(CMO) Năm học mới đã dần ổn định. Năm nay, ngành giáo dục của tỉnh có nhiều công việc phải lo toan, trong đó phải hoàn thành các mục tiêu tinh gọn trường lớp trước đó đã được Thường trực Tỉnh uỷ, UBND tỉnh thông qua.
Mượn câu chuyện triết lý về quy luật của những dòng sông: Trừ những dòng sông kín, còn lại tất cả dòng sông đều đổ ra biển. Và trên con đường ra biển cả, dường như những dòng sông không chỉ có một dòng chính, mà còn có những nhánh sông, những con rạch được tách ra, để sau đó cùng chảy ra đại dương, để có thể nói lên được vai trò của các ngành, đoàn thể, giai cấp trong xã hội trong việc chung vai thực hiện các chủ trương, quyết sách ở địa phương.
Và câu chuyện tin gọn trường, lớp, sắp xếp giáo viên giờ cũng như quy luật của những dòng sông vậy. Nhiều năm chuẩn bị, hơn 3 tháng sốt sắng rà soát, bổ sung, đề xuất, sắp xếp, đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã xoá giảm 199 điểm trường lẻ, giảm 680 giáo viên, nhân viên cấp tiểu học và THCS.
Song song đó, sau sắp xếp lại lớp học các cấp mà trước đó được lãnh đạo UBND tỉnh nhận định: “Các trường có xu hướng chia nhỏ các lớp để tăng số lớp, làm tăng nhu cầu giáo viên (đặc biệt là cấp tiểu học, THCS) dẫn tới kinh phí chi cho giáo dục - đào tạo thường xuyên thiếu hụt” thì toàn tỉnh giảm 758 lớp học.
Trong khi đó, theo báo cáo của ngành giáo dục và đào tạo, năm học mới này tỉnh tăng 13.757 học sinh (trong đó, số học sinh đăng ký vào học lớp 1 hơn 26.800 em), nâng tổng số học sinh các cấp lên con số ấn tượng 250.000 em.
Tinh gọn trường lớp để học sinh có điều kiện học tập hơn. (Trong ảnh: Giờ vui chơi của trẻ ở Trường Mầm non Bạch Dương, huyện U Minh). |
So lại những con số thống kê này nhiều người không khỏi giật mình: học sinh tăng trong khi trường, lớp và giáo viên giảm! Đến ngày 12/9, tại Công văn số 7134 /UBND-NC của UBND tỉnh về việc cung cấp trao đổi thêm thông tin cho báo chí, một lần nữa UBND tỉnh khẳng định cơ số học sinh trên lớp học các cấp vẫn đảm bảo theo các chuẩn quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Như vậy, nhận định trước đó về hiện tượng chia nhỏ lớp ở trường học là có cơ sở nhất định.
Cũng cần phải hiểu rõ, đánh giá đúng về thực trạng, vai trò của các điểm trường lẻ trước đây và hiện tại. Do điều kiện đặc thù của tỉnh, hệ thống sông rạch chằng chịt, trước đây giao thông đi lại rất khó khăn, kinh tế chậm phát triển, trình độ dân trí thấp, số học sinh không được đi học hoặc bỏ học khá nhiều. Chính vì vậy, tỉnh chủ trương xây dựng nhiều điểm trường lẻ để thu hút, tạo điều kiện thuận lợi để học sinh có điều kiện đi học.
Tuy nhiên, điểm trường lẻ có hạn chế lớn là các lớp học có ít học sinh (có lớp chỉ trên 10 em), công tác quản lý đối với điểm lẻ không chặt chẽ, chất lượng dạy và học không đảm bảo.
Đến nay, kinh tế của tỉnh đã phát triển, đời sống người dân được nâng lên, giao thông đi lại khá thuận lợi. Vì vậy, việc tồn tại quá nhiều điểm trường lẻ là không còn phù hợp.
Quá trình thực hiện nhiệm vụ giáo dục và đào tạo, qua nhiều giai đoạn, nhiều quy định của bộ, ngành về quy chuẩn, quy chế giáo dục mầm non và các bậc học phổ thông. Cùng với hạn chế trong quản lý của các cơ quan, địa phương nên thời gian qua ngành giáo dục các huyện, thành phố đã tự hợp đồng thêm giáo viên, dẫn tới kinh phí chi cho giáo dục - đào tạo thường xuyên thiếu hụt.
Trong đó, kinh phí chi cho sự nghiệp giáo dục, mua sắm, sửa chữa hầu hết để chi trả lương hợp đồng giáo viên. Vì vậy, cơ sở vật chất không được đầu tư, bị xuống cấp, thiếu hụt, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.
Thấy được vấn đề đó, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã chủ trương rà soát, sắp xếp lại trường, lớp, giáo viên nhằm giảm số điểm trường lẻ (chỉ tạm thời giữ lại những điểm trường lẻ ở xa, giao thông khó khăn); sắp xếp, ghép trường, lớp đảm bảo giảm khâu trung gian; bố trí mỗi lớp học có sĩ số học sinh phù hợp quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và tình hình thực tế của tỉnh.
Trên cơ sở đó, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên để đảm bảo đúng quy định, nâng cao chất lượng, đủ về số lượng, đáp ứng tốt yêu cầu giáo dục và đào tạo của tỉnh.
Quan điểm của tỉnh chỉ đạo vấn đề này vẫn khách quan, dứt khoát và đảm bảo tính hợp lý. Cụ thể, xử lý đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên dôi dư không sắp xếp được, tỉnh yêu cầu các phương án: nếu trong biên chế thì chuyển vị trí công việc trong cùng trường (nếu còn vị trí phù hợp) hoặc chuyển từ trường thừa sang trường thiếu trong cùng địa bàn. Nếu không sắp xếp được cùng địa bàn thì chuyển sang địa bàn khác.
Nếu là hợp đồng: cán bộ, nhân viên hoàn thành tốt nhiệm vụ, có chuyên môn phù hợp, có nhu cầu thì Phòng Giáo dục giới thiệu sang nơi còn thiếu cần hợp đồng (nếu có); tạo điều kiện tìm việc làm mới hoặc chấm dứt hợp đồng theo quy định. Trong trường hợp cả vợ chồng đều là đối tượng dôi dư thì không cắt giảm cả 2 mà xem xét giữ lại 1 người.
Tỉnh còn chỉ đạo các trường xem xét lại tính phù hợp và nhu cầu giáo viên, nhân viên. Đồng thời, cho chủ trương 2 cấp mầm non và THPT được hợp đồng thêm giáo viên, nhân viên đảm bảo hoạt động, nhu cầu giảng dạy khoa học.
Như vậy, chủ trương sắp xếp trường, lớp, giáo viên của tỉnh Cà Mau là hết sức cần thiết, góp phần giữ ổn định, nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh. Trong quá trình thực hiện, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và các cơ quan liên quan thường xuyên thông tin công khai, minh bạch cả những việc làm được và chưa làm được. Điều đó chứng tỏ đây là chủ trương đúng, phù hợp và có kế hoạch chứ không phải tự dưng UBND tỉnh cho hợp đồng và cũng không phải chủ trương của UBND tỉnh trước sau bất nhất.
Ngẫm lại chuyện đường đi của những dòng sông ra biển có thể thấy không có sự thay đổi nào là dễ dàng. Nhất là thay đổi về tâm lý, thói quen, thậm chí thay đổi cả tư duy chấp nhận. Thực tế, hiện nay vẫn còn những suy nghĩ so bì của những người “phải ra đi”. Rồi thì vẫn còn kiểu tư duy cấp trên đổ cho cấp dưới, cấp dưới trách cấp trên.
Thay vì than phiền, nên cùng nhau chung tay hành động. Nhưng muốn hành động thì phải có người đi tiên phong, quyết đoán đến cùng, nếu không khéo lại đi vào vết xe đổ: đánh trống, bỏ dùi./.
Phong Phú