với cử tri. Giám sát có trọng tâm, trọng điểm; đa dạng hình thức giám sát, được đo đếm bằng kết quả thực tế, sự đánh giá của cử tri chính là nỗ lực, mục tiêu mà các cấp HÐND tỉnh Cà Mau đang dồn sức thực hiện.

Hành trình của khát vọng và hành động

HÐND là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân; thay mặt Nhân dân quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương bằng việc ban hành các nghị quyết tại các kỳ họp trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hoá - xã hội, quốc phòng - an ninh và trong phạm vi thẩm quyền theo quy định pháp luật.

“Thắng giặc nghèo” không khó - Bài 2: Linh hoạt với những mô hình hiệu quả

Giai đoạn 2020-2025, Cà Mau có nhiều cách làm chủ động, linh hoạt trong thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững. Nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi, chuyển đổi nghề hiệu quả, hàng loạt kế hoạch đào tạo lao động tại địa phương đã giúp người dân vượt khó vươn lên, mang tính thực tiễn cao.

“Thắng giặc nghèo” không khó - Bài cuối: Nhìn từ thực tế

Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, đến năm 2022 Trung ương mới bắt đầu phân bổ kế hoạch vốn và ban hành các văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện. Dù còn gặp nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách, các hướng dẫn từ Trung ương chưa đầy đủ, kịp thời nhưng được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HÐND, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành cấp tỉnh, cùng với sự nỗ lực của địa phương và người dân, các hoạt động thuộc chương trình đã và đang triển khai thực hiện cơ bản đạt mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

“Thắng giặc nghèo” không khó

Với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, nhất là sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của người dân, các chính sách giảm nghèo được triển khai thực hiện đồng bộ trên địa bàn tỉnh, mang lại kết quả tích cực. Nhiều hộ nghèo, cận nghèo sau khi thoát nghèo có cuộc sống ổn định, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng lên.