(CMO) Năm nay thời tiết thất thường, mưa dầm đến sau Tết Nguyên đán nên diêm dân Tân Thuận chưa thu hoạch được gì. Điệp khúc được mùa rớt giá, được giá thì… không có muối bán, mỗi năm diêm dân đều nếm trải.
Làng muối Tân Thuận nằm ven cửa biển Gành Hào, thuộc ấp Lưu Hoa Thanh, xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau. Làng muối này hình thành cách đây hơn 35 năm, diêm dân bắt đầu vụ muối từ tháng 11 đến tháng 4 âm lịch hằng năm.
Ngậm ngùi nghề muối
Chỉ tay ra ruộng muối hơn 3 ha, không giấu được vẻ mặt lo âu, Phó trưởng ấp Lưu Hoa Thanh Trần Văn Ngộ thở dài: “Mấy năm trước, giữa tháng Giêng là có 200-300 giạ muối bán rồi, vậy mà năm nay đến giờ vẫn chưa thấy hột muối nào. Trời thì lúc nắng lúc mưa. Tết vừa rồi, chỉ 2 đợt mưa thôi làm tụi tôi mất trắng vụ muối. Trời mưa dầm nên phải xả hết nước ra, cải tạo, bơm nước vô ruộng để phơi lại từ đầu. Chưa năm nào thất muối như năm nay".
Hơn 20 năm qua, ông Ngộ gắn với nghề làm muối, mà nói đúng hơn là cái nghiệp. Ông đã nếm trải biết bao cay đắng, ngọt bùi cùng hạt muối. Khi thì mất mùa được giá, khi thì được giá mất mùa. Chẳng hạn như năm 2016, diêm dân trúng mùa, nhưng giá muối lại rớt thê thảm, chỉ có 14.000-20.000 đồng/giạ, còn năm nay thì thất muối. Đây vốn là điệp khúc không chỉ diêm dân mà mọi nông dân đều đã thuộc nằm lòng.
Ông Ngộ tâm sự: “Vất vả, giá thấp, mất mùa nông dân không nản, chỉ sợ là mình cô độc, tự xoay sở một mình. Không biết đến bao giờ hạt muối của diêm dân chúng tôi làm ra mới được quý như hạt gạo”.
Không chỉ ông Ngộ, mà 74 hộ làm nghề muối ở xã Tân Thuận đều rơi vào cảnh lao đao sau hai đợt mưa lớn sau Tết vừa qua. Hơn 180 ha muối của diêm dân phải tháo nước, cào, phơi đất, lấy nước vào ruộng làm lại từ đầu.
Trưởng ấp Lưu Hoa Thanh Lê Quốc An thông tin: “Gần một nửa số hộ làm muối ở đây không có nghề khác, họ chỉ trông chờ vào 6 tháng làm muối. Thế nhưng làm trúng mùa thì bị ép giá, thất mùa giá cao cũng không đủ sống. Muốn gắn với nghề cũng khó. Làm muối ở đây thiếu khoa học kỹ thuật, vì là nghề “cha truyền con nối”, phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết".
"Thời tiết thất thường, giá cả bấp bênh, muốn chuyển đổi sang nuôi trồng thì không biết nuôi trồng con, cây gì. Nhiều người không có đất, làm xong mùa muối thì kiếm việc làm mướn tại địa phương, hoặc đi nơi khác làm ăn, 6 tháng sau lại về làm muối tiếp", ông Lê Quốc An trần tình.
Đau đáu một làng nghề
Nghề làm muối ở ấp Lưu Hoa Thanh không chỉ gìn giữ một làng nghề truyền thống, nguồn cung cấp muối trong và ngoài tỉnh, mà còn góp phần tạo việc làm cho những người không có đất và nghề nghiệp ổn định. Đến mùa muối, mỗi người làm công cũng được trả 24 triệu đồng sau 6 tháng.
Cuộc sống khó khăn, không đất đai sản xuất, chị Danh Thị Bao cùng gia đình lặn lội từ huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu qua đây làm công nghề muối. Hơn 12 năm nay, chị Bao rành rọt từ cách cào đất, phơi đất đến lấy nước, cào muối ở xứ làm muối này. Chị Bao chia sẻ: “Làm muối tuy cực, ở ngoài ruộng suốt ngày, nhưng quen rồi, cũng đủ sống. Muối không thể thiếu trong bữa ăn mỗi người, vậy mà nghề muối xưa giờ vẫn bấp bênh”.
Đợt mưa sau Tết nguyên đán khiến diêm dân Tân Thuận mất trắng vụ muối. Chị Danh Thị Bao đang bơm nước, làm vụ muối lại từ đầu. |
Tổ hợp tác Diêm nghiệp được thành lập năm 2007, đến nay có 24 thành viên, nhằm hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong sản xuất muối. Vì có đầu tư khoa học kỹ thuật nên hạt muối Tân Thuận rất trắng, chất lượng cao. Vậy mà từ khi thành lập đến nay, tổ hợp tác vẫn không định được giá muối. Hạt muối diêm dân làm ra vẫn bị thương lái thu mua ép giá, bởi không bán cho họ thì không biết làm gì với lượng muối tồn kho.
Anh Lâm Thanh Tùng, Tổ trưởng Tổ hợp tác Diêm nghiệp, cho hay, từ lúc có nghề làm muối ở đây chưa năm nào trời mưa trái mùa như năm nay. Làm nghề muối mà trời mưa là trắng tay. Do đến tháng này mà vẫn chưa có muối thu hoạch nên thương lái ra giá từ 30.000 – 35.000 đồng/giạ.
“Nếu trúng mùa thì muối bị ép giá, tồn kho, hư hao, chỉ có diêm dân chịu thiệt. Trong khi đó nước mình lại đi nhập khẩu muối. Nếu nói muối diêm dân làm không chất lượng thì các ngành, các cấp hướng dẫn sao cho hạt muối tạo ra đạt chất lượng để vừa không phải nhập khẩu muối, vừa tạo ra thị trường tiêu thụ trong nước ổn định, cho bà con diêm dân yên tâm trụ vững với nghề”, anh Lâm Thanh Tùng bức xúc.
Mặc dù là làng nghề sản xuất thủ công truyền thống, nhưng mỗi năm ruộng muối ở Tân Thuận này cho năng suất trên 70 tấn/ha. Năm 2014, Sở Khoa học – công nghệ hỗ trợ 4 ao chứa nước cho diêm dân, mỗi ao ngang 4m, dài 16m, sâu 2m đã mang lại hiệu quả cao, nhưng bao nhiêu đó cũng chỉ là "muối bỏ biển".
Nếu được đầu tư thêm nhiều ao chứa nước như vậy thì diêm dân sẽ ứng phó được với thời tiết thất thường. Tuy nhiên, kinh phí thực hiện khá cao, mỗi ao đầu tư trên 20 triệu đồng. Sau những chuyến khảo sát của ngành chức năng, sự hỗ trợ diêm dân vẫn còn nằm trong “tính toán trên giấy tờ”.
Những cơn mưa trái mùa làm dịu đi vị mặn của biển nhưng lại làm cho vị muối của diêm dân trở nên đắng. Sự đắng cay ấy sẽ còn đeo đẳng họ bởi hơn 35 năm qua, những diêm dân Tân Thuận vẫn cô độc trên chính ruộng muối của mình.
Thảo Mơ
Khó chuyển đổi nghề Ông Dương Hết Hồn, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thuận cho biết, hiện diêm dân đang đối mặt với 3 khó khăn lớn. Thứ nhất là thời tiết thất thường; thứ hai là đầu ra bấp bênh, giá cả không ổn định; thứ ba là nhiều hộ muốn chuyển đổi sang nghề khác nhưng không được, do điều kiện tự nhiên và vốn liếng, khoa học kỹ thuật hạn chế. Và hiện nguồn nước đang bị ô nhiễm do các khu công nghiệp, khu dân cư trong nội địa thải ra nên chuyện chuyển từ làm muối sang nuôi tôm rất khó thực hiện. |